General Information
Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:
Content
Author:Issued date: 24/11/2009Issued by:
Nằm trong khu hệ cá biển cận nhiệt đới, biển Việt Nam khá đang dạng về thành phần loài hải sản, trong đó có cả các loài độc hại và cá nóc biển là một trong những loài đó. Cá nóc là tên chung cho các loài cá thuộc bốn họ: họ cá nóc hòm (Ostraciidae), họ cá nóc ba răng (Triodontidae), họ cá nóc bốn răng (Tetraodontidae) và họ cá nóc nhím (Diodontidae) và chúng đều thuộc bộ Tetraodontiformes. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành nghiên cứu nguồn lợi và độc tính của nhóm cá nóc, thu thập mẫu vật, định loại và sơ bộ đánh giá nguồn lợi cá nóc. Bài báo cáo này đưa ra những thông tin cơ bản về phân loại và hình thái, tập tính sống và phân bố, tính độc, giá trị kinh tế và nguồn lợi cá nóc ở biển Việt Nam.
1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI
+ Phân ngành có sọ Craniata
Lớp cá xương Osteichthyes
Phân lớp cá vây tia Actinopterygii
Liên bộ cá vược Percomorpha
Bộ cá nóc Tetraodontiformes
+ Phân bộ cá nóc hòm Ostracioidei
1. Họ cá nóc hòm Ostraciidae
Họ phụ cá nóc hòm lục lăng Aracaninae
Họ phụ cá nóc hòm Ostraciinae
+ Phân bộ cá nóc Tetraodontoidei
2. Họ cá nóc ba răng Triodontidae
3. Họ cá nóc Tetraodontidae
Họ phụ cá nóc dẹt Canthigasterinae
Họ phụ cá nóc tròn Tetraodontinae
4. Họ cá nóc nhím Diodontidae
2. ĐẶC TRƯNG HÌNH THÁI CỦA CÁ NÓC
Đặc điểm quan trọng để nhận biết và phân biệt với các loài cá khác là cá nóc không có vây bụng và các vây đều không có gai cứng. Vây lưng và vây hậu môn nằm đối diện hoặc gần đối diện với nhau và chúng nằm cách xa vây ngực, gần với vây đuôi. Vây đuôi thường tròn hoặc bằng hoặc lõm nông (trừ cá nóc ba răng có vây đuôi chẻ sâu). Cá nóc không có khe mang, mang chỉ còn là lỗ mang và ngay sau lỗ mang là gốc vây ngực. Thân cá nóc không có vảy. Cá nóc nhím có gai sắc nhọn như lông nhím. Cá nóc hòm có lớp giáp cứng liên kết với nhau thành hình hộp bao quanh cơ thể. Miệng cá nóc bé nhưng răng khoẻ; xương hàm và xương gần hàm gắn liền với nhau thành mỏ cứng thích nghi với các loài thức ăn có vỏ cứng. Cá nóc không có xương sườn và các xương dăm ở phần thịt. Dạ dày cá có thể co dãn và ở nhiều loài cá nóc có thể hút được nhiều nước hoặc không khí để làm phồng tròn bụng lên như quả bóng.
3. TẬP TÍNH SỐNG VÀ PHÂN BỐ
Cá nóc phân bố khá rộng cả về không gian và khía cạnh sinh thái. Một số loài ưa sống đáy, trong khi số khác sống ở các rạn san hô có độ sâu từ vài chục mét đến hàng trăm mét hay các vùng nước ven bờ, đầm lầy, cửa sông; thậm chí một số ít loài còn sống ở nước ngọt, sông suối, hồ… Cá nóc là loài ăn tạp, sống đơn lẻ hoặc theo đàn và thường không di cư.
Trên thế giới có khoảng 246 loài cá nóc, bao gồm cả cá nóc nước mặn và nước ngọt, chúng sống ở các khu vực biển nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới của Thái Bình Dương, ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. ở Việt Nam có khoảng 67 loài cá nóc thuộc bốn họ nói trên. Chúng phân bố khá rộng và được bắt gặp gần như ở toàn vùng biển Việt Nam [1].
Họ cá nóc bốn răng Tetraodontidae phân bố rất rộng, chúng xuất hiện từ vùng biển ven bờ đến vùng biển xa bờ, từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan. Vùng có mật độ cao là vùng biển ven bờ Hải Phòng – Quảng Ninh, vùng biển ven bờ Nghệ An – Hà Tĩnh, vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Định. ở vùng biển miền Đông Nam Bộ cá nóc phân bố nhiều ở vùng biển Bình Thuận, nơi tập trung là phía Nam đảo Phú Quý, vùng biển Bến Tre – Bạc Liêu cũng là khu vực họ cá nóc bốn răng phân bố với mật độ cao. ở vùng biển Tây Nam Bộ, họ cá nóc bốn răng phân bố nhiều ở khu vực mũi Cà Mau kéo dài lên quần đảo Nam Du, các khu vực khác mật độ phân bố của họ cá nóc này thấp hơn.
Họ cá nóc nhím phân bố chủ yếu ở vùng biển miền Trung, mật độ phân bố cao ở các vùng: Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Thuận – Khánh Hoà. ở vùng biển Đông Nam Bộ, họ cá nóc nhím chủ yếu ở phía Đông Nam đảo Phú Quý và phía Tây Nam Côn Sơn. Vịnh Thái Lan ít bắt gặp họ này.
Họ cá nóc hòm xuất hiện nhiều ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ, hiếm khi bắt gặp ở vịnh Bắc bộ hay vịnh Thái Lan. Một số khu vực họ cá nóc hòm phân bố tập trung là: vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng, vùng biển Khánh Hoà và vùng biển Vũng Tàu, chủ yếu là khu vực xung quanh đảo Côn Sơn kéo dài xuống phía Nam của vùng biển Đông Nam Bộ.
Họ cá nóc ba răng chỉ mới bắt gặp ở Miền Trung.
Khu vực phân bố tập trung của các họ cá nóc qua số liệu điều tra bằng tàu lưới kéo đáy từ năm 1996 đến 2005 (Tetraodontidae:Trái; Diodontidae: Giữa; Ostraciidae:Phải)
4. TÍNH ĐỘC
Độc tố trong cá nóc có thành phần chủ yếu là Tetradotoxin (TTX), thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, có tính bền nhiệt lớn và khả năng gây tử vong cao. Tuy nhiên, không phải loài cá nóc nào cũng độc. Độc tố trong các loài cá nóc khác nhau, ở các bộ phận khác nhau thì có hàm lượng khác nhau. Hàm lượng độc tố trong cơ thể còn thay đổi theo mùa, vùng địa lý và giai đoạn phát triển của cá thể.
Nội quan của cá nóc, đặc biệt là gan, tuyến sinh dục thường có chứa hàm lượng độc tố nhiều nhất do đó chúng cực độc. Khi xử lý cá nóc để chế biến thực phẩm, người ta vứt bỏ nội quan của cá nóc. Ngoài ra ở một số loài cá nóc độc thì da và thịt cá nóc cũng có chứa hàm lượng độc tố đủ để gây chết người nếu ăn phải.
Vào mùa sinh sản, cá nóc thường độc hơn và cá nóc cái có độ độc mạnh hơn cá nóc đực. Trong thời kỳ cá nóc đẻ trứng, buồng trứng của cá tăng trọng lượng và hàm lượng độc tố cũng tăng lên, mạnh hơn hẳn so với tinh túi con đực. Từ tháng 12 trở đi là mùa đẻ trứng của cá nóc cho nên lượng độc tố trong trứng tăng lên nhanh chóng và độ độc cũng mạnh lên, kéo dài đến tháng 1, tháng 2 và có thể sang cả tháng 3. Tuy nhiên, đặc tính sinh trưởng, sinh sản của cá nóc có sự khác biệt theo loài và theo vùng địa lý [2], [3].
5. GIÁ TRỊ KINH TẾ VÀ NGUỒN LỢI CÁ NÓC BIỂN VIỆT NAM
Thịt cá nóc trắng và ngon. Trên thế giới, những loài cá nóc không độc hoặc độc vừa phải vẫn được chế biến làm các món ăn đặc sản. ở một số tỉnh Miền Trung nước ta, như Khánh Hoà, Bình Thuận…, cá nóc hòm (còn gọi là cá bò hòm, cá tăng thiết giáp) được xem là một trong những loài hải sản có giá trị. ở nhiều địa phương, các loài cá nóc thuộc họ phụ cá nóc tròn vẫn được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ hải sản hay làm mồi câu v.v… sau khi đã được lột da, bỏ đầu và toàn bộ nội quan. Ngoài ra, cá nóc còn được sử dụng làm đồ mỹ nghệ (cá nóc nhím), nuôi làm cá cảnh (cá nóc da báo, cá nóc dẹt va-lăng, cá nóc hòm…) hay sử dụng trong nghiên cứu dược liệu.
Trữ lượng cá nóc ở biển Việt Nam ước tính khoảng 37387 tấn, trong đó vùng biển miền Trung chiếm khoảng 44,6%; vùng biển Đông Nam Bộ chiếm 20,6%; vùng biển Tây Nam Bộ chiếm 21,6% và vùng biển vịnh Bắc Bộ chiếm khoảng 14,9% tổng trữ lượng. Họ cá nóc bốn răng (Tetraodontidae) chiếm khoảng 84,7% tổng trữ lượng cá nóc, họ cá nóc hòm (Ostraciidae và cá nóc nhím (Diodontidae) chỉ chiếm 4,0% và 11,3% tổng trữ lượng. Loài cá nóc vàng, cá nóc thu là những loài có trữ lượng nhiều và chiếm ưu thế so với các loài khác.
Chiếm ưu thế trong sản lượng cá nóc khai thác là họ phụ cá nóc tròn (Tetraodontinae), gồm các loài: cá nóc tro (Lagocephalus lunaris), cá nóc xanh (Lagocephalus wheeleri), cá nóc vàng (Lagocephalus spadiceus). Họ cá nóc nhím và họ cá nóc hòm có năng suất khai thác rất thấp.
Hiện nay, cá nóc chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng sản lượng hải sản khai thác của các chuyến biển, tuy nhiên nguồn lợi này vẫn chưa được sử dụng một cách hợp lý và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình hình khai thác và tiêu thụ cá nóc ở Việt Nam rất phức tạp, đã có nghị định cấm khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cá nóc nhưng hoạt động đó vẫn diễn ra. Đã có khá nhiều người bị ngộ độc khi sử dụng cá nóc làm thực phẩm và tình trạng ngộ độc do ăn cá nóc có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, tăng cường năng lực quản lý, tích cực tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là bà con ngư dân về sự nguy hại khi chế biến, sử dụng cá nóc là việc làm rất cấp thiết hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Thuỷ sản, 1996. Nguồn lợi thuỷ sản Việt nam. NXB Nông nghiệp, Hà Nội, tr. 453-454.
2. Diệp Đồng Phong, 1962. Nghiên cứu độc tố cá nóc và giải độc cá nóc khi ăn phải. Báo cáo Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban nghiên cứu nghề cá miền Tây Thái Bình Dương.
3. Đỗ Tuyết Nga, Đào Việt Hà, Phạm Xuân Kỳ, Lưu Thị Hà và Cao Phương Dung, 2003. Xác định độc tố Tetrodotoxin trong một số loài cá nóc thu ở Nha Trang (năm 2001). Tuyển tập Nghiên cứu biển, Nha Trang, tập 13/2003, tr.215-224.
4. Nguyễn Hữu Phụng và ctv, 2005. Báo cáo tổng kết đề tài “Biên soạn tài liệu truyền thống về các loài hải sản độc hại có thể gây chết người ở biển Khánh Hoà”. Viện Hải dương học, Nha Trang.
5. Vũ Việt Hà, Nguyễn Hoài Nam và Đặng Văn Thi, 2005. Báo cáo hiện trạng nguồn lợi cá nóc ở biển Việt Nam. Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.
6. Matsuura, K. and Leis, J.M., 2001. Families Ostraciidae, Aracanidae, Triodontidae, Tetraodontidae. In: Carpenter & Niem, 2001. FAO species identification guide for fishery purposes, the Living Marine Resources of the Western Central Pacific, Vol.6, FAO, Rome, pp: 3949-3965.
Nguyễn Hoài Nam
Đặng Văn Thi
Theo bản tin số 6 Viện Nghiên cứư Hải sản
Download