Vị thuốc mẫu lệ: bổ âm chỉ hãn

Mô tả con vật: Hàu (hay còn gọi là con hầu) cửa sông là loại hàu vỏ to và dầy, có nhiều hình dạng, kích thước như tròn, dài, bầu dục… Do bám chen chúc vào nhau trên các vật bám khác nhau nên tạo ra những hình dạng khác nhau. Ngoài các yếu tố như sóng gió, những sinh vật khác bám trên vỏ hầu làm cho hầu có hình dạng khác nhau.Mặt ngoài có màu sẫm.

Hầu nhiều tuổi có thớ vỏ xếp chồng lên nhau theo từng lớp. Mặt trong của vỏ phần lớn có màu trắng, có vỏ màu vàng tím, óng ánh như xà cừ.Hầu vĩnh viễn không rời vật bám; vỏ hầu chỉ mở đóng để bắt mồi và thở.Hầu thích nghi ở nhiệt độ nước từ 100C – 350C và nồng độ muối từ 4% – 24%, nếu nước nhạt quá hầu sẽ chết. Môi trường thích nghi nhất cho hầu là nước có nhiệt độ từ 100C – 250C, nồng độ muối từ 10% – 20%, tỷ trọng nước 1,003 đến 1,009, đáy nước có khoảng 2/3 bùn. Hầu là loài ăn tạp, ăn cả động vật và thực vật ở lơ lửng trong nước chủ yếu là các loại khuê tảo. Mùa sinh đẻ: Từ tháng 7 – 10, nhiều nhất là tháng 8 – 9.

Phân bố, săn bắt và chế biến: Hầu hết các cửa sông trong 12 tỉnh duyên hải miền Bắc nước ta chỗ nào cũng có, nhiều nhất là ở sông Bạch Đằng (Hải Phòng), sông Chanh (Quảng Ninh), sông Diêm Điền (Thái Bình), Lạch Trường (Thanh Hóa) và Tiên Yên (Quảng Ninh). Có nơi chúng phân bố sâu vào vùng lục địa 25km như sông Lạch Trường hoặc hơn 50km như sông Bạch Đằng.

Nói chung, khúc sông nào có nước lợ (nửa mặn, nửa ngọt) là có loại hầu sinh trưởng. Hàng năm ta có thể thu mua tới hàng 10.000 tấn hầu. Mùa khai thác hầu vào các tháng 10 đến tháng 3, vì lúc này hầu béo. Nhưng để lấy vỏ hầu chế mẫu lệ, ta có thể thu nhặt quanh năm, vì sau khi lấy thịt, thường người ta vất vỏ hầu đi. Khi dùng, người ta có thể dùng vỏ hầu tán nhỏ, hoặc nung rồi mới tán nhỏ.

Vị thuốc mẫu lệ

Thành phần hóa học: Mẫu lệ chứa 85 – 95% canxi cacbonat, canxi photphat và canxi sulfat. Ngoài ra còn có magiê, nhôm và sắt oxyd, chất hữu cơ;nhưng khi nung lên không còn chất hữu cơ nữa.

Thịt hầu chứa 68% nước, 7% protit, 4% gluxit, 2% chất béo và 1% muối khoáng. Người ta thấy thành phần chất dinh dưỡng của hầu có thể so sánh với sữa bò (86% nước, 3,3% protit, 5% gluxit, 4% chất béo và 0,7% muối khoáng).

Công dụng và liều dùng: Ngoài công dụng thịt hầu làm thức ăn quý (ăn tươi, phơi khô hoặc đóng hộp), người ta còn dùng vỏ hầu để nung vôi, làm thức ăn có chất canxi cho gia súc và làm phân bón ruộng.

Trong Đông y, mẫu lệ được dùng làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày thừa nước chua, bồi bổ cơ thể suy nhược, mồ hôi trộm, băng huyết.Dùng ngoài để chữa mụn nhọt, lở loét.Theo tài liệu cổ, mẫu lệ vị mặn, chát, tính hơi hàn, vào 3 kinh can, đởm và thận.Có tác dụng tư âm (nuôi âm) tiềm dương, hóa đờm, cố sáp.Dùng chữa cốt nhiệt, di tinh băng đới, mồ hôi trộm.

Những người hư mà hàn, thận hư vô hỏa, tinh lạnh tự xuất, không dùng được.Ngày dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên.

Đơn thuốc có mẫu lệ trong Đông y

1. Thuốc bổ, chữa bệnh có nhiều mồ hôi: Mẫu lệ 10g, hoàng kỳ 4g, ma hoàng căn 4g, cám 10g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia làm nhiều lần uống trong ngày.

2. Thuốc chữa khí hư, bạch đới: Hoa hòe 40g, mẫu lệ (nung rồi tán nhỏ) 40g. Hai vị cùng sấy khô, tán bột.Ngày uống 12g bột này (Bản thảo cương mục).

3. Mụn nhọt mới sưng, chưa thành mủ: Dùng phần mẫu lệ hòa nước mà bôi, khô lại bôi.

4. Tiểu buốt, khó tiểu, đã uống thuốc về huyết mà không bớt: Mẫu lệ, hoàng bá; lượng bằng nhau; tán bột. Mỗi lần uống 3g với nước sắc tiểu hồi hương.

5. Nằm ra mồ hôi trộm, phong hư đầu đau: Mẫu lệ, bạch truật, phòng phong đều 90g, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g

6. Băng huyết ra không ngừng, khí hư kiệt: Mẫu lệ, miết giáp đều 90g. Tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.

Rate this post

Viết một bình luận