Việt Nam: Xung quanh chuyện tố cáo ‘chiếm dụng tiền từ thiện’
13 tháng 10 2021
Nguồn hình ảnh, Thanhtra.com
Chụp lại hình ảnh,
Trung tướng Tô Ân Xô trong buổi họp báo ngày 2/10/2021.
Bộ Công an Việt Nam tiếp nhận đơn tố giác ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một số địa phương báo cáo về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên.
Công an TP HCM đã chuyển đơn của một doanh nhân tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “không rõ ràng” nguồn tiền từ thiện đến Bộ Công an để xác minh làm rõ, theo truyền thông Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Hằng (TGĐ Công ty Cổ phần Đại Nam), được cho là tố giác nam ca sĩ này có dấu hiệu “chiếm dụng tiền từ thiện trái phép, thông qua việc dùng tài khoản cá nhân của mình để nhận tiền từ thiện của các mạnh thường quân và nhà hảo tâm”, theo báo Lao Động.
Đàm Vĩnh Hưng đã xác nhận ông vừa có buổi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an (C02) và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tỉnh Bình Dương (PC01) về đơn tố cáo này.
“Khi cơ quan điều tra đã vào cuộc, chắc chắn câu chuyện này sẽ nhanh chóng được làm rõ. Ai sai, vu khống, bịa đặt những thông tin về tôi thì phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, bằng pháp luật. Và nếu bản thân tôi sai tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật,” ông Đàm Vĩnh Hưng được Vietnamnet dẫn lời ngày 13/10.
Ngày 21/9, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nộp đơn tố cáo doanh nhân Nguyễn Phương Hằng về hành vi “làm nhục người khác”, “vu khống”, và “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Thời gian đần đây bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên mạng xã hội tố giác nam ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng và một số nghệ sỹ nổi tiếng khác như Hoài Linh, MC Trấn Thành, ca sỹ Thủy Tiên,… có dấu hiệu không minh bạch trong các khoản kêu gọi quyên góp tiền từ thiện.
Nguồn hình ảnh, vietnamnet
Chụp lại hình ảnh,
Ca sĩ Thủy Tiên trong một lần đi hỗ trợ dân tại vùng lũ lụt.
Quảng Nam báo cáo
Trong một diễn biến khác, chính quyền tại ba địa phương tại tỉnh Quảng Nam đã có “báo cáo cụ thể” gửi Bộ Công an về hoạt động từ thiện của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên vào cuối năm 2020 trên địa bàn.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ Quốc tại các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc và Tây Giang cho biết trước đó nhận được văn bản của Bộ Công an yêu cầu báo cáo việc đoàn từ thiện về, danh sách các hộ dân…liên quan tới việc trao nhận tổng cộng tại riêng ba huyện này khoảng gần 14 tỉ đồng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Cuối tuần trước, ít nhất hai huyện tại Tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết họ đang tổng hợp thông tin, chứng cứ, dữ liệu về hoạt động từ thiện của ca sỹ Thủy Tiên để báo cáo Bộ Công an sau khi có công văn yêu cầu.
Vào ngày 2/10 Bộ Công an cho biết đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định tài khoản đã huy động tiền từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.
“Cục Cảnh sát hình sự đã làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để sớm có kết luận chính xác về vấn đề này”, Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đề nghị cá nhân gửi đơn tố cáo và những bị đơn, đặc biệt là những công dân bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, không nên có phát ngôn không phù hợp gây ảnh hưởng đến người tố cáo và người bị tố cáo.
Công Vinh, chồng của ca sĩ Thủy Tiên, vào tháng Chín chia sẻ với báo Lao Động:
“Tôi tin vào sự công tâm của luật pháp. Khi bị ai đó vu khống, bôi xấu về danh dự, chúng tôi tin rằng pháp luật sẽ có biện pháp xử lý thỏa đáng.”
‘Khoảng trống pháp lý’
Trong loạt bài phân tích về bất cập pháp lý của việc làm từ thiện, tờ Lao Động chỉ ra rằng nếu chiếu theo quy định hiện hành chỉ một số tổ chức được quy định như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương… được quyền kêu gọi từ thiện.
Ngoài các tổ chức, đơn vị đó, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, theo quy định hiện thời.
Báo Lao Động nói rằng “một số người nổi tiếng tự vận động kêu gọi từ thiện hiện nay đang không có bất cứ một chế tài nào kiểm soát”.
“Đáng chú ý, quy định về công khai trong công tác vận động, tiếp nhận và phân phối sử dụng tiền, hiện vật cứu trợ hiện nay vẫn tương đối chung chung, chưa có cụ thể về nội dung, hình thức và thời gian công khai,” tờ báo phân tích.
Nói với trang Zing News hôm 13/10, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, cho rằng còn những lỗ hổng trong hoạt động từ thiện.
Ông Giao góp ý:
“Về chủ thể, theo quy định hiện tại, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể thuộc Nhà nước quản lý là những đối tượng được phép hoạt động từ thiện. Để phù hợp với tình hình, có thể bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng là doanh nghiệp và người dân.”
“Về hành động và phương thức hành động, cần có quy trình cụ thể đối với từng nhóm đối tượng từ thiện. Ví dụ như Nhà nước khi thực hiện từ thiện sẽ làm theo quy trình, quy định pháp luật nào. Tương tự, các tổ chức do Nhà nước quản lý, doanh nghiệp hay cá nhân khi thực hiện sẽ làm theo các quy trình, văn bản quy phạm pháp luật nào.”
Hiện nay, theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ, chỉ một số tổ chức được giao thực hiện việc dân vận, dân nguyện cũng như cứu trợ, viện trợ.
Bộ Tài chính Việt Nam đã có Tờ trình đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
Theo dự thảo Nghị định mới của Bộ Tài chính, sẽ bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.