Thế nào là một cuốn sách viết cho thiếu nhi? Những tác phẩm không chủ đích viết cho trẻ em nhưng được các em đọc và đón nhận có được coi là văn học thiếu nhi? Những sáng tác viết cho trẻ em được đa số người lớn hưởng ứng còn trẻ em lại không mấy yêu thích có thuộc văn học thiếu nhi?… Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên thực chất, cũng chính là đi tìm chìa khóa để giải mã các vấn đề thuộc về đặc trưng riêng của bộ phận văn học này.
Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã đưa ra rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn học thiếu nhi. Trong khuôn khổ những tư liệu có được, chúng tôi nhận thấy, khi nhận diện văn học thiếu nhi, các học giả quan tâm tới vấn đề: đối tượng tiếp nhận, nội dung phản ánh của tác phẩm, điểm nhìn trần thuật.
Từ góc độ đối tượng tiếp nhận, nhiều nhà nghiên cứu đã định nghĩa văn học thiếu nhi thông qua độ tuổi của người đọc. M.R.Margaret viết: “Một số người cho rằng văn học thiếu nhi là nhịp cầu nối từ độ tuổi sơ sinh tới 18 tuổi. Tuy nhiên, như tôi biết, không học sinh trung học hay phổ thông nào cho rằng mình là trẻ em. Vì vậy, tôi định nghĩa văn học cho lứa tuổi 13 đến 18 tuổi là văn học thanh niên và văn học cho tuổi từ sơ sinh đến 13 tuổi là văn học thiếu nhi. Các trường tiểu học truyền thống nhận trẻ từ 6 tuổi và những đứa trẻ này tới 12 hoặc 13 tuổi sẽ hoàn thành cấp tiểu học” (1). Bà cũng cho rằng rất dễ phân biệt một đứa trẻ tiểu học và một học sinh trung học hay phổ thông, cũng dễ dàng phân biệt giữa độ tuổi 13 và 14 tuổi, bằng cách đơn giản là hỏi chúng. Nhưng rất khó để phân biệt giữa văn học cho thiếu nhi và văn học cho thanh niên. Tác giả đi đến kết luận rằng các định nghĩa và sự phân chia rất cực đoan và đôi khi trẻ em sẽ làm bạn ngạc nhiên khi chúng vượt qua những ranh giới phân loại trong lựa chọn đọc sách. Margaret đã định nghĩa về văn học thiếu nhi bằng cách phân định độ tuổi của độc giả. Tuy nhiên, bà cũng nhận thấy trên thực tế, việc xác định một tác phẩm văn học trẻ em viết cho đối tượng nào không đơn giản. Ví dụ, tác phẩm Giết con chim nhại của Harper Lee ban đầu không phải dành cho trẻ em, nhưng truyện lại được kể dưới góc nhìn của một cô bé 8 tuổi, trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc. Mặc dù vậy, cuốn sách cũng đề cập đến những vấn đề gai góc của cuộc sống như: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, trọng nam khinh nữ… Loạt tác phẩm Harry Portter của J.K. Rowling, mặc dù ban đầu là hướng đến trẻ em, nhưng đã gây ra tranh cãi về việc ai sẽ yêu thích những cuốn sách này, đặc biệt khi cuốn sách nói về những vấn đề có tính phổ quát với tất cả các loại độc giả.
Jan Susina, giáo sư về văn học thiếu nhi và văn hóa của Đại học Illinois State (Mỹ) cho rằng: “Giống như các khái niệm về thời thơ ấu, văn học thiếu nhi là một cấu trúc văn hóa, đang trong quá trình phát triển. Văn học thiếu nhi bao gồm những văn bản được viết riêng cho trẻ em, những văn bản được trẻ em lựa chọn, ranh giới giữa văn học trẻ em và văn học người lớn rất mong manh” (2). Ông cũng chỉ ra rằng các nhà xuất bản đã khiến cho sự phân biệt sách dành cho trẻ em và người lớn trở nên khó khăn hơn bởi chính việc ấn hành. Ví như bộ truyện Harry Potter của J. K. Rowling luôn có phiên bản cho trẻ em và người lớn mà sự khác nhau chỉ là ở bìa sách. Hay như những truyện kể dân gian, ban đầu không phải dành cho trẻ em nhưng chúng đã trở thành một bộ phận của văn học thiếu nhi. Bên cạnh đó, có những cuốn sách viết cho trẻ em ở TK XVII, XVIII lại được đọc bởi phần lớn độc giả người lớn. Thực tế cho thấy, văn học thiếu nhi được viết, minh họa, xuất bản, tiếp thị, mua bởi chính người lớn để dành cho con cháu nhằm giáo dục hay giải trí.
Cùng chung ý kiến với M.R.Marshall, trong Sách của trẻ em trong bàn tay trẻ: Dẫn nhập về văn học của trẻ, Temple, Martinez, Yokota và Naylor nhận định rằng: “văn học thiếu nhi là tập hợp những cuốn sách đọc cho trẻ em và được đọc bởi trẻ em… từ sơ sinh tới 15 tuổi” (3). Các tác giả cũng cho rằng rất khó để định nghĩa một cuốn sách trẻ em.
Charlotte Huck, một trong những chuyên gia đầu tiên về văn học thiếu nhi, coi trọng điểm nhìn trong sáng tác văn học trẻ em. Sách trẻ em là sách mà cái nhìn trẻ thơ là cái nhìn chủ đạo. Ông cho rằng trẻ em đã trở nên tinh tế, trải đời trong cuộc sống hơn trẻ em ở thế hệ trước.
Maria Nikolajeva, giáo sư chuyên nghiên cứu về văn học thiếu nhi của khoa Văn, Đại học Stockholm, Thụy Điển, đồng thời là giáo sư danh dự của khoa Văn, Đại học Abo Akademi ở Phần Lan đã chỉ ra tính đặc thù của văn học thiếu nhi và cho thấy cần phải nghiên cứu tính thẩm mỹ riêng của văn học thiếu nhi để có thể hiểu được chức năng, sức ảnh hưởng đối với độc giả. Bà nhận thấy các nhà phê bình vẫn thảo luận về những vấn đề như: văn học là gì, trẻ em là gì mà hiếm khi đưa ra được bất kỳ kết quả nào đáng chú ý. Điều này thực sự không cần thiết, quan trọng là nên xem văn học thiếu nhi như một trong nhiều thể loại của văn học nhưng vẫn nỗ lực chỉ ra các tính chất đặc trưng của văn học thiếu nhi.
Ở Việt Nam, văn học thiếu nhi được nhắc tới trong Từ điển thuật ngữ văn học. Theo nghĩa hẹp, văn học thiếu nhi gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi, thường bao gồm một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn) đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi. Định nghĩa này khá gần với cách hiểu của Jan Susina.
Một quan niệm khác cho rằng, văn học thiếu nhi là những tác phẩm văn học nhằm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách cho thiếu nhi. Nhân vật trung tâm là thiếu nhi và nhiều khi cũng là người lớn. Tác giả của văn học thiếu nhi không chỉ là chính các em, mà cũng là các nhà văn thuộc mọi lứa tuổi. Những tác phẩm này được thiếu nhi thích thú tìm đọc bởi các em đã tìm thấy ở đó cách nghĩ, cách cảm cùng những hành động gần gũi với chính các em. Hơn thế, các em còn tìm được một lời nhắc nhở, một sự răn dạy với những nguồn động viên, khích lệ, những sự dẫn dắt ý nhị, bổ ích… trong quá trình hoàn thiện tính cách của mình.
Quan niệm trên nhấn mạnh đến hai vấn đề: tính giáo dục trong văn học trẻ em và sáng tác nào được cho là văn học thiếu nhi. Theo đó, văn học thiếu nhi phải hướng tới mục đích giáo dục hay bồi dưỡng tâm hồn cho trẻ. Sách dành cho trẻ em có thể là những tác phẩm viết riêng cho trẻ hoặc là những tác phẩm mà trẻ em thích đọc. Ý này cũng trùng với lý giải về văn học thiếu nhi của một số nhà nghiên cứu trên thế giới.
Bùi Thanh Truyền trong chuyên luận Thi pháp văn học thiếu nhi (2007) cho rằng, văn học thiếu nhi là những tác phẩm văn học mà nhân vật trung tâm là thiếu nhi hoặc được nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, với tất cả những xúc cảm, tình cảm mãnh liệt, tinh tế, ngây thơ, hồn nhiên, được các em thích thú, say mê và có nội dung hướng đến việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, đặt nền móng cho sự hoàn thiện tính cách của các em thuộc những lứa tuổi khác nhau. Ở đây, tác giả đã thống nhất hai khía cạnh của văn học thiếu nhi là: thẩm mỹ và giáo dục. Một sáng tác văn học thiếu nhi, theo ông, phải là sáng tác bằng cái nhìn trẻ thơ và phải hướng tới việc giáo dục nhân cách trẻ.
Nhà văn Lê Phương Liên định nghĩa văn học thiếu nhi là một thể loại văn học đặc thù nhằm phục vụ một đối tượng văn học rộng lớn bao gồm: lứa tuổi mầm non (dưới 6 tuổi), lứa tuổi nhi đồng (từ 6 -10 tuổi), lứa tuổi thiếu niên (từ 11 – 13 tuổi), tuổi mới lớn (từ 13, 14 tuổi – 18, 19 tuổi).
Có thể nói, những nhà nghiên cứu về văn học thiếu nhi Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn trong việc xác định thế nào là tác phẩm dành cho trẻ em, hay tác phẩm viết cho người lớn mà được trẻ em yêu thích có được coi là văn học thiếu nhi không? Tác phẩm có nhân vật trẻ em nhưng không phải là sáng tác dành cho trẻ có nằm trong danh mục tác phẩm văn học thiếu nhi không? Điều này xuất phát từ thực tế phức tạp của người sáng tác, người đọc, nhà xuất bản và người mua. Nhà văn Ma Văn Kháng viết Côi cút giữa cảnh đời không hẳn dành cho trẻ em nhưng tác phẩm lại được ra mắt độc giả thông qua Nxb Kim Đồng và người tiếp nhận vừa là người lớn, vừa là trẻ em. Trong khi đó, trẻ em trong cách nhìn của luật pháp, của người lớn và của chính trẻ em là khác nhau. Trẻ em mỗi thời đại cũng không giống nhau. Hay trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, mặc dù chủ định của tác giả là viết cho trẻ em nhưng lại chiếm được cảm tình của những người lớn muốn làm trẻ em hơn là của độc giả trẻ em. Vậy có thể coi Côi cút giữa cảnh đời, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là sáng tác thuộc văn học thiếu nhi không?
Sáng tác viết về thiếu nhi là tác phẩm mà nhà văn viết về tuổi thơ của chính mình, tuổi thơ của mọi người và nhiều người, tuổi thơ đã phổ quát. Đó cũng có thể là tác phẩm viết về trẻ em nhưng lại chiếm được cảm tình của người lớn. Ở đây, cũng cần phân biệt sáng tác viết về trẻ em với tác phẩm có nhân vật trẻ em trong đó. Có một số sáng tác, nhà văn dùng nhân vật trẻ em để truyền tải thông điệp người lớn, trẻ em chỉ được coi là phương tiện biểu đạt, đó không được coi là tác phẩm văn học thiếu nhi. Ngược lại, có những tác phẩm được trẻ em say mê, hứng thú mặc dù trong đó chẳng có bóng dáng một trẻ em nào, sáng tác như thế vẫn có thể xem là văn học thiếu nhi. Tất nhiên, như các nhà nghiên cứu đã khái quát, ranh giới phân định giữa một cuốn sách cho trẻ em và người lớn không hoàn toàn rạch ròi.
Vậy liệu có cần quá rạch ròi trong việc phân định ranh giới giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn không, khi mà biên giới đọc là vô tận. Chúng tôi đồng ý với quan niệm M.Nikolajeva khi cho rằng việc thảo luận về vấn đề định nghĩa văn học thiếu nhi mà không cho thấy một đáp án nào xác đáng là không cần thiết. Tuy nhiên, để đưa ra một cách hiểu chúng tôi vẫn nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi thế nào là văn học thiếu nhi, dù biết rằng, ở một chừng mực nào đó, chưa bao quát hết được mọi vấn đề và rất có thể cách hiểu này sẽ có những điều chỉnh trong tương lai.
Văn học thiếu nhi là những tác phẩm viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi do người lớn hoặc trẻ em sáng tác, được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, có nội dung hướng đến giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em ở mọi lứa tuổi khác nhau. Có thể coi những sáng tác viết cho thiếu nhi bao gồm: những tác phẩm viết cho trẻ em tuổi mầm non; những tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng; những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn.
Có thể khẳng định, văn học thiếu nhi có sự khác biệt so với văn học người lớn. Điều đó cũng có nghĩa khi tiếp cận văn học thiếu nhi, cần phải dựa trên những đặc trưng thẩm mỹ riêng. Đối tượng mà văn học thiếu nhi nói đến hay hướng tới là một kiểu đối tượng đặc thù. Trẻ em có những đặc điểm tâm sinh lý riêng, vì thế, khi chúng sáng tác văn học, hay là đối tượng của văn học, phải được nhìn nhận dựa trên những đặc trưng riêng biệt đó. Văn học thiếu nhi phải là những sáng tác được nhìn từ cái nhìn trẻ thơ, bằng con mắt trẻ thơ và được chấp nhận, trước hết, bởi độc giả là trẻ em.
_______________
1. Marshall R. Margaret, An Introduction to the world of children’s books, Gower Publishing Company, Hardcover, 1988, tr.2.
2. encyclopedia.com
3. Temple, Martinez, Yokota, Naylor, Children’s books in children’s hands: An introduction to their literature, Allyn & Bacon, Boston, 2002, tr.6.
4. Vân Thanh, Nguyên An, Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002, tr.6.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG
Đánh giá post