Sau hàng chục năm kể từ những thước phim “Jaws” khiến nhân loại ám ảnh với loài cá mập, cuối cùng các nhà khoa học đã hiểu vì sao cá mập trắng tấn công con người. Nguyên nhân bị cá mập cắn thực sự là gì? Do chúng khát máu hay chỉ để tự vệ?
Theo một nghiên cứu mới đây cho biết, những con cá mập trắng lớn không thể phân biệt giữa con mồi và người đang bơi hoặc lướt ván. Điều này cho thấy, một số vụ bị cá mập cắn có thể là do nhầm lẫn mà thôi.
Các nhà nghiên cứu đã quay lại cảnh hải cẩu và con người cùng bơi trong nước và điều chỉnh sao cho phù hợp với tầm nhìn của cá mập trắng. Họ phát hiện ra, hình dạng và chuyển động của con người giống hệt như hải cẩu dưới góc nhìn của cá mập. Nghiên cứu này được công bố ngày 26/10 trên Journal of the Royal Society Interface. Đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra giả thuyết cá mập tấn công con người vì chúng nhầm con người với con mồi.
Theo tác giả chính của nghiên cứu Laura Ryan, nhà sinh vật học thần kinh tại Đại học Macquarie ở Úc, cho biết: “Cá mập trắng thường được biết đến với biệt danh là “kẻ giết người không có đầu óc” và “thích ăn thịt người”. Tuy nhiên, điều này có vẻ như không hoàn toàn chính xác, nguyên nhân gây ra những vụ tấn công là vì chúng ta “giống” với thức ăn của chúng.
Theo thống kê của International Shark Attack File – Hồ sơ các vụ tấn công của cá mập quốc tế – từ Đại học Florida, cho biết: “Cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias) là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều cái chết cho con người hơn bất kỳ loài cá mập nào khác, chúng đã giết chết 6 người vào năm 2020”.
Những con cá mập này bắt đầu săn bắt hải cẩu khi chúng đạt đến tuổi trưởng thành với dài khoảng 2,5 mét. Ryan cho biết: “Cá mập trắng bị thiếu khả năng cảm thụ màu sắc và không thể nhìn thấy các chi tiết tốt như mắt người. Dựa theo video mà các nhà khoa học đã quay được từ loài cá mập trắng này đã cho thấy võng mạc của chúng phát hiện các chuyển động và hình dạng của hải cẩu, đồng thời chúng so sánh chuyển động đó với chuyển động của con người khi họ đang bơi hoặc chèo trên ván lướt sóng. Các nhà nghiên cứu cho biết không hề có sự khác biệt về mặt trực quan đối với các sinh vật khác nhau trong mắt của một con cá mập trắng lớn chưa trưởng thành”.
Tuy nhiên, theo Ryan thì nghiên cứu này mới chỉ áp dụng cho cá mập trắng lớn và một số loài khác như cá mập bò và cá mập hổ… Những loài này đôi khi cũng cắn hoặc gây nguy hiểm cho con người. Hơn nữa, những con cá mập trắng lớn trưởng thành đôi khi cũng cắn con người theo một hướng hoàn toàn chủ động vì chúng là những thợ săn có kinh nghiệm và ít mắc lỗi hơn. Do đó, những tai nạn xảy ra không chỉ bởi sự nhầm lẫn mà là do cố ý.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cá mập trắng lớn có nguy cơ tuyệt chủng rất cao do sự săn bắt và tấn công của con người. Theo đó, việc không biết chính xác lý do tại sao cá mập tấn công con người luôn khiến dư luận lo ngại và đưa ra các biện pháp bảo vệ trong đó có việc giảm thiểu số lượng cá mập. Tuy nhiên, điều này cũng có tác hại đối với các sinh vật biển khác.
Hiện nay, cá mập đóng vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái đại dương, chúng đảm bảo quần thể con mồi vẫn khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Ryan hy vọng rằng những hiểu biết về lý do tại sao cá mập cắn con người sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công của cá mập mà không gây hại cho sinh vật biển.
Nguồn: Live Science