Có lẽ, cũng bởi đây là nơi xa xôi nhất của vùng cao Tân Sơn với những cánh rừng nguyên sinh hoang dã, âm u đã khiến cho những câu chuyện rùng rợn về ma cà rồng có thêm sức sống.
Những câu chuyện hoang đường
Trong một chuyến đi tìm hiểu về giống gà chín cựa trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh ở vùng cao Tân Sơn, Phú Thọ, tôi đã từng được người dân bản địa kể cho nghe những câu chuyện rợn tóc gáy về một loại ma cà rồng tương truyền từng sống tại nơi đây.
Bà Hoàng Thị Nhạc kể về lời đồn thổi ma cà rồng.
Một người dân ở xã Xuân Sơn cho biết: “Câu chuyện về ma cà rồng ở bản tôi thì người nào cũng biết, từ đứa trẻ con còn cởi truồng đến những cụ già đã sống gần đủ chiều dài thế kỷ. Tương truyền, ma cà rồng là bệnh di truyền trong một dòng họ. Ban ngày ma cà rồng ẩn nấp trong hình hài con người, đến ban đêm chúng mới biến thành ma đi hút máu người.
Không những vậy, chúng còn đi bắt trộm gà qué, lợn bò, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân. Ma cà rồng thích mùi tanh của máu nên khi không bắt được người để hút máu thì chúng ra ngoài đồng bắt ếch nhái ăn. Ăn xong chúng về uống nước vo gạo và khi no quá thì chúng nôn ngược ra toàn ếch nhái”.
Thế nhưng chính những người kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy màu sắc hoang đường như trong phim kinh dị trên lại thừa nhận rằng họ chỉ nghe các cụ cao tuổi trong vùng kể lại mỗi khi vui chuyện cùng con cháu. Có lẽ, cũng bởi đây là nơi xa xôi nhất của vùng cao Tân Sơn với những cánh rừng nguyên sinh hoang dã, âm u đã khiến cho những câu chuyện rùng rợn về ma cà rồng có thêm sức sống.
Dẫu cho rằng những câu chuyện về ma cà rồng chỉ là từ đời xưa truyền lại, thế nhưng ông Bàn Xuân Lâm – Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn lúc ấy – vẫn chỉ ra cho chúng tôi “dấu ấn” của ma cà rồng trong cuộc sống tâm linh của những người dân địa phương.
Tương truyền ma cà rồng rất thích hút máu đàn bà đẻ nên mỗi khi gia đình nào có người ở cữ là phải treo một túi ớt tươi ở trước cửa nhà. Theo kinh nghiệm của các cụ đời xưa truyền lại thì ma cà rồng rất sợ ớt nên việc treo ớt trước cửa sẽ giúp ngăn cản chúng vào nhà.
Ngoài ra, cũng vì lời đồn ma cà rồng thích ăn thịt người lạ mà ở địa phương này còn có tục lệ cực kỳ lạ lùng khi đón khách phương xa. Nếu có người từ nơi khác đến ở lại địa phương qua đêm thì tối đến, chủ nhân phải cắt cử người thay nhau canh gác suốt đêm, tránh để ma cà rồng đến bắt mất khách lạ.
“Chân dung” ma cà rồng
Khi đó, nghe những câu chuyện như vậy, tôi coi đó không khác gì những truyền thuyết từ thời Hùng Vương hoặc chỉ là những lời đồn đại để mua vui trong các cuộc rượu hay để dọa những đứa trẻ hư không chịu về nhà đi ngủ khi trời tối.
Thế nhưng, lần này đi qua vùng cao C.H đất T.Q, tôi lại thêm một lần rùng mình trước những câu chuyện về loài ma cà rồng không phải trong truyền thuyết mà hiển hiện giữa cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Tày nơi đây. Ở một số xã của huyện C.H, người ta kể cho nhau nghe về loài ma đáng sợ này mọi lúc, mọi nơi.
Với bản tính tò mò của những gã trai phố xá, chúng tôi vượt qua mấy con đường rải đá tối tăm để gõ cửa nhà bà Hoàng Thị Nhạc. Bà Nhạc là người dân tộc Tày, đã gần 80 tuổi và biết rất nhiều chuyện người xưa truyền lại về loài ma cà rồng từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân vùng cao này nhiều đời qua.
Dõi đôi mắt xa xăm vào màn đêm đặc quánh, bà Nhạc bắt đầu câu chuyện: “Không chỉ các cụ đời xưa mà ngày nay người dân tộc Tày chúng tôi vẫn nói với nhau rằng ma cà rồng thường hóa thân vào các cô gái đẹp, rất đẹp. Những cô gái này da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như máu, tóc đen chảy dài xuống lưng. Ban ngày, họ vẫn sống giữa chúng ta như những người bình thường.
Lời đồn tai ác ấy đã khiến cho nhiều cô gái cùng thế hệ với bà Nhạc bị người trong làng bản ghê sợ, cách ly. Người ta cứ bảo nhau không lấy, không chơi khiến cho những cô gái đó nếu không muốn ế chồng thì phải bỏ quê hương đi lập gia đình ở tít tận những miền xa.
Thế nhưng khi màn đêm buông xuống, chúng chui xuống gầm sàn ăn phân lợn, uống nước gạo, lưỡi thè ra đỏ lòm dài ngang ngực. Theo lời đồn đại, ma cà rồng khi hiện nguyên hình thì lăn như con nhím. Để lăn được như thế thì chúng thu nhỏ 2 chân và đút vào lỗ mũi. Chính vì thế lỗ mũi của ma cà rồng to và thính hơn mũi người nhiều lần”.
Cũng theo lời bà Nhạc thì ma cà rồng chẳng bao giờ chết. Mỗi lần người “bị ma nhập” chết đi ấy là một lần “ma cà rồng” lột xác. Lột xác bảy lần thì “ma cà rồng” có thêm một chiếc sừng (nhiều vùng “ma lột xác” chín lần). Có thêm một chiếc sừng thì “ma” thoát xác 63 lần (trên đầu có 9 cái sừng) thì “ma” thành tinh, biến hoá muôn hình vạn trạng. Lúc ấy chỉ cần “ma” nhìn ai thì người đó sẽ phải… chết!?
Chính vì vậy mà người nào bị dân bản nghi là “ma cà rồng” thì sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập. Chẳng ai muốn giao tiếp với “ma” và đặc biệt rất sợ “ma”… đến nhà mình chơi. “Ma” đến “thăm” nhà nào thì dứt khoát vài ngày sau lợn, gà của nhà đó tự dưng sẽ lăn đùng ra chết?!
Phước Long – Nguyễn Thắng/Dân Việt