Các bà mẹ có con nhỏ thường mua cho con ăn các loại váng sữa nhập khẩu đang được bán rộng rãi trên thị trường với suy nghĩ rằng đây là “những gì tốt nhất được chắt lọc từ sữa”. Thế nhưng báo Tuổi trẻ mới đây có bài viết cho rằng các loại váng sữa nhập khẩu đang bị nghi ngờ “mạo danh” váng sữa.
Mặc dù nói rằng không nên lạm dụng váng sữa và nêu thực trạng có loại không phải là váng sữa nhưng vẫn ghi nhãn là váng sữa, nhưng bài viết của báo Tuổi trẻ không nêu rõ váng sữa thực chất là gì? Ngoài ra, tìm kiếm trên mạng cũng thấy nhiều báo đã viết về váng sữa, với công dụng và tác dụng rất khác nhau nhưng vẫn không làm rõ được khái niệm váng sữa là gì? VnReview giúp bạn trả lời thắc mắc này.
Thị trường có hàng chục loại sản phẩm khác nhau có tên gọi “váng sữa”. Ảnh: VnReview
Váng sữa là gì?
Váng sữa (milk scum) là lớp phân tử chất béo nổi lên kết thành một mảng lớn trên bề mặt của sữa khi đun nóng sữa hoặc để yên trong một thời gian và không đậy nắp. Lớp váng sữa này còn được gọi là kem sữa (milk cream), sau khi tách đi lớp váng sữa này thì ta thu được sữa tách béo (skimmed milk).
Nếu muốn có sữa nguyên kem (whole milk, full cream milk) thì phải tránh cho sữa hình thành lớp váng này bằng cách thường xuyên khuấy sữa, đun lửa vừa, đặt một thứ gì nhẹ và nổi trên bề mặt, ví dụ như kẹo xốp Marshmallow, tránh cho không khí lạnh tiếp xúc với bề mặt sữa nóng bằng cách đậy nắp…
Khi đun nóng sữa hoặc để yên sữa một thời gian, bề mặt sữa sẽ xuất hiện một lớp váng sữa. Ảnh: Internet
Váng sữa được sản xuất chủ yếu ở Trung Âu và Đông Âu, phổ biến ở các nước như Nga, Séc, Ba Lan, Hungary, Đức, Ucraina với tên gọi smetana, còn người Tây Âu có loại tương tự tên là sour cream (kem chua) hoặc Crème fraîche theo tiếng Pháp, nhưng với hàm lượng chất béo ít hơn.
Sở dĩ có tên kem chua vì khi chưa có công nghệ làm sữa, váng sữa được sản xuất bằng cách để nguyên sữa cho sữa tự đóng váng, trong quá trình đóng váng vi khuẩn acid lactic có trong sữa sẽ lên men khiến cho váng sữa có vị chua mặc dù vị chua này rất nhẹ. Ngày nay váng sữa được sản xuất công nghiệp bằng cách dùng máy ly tâm để tách váng sữa khỏi sữa tươi nguyên chất.
Váng sữa/Kem sữa sau khi được tách khỏi sữa sẽ được đun nóng để tiệt trùng, sau đó sẽ được dùng để sản xuất các chế phẩm khác như bơ, pho mát, sữa chua/sữa đông, kem tươi (whipping cream)…
Chế phẩm từ váng sữa có hàm lượng chất béo khác nhau
Cũng giống như sữa được chia thành các loại sữa nguyên kem (3-4% chất béo), sữa giảm béo (2%), sữa ít béo (1%) và sữa không béo (<0,5%) tùy theo hàm lượng chất béo có trong sữa, váng sữa cũng được phân loại dựa trên hàm lượng chất béo so với tỉ trọng nước trong sữa.
Loại váng sữa/kem sữa có hàm lượng béo cao nhất (heavy cream) thường có hàm lượng chất béo từ 35-50%. Đây gần như là váng sữa nguyên chất, thường ít dùng để ăn trực tiếp vì nó rất béo, mà chỉ dùng như một nguyên liệu để chế biến các món ăn khác như nấu súp, trộn salad, làm các món tráng miệng. Thường thì váng sữa phổ biến hơn ở các dạng có hàm lượng béo từ 10-30% (light cream, whipping cream). Bơ có hàm lượng chất béo lớn nhất, thường từ 80-82%, còn pho mát chỉ có hàm lượng chất béo khoảng 29-30%.
Ở Việt Nam, các nhà máy sữa Mộc Châu, Ba Vì có sản xuất và bán loại váng sữa nguyên chất này, nhưng số lượng ít và không bán rộng rãi. Váng sữa này có hàm lượng chất béo 50%.
Sản phẩm váng sữa nguyên chất của Công ty CP Giống Bò sữa Mộc Châu. Ảnh: Internet
Các loại váng sữa nhập khẩu đang được bán rộng rãi trên thị trường là sản phẩm được chế biến từ váng sữa/kem sữa hoặc sữa nguyên kem, với hàm lượng chất béo từ 6-15% tùy loại, dùng làm món tráng miệng cho trẻ em. Do là sản phẩm đã được chế biến và thêm vào các thành phần phụ như hương liệu tạo màu, các loại hạt, chất làm đặc, chất ổn định… nên nguyên gốc tên sản phẩm không gọi là váng sữa mà là “món tráng miệng làm từ sữa”, dễ thấy trên các vỏ hộp bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp: Milch-Dessert mit Vanille, Vanilla milk dessert (món tráng miệng làm từ sữa, hương vani) hoặc cream dessert (món tráng miệng làm từ kem sữa). Riêng các loại váng sữa từ Nga thì có ghi rõ các sản phẩm là váng sữa 15% hoặc váng sữa 20% (Cmetahobha). Tên gọi “váng sữa” in trên nhãn phụ của sản phẩm là do các nhà nhập khẩu đặt tên để dễ gọi và dễ tiếp thị.
Váng sữa trên thị trường chủ yếu được nhập từ Đức. Ảnh: VnReview
Khá nhiều váng sữa được nhập dưới dạng hàng xách tay, trong đó có loại từ Pháp. Ảnh: Internet
Váng sữa Nga với hàm lượng béo 20% có lẽ không phù hợp với trẻ em. Ảnh: Internet
Như vậy, nếu hiểu đúng từ “váng sữa” thì đó phải là loại váng sữa nguyên chất, các sản phẩm có tên váng sữa trên thị trường chỉ là chế phẩm từ váng sữa. Nếu như các chế phẩm khác của váng sữa được gọi với tên riêng như bơ, pho mát, kem tươi… thì nên chăng các sản phẩm này cũng cần có tên gọi riêng để tránh gây nhầm lẫn và khó hiểu cho người tiêu dùng?
Váng sữa đang bị quảng cáo quá sự thật?
Dòng sản phẩm váng sữa nhập khẩu đang được nhiều nhà phân phối và người bán quảng cáo một cách “thần thánh hoá” về hiệu quả giúp trẻ chóng lớn, tăng cân, bổ sung nguồn năng lượng dồi dào, hàm lượng canxi cao (thường giới thiệu ở mức 15%) giúp trẻ phát triển chiều cao vượt trội. Chưa kể một số loại giới thiệu có hàm lượng vitamin, khoáng chất dồi dào, phong phú. Điều này khiến khiều phụ huynh lầm tưởng sản phẩm này là “những gì tốt nhất được chắt lọc từ sữa”, thậm chí cho con ăn thay sữa.
Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng in trên nhãn sản phẩm lại không ghi cụ thể là những loại vitamin, chất khoáng nào, hàm lượng bao nhiêu. Chẳng hạn, váng sữa Milky Lux được quảng cáo là váng sữa Pháp, “bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng đặc biệt cho các bé biếng ăn, người gầy, người chơi thể dục thể thao, làm đẹp da cho phụ nữ, người ốm dậy, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể…”, nhưng thành phần ghi trên vỏ hộp không có gì đặc biệt: “sữa nguyên kem, tinh bột sắn biến tính, đường, bột bơ sữa, muối và các hương vị khác”, tương tự như các loại váng sữa khác trên thị trường.
Váng sữa Milky Lux đang quảng cáo rất rầm rộ. Ảnh: Internet
Như đã nói ở phần trên, váng sữa là sự liên kết của các phân tử chất béo có trong sữa, do đó thành phần chính của váng sữa là chất béo, chất đạm, canxi. Các vitamin và khoáng chất như A, E, B2, B12, C, PP, biotin, beta – carotene…, các axit hữu cơ, canxi cho đến clo, phốt- pho, ma-giê, natri, sắt, kẽm, i-ốt, đồng… nếu có cũng chỉ chiếm tỉ lệ không đáng kể trong thành phần của váng sữa mà nằm lại trong phần sữa đã tách kem. Do đó, váng sữa chỉ giàu chất béo nhưng nghèo khoáng chất, chỉ nên dùng như một thực phẩm bổ sung năng lượng cho trẻ, không được dùng thay thế sữa công thức và sữa mẹ.
Cũng cần nói thêm rằng, loại váng sữa nguyên chất có hàm lượng chất béo quá cao cũng không phù hợp cho trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu dùng thì cần chế biến bổ sung thêm các nguyên liệu khác để bé dễ tiêu hóa.
Ngay cả với các loại chế phẩm làm từ váng sữa với hàm lượng béo từ 7-15% cũng chỉ nên dùng cho trẻ sau 1 tuổi để tránh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ. Nếu cho trẻ sau 1 tuổi ăn, vẫn cần theo dõi mức độ hấp thu của trẻ, chỉ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ, với lượng dùng hợp lý là khoảng 1 hộp/ngày hoặc cách nhật, với nguyên lý “cái gì quá đều không tốt”. Những trẻ không nên dùng: trẻ dưới sáu tháng tuổi, trẻ bị thừa cân – béo phì, trẻ đang bị tiêu chảy, trẻ dị ứng với sữa bò…
Ngọc Mai