Vì sao cá nheo Mỹ sợ basa Việt Nam?

“Chúng ta đã bị xử ép từ giai đoạn bị buộc không dùng từ ‘catfish’, vì sợ dân Mỹ vào siêu thị chỉ chọn mua ‘catfish cá basa’ VN thay vì mua ‘catfish cá nheo Mỹ’, cho đến thủ thuật buộc tội bán phá giá để đánh thuế…”, tiến sỹ nông học Võ Tòng Xuân đã mở đầu bài viết của mình như vậy, nhân kết luận hôm 17/6 của DOC.

ff

Ngư dân Việt Nam có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi cá basa, tra.

Theo tiến sỹ, đây là kiểu bảo hộ mậu dịch tất yếu xảy ra khi một mặt hàng trong nước có nguy cơ bị phá sản, nếu mặt hàng tương tự của nước khác được nhập vào. Nhưng điều không công bằng trong vụ kiện này là chuyên viên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) không tham khảo đúng giá đầu vào trong quy trình sản xuất cá basa Việt Nam, từ đó dễ đi đến kết luận các doanh nghiệp bán phá giá.

Dựa trên những tài liệu, chứng cứ khoa học sưu tầm được, ông Xuân khẳng định: “Giá cả chỉ là bức bình phong sau một thực tế rất ghê sợ trong phương pháp nuôi cá nheo của Mỹ, khiến cho thịt catfish thua kém chất lượng so với basa Việt Nam”.

Trên thực tế, dân Mỹ có khuynh hướng ngày càng ăn nhiều cá để tránh cholesteron, tránh béo phì và thu nhiều omega-3 (tiền thân của chất DHA hiện nay được xem là chất giúp tế bào và các mô phát triển, làm bổ não, thông động mạch, ngăn ngừa tai biến mạch máu và giúp tim đập bình thường, ngăn ngừa ung thư). Trong các loại cá, filê cá nheo đang rất được ưa chuộng. Rắc rối nảy sinh khi filê basa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ, các bà nội trợ ở đây cũng như các nhà hàng lại chuộng cá basa vì thơm ngon hơn, chứa nhiều dinh dưỡng và nhất là axít béo omega-3. Trong khi đó, nhiều người Mỹ lại nghi ngại tính an toàn thực phẩm của catfish Mỹ do lượng thủy ngân trong cá có thể vượt quá mức cho phép.

Hơn nữa, catfish chỉ được nuôi trong ao hồ nước tù đọng nên có rất nhiều thanh tảo. Thanh tảo trong nước ao không những ngăn cản ánh sáng xuyên qua nước mà còn tiết ra một chất bám vào thân, mang và thấm vào thịt cá, gây ra mùi khó chịu. Ông Xuân còn trích bài viết trên tạp chí IntraFish, với lời dẫn của tiến sỹ Kevin Schrader, một chuyên gia vi sinh học của Bộ Nông nghiệp Mỹ khi ông này mô tả catfish: “Bạn có thể ngửi thấy mùi hôi bốc lên từ mặt ao”.

Để diệt bớt thanh tảo, phần đông các nhà nuôi cá nheo phải áp dụng thuốc diệt cỏ, nhất là thuốc diuron rất tốn kém. Đây là một hóa chất có độ lưu tồn khá cao, có thể làm độc hại cho cá. Tiến sỹ Schrader đang nghiên cứu một vài hóa chất khác mong có thể thay thế độc chất diuron, vừa diệt được thanh tảo vừa không độc cho cá. Theo ông Võ Tòng Xuân, nếu chất này được tìm ra, ngư dân Mỹ lại càng tốn nhiều tiền hơn để xử lý ao hồ của họ. Như thế, giá thành nuôi catfish sẽ cao hơn. Trong khi đó, basa của Việt Nam sống trong lồng bè đặt theo dòng sông Cửu Long chảy mạnh suốt ngày đêm, không dùng hóa chất gì nên giá rất rẻ. “Đây có lẽ là lý do chính khiến cho Washington hạn chế nhập khẩu cá basa Việt Nam. Nếu không, công nghiệp nuôi cá nheo của Mỹ sẽ đóng cửa vì không cạnh tranh được”, ông Xuân viết.

(Theo Thanh Niên)

Rate this post

Viết một bình luận