Vẻ đẹp của nghệ thuật ngâm thơ (Kỳ 2) – Điện Ảnh, Nghệ Thuật – viendongdaily.com

Băng Huyền/ Viễn Đông

Sự giao duyên của âm nhạc dân tộc cùng với thi ca

Trong các loại nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, “ngâm thơ” là một hình thức nghệ thuật độc đáo, mà trong đó giai điệu của thơ thường chan chứa những nỗi niềm mượt mà sâu lắng. Ít loại hình nghệ thuật nào cô đọng, hàm súc như thơ, tựa hồ mọi cảm xúc như được dồn nén vừa khít trong từng ấy con chữ. Có những bài thơ khiến nhiều thế hệ độc giả luôn mãi tấm tắc ngợi khen, bởi “ý tại ngôn ngoại.” Sức quyến rũ của thơ ca không chỉ nằm trên trang giấy, mà còn ở trong giọng đọc, giọng ngâm của người nghệ sĩ.

Hồ Điệp diễn ngâm cùng các nghệ sĩ.

Nếu đọc thơ đơn thuần là đọc lên bài thơ với giọng đọc diễn cảm lên giọng và xuống giọng, còn bình thơ được nhấn mạnh hay kéo dài những chữ quan trọng với tiết tấu chậm rãi, trau chuốt hơn. Thì ngâm thơ ra đời như một cách tiếp cận thơ qua thanh điệu, âm nhạc, để hiểu rõ và thẩm thấu trọn vẹn ý nghĩa của từng lời thơ. Ngâm thơ thường không có tiết tấu, mỗi chữ trong câu thơ được ngân nga, lên cao xuống thấp, trầm bổng nhịp nhàng. Phải chăng vì nhạc điệu linh hoạt trong ngôn ngữ Việt, với đặc tính ngôn ngữ và quy ước về vần điệu, nên thơ Việt Nam có thể được diễn ngâm và chỉ ở Việt Nam mới có nghệ thuật ngâm thơ độc đáo, đã ra đời từ đó đến nay hơn mười thế kỷ.
Ngâm thơ còn tùy theo thanh giọng của người ngâm. Nếu ý thơ vui, rộn ràng thì người ngâm phải ngâm giọng xuân, ngược lại thì phải dùng giọng ai hoặc giọng oán để người nghe cảm nhận được nỗi buồn trong thơ. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ ngâm thơ phải khéo léo tài tình. Họ phải phát âm cho rõ ràng câu chữ, không làm sai lệch ý nghĩa lời thơ mà vẫn lên bổng xuống trầm, ngân nga theo đúng làn điệu, giọng xuân hay ai, oán.
Có thể nói ngâm thơ chính là sự giao duyên của âm nhạc dân tộc cùng với thi ca. Ở nơi nào trên thế giới cũng có thơ, bài thơ nào cũng có thể tìm được người tri kỷ dù có phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhưng nghệ thuật ngâm thơ như của người Việt thì dường như ít nơi đâu có được.

Những thể điệu trong nghệ thuật ngâm thơ

Nghệ thuật ngâm thơ của Việt Nam có nhiều cách ngâm với cấu trúc âm thanh đặc trưng cho từng vùng miền mà mỗi làn điệu đều có nét tinh tế, duyên dáng riêng. Được biết nghệ thuật ngâm thơ Việt Nam có khoảng 60 thể điệu ngâm thơ. Có những thể điệu dùng để ngâm những bài thơ cổ như điệu Cổ Phong, điệu Bình Văn, Nhà Nho, Tráng Sĩ Hành… Sa Mạc (Ngâm theo thang âm xừ – xang – xê – cống – liu – ú), Bồng Mạc (với thang âm hò – xang – xê – cống – liu ), hay Đường Thi, Lẩy Kiều và Tao Đàn dùng để ngâm thơ mới….
Còn ngâm theo thể điệu Đường Thi thì lối ngâm này không kéo dài, phải dùng giọng mũi khi ngân nga, có âm hưởng dân ca miền Bắc, lối ngân nga hao hao theo điệu hát chầu văn, hát ả đào, hát quan họ Bắc Ninh, hát trống quân… tùy theo ý mà dùng các điệu dân ca rồi lồng vào thơ.
Để giúp độc giả rõ hơn về nét độc đáo của nghệ thuật ngâm thơ Việt Nam, người viết xin được trích dẫn nhận định của Giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Hải, là một chuyên gia về âm nhạc châu Á người Việt Nam sống tại Pháp (là con trai trưởng của giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê) , đã được ông phổ biến trên trang nhà của ông trên mạng lưới toàn cầu.
Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải đã phân loại thể điệu ngâm thơ Việt Nam theo 3 miền, Bắc- Trung- Nam.
Theo ông, ở miền Bắc có 4 loại ngâm thơ: ngâm sa mạc, ngâm Kiều hay lẩy Kiều, ngâm thơ theo hát ru, ngâm thơ theo hát nói.
“Riêng với Ngâm Sa Mạc, ông nhận xét thang âm sa mạc rất đặc biệt, có sự hiện hữu của quãng ba trung, nghĩa là quãng ba ở chính giữa hai quãng ba thứ, và quãng ba trưởng. Thang âm như sau: Do, Mi trung, Fa, Sol, Sib, Do. Người ngâm phải biết thể luật ngâm theo điệu Sa Mạc. Tất cả chữ chót của câu thơ bằng dấu huyền như “làng , buồn, tình, đời, v.v.” thì phải ngâm ở nốt DO. Còn chữ chót của câu thơ bằng không dấu như “thương, yêu, tôi, anh, em” thì ngâm ở nốt MI trung.
Còn ngâm Kiều hay Lẩy Kiều, thì theo giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải, ai là người Việt cũng đều biết tới truyện Kiều. Nhưng cách ngâm Kiều không phải là ai cũng biết. Thang âm gần giống như thang âm Sa mạc nhưng không có quãng ba trung mà là quãng ba thứ và được trình bày như sau: Do, Mib, Fa, Sol, Sib, Do. Khi ngâm ngừng ở chữ dấu huyền ở cuối câu thơ thì phải ngâm ở nốt DO. Khi chữ chót của câu thơ là không dấu thì phải ngâm ở nốt FA. Do đó tạo sự khác biệt giữa Sa Mạc và lẩy Kiều.”
Nếu ngâm thơ theo Hát Ru. Vì Hát ru là điệu ru con miền Bắc, dựa trên thang âm: Do, Re, Fa, Sol, La, Do. Nên chữ có dầu huyền ở cuối câu thơ phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót không dấu thì phải ngâm ở nốt FA. Gọi là ngâm thơ chứ thật ra là hát ru, vì không có hát… à á a ời ! à á a à ơi !… như trong hát ru.
Với thể điệu Ngâm thơ theo hát nói. Do hát nói là một thể loại trong Ca Trù được dùng vào cách ngâm thơ miền Bắc. Thang âm rất đặc biệt: Do – Fa – Lab- Do. Chữ chót của câu thơ là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót là không dấu thì ngâm ở nốt FA, chứ không thể ngâm ở bất cứ nốt nào. Người nào muốn ngâm theo thể Hát nói, thì phải có căn bản về Ca Trù , nếu không thì sẽ ngâm sai.”
“Ở miền Trung có ngâm thơ Huế tức là dựa trên thang âm miền Trung (được nghe lúc hát hò mái nhì, hò mái đẩy). Thang âm gồm có những nốt nhạc như: Do, Re (hơi thấp), Fa (hơi cao), Sol, La (hơi thấp), Do. Nốt cuối câu có thể ở nốt DO hay nốt FA tùy theo người ngâm muốn dừng ở đâu.
“Ở miền Nam có nhiều cách ngâm thơ. Ở lục tỉnh người ta đọc thơ Vân Tiên (truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu). Thang âm: Do , Mib, Fa, Sol, La, Do. Chữ chót là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO. Nếu chữ chót là không dấu thì phải ngâm ở nốt FA.
Ngâm thơ theo điệu Hò thì cũng dựa trên thang âm đặc biệt miền Nam như thang âm dùng trong đọc thơ Vân Tiên.
Còn riêng về cách ngâm thơ Tao Đàn đặc biệt của miền Nam, theo giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải, thể điệu này do nhà thơ Đinh Hùng (người miền Bắc) tạo ra sau hiệp định Genève năm 1954 chia nước Việt ra hai miền Bắc- Nam. Nhà thơ Đinh Hùng có làm một chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Saigon “Ngâm thơ Tao Đàn.” Trong chương trình này có cách ngâm thơ đặc biệt, và khán giả nghe quen gọi là ngâm thơ theo điệu Tao đàn. Thang âm hoàn toàn miền Nam: Do, Mib, Fa, Sol, La, Do. Chữ cuối câu thơ nếu là dấu huyền thì ngâm ở nốt DO. Còn nếu không dấu thì ngâm ở nốt FA hay có thể ngừng ở nốt SOL.
Lúc trước 1975, ở miền Nam, trong chương trình “ngâm thơ Tao Đàn” ngoài Đinh Hùng , còn có nghệ sĩ Hồ Điệp (trước khi di cư vào Nam, từng là cô đầu hát ca trù rất hay), Tô Kiều Ngân, nữ ca sĩ Hoàng Oanh, v.v….”
Thông thường khi thưởng thức một bài diễn ngâm của nghệ sĩ ngâm thơ, người thưởng thức luôn để cho cõi lòng mình thật tĩnh lặng thì sẽ có một sự đồng cảm và đón nhận trọn vẹn những gì mà ý thơ muốn chuyển tải. Nghệ thuật này hay không chỉ từ giọng ngâm, cách diễn ngâm của người nghệ sĩ, từ nội dung của bài thơ, mà còn quyến rũ người nghe bởi tiếng đàn, tiếng sáo minh họa, giúp nghệ thuật ngâm thơ được thăng hoa. Tiếng đàn còn có tác dụng mở màn và kết thúc bài ngâm, đỡ lời cho người nghệ sĩ nghỉ lấy hơi hay chuẩn bị làn hơi để giọng ngâm ngọt ngào, tinh tế hơn.
Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải cho rằng lúc khởi đầu vào đầu thế kỷ 20, đệm cho nghệ sĩ ngâm thơ chỉ có tiếng sáo, đàn tranh, đàn bầu. Về sau có thêm đàn nguyệt (hay đàn kìm theo miền Nam).
“Từ khi có thể điệu ngâm thơ Tao đàn thì lại có thêm piano. Lúc trước 1975 ở Saigon, GS Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi là người đàn piano để đệm ngâm thơ rất được ưa chuộng. Sau này ở hải ngoại, những người ngâm thơ được đệm chánh là tiếng sáo, tiếng đàn tranh, và đôi khi đàn bầu. Sự giới hạn nhạc khí là do bởi ở hải ngoại hiếm có nhạc sĩ đàn kìm.”
Người nghệ thuật ngâm thơ muốn chạm được đến trái tim người thưởng thức khi diễn ngâm, thì không thể chỉ cần vững vàng về kỹ thuật mà rất cần có sự rung cảm sâu sắc trước một tác phẩm thơ và truyền đạt nó bằng cảm xúc. Người nghệ sĩ diễn ngâm, muốn thể hiện đúng tinh thần bài thơ, phải hiểu tác giả định nói gìtrong tác phẩm, âm điệu, nhạc điệu của bài thơ để thấu hiểu hồn thơ. Cốt lõi là phải cảm được hồn thơ. Bởi có hiểu hồn thơ mới có thể cất lên thành khúc ngâm truyền cảm, lay động lòng người.
Ngâm thơ là một cách hát thơ, nhưng nó khác hát các ca khúc ở chỗ người ngâm tự tạo lấy nhạc điệu và tiết tấu. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ diễn ngâm rất cao, trước mỗi bài thơ cần ngâm, người diễn ngâm sẽ xem bài thơ này hợp với thể ngâm nào, bồng mạc hay sa mạc… có khi là một giai điệu do nghệ sĩ cảm thụ mà sáng tạo. Câu nào ngân lên, đoạn trầm đoạn bổng là đâu, ngắt câu nhả chữ, luyến láy ở đâu…
Hiện nay ngay tại trong nước, vẫn chưa có một trường lớp chính quy nào dạy cách ngâm thơ như các trường thanh nhạc. Bản thân người nghệ sĩ ngâm thơ phải tự mày mò tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thông qua truyền khẩu. Nghệ thuật ngâm thơ là một kho tàng quý giá mà dân gian Việt Nam đã để lại cho con cháu. Nếu thế hệ tiếp nối không tiếp tục giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo này thì thật hoài phí và có lỗi với người xưa biết bao. (bh)

 

Rate this post

Viết một bình luận