Ngày nay, vô cảm đang trở thành vấn nạn mà cả xã hội phải đối mặt. Vô cảm tàn phá tâm hồn của con người, làm mất đi ý nghĩa thực sự của cuộc sống và về lâu dài có thể nguy hại đến gia đình, xã hội. Song song với việc nâng cao năng lực, mỗi cá nhân cần biết cách bồi dưỡng nhân cách và hướng đến những giá trị đạo đức bền vững.
Vô cảm là gì?
Vô cảm là trạng thái cảm xúc đặc trưng bởi sự thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm đến những sự việc, vấn đề xảy ra xung quanh – đặc biệt là những sự việc gây ra tổn thương về thể chất và tinh thần cho con người, động vật. Nói một cách dễ hiểu, người vô cảm là người không có bất cứ cảm xúc gì trước nỗi đau của người khác, thiếu sự đồng cảm, sẻ chia và không cảm thấy phẫn uất trước những bất công trong xã hội.
Về cơ bản, vô cảm không phải là bệnh mà chỉ là trạng thái cảm xúc và thái độ của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, vô cảm gây ra rất nhiều hậu quả đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự vô cảm của con người đã trở nên sâu sắc đến mức báo động. Nếu như trước đây, vô cảm chỉ ảnh hưởng đến cá nhân thì giờ đây, thái độ thờ ơ và lãnh đạm còn xảy ra ở tập thể.
Vô cảm là “mầm mống” cần phải được diệt trừ sớm vì có khả năng “lây lan” nhanh – đặc biệt là ở học sinh. Bởi trẻ chưa có hiểu biết sâu sắc và bị ảnh hưởng nhiều bởi thái độ, cách ứng xử của những người xung quanh. Nếu bạn bè, thầy cô và gia đình đều vô cảm, trẻ cũng sẽ hình thành tâm lý thờ ơ, thiếu sự đồng cảm và không hiểu được nỗi đau của người khác.
Biểu hiện của vô cảm theo từng mức độ
Vô cảm có biểu hiện khá đa dạng với nhiều mức độ khác nhau. Nếu không phát hiện sớm, tình trạng sẽ trở nên sâu sắc hơn theo thời gian và gây ra nhiều hậu quả về lâu dài.
Các biểu hiện nhận biết người vô cảm:
- Biểu hiện ban đầu là không biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, không thể hiện sự vui mừng, phấn khích trước những hoạt động có tính chất vui vẻ (khai giảng, bế giảng, cuộc thi thể thao,…).
- Khi lắng nghe bạn bè hoặc người thân chia sẻ những sự việc có tính chất đau buồn, người vô cảm thường tỏ thái độ không quan tâm và thờ ơ.
- Không biết giúp đỡ những người gặp phải nghịch cảnh hoặc chỉ đơn giản là vô cảm trước sự nhờ vả của những người xung quanh như anh chị em ruột, người già, bạn bè,…
- Khi đối mặt với những tình huống như gặp người bị thương trên đường, tai nạn giao thông, cháy nhà,… những người vô cảm thường không quan tâm vì nghĩ đây không phải việc của mình và không hề cảm thấy đau xót. Thực tế, cũng có nhiều người không dám giúp đỡ khi thấy người gặp nạn vì lo sợ bị lừa đảo. Tuy nhiên, những người này vẫn có cảm xúc thương xót và đồng cảm với người khác.
- Trong phạm vi nhà trường, nhiều học sinh vô cảm khi chứng kiến bạn bè bị bạo lực. Thậm chí, nhiều học sinh còn cổ vũ nhiệt tình và quay phim lại.
- Một số người còn vô cảm với chính mình với những biểu hiện như không quan tâm khi bản thân gặt hái được thành công hoặc bị thất bại. Ngoài ra khi bị trách phạt, người bị vô cảm cũng không cảm thấy buồn bã hay thất vọng về bản thân.
- Sự vô cảm khiến con người mất đi liên hệ với cuộc sống và những người xung quanh dẫn đến những biểu hiện như thiếu tinh thần trách nhiệm, trơ lì, thậm chí bất cần đời và không có động lực để học tập hay làm việc.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, vô cảm không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống. Tuy nhiên về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến nhân cách trở nên bất thường, thiếu liên kết với người thân, bạn bè và xã hội. Thậm chí, người vô cảm có thể sống tách biệt vì không có nhu cầu được quan tâm, chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm
Vô cảm đang trở thành vấn nạn mà cả xã hội phải đối mặt. Theo các chuyên gia, tình trạng này có nguyên nhân rất đa dạng và được chia thành 3 nhóm sau:
1. Nguyên nhân từ bản thân
Vô cảm có thể bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Lối sống ích kỷ, mong muốn được hưởng thụ và thực dụng nên thiếu đi sự đồng cảm với nỗi đau và những mất mát của người khác.
- Chứng kiến sự vô cảm từ những người khác và bản thân không có chính kiến dẫn đến việc có thái độ, cảm xúc tương tự.
- Nhiều người trở nên vô cảm vì liên tục bị hãm hại, lừa dối dẫn đến mất niềm tin trong cuộc sống.
- Tính cách nhút nhát, sống khép mình và thiếu bản lĩnh nên lo sợ việc giúp đỡ người bị nạn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân. Dần dần, bản thân mất đi sự đồng cảm và trở nên thờ ơ, chai lì.
2. Nguyên nhân từ phía gia đình
Cách giáo dục từ gia đình ảnh hưởng nhiều đến tính cách và nhận thức của mỗi người. Vì vậy ngoài những nguyên nhân từ chính bản thân, thái độ vô cảm có thể xuất phát do những nguyên nhân từ phía gia đình:
- Gia đình không gương mẫu về lối sống, phụ huynh có lối sống ích kỷ, thờ ơ và không có sự đồng cảm với người khác.
- Gia đình không quan tâm đến con cái dẫn đến việc trẻ không được nuôi dạy và giáo dục đúng đắn. Nếu không có định hướng từ gia đình, trẻ rất dễ nhiễm thói hư tật xấu và hình thành thái độ vô cảm, thờ ơ từ xã hội.
- Phụ huynh chỉ chú trọng đến việc học tập mà không bồi dưỡng nhân cách và rèn cho con những đức tính tốt như tương thân tương ái, yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với mọi người xung quanh. Vì không được nuôi dưỡng những tính cách này nên trẻ có thể thờ ơ và không thấu hiểu được nỗi đau của người khác.
- Bố mẹ chiều chuộng và đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện khiến con trở nên ích kỷ, chỉ biết nhận và không biết cho đi. Những đứa trẻ này khi lớn lên dễ bị vô cảm, thờ ơ trước những nghịch cảnh và nỗi đau của người khác.
- Người ra, việc bố mẹ đánh mắng, chì chiết con cái vô lý cũng khiến con chai sạn về cảm xúc. Vì con chai lỳ với nỗi đau nên không thể thấu hiểu và đồng cảm với những người xung quanh.
Gia đình là yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách và nhận thức của con người. Chính vì vậy, gia đình cần đặc biệt quan tâm đến tính cách, tâm lý của con bên cạnh thành tích học tập và sự phát triển thể chất. Ngày nay, cuộc sống của nhiều gia đình trở nên khá giả nên bố mẹ thường có xu hướng bảo bọc và chiều chuộng con cái quá mức. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ người vô cảm, thờ ơ và lãnh đạm ngày càng tăng.
3. Tác động từ xã hội
Trong những năm gần đây, thái độ sống vô cảm đang “lây lan” rất nhanh với đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân và gia đình, tình trạng này còn bắt nguồn từ các yếu tố tâm lý xã hội như:
- Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội góp phần đáng kể trong việc “ lây lan” thái độ sống vô cảm. Đa phần người trẻ đều hướng đến những giá trị vật chất mà quên nuôi dưỡng tâm hồn và hướng bản thân đến những tính cách tốt.
- Nhiều cá nhân đạt được thành công sớm trở nên tự cao, kiêu căng và thiếu sự đồng cảm với những người xung quanh.
- Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều người trẻ học theo lối sống của một số nhân vật có ảnh hưởng mà quên đi những giá trị đạo đức truyền thống.
- Học sinh cũng có thể trở nên vô cảm nếu nhà trường không giáo dục toàn diện cả về tri thức, nhân cách và đạo đức. Ngoài ra, việc giáo viên thiếu sự quan tâm đến hoàn cảnh của các em, ít quan tâm và chia sẻ cũng khiến học sinh có cảm xúc nghèo nàn và thờ ơ với nỗi đau của người khác.
Ngày nay, cuộc sống bận rộn khiến xã hội ít quan tâm đến những chuẩn mực đạo đức. Chính vì vậy, người trẻ thường chú trọng đến sự nghiệp và vật chất mà quên đi những giá trị về tinh thần.
Hậu quả, tác hại của vô cảm
Vô cảm gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Đối với cá nhân, thái độ vô cảm tàn phá tâm hồn khiến bản thân mỗi người mất đi những cảm xúc vốn dĩ và trở nên chai sạn trước nỗi đau, mất mát của người khác. Những người vô cảm cũng dễ có hành vi vi phạm quy chuẩn đạo đức và pháp luật vì không hề biết thương xót, đồng cảm hay chia sẻ.
Nếu vô cảm xảy ra ở gia đình và tập thể, xã hội sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, không khó để chúng ta chứng kiến việc mọi người vô cảm, bỏ mặc người gặp nạn,… Sự dửng dưng và thờ ơ của những người xung quanh khiến người gặp nạn không được cứu giúp kịp thời, dần dần mất đi hy vọng và niềm tin với cuộc sống.
Sâu xa hơn, vô cảm khiến xã hội tụt hậu, suy đồi bởi những giá trị đạo đức không được coi trọng và nguy hại đến tính mạng con người. Bên cạnh đó, thái độ dửng dưng và thờ ơ ở học sinh còn ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, các em rất dễ bị rối loạn nhân cách khi bước vào giai đoạn trưởng thành.
Cách khắc phục, cải thiện tình trạng vô cảm
Vô cảm thực sự là “mầm mống” đối với mỗi cá nhân và xã hội. Ngay khi nhận thấy bản thân và những người xung quanh có biểu hiện dửng dưng, thờ ơ và thiếu sự thấu cảm, nên can thiệp ngay các biện pháp khắc phục sau:
1. Các biện pháp tự cải thiện
Nếu bản thân bạn đang có biểu hiện thờ ơ, lãnh đạm và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, bạn nên cải thiện sớm để tránh tình trạng vô cảm trở nên sâu sắc hơn. Vô cảm khiến cho cuộc sống trở nên tẻ nhạt, mất đi niềm tin, hy vọng và ý nghĩa thực sự.
Để khắc phục chứng vô cảm và bồi dưỡng tình yêu thương với mọi người, bạn có thể tự cải thiện bằng những biện pháp sau:
- Quan sát cảm xúc của người khác: Những người vô cảm thường nghèo nàn về cảm xúc, không biết vui mừng, buồn bã, thất vọng hay bi quan. Để hiểu rõ hơn về cảm xúc, bạn nên quan sát biểu cảm của người khác trong từng hoàn cảnh. Khi hiểu được cảm xúc và tâm lý của những người xung quanh, bạn cũng sẽ dần hình thành những cảm xúc tương tự. Đây cũng là lý do vì sao khi sống cùng với những người vô cảm, bạn cũng sẽ dần thờ ơ, lãnh đạm khi nhìn thấy sự mất mát và nỗi đau.
- Học cách thể hiện sự quan tâm: Đặc điểm thường thấy của người vô cảm là không biểu hiện cảm xúc và thiếu sự quan tâm đối với người khác. Chính vì vậy ngoài việc chú ý đến cảm xúc của người khác, bạn nên bày tỏ sự quan tâm với những người xung quanh từ người thân đến bạn bè và đồng nghiệp. Ban đầu, việc này có thể hơi khó khăn nên bạn có thể quan sát cách mọi người quan tâm đến nhau để có kỹ năng bày tỏ sự thấu cảm và quan tâm đối với người khác.
- Noi gương những người giàu lòng nhân ái: Trong cuộc sống hiện đại, mọi người thường chạy theo những giá trị vật chất mà quên đi truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Dù vậy, vẫn có những người giàu lòng nhân ái luôn luôn hỗ trợ và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Để bồi dưỡng cho bản thân lòng nhân ái, bạn nên noi gương những người xung quanh hoặc những nhân vật truyền cảm hứng.
- Có ý thức về chuẩn mực đạo đức: Ngày nay, giáo dục quá chú trọng vào việc nâng cao kiến thức mà quên mất việc trau dồi các em những tính cách tốt và giúp các em ý thức được những giá trị đạo đức. Để cải thiện chứng vô cảm, bản thân mỗi người cần tìm hiểu, ý thức và phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp như đoàn kết, tương thân tương ái,…
- Nỗ lực cải thiện bản thân: Nhiều người ý thức được việc bản thân nghèo nàn về cảm xúc nhưng không có động lực để cải thiện. Vì vậy, điều cần nhất giúp bạn vượt qua chứng vô cảm là sự nỗ lực. Luôn nhớ rằng, cảm xúc là thứ cần thiết đế gắn kết con người với nhau, như vậy mới có thể tạo ra gia đình và xã hội lành mạnh. Sự vô cảm trong mỗi người chính là “mầm mống” khiến con người sống xa cách và tách biệt.
Trước khi trở nên vô cảm, bản thân chúng ta đã từng là những đứa trẻ vô tư, thoải mái với niềm vui và nỗi buồn của chính mình. Trẻ em luôn có sự thấu cảm, lòng thương xót trước nỗi đau của người khác và thậm chí là động vật. Tuy nhiên trong quá trình trưởng thành, chúng ta có thể trở nên lãnh đạm, thờ ơ do cách giáo dục và ảnh hưởng từ xã hội.
Rõ ràng sự vô cảm khiến trải nghiệm sống trở nên nghèo nàn, cuộc sống vô vị, tẻ nhạt và không còn ý nghĩa. Trong khi đó, trẻ em luôn tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Vì vậy, hãy cố cải thiện bản thân để tìm lại ý nghĩa của cuộc sống và có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn những cung bậc cảm xúc.
2. Các biện pháp hỗ trợ gia đình, nhà trường
Ngoài những biện pháp tự cải thiện, gia đình và nhà trường cũng cần có can thiệp kịp thời để bồi dưỡng nhân cách và hướng mỗi người đến những giá trị bền vững trong cuộc sống.
Các biện pháp hỗ trợ khắc phục chứng vô cảm từ gia đình và nhà trường:
- Về phía gia đình, bố mẹ nên xem xét lại phương pháp giáo dục. Không nên nuông chiều trẻ vô lý hoặc quá hà khắc với con cái. Thay vào đó, cần giáo dục trẻ nghiêm khắc dựa trên tinh thần tôn trọng và lắng nghe. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần nuôi dưỡng cho bản thân tinh thần tương thân tương ái để con cái hình thành lòng thương xót trước nỗi đau của người khác.
- Các thành viên trong gia đình phải luôn quan tâm và chia sẻ lẫn nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Từ đó giúp trẻ hình thành lối sống yêu thương và đùm bọc những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
- Khi con cái có những hành vi lệch chuẩn, gia đình nên trò chuyện để thấu hiểu tâm lý và cảm xúc của con. Trẻ chưa có sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống nên việc có những quan niệm, suy nghĩ lệch lạc là điều dễ hiểu. Bố mẹ nên trò chuyện để con hiểu được đúng – sai thay vì chì chiết, trách móc và đánh đập trẻ.
- Giáo dục con cách chia sẻ từ những điều nhỏ nhất như đề nghị trẻ chia sẻ bánh kẹo cho các bạn khác, biết hỗ trợ mẹ nấu ăn, làm việc nhà, nhường nhịn anh chị em,…
- Đối với học sinh, nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục về đạo đức để trẻ có cảm xúc và biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Thầy cô giáo nên dành sự quan tâm đến những học sinh nghèo, khuyến khích, động viên và kêu gọi hỗ trợ để các em có động lực đến trường. Đồng thời điều này cũng giúp các em học sinh khác biết cách chia sẻ và đùm bọc những người có hoàn cảnh kém may mắn.
3. Can thiệp tham vấn, trị liệu tâm lý
Vô cảm có thể trở nên sâu sắc nếu không được can thiệp kịp thời. Ở những trường hợp này, nên xem xét tham vấn hoặc trị liệu tâm lý vì bản thân người sống vô cảm có thể không tự mình nuôi dưỡng được những tính cách tốt, nhất là khi gia đình đều sống thờ ơ và lãnh đạm.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vô cảm có liên quan đến rối loạn cảm xúc và một số dạng rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Những trường hợp này, bạn cần can thiệp tâm lý trị liệu để điều chỉnh những méo mó trong suy nghĩ và hướng bệnh nhân đến những tính cách tốt như thấu cảm, chia sẻ, biết quan tâm, thương xót,…
Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là đơn vị trị liệu tâm lý uy tín tại Việt Nam. Trung tâm NHC Việt Nam hiện đang ứng dụng kiến thức khoa học, giải pháp, quy trình trị liệu mới nhất để chữa lành tâm bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm trí cho người Việt.
Với đội ngũ chuyên gia tâm lý, Master Coach hàng đầu đến từ Ủy ban NLP Hoa Kỳ, Trung tâm NHC Việt Nam đã tiếp nhận trị liệu cho nhiều trường hợp gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, thờ ơ, lãnh đạm có kết quả tốt và trở lại với cuộc sống bình thường.
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi thị Hải Yến: “Vô cảm là một vấn đề tâm lý khó khăn hơn so với cả trầm cảm và hưng cảm. Thực tế, cảm xúc tê liệt thường là một cơ chế tự vệ. Đó là một cách mà chúng ta đã học được để tự bảo vệ mình khỏi nỗi đau về tinh thần và thể chất khi phải đối diện với một hoặc nhiều trải nghiệm xấu trong quá khứ. Chúng tôi có phương pháp dòng thời gian và những quy trình trị liệu để kết nối với tiềm thức của khách hàng để tìm ra nguyên nhân gốc rễ, sự kiện khiến khách hàng trở nên vô cảm“.
Sau khi khám phá nguyên nhân gốc rễ khiến khách hàng vô cảm, các chuyên gia sẽ có liệu trình, giải pháp cụ thể để giúp khách hàng học cách thể hiện cảm xúc chân thật và cởi mở, đánh đổ neo tiêu cực và cài đặt niềm tin, tư duy tích cực và tương hỗ về cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình trị liệu vô cảm, các bạn có thể liên hệ với Trung tâm NHC Việt Nam qua hotline 096 589 8008 hoặc gửi câu hỏi cho chuyên gia tại đây.
Vô cảm thực sự là vấn đề lớn của mỗi cá nhân. Nếu không tìm cách cải thiện, sự thờ ơ và lãnh đạm sẽ trở nên sâu sắc hơn. Từ đó trở thành mối nguy hại cho gia đình và xã hội. Ngoài việc trau dồi và bồi dưỡng nhân cách cho chính bản thân, bạn cũng nên quan tâm đến những người xung quanh để xây dựng tập thể lành mạnh và đoàn kết.