/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/viem-da-bong-vay-la-benh-gi/
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng – Bác sĩ Da liễu – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm da bong vảy là hiện tượng rối loạn tái tạo thượng bì dẫn đến xuất hiện những mảng vảy da chết. Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng, diễn biến dai dẳng, bệnh có khả năng khởi phát ở bất cứ đối tượng nào và gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và thẩm mỹ của da.
1. Viêm da bong vảy là gì?
Viêm da tróc vảy được định nghĩa là một trong những bệnh lý thường gặp về da liễu. Về cơ chế gây bệnh, da bị rối loạn hoạt động tầng thượng bì, tại đây, sẽ đào thải các tế bào cũ và tái sinh tế bào mới liên tục. Điều này khiến bề mặt da bị khô và bong tróc vảy cứng.
Bệnh này thường gặp ở những người có tiền sử mắc các bệnh tự miễn như vảy nến, viêm da cơ địa…. Ngoài ra, những đối tượng khác cũng có nguy cơ mắc phải chứng bệnh này nhưng tỉ lệ thấp hơn.
2. Nguyên nhân của bệnh viêm da bong vảy
Nguyên nhân gây bệnh viêm da tróc vảy khá đa dạng và rất khó xác định. Theo thống kê tại các bệnh viện da liễu thì có đến 23% các ca bệnh trên lâm sàng không thể xác định nguyên nhân.
Một số tác nhân sau được cho là làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Những người bị bệnh rối loạn tự miễn: Những người thuộc nhóm này có tỷ lệ viêm da tróc vảy lên đến 40%, chủ yếu là người có tiền sử bệnh viêm da tiếp xúc, á sừng, vảy nến.
- Lạm dụng các loại thuốc bôi ngoài da: Trong điều trị các bệnh da liễu, khi quá lạm dụng thuốc điều trị có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Dùng thuốc không đúng cách sẽ làm tình trạng bệnh lý lâu khỏi và khiến da bong vảy nhiều. Do đó, khi điều trị bệnh, bạn nên thận trọng với các nhóm thuốc corticoid, penicillin, sulfonamide…
- Những người đang điều trị ung thư (bạch cầu, ung thư hạch, u sùi…) có nguy cơ bị viêm da bong vảy cao: Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị khiến da khô, nứt nẻ, đàn hồi kém. Nếu da không được chăm sóc đúng cách thì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và hình thành các mảng da viêm nhiễm.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da bong vảy
Tình trạng viêm da bong vảy có thể gây ra những phản ứng xấu trên da và toàn thân. Tình trạng này có thể dễ dàng nhận thấy các tổn thương bằng mắt thường thông qua các dấu hiệu điển hình.
Triệu chứng ngoài da:
- Thay đổi da: Nổi ban đỏ, mất đi độ ẩm cần thiết, bề mặt trở nên khô ráp hơn trên các bộ phận cơ thể. Sau một thời gian, vùng da sẽ bong vảy hàng loạt kèm theo tấy đỏ. Một số vị trí tổn thương sâu có nguy cơ bị loét, lên mủ và ngứa triền miên, đau rát.
- Bề mặt da bong tróc xuất hiện ở một số bộ phận, sau đó lan rộng sang vùng da khác. Da hình thành những mảng vảy khô nhỏ, lâu dần lan thành các mảng lớn và thay liên tục.
- Biến đổi về móng: Móng tay, móng chân trở nên dày hơn.
- Bề mặt mẩn ngứa râm ran, cảm giác khó chịu và đau rát mỗi khi cử động mạnh vào vùng bị tổn thương.
Triệu chứng toàn thân:
- Viêm da tróc vảy gây ra hiện tượng sốt kèm gai rét, ớn lạnh gần giống với triệu chứng của bệnh cảm cúm. Nguyên nhân là khi da bong tróc diện rộng khiến cơ thể mất nhiệt, không kiểm soát được nhiệt độ.
- Một số dấu hiệu liên quan khác: Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do bị mất nước, hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu.
4. Da bong vảy nhiều có nguy hiểm không?
Viêm da bong vảy không đơn thuần là bệnh da liễu thông thường mà nó còn là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý khác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng thành nhiều thể khác nhau gây nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng.
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm da tróc vảy:
- Suy tim, viêm phổi: Da được cấu tạo chủ yếu từ protein, khi bong tróc tiếp diễn thời gian dài sẽ dẫn tới cản trở hấp thụ dưỡng chất cần thiết cho lớp biểu bì. Da bị mất nước và protein, mất cân bằng điện giải trong thời gian dài là nguyên nhân gây nên suy tim, viêm phổi cấp.
- Nhiễm khuẩn cơ xương, nội tạng: Da có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi những yếu tố gây hại có trong môi trường bên ngoài. Khi da bị tổn thương làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, vi khuẩn xâm nhập sâu vào các bộ phận trong cơ thể như xương, cơ, nội tạng.
- Nhiễm khuẩn huyết: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm da tróc vảy. Vi khuẩn, virus xâm nhập vào vị trí tổn thương theo máu tuần hoàn đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng máu.
5. Cách phòng ngừa da bong tróc vảy
Khi bị viêm da bong vảy, bạn nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời để phòng ngừa tình trạng da bong vảy nhiều, bạn nên duy trì thói quen sống khoa học, luyện tập hợp lý như:
- Thường xuyên cấp độ ẩm cho da, đặc biệt vào mùa đông. Bạn có thể kết hợp nhiều sản phẩm khác nhau có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa cồn hoặc mùi hương liệu nồng.
- Vệ sinh da thường xuyên, mát xa nhẹ nhàng để lấy đi lớp tế bào chết trên da.
- Bổ sung nước và điện giải cho cơ thể theo nhu cầu.
- Cung cấp cho da những dưỡng chất như vitamin, khoáng chất…
- Tránh lạm dụng chất kích thích có hại cho sức khỏe.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm có nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, chất bảo quản và thức uống có cồn…
- Bôi kem chống nắng ngày 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 – 5 tiếng để bảo vệ da khỏi sự tác động trực tiếp của tia cực tím.
- Không nên sử dụng trang phục quá bó sát hoặc làm từ các chất liệu không đảm bảo, thấm hút kém, gây kích ứng bề mặt hoặc ngứa da…
Tóm lại, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên da như đã đề cập ở trên bạn nên đi thăm khám tại cơ sở uy tín để chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ. Tránh chủ quan khiến bệnh diễn biến phức tạp, khó điều trị và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.