Vì sao con lười làm gì cũng chậm – BBC News Tiếng Việt

Vì sao con lười làm gì cũng chậm

  • Stephen Dowling
  • BBC Future

19 tháng 9 2019

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Con lười, quả đúng như tên gọi, chả mấy khi vội vã. Phần lớn thời gian, chúng sống trên cành cao trong các khu rừng trải dài khắp Trung và Nam Mỹ, và chỉ xuống mặt đất để bài tiết phân. Cuộc sống của chúng diễn ra chậm rãi như phim quay chậm.

Con lười làm gì cũng chậm chạp như vậy chính là do những ‘ngón nghề’ tiến hóa đặc biệt.

Những con lười thời hiện đại – gồm có loại ba ngón chân và loại hai ngón chân – nhỏ hơn nhiều so với bọn lười thời tiền sử.

Những con lười ngày xưa quả là khổng lồ, có thể nặng tới vài tấn, đi trên mặt đất trong kỷ băng hà cuối cùng cho đến khoảng 11.000 năm trước, tìm kiếm thức ăn trên cây bằng cách đứng trên hai chân sau để với đến tán lá.

“Sự thay đổi này là do kết của của sự kết hợp giữa việc con lười chuyển lên sống trên cây và hầu như chỉ ăn lá cây,” Camila Mazzoni thuộc Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động vật Hoang dã Leibniz, Đức, nói.

“Chế độ ăn lá cây rất nghèo chất dinh dưỡng và và lượng calo hấp thụ được rất thấp. Do đó, những con lười cần phải có tốc độ trao đổi chất rất chậm để thích ứng được với lượng calo ít ỏi này.”

Và một phần nguyên nhân nữa đến từ môi trường sống của con lười.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Con lười dành phần lớn cuộc đời sống trên cây, tránh khỏi những kẻ săn mồi trong rừng nhiệt đới

Tất cả sáu loài lười đều sống ở rừng nhiệt đới. Nơi đó là môi trường nóng ẩm, có nghĩa là một số lợi thế thông thường của khả năng điều chỉnh thân nhiệt trở nên không thực sự cần thiết – khi môi trường đã ấm áp sẵn rồi, đâu cần phải tiêu tốn khối năng lượng khổng lồ để giữ ấm cơ bắp và hệ thống tim mạch nữa. Cho nên con lười cũng vậy, khỏi cần chức năng đó.

Là động vật có vú thì có những lợi thế nhất định. Có khả năng điều chỉnh thân nhiệt, chúng có thể sống ở vùng khí hậu lạnh hơn – lạnh hơn nhiều so với môi trường sống của loài bò sát hoặc các động vật máu lạnh khác.

Nhưng thủ thuật tiến hóa của loài máu nóng này cũng có một vài nhược điểm. Để cung cấp nguyên liệu cho hệ thống điều chỉnh thân nhiệt luôn đói năng lượng này, các loài động vật có vú cần ăn nhiều và ăn thường xuyên để giữ cho cơ bắp luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vận động làm ấm cơ thể. Điều đó giải thích tại sao động vật có vú vẫn có thể phóng như bay vào một ngày lạnh lẽo, trong khi thằn lằn thì luôn chậm chạp nếu phải di chuyển.

Sự thích nghi thân nhiệt này cho phép các động vật có vú tới sinh sống được ở hầu hết các môi trường sống trên Trái Đất – bao gồm cả những khu vực băng giá ở hai cực địa cầu.

Song mặt khác, một số loài động vật có vú lại từ bỏ các đặc điểm tự điều chỉnh thân nhiệt mà tiến hóa ban tặng cho chúng. Chúng thích nghi bằng cách áp dụng một lối sống chậm, tiết kiệm năng lượng tương tự như các loài động vật máu lạnh.

“Quy tắc tự điều chỉnh thân nhiệt mà hầu hết các loài động vật có vú phải thực hiện đòi hỏi rất nhiều năng lượng,” Mazzoni nói. “Tuy nhiên, vì con lười không cần phải điều chỉnh thân nhiệt, chúng chỉ cần rất ít năng lượng hơn.”

“Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là chúng chỉ có thể sống ở vùng nhiệt đới, và không thể sống ở vùng núi cao nơi nhiệt độ khá lạnh. Nói vậy thôi, nhưng con lười hai ngón chân thì có độ thích ứng cao hơi một chút, và có khả năng sống ở nnhững nơi cao hơn, tại các dãy núi ở Costa Rica.”

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Con lười chỉ ăn lá cây, là chế độ ăn rất nghèo dinh dưỡng, ít calo

Cuộc sống trên cây đồng nghĩa với việc con lười rất ít nguy cơ gặp phải những kẻ săn mồi như báo đốm. Đây là một lý do khác khiến cho các phản xạ nhanh như chớp – và lượng năng lượng khổng lồ cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận động của những phản xạ đó – là không cần thiết đối với con lười.

“Chúng có mối quan hệ mật thiết với cây cối,” Mazzoni nói. “Chúng phụ thuộc vào cây cối.”

Bà cho biết con lười thường “bò lên đỉnh của tán cây vào buổi sáng để lấy năng lượng từ Mặt Trời và khi trời thực sự nóng, chúng quay trở lại dưới bóng cây”. Hành vi này là điển hình của nhiều của động vật máu lạnh – thằn lằn và các loài bò sát khác – và ít gặp ở các loài động vật có vú.

Becky Cliffe, nhà động vật học người Anh làm việc tại Tổ chức Bảo tồn Con Lười ở Costa Rica, nói rằng chỉ khi bạn tận mắt nhìn những con lười trong tự nhiên, bạn mới thực sự đánh giá cao sự chậm chạp của chúng.

“Bạn biết là chúng di chuyển chậm, nhưng khi bạn nhìn tận mắt và chú ý mọi bộ phận trên cơ thể chúng – khi chúng quay đầu lại, hoặc thậm chí khi chúng chớp mắt – thì bạn sẽ thấy tất cả đều được thực hiện vô cùng là chậm rãi. Bạn phải tốn khá nhiều thời gian ngoài hiện trường để có thể xem được một chuyển động của chúng.”

Khi nhìn kỹ con lười, ta sẽ thấy bộ lông của nó thường có màu xanh lục thẫm. Điều đó khiến ta dễ dàng liên tưởng rằng những con thú này đã trở nên ít vận động đến nỗi chúng trở thành nơi để rong rêu từ những cây cối xung quanh mọc lan sang. Nhưng điều này lại bỏ lỡ một thứ thú vị hơn nhiều, Mazzoni nói.

“Lông của chúng được biến đổi để tạo ra những khoảng trống để rêu với nấm có thể mọc được,” bà nói. “Điều đó không phải do chúng chậm chạp. Chúng ta hiểu rằng ở đây đang diễn ra một số mối quan hệ cộng sinh giữa các loài.”

Những loại rêu này có ích lợi gì? Nhiều nhà khoa học đang cố gắng để tìm ra câu trả lời. “Có thể là nó rất tốt cho những con lười dùng để ngụy trang,” Mazzoni nói thêm. Rêu xanh và nấm có thể giúp con lười ẩn mình vào nền của tán cây rừng.

“Đây cũng còn có thể là một cách để những con lười có thêm protein,” bà nói, và lưu ý thêm rằng đôi khi ta nhìn thấy con lười liếm rêu mọc trên lông của chúng.

“Sự phát triển của nấm cũng có thể giúp giảm số lượng ký sinh trùng. Lông của loài lười gần như hoàn toàn không thấm nước và cản trở rất nhiều ký sinh trùng sinh sống. Những con lười thường có ít ký sinh trùng hơn các động vật có vú khác có kích thước tương đương.”

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bọn lười con phải bú liên tục vì lười mẹ chỉ sản xuất một lượng sữa ít ỏi

Trong số những đặc điểm quan trọng khác nữa của đời sống động vật có vú mà con lười từ bỏ là lượng sữa mẹ cho con bú.

“Lười mẹ không trữ sẵn sữa trong cơ thể, vì vậy sữa chỉ tiết ra nhỏ giọt,” Cliffe nói. Con non luôn bám sát vào núm vú, rồi bú ngay khi sữa chảy ra.

Những năm tháng Cliffe quan sát loài lười trong rừng rậm Costa Rica đã cho phép bà có cái nhìn sâu sắc về hành vi của chúng.

“Chúng không chạy nhảy. Nhưng chúng có những cánh tay khỏe mạnh đến khó tin. Nếu một con người và một con lười đấu vật tay, thì con lười chắc chắn sẽ chiến thắng.”

Nhưng đôi chân của con lười – vì không cần thiết cho tốc độ chóng mặt hoặc thậm chí phải chống đỡ toàn bộ trọng lượng của chúng suốt ngày – thì lại không có cùng sức mạnh cơ bắp như đôi tay.

Tuy nhiên, chúng ta không nên đanh đồng cách sống chậm rãi của con lười với sự lười biếng, Cliffe nói. “Chúng không hề lười biếng. Những con khỉ hú sống trong rừng ngủ tới 18 giờ một ngày, còn những con lười chỉ ngủ khoảng 10 giờ thôi.”

Nếu không sống trong một môi trường nóng ẩm đầy tán cây, có lẽ con lười có thể sống hoạt bát hơn, nhanh nhẹn hơn. Nhưng trải qua vô vàn thế hệ, chúng đã đạt đến một nhịp sống phù hợp hoàn hảo với môi trường.

“Chúng cho thấy rằng đâu cần phải lúc nào cũng chạy đôn chạy đáo tìm thức ăn làm gì,” Cliffe nói. “Chúng hoàn toàn thư thả.”

Rate this post

Viết một bình luận