Vì sao có hiện tượng trăng tròn, trăng khuyết?

Có bao giờ bạn tự hỏi,

tại sao Mặt Trăng lại có lúc tròn lúc khuyết không?

Và liệu cái quả cầu lơ lửng bay quay trái đất ấy có ảnh hưởng gì đến chúng ta hay không, hay ít nhất là nó

có liên quan đến bất kỳ hiện tượng nào mà ta thường thấy, thường nghe hay không?

Như chúng ta thấy, Mặt Trăng luôn biến đổi, mỗi đêm nhìn lên bầu trời lại thấy trăng hơi khác hơn một tí, hôm thì mỏng như lá lúa, hôm lại tròn tựa cái mâm, có hôm lại lặn mất tăm!

[​IMG]

Tại sao trăng lại lúc tròn lúc khuyết như vậy?

Như đã biết, Mặt Trăng là một vệ tinh quay quanh Trái Đất, cũng như Trái Đất và các hành tình khác quay quanh Mặt Trời vậy. Các bạn có biết là ánh sáng của Mặt Trăng vốn là thứ vay mượn thôi không? Mặt trăng, bản thân nó không phát nhiệt, cũng không tự mình phát sáng. Trong vũ trụ tối tăm, Mặt Trăng dựa vào phản xạ ánh sáng Mặt Trời nên ta mới nhìn thấy nó.

Một nhà khoa học đang làm việc tại Viện Khoa học Mặt Trăng của NASA, Shoshana Weider, nói rằng pha mặt trăng diễn ra do bề mặt Mặt Trăng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời và chúng ta quan sát được sự phản chiếu đó từ Trái Đất. Mặt trăng quay quanh Trái Đất, do vị trí tương đối của Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời với nhau, chúng ta thấy Mặt Trăng biến đổi tuần tự theo một chu kỳ từ khuyết đến tròn, gọi là các pha mặt trăng, các pha này có chu kì khoảng 29, 5 ngày.

Khi Mặt Trăng di chuyển đến giữa Trái Đất và Mặt Trời, thì phía Mặt Trăng đối diện với Trái Đất không được Mặt Trời chiếu sáng, nên lúc đó ta không nhìn thấy nó. Đó là ngày đầu tháng hoặc gọi là sóc, hiện tượng này nếu xảy ra một cách chính xác sẽ gây ra hiện tượng nhật thực đấy. Qua 2 – 3 ngày sau, Mặt Trăng chuyển qua một góc trên quỹ đạo, mép của nó đối diện với Trái Đất dần dần được Mặt Trời chiếu sáng, cái bóng tròn của Trái Đất di chuyển trên Mặt Trăng làm lộ ra phần được ánh sáng chiếu rọi có hình khuyết, do đó ta nhìn thấy trăng lưỡi liềm trên bầu trời.

Từ vị trí đó, Mặt Trăng tiếp tục quay quanh Trái Đất, phía nó hướng về Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng ngày càng nhiều hơn, do đó mảnh trăng lưỡi liềm ngày càng lớn dần. Đợi đến ngày 7 – 8, nửa Mặt Trăng hướng về Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng, nên ban đêm ta nhìn thấy nửa trăng sáng, gọi là trăng “thượng huyền”.

Sau “thượng huyền” Mặt Trăng dần dần chuyển đến phía đối diện với Mặt Trời, lúc đó phía Mặt Trăng hướng về Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng ngày càng nhiều hơn, vì vậy ta nhìn thấy Mặt Trăng ngày càng tròn hơn. Đến lúc Mặt Trăng tròn vành vạnh cũng là lúc phân nửa Mặt Trăng đối diện với Trái Đất hoàn toàn được Mặt Trời chiếu sáng, đó là ngày rằm, cũng gọi là vọng.

Sau khi trăng tròn, Trăng tiếp tục di chuyển, phía Mặt Trăng đối diện với Trái Đất có một phần dần dần không được Mặt Trời chiếu sáng, do đó ta thấy Mặt Trăng “gầy” dần. Đến ngày 17 hoặc 18 trên bầu trời chỉ nhìn thấy trăng sáng một nửa, đó là trăng hạ huyền. Từ trăng hạ huyền trở đi, Mặt Trăng tiếp tục gầy đi, qua 4 – 5 ngày sau chỉ còn lại hình lưỡi liềm. Sau đó trăng hoàn toàn biến mất, bắt đầu một tháng mới, lặp lại một chu kỳ mới.

[​IMG]

Ngoại trừ các thời gian Mặt Trăng đi vào vùng tối của Trái Đất, bị cái bóng lớn của anh chàng này che mất, gây ra hiện tượng nguyệt thực thì hầu hết các khoảng thời gian ta đều thấy Mặt Trăng được chiếu sáng một nửa, còn một nửa là tối.

Nhật thực chỉ xảy ra vào những ngày trăng non, tức là khi Mặt Trăng ở giữa Trái Đất và Mặt Trời, nhưng vì Mặt Trăng quay quanh Trái Đất với một góc nghiêng hơn so với Trái Đất quay quanh Mặt Trời cho nên hiện tượng Nhật thực chỉ thỉnh thoảng xảy ra vào kì trăng non.

Mặt Trăng trong văn hóa dân gian:

Người Babilon (vùng Trung Đông) khi xưa cách đây khoảng 2500 năm dùng lịch cổ dựa theo chuyển động Mặt Trăng, các pha của Mặt Trăng được dùng làm mốc tính các hoạt động tôn giáo lớn.

[​IMG]

Riêng về Nông lịch Việt Nam cũng đã có nguồn gốc chính yếu là từ việc quan sát Mặt Trăng mà thành.

Không kể đến các lễ hội hay phong tục tập quán liên quan đến Trăng, thì Mặt Trăng cũng đã quá quen thuộc trong thơ ca, nhạc họa, văn hóa dân gian của các quốc gia trên thế giới rồi.

[​IMG]

Đồng dao Việt Nam về các pha Mặt Trăng cũng như thời gian trăng mọc:

Mồng một lưỡi trai

Mồng hai lá lúa

Mồng ba câu liêm

Mồng bốn lưỡi liềm

Mồng năm liềm giật

Mồng sáu thật trăng

Mười rằm trăng náu

Mười sáu trăng treo

Mười bảy sảy giường chiếu

Mười tám rám trấu

Mười chín đụn địn

Hăm mươi giấc tốt

Hăm mốt nửa đêm

Hăm hai hạ huyền

Hăm ba gà gáy

Hăm bốn ở đâu

Hăm nhăm ở đấy

Hăm sáu đã vậy

Hăm bẩy làm sao

Hăm tám thế nào

Hăm chín thế ấy

Ba mươi chẳng thấy

Mặt mày trăng đâu

Thuỷ triều và Mặt Trăng, có liên quan gì hông?

[​IMG]

Thuỷ triều là hiện tượng nước biển dâng lên hạ xuống, thông thường là ban ngày hạ xuống và ban đêm dâng lên đấy!

Tại sao hả?

Thì ban đêm có

trăng

!

Khi nước biển dâng đến mức cao nhất và không dâng nữa thì gọi là triều lên, và ngược lại, khi nước biển hạ xuống thấp nhất thì gọi là triều xuống.

Vậy Mặt Trăng và thuỷ triều có quan hệ gì với nhau?

Tương tự như Trái Đất thì Mặt Trăng cũng có trọng lực của riêng nó, chính trọng lực này của Mặt Trăng đã hút nước biển lên gây ra hiện tượng nước dâng gọi là thuỷ triều đấy! Trọng lực của mặt trăng cũng hút cả chúng ta nữa, nhưng hầu như chúng ta chẳng cảm thấy gì cả, duy chỉ có nước biển là thể hiện rõ hiện tượng này thôi.

Và do trọng lực mặt trăng yếu hơn Trái Đất rất nhiều, cũng như nó ở rất xa Trái Đất, nên lực hút không đủ mạnh để kéo nước ra khỏi bề mặt Trái Đất. Đừng có thắc mắc tại sao nước không bay lên trời nha! Mà chuyện ông Cuội ôm cái cây bay lên cung Trăng cũng hông liên quan đâu nên đừng có liên tưởng nha mọi người!

 

Rate this post

Viết một bình luận