Bối cảnh ra đời
Quản lý văn hóa là một ngành khoa học non trẻ, xuất phát từ những khu vực có xã hội công nghiệp và nền kinh tế thị trường phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, được hình thành vào nửa cuối TK XX.
Khoa học về quản lý văn hóa ra đời từ nhu cầu thực tiễn của xã hội và nghề nghiệp. Về bối cảnh chung, ngày nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật của các nước, tuy ở những mức độ khác nhau, nhưng đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của công nghệ mới, của nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa. Có thể nói, các tổ chức văn hóa nghệ thuật đang hoạt động trong một môi trường biến động nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Về phương diện tài chính, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng cắt giảm nguồn kinh phí trực tiếp của nhà nước cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật và trao quyền tự chủ ngày càng nhiều cho các tổ chức này. Chính phủ nhiều nước cũng sử dụng những tiêu chí khắt khe để đặt điều kiện và kiểm định hiệu quả của việc sử dụng ngân sách công trong hoạt động của các tổ chức văn hóa. Chính sách văn hóa của nhiều nước nhấn mạnh việc mở rộng dân chủ hóa nền văn hóa, phát triển đa dạng văn hóa và các vấn đề như mở rộng khả năng tiếp cận và tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật của mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường hoạt động giáo dục nghệ thuật cũng như xu hướng phát triển khán giả trẻ cho nghệ thuật. Quan niệm khía cạnh về kinh tế của văn hóa với sự nhìn nhận khu vực văn hóa như một bộ phận quan trọng của nền kinh tế cũng ngày càng sâu sắc, hoàn thiện.
Chính vì vậy, các tổ chức văn hóa nghệ thuật đang hoạt động trong một mạng lưới quan hệ đan chéo, phức hợp giữa tổ chức nghệ thuật với chính phủ, các tổ chức chính quyền, nghệ sĩ, công chúng, cộng đồng, các tổ chức giáo dục, các doanh nghiệp và các nhà tài trợ… Tất cả đều đặt ra những cơ hội và thách thức và đòi hỏi hoạt động quản lý văn hóa phải đạt đến mức chuyên nghiệp. Các nhà quản lý văn hóa phải được trang bị các tri thức và kỹ năng thích hợp để có thể thực hiện nhiệm vụ một cách thành công và hiệu quả. Do đó, quản lý văn hóa, như một nghề nghiệp chuyên môn và như một ngành khoa học, đã ra đời.
Khái niệm và đặc điểm
“Quản lý văn hóa nghệ thuật có thể được định nghĩa như việc quản lý phi lợi nhuận nhằm tạo ra các cơ hội tiếp xúc giữa nghệ sĩ và công chúng, nhằm không chỉ giới thiệu nghệ thuật đến công chúng mà còn đảm bảo cho sự phát triển của nghệ thuật, thúc đẩy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ và hỗ trợ tiềm năng phát triển và sức sáng tạo của cộng đồng”(1).
Quản lý văn hóa thường được xem là một hoạt động đặc thù. Tuy mang tính đa ngành, có mối quan hệ chặt chẽ với khoa học quản lý nói chung và nhiều ngành như xã hội học, nhân học, kinh tế học… quản lý văn hóa vẫn chứa đựng nhiều sự khác biệt so với hoạt động quản lý của các ngành khác. Bản chất các hoạt động giao dịch trong quản lý văn hóa không phải là bán hàng như trong quản lý kinh tế mà là thiết kế các hợp đồng về nghệ thuật. Các mục tiêu, ưu tiên và giá trị trong quản lý văn hóa cũng có những điểm khác biệt. Mục tiêu hàng đầu là về văn hóa nghệ thuật chứ không phải lợi nhuận kinh tế, dù vấn đề kinh tế cũng được tính đến để đảm bảo sự đầu tư trở lại cho phát triển văn hóa nghệ thuật. Mức độ rủi ro trong hoạt động văn hóa thường cao hơn các hoạt động kinh doanh khác vì sản phẩm và dịch vụ văn hóa nghệ thuật phụ thuộc chặt chẽ vào tâm lý, thị hiếu và các yếu tố cá nhân khác của cả người sáng tạo và người tiêu thụ. Quản lý nhân lực trong khu vực văn hóa nghệ thuật cũng có nhiều điểm riêng biệt vì đối tượng quản lý ở đây là nghệ sĩ, những người làm việc với tài năng, xúc cảm nghệ thuật và sáng tạo. Việc quản lý các tình nguyện viên, vai trò của các tổ chức đoàn thể trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng là những mối quan tõm đối với quản lý văn hóa.
Quản lý văn hóa nghệ thuật ngày nay cần nhiều kỹ năng của quản lý kinh tế. Trên thực tế, các tổ chức nghệ thuật đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt cho các nguồn trợ cấp của chính phủ và nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân; cạnh tranh với các lĩnh vực khác trong việc thu hút các khoản tiền và thời gian rỗi của công chúng; và cạnh tranh trong việc thiết lập vị trí của văn hóa nghệ thuật nói chung, vị trí của tổ chức nói riêng trong xã hội… Ngoài ra những đặc điểm của hoạt động văn hóa – nghệ thuật như chi phí sản xuất cao, cho phí tái sản xuất thấp, đầu tư tài chính cao, sử dụng nhiều nhân lực… đều đòi hỏi phải áp dụng một cách sáng tạo và linh hoạt các nguyên lý quản lý kinh tế để các tổ chức văn hóa – nghệ thuật có thể tồn tại và phát triển vững chắc trên thị trường.
Nhà quản lý văn hóa
Trước tiên cần tìm hiểu khái niệm về nhà quản lý nói chung. “Trong bất cứ một tổ chức nào, một nhà quản lý được coi là người có trách nhiệm trong việc thực hiện công việc của một hay nhiều người. Công việc cơ bản của họ là tổ chức các nguồn lực để tổ chức đạt được các mục đích và mục tiêu đã đề ra”(2).
Từ khái niệm trên có thể suy luận: nhà quản lý văn hóa nghệ thuật là những người quản lý hoạt động trong khu vực văn hóa nghệ thuật, những người tổ chức các nguồn lực bao gồm nhân lực, tài chính, thông tin, vật chất kỹ thuật… nhằm thực hiện các sứ mệnh và các mục tiêu của tổ chức. Theo nghiên cứu của một trường đại học ở New Zealand (3), các nhà quản lý nghệ thuật thường thuộc hai nhóm sau: Những người có kiến thức nền tảng về kinh tế và có tình yêu đối với nghệ thuật; Những người là hoặc đã từng là nghệ sĩ và có những kỹ năng về quản lý và kinh tế.
Điều này cũng phản ánh một thực tế của nhiều nước là các nhà quản lý văn hóa có thể có rất nhiều xuất phát điểm và con đường tiếp cận nghề nghiệp khác nhau. Có những người là nghệ sĩ và tích lũy kinh nghiệm quản lý qua thực tiễn công tác. Có những nghệ sĩ, do nhu cầu của công việc hoặc mong muốn cá nhân chuyển đổi sang các vị trí quản lý, lãnh đạo và họ trang bị thêm các bằng cấp về quản lý. Lại có những nhà quản trị kinh doanh hoặc quản lý trong các lĩnh vực khác chuyển sang làm việc trong khu vực văn hóa nghệ thuật do sự say mê nghệ thuật. Ngày nay, ngày càng có nhiều người chọn con đường trực tiếp đến với ngành quản lý văn hóa thông qua các khóa đào tạo chuyên ngành từ bậc đại học đến các bậc cao hơn. Ở đây, họ sẽ được tiếp cận với các chương trình đào tạo chuyên nghiệp mang tính đa ngành, chuẩn bị những tri thức và kỹ năng cần thiết cho vị trí công tác trong tương lai.
Chức năng, nhiệm vụ của nhà quản lý văn hóa
“Người quản lý nghệ thuật phải là người đào tạo, hướng dẫn; người trung gian hòa giải và giải quyết; người cổ vũ, ủng hộ và bảo vệ; người tư vấn, ông bầu và là “nhà ảo thuật”, là những người tạo điều kiện, hỗ trợ và thúc đẩy… nhằm tối đa húa các cơ hội về thành tựu nghệ thuật”(4).
Người quản lý văn hóa có nhiệm vụ kích thích sự phát triển văn hóa ở tất cả các cấp độ, làm cho các cuộc đối thoại và trao đổi về văn hóa được thuận lợi, tạo điều kiện và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của mỗi quốc gia(5). Như vậy, có thể thấy, nhà quản lý nghệ thuật là một đối tượng trung gian giữa nhiều thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức tài trợ, nghệ sĩ và khán giả. Họ tạo ra, cung cấp và duy trì các nguồn lực và xây dựng môi trường để các nghệ sĩ có thể sáng tạo và phát triển. Họ là cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả, quảng bá các giá trị văn hóa nghệ thuật đến với công chúng và phát triển khán giả cho nghệ thuật, đưa công chúng đến với nghệ thuật. Nhiều quan điểm đánh giá cao vai trò và nhiệm vụ của các nhà quản lý văn hóa, coi họ như những người nghệ sĩ thứ hai hay những người sáng tạo có tầm quan trọng như chính các nghệ sĩ (6).
Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ đặc thù, nhà quản lý văn hóa phải có nhiều kiến thức và kỹ năng đa dạng. Nói một cách khái quát, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật phải có hiểu biết về nghệ thuật và những kiến thức về quản lý, trong đó có kiến thức về quản lý kinh tế. Bên cạnh đó còn phải kể đến các phẩm chất cá nhân khác để đảm bảo cho các nhà quản lý văn hóa có thể thành công.
Một số yêu cầu cụ thể về tri thức và kỹ năng (7) của các nhà quản lý nghệ thuật có thể kế đến là: Có một diện rộng các kỹ năng về quản lý (ví dụ: về tài chính, luật pháp, quản lý nhân sự, kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch, nghiên cứu thị trường, thu thập và xử lý thông tin, giải quyết vấn đề và ra quyết định…); Luôn được cập nhật thông tin về chính sách của chính phủ và sự thay đổi về các xu hướng tài trợ cho văn hóa nghệ thuật; Luôn được cập nhật thông tin về loại hình nghệ thuật mà họ hoạt động; Hiểu quá trình sáng tạo và đồng cảm với những nhu cầu của nghệ sĩ; Duy trì được sự nhạy bén về nghệ thuật trong khi phải mạnh mẽ, hiệu quả, nhiệt tình và có khả năng ra những quyết định đúng đắn.
Là một thành viên của cộng đồng thế giới, Việt Nam không ở ngoài những bối cảnh và xu hướng phát triển chung về quản lý văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, nước ta đang ở trong giai đoạn chuyển đổi có tính cách mạng từ nền kinh tế bao cấp, mệnh lệnh sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước về văn hóa cùng với thực tế phát triển đa dạng và sôi động của thị trường văn hóa đã đặt hoạt động quản lý văn hóa ở Việt Nam trước những vận hội và thách thức mới.
Là một trường trọng điểm của Bộ VHTTDL, hơn bất cứ cơ sở nào khác, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là nơi lý tưởng để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo quản lý văn hóa. Trên thực tế, Đại học Văn hóa đã có ý tưởng đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn về quản lý văn hóa từ rất sớm. Ngay từ những năm 1990, Khoa Văn hóa Quần chúng (tiền thân của khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật ngày nay) đã đề xuất và xây dựng chương trình đào tạo ngành quản lý văn hóa như một chuyên ngành trong ngành văn hóa quần chúng và mang mã số của ngành văn hóa quần chúng. Chương trình này trước tiên được áp dụng cho đào tạo đại học tại chức và từ năm học 2000-2001 đã áp dụng cho hệ chính quy đối với đối tượng tuyển sinh đầu vào thi khối C. Có thể nói, chương trình là một thành tựu khoa học, đánh dấu bước phát triển chiến lược của khoa và nhà trường. Tuy nhiên, nội dung của chương trình còn thiên về quản lý nhà nước về văn hóa và thiếu những mảng tri thức và kỹ năng cần thiết, đảm bảo cho sinh viên ra trường có thể hoạt động hiệu quả trong một diện rộng các tổ chức văn hóa nghệ thuật thuộc nhiều khu vực và loại hình khác nhau. Khoa và nhà trường vẫn trăn trở cho một chương trình đào tạo về quản lý văn hóa theo hướng tiếp cận mới, phù hợp với thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng, thậm chí đón đầu thực tiễn và mang tính hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.
Sau 4 năm thực hiện dự án Phát triển chương trình đào tạo về quản lý văn hóa cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là những nỗ lực nội tại của các giảng viên trong trường, ngành quản lý văn hóa, với tư cách là một ngành đào tạo độc lập, có mã số riêng đã được mở(8). Mục tiêu đào tạo cử nhân ngành quản lý văn hóa có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, sau khi ra trường có thể tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa ở các tổ chức nhà nước và tư nhân, ở các cơ sở và cộng đồng dân cư.
Cụ thể, về kiến thức: nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về kinh tế – chính trị – xã hội, đặc biệt là về văn hóa nghệ thuật; nắm vững lý luận và nghiệp vụ quản lý văn hóa như các kiến thức về văn hóa nghệ thuật, khoa học quản lý và về quản lý văn hóa nghệ thuật.
Về kỹ năng: có khả năng tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật như quản lý các thiết chế văn hóa, xây dựng và điều phối dự án văn hóa nghệ thuật, tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển văn hóa cộng đồng, thiết kế và xúc tiến các hoạt động giáo dục nghệ thuật, quản trị các dịch vụ văn hóa…(9).
Như vậy, có thể thấy mục tiêu đào tạo của chương trình mới có nhiều khác biệt với mô hình đào tạo cán bộ văn hóa của khoa và nhà trường trước đây. Với chương trình đào tạo này, sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại nhiều loại hình cơ quan và tổ chức văn hóa nghệ thuật khác nhau: từ các tổ chức quản lý nhà nước về văn hóa, các cơ quan hành chính, sự nghiệp về văn hóa, các quỹ văn hóa đến các tổ chức văn hóa nghệ thuật tư nhân và phi chính phủ, các tổ chức văn hóa cộng đồng và các tổ chức văn hóa thuộc các tổ chức chính trị xã hội khác. Sinh viên sẽ được trang bị những tri thức và kỹ năng cần thiết để thực thi nghề quản lý văn hóa nghệ thuật, nghề tổ chức, điều hành, thực hiện và đánh giá các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong xã hội.
Quản lý văn hóa là một ngành khoa học non trẻ nhưng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu có một đội ngũ các nhà quản lý văn hóa chuyên nghiệp đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, các khóa đào tạo đại học và sau đại học về quản lý văn hóa ở nhiều nước hiện có sức hút mạnh mẽ đối với sinh viên. Ở Việt Nam, việc phát triển đào tạo về quản lý văn hóa cũng là một nhu cầu cấp thiết và là xu thế tất yếu của xã hội. Có thể nói Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là người đi tiên phong, đặt nền tảng cho sự nghiệp cao cả này. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, sự lãnh đạo sâu sỏt và hỗ trợ toàn diện của Ban giám hiệu nhà trường và các Phòng ban chức năng, toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Quản lý văn hóa đã và đang phấn đấu nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy vinh quang là xây dựng, hoàn thiện và thực hiện thành công chương trình đào tạo cử nhân ngành quản lý văn hóa.
_______________
1, 2, 5. Thuật ngữ Quản lý Văn hóa Nghệ thuật (Dự án Nghiên cứu giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam)… H, Viện Văn hóa Thông tin và Dự án Quỹ Ford, 2004, 185tr.
3, 4. Bài phát biểu của Lloyd William – Giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ về Quản lý nghệ thuật tại Trường Đại học về Nghệ thuật và Thiết kế Whitecliffe (New Zealand), địa chỉ: http://www.wcad.ac.nz
6. Hội thảo quốc tế về Thiết kế chương trình quản lý văn hóa, Hà Nội, tháng 8-2005.
7. Tài liệu hướng dẫn học tập – Chương trình đào tạo thạc sĩ về Quản lý Văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Nam Australia.
8. Quyết định số 2963/ QĐ- BGD&ĐT – ĐH & SĐH, ngày 31-5-2005 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc cho phép trường Đại học Văn hóa Hà Nội đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành quản lý văn hóa.
9. Chương trình giáo dục đại học ngành Quản lý Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, tháng 5-2005 (Được Bộ VHTT và Bộ GD&ĐT phê duyệt).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009
Tác giả : Phan Văn Tú – Phạm Bích Huyền
Đánh giá post