VÔ CHÍNH DIỆU là gì trong Tử Vi?

Vô Chính Diệu

Có bao nhiêu trường hợp Vô Chính Diệu? Có 24 trường hợp Vô Chính Diệu. Ta có thể tóm gọn như sau.

Vô Chính Diệu có NHẬT NGUYỆT hội họp (miễn sao có 2 sao này tam hợp như Vô Chính Diệu có CỰ ĐỒNG xung, một sao hợp một sao xung chiếu như Vô Chính Diệu có CƠ ÂM xung, Đồng Âm xung)

Vô Chính Diệu có THÁI ÂM xung (như CƠ ÂM, ÂM DƯƠNG xung)

Vô Chính Diệu có THÁI DƯƠNG xung ( CỰ NH ẬT)

Vô Chính Diệu có THIÊN LƯƠNG xung (như Cơ Lương, Đồng Lương,)

Vô Chính Diệu có THAM LANG xung (như Liêm Tham, Tử Tham, Tham Vũ)

Vô Chính Diệu có CỰ MÔN xung (như CỰ CƠ xung)

Có thể rút gọn xuóng còn 4 dạng Vô Chính Diệu có NHẬT hay NGUYỆT cả NHẬT NGUYỆT hội họp. Và quan trọng là NHẬT NGUYỆT sáng hay tối. Và 3 trường hợp khác là Lương, Tham, Cự xung.

Vô Chính Diệu là gì?Là không có chính tinh tại bản cung, như một ngôi nhà vô chủ, như một con người không có lập trường rõ ràng. Vì thế nó bị ảnh hưởng của chính tinh xung chiếu. Ta cần biết lá số TỬ VI vuông vức như bạn thấy, thực tế phải vẽ cho tròn trịa mới hợp lý nhưng vẽ tròn coi bộ khó quá. Thôi thì vẽ vuông vức cũng được miễn sao hiểu rằng: cung chính chiếu ngay trước mắt, như ngôi nhà đối diện bên kia đường nhà bạn. Cung Vô Chính Diệu không có chủ tất bên kia nhảy vào làm chủ ngôi nhà hoang.

Nhưng trong này còn có Bàng tinh như KÌNH DƯƠNG, KHÔNG KIẾP… nó đâu chịu? Bàng tinh chẳng qua là đồ dùng mà thôi, bạn ơi! Toàn bộ chòm THÁI TUẾ là sao chỉ cá tính, trạng thái (tốt xấu) vui buồn. Chòm BÁC SỸ là đồ dùng, các sao khác chẳng qua là tình trạng, tình hình báo cho biết xấu tốt. Dùng được hay không dùng được, dùng sinh họa hay dùng sinh lợi các sao Hóa khí sẽ báo cho ta biết.

Ví dụ cũng KÌNH DƯƠNG là cây viết, cây viết sẽ viết trên tờ giấy ra văn phẩm XƯƠNG KHÚC, nếu không có, đành chờ đáo hạn XƯƠNG KHÚC đem ra sử dụng (khổ nổi có người đem theo có người thấy không dùng được vất đi rồi).

KÌNH DƯƠNG không còn là viết thì có thể là dụng cụ nhà nông như cuốc, mai… công cụ như dao… có điện, lửa chớp chớp biến thành vũ khí (ngày xưa múa gươm, vũ khí nói chung ánh sáng lấp loáng). Giải thích như vậy để bạn hiểu Bàng tinh như là công nhân. Chính tinh như một chủ nhân. Nhìn công nhân ta biết chủ nhân. Công nhân trồng chè tức chủ nhân là nhà nông nghiệp, chẳng lẽ một Văn sỹ (có chăng mới bỏ nghề). Nhìn Bàng tinh ta khẳng định vai trò Chính tinh. Như TỬ VI là ngôi sao hành động, hành vi, gánh vác trách nhiệm… gìn giữ biên cương với cây súng trong tay, đích thị là trách nhiệm rồi. Chăm sóc một ngôi trường, một lớp học cũng là trách nhiệm, cho đến chăm sóc quán hàng riêng tư cho gia đình cũng là trách nhiệm với gia đình và khách hàng. Vấn đề còn lại là trách nhiệm với ai. Từ chỗ đó đoán được chân tướng TỬ VI.

Những lập luận trên cho thấy Vô Chính Diệu chấp nhận Chính tinh một cách dễ dàng. Trong khi mình không có chủ nhân nên mong chờ người khác đến làm chủ. Vì thế có câu ”MỆNH Vô Chính Diệu bất minh…” (bất minh không minh bạch rõ ràng, hôm này thế này mai thế khác) sẵn sàng tiếp thu những chính tinh khác khi đáo hạn khác. Một người có chính tinh tại MỆNH như PHÁ QUÂN gặp hạn CỰ MÔN nó suy nghĩ khác, một phá gặp một phản… thì dễ làm phản. Nhưng Vô Chính Diệu gặp Cự cũng chỉ ngang mức cự mà thôi.

Vô Chính Diệu lấy cung xung chiếu mà luận đoán. Vì tại bản cung không có chính diệu nào tọa thủ đương nhiên 2 chính tinh nầy xâm phạm vào cung MỆNH. (chúng ta đang ở trên một vòng tròn gọi là Thiên Bàn, cung xung chiếu đi ngang đường thẳng đi qua tâm, cắt 2 nửa vòng tròn bằng nhau y như trong toán học). Ví von cho dễ hiểu Vô Chính Diệu như người không cha, không mẹ chịu tác động bên ngoài vậy, như tờ giấy trắng bên ngoài viết chi cũng được. Nếu ta có chính tinh tức sẽ có 2 trường hợp tương thích hoặc đối kháng với chính tinh bên ngoài. Đằng nầy không có chính tinh, chỉ có bàng tinh tức chịu sự chỉ huy dẫn dắt bên ngoài, dễ thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài. Ngay như Khổng Minh Vô Chính Diệu cũng bị Lưu Bị dẫn đi. Ví dụ như vậy cực kỳ dễ hiểu, Vô Chính Diệu tam phương tốt nhất định là tốt, còn ngon lành hơn có chính tinh mà nó không chịu hợp tác với nhau. Như nhóm SÁT PHÁ THAM tại MỆNH cực kỳ vất vã mới như ý muốn.

* Ngoài ra luận theo ngũ hành để luận đoán MỆNH phù hợp với chính tinh nào. Ngay cả có chính tinh cũng luận theo ngũ hành để đoán. Người ta cho mỗi sao mỗi hành đâu phải để mà chơi. Đừng đem cái hành của ngôi sao ấy lý luận với cung, với sao đi với nó, đây là sai lầm dễ phạm phải rồi lúng ta, lúng túng tìm cách giải thích trẹo cả lưỡi, chính bản thân mình không hiểu lấy đâu người khác hiểu. Cho nên, chắc gì có TỬ VI tại MỆNH mà mang được trọng trách của TỬ VI.

* Nếu được diện kiến với người có lá số, hoặc biết được cá tính người ấy. Vấn đề tương đối dễ dàng là nghiệm chứng qua hình dáng cá tính. Ngay cả với có Chính tinh thủ MỆNH chứ đừng nói Vô Chính Diệu. Ta cần phân loại Vô Chính Diệu như đã nêu trên, đi sâu vào cần phân loại tiếp.

TUẦN TRIỆT và Vô Chính Diệu.

Nếu như MỆNH có TUẦN hay TRIỆT hay dở phức tạp tùy thuộc chính tinh tại bản cung có thích Tuần hay Triệt không. Như TỬ VI kỵ gặp các sao này. THAM LANG thì ưa.

Cần biết Tuần Triệt có những đặc tính hay. Như Phòng Trừ , Vâng lời đi cả bộ là tuân thủ triệt để, giáo dục, hiểu biết, tiếp thu và loại trừ …. Cho nên Vô Chính Diệu đắc TUẦN hay TRIỆT án ngữ ngay bản cung để tiếp thu và loại trừ. Nhưng không phải Vô Chính Diệu nào cũng cần đến TUẦN TRIỆT nhất là Vô Chính Diệu có Cự Cơ xung. Phúc Đức cung Vô Chính Diệu cũng kỵ TRIỆT Vì là Phúc Đức không thể loại trừ được. Có câu: “Phúc Vô Chính Diệu tu cần KHÔNG tú (Tuần) Kỵ ngộ TRIỆT tinh”

* Bản thân TUẦN, TRIỆT cũng là sao cho nên khi Vô Chính Diệu có 2 sao nầy giá trị như không còn là Vô Chính Diệu nữa. Vì tôi có TUẦN đây, tôi có TRIỆT đây. Uy lực của nó chế ngự cat 2 cung. Nếu không có 2 sao nầy đích thị là Vô Chính Diệu. Vô Chính Diệu có 2 sao nầy là may mắn, nhưng có chính tinh tốt đẹp xung chiếu lại kỵ TUẦN TRIỆT là điều cay đắng. Nhưng thôi, dẫu sao nó cũng được gọi chung là Vô Chính Diệu.

* Trong trường hợp MỆNH đã Vô Chính Diệu, THÂN cũng lại Vô Chính Diệu. Ta có 2 trường hợp

A MỆNH TRIỆT THÂN TUẦN.

B MỆNH TUẦN THÂN TRIỆT.

C. MỆNH (TUẦN hay TRIỆT) THÂN có chính tinh.

D. MỆNH Vô Chính Diệu không có Tuần hay Triệt. THÂN cũng Vô Chính Diệu.

Cả 2 đều Vô Chính Diệu. Trường hợp A hay hơn là B. Vì MỆNH có thể TRIỆT nhưng THÂN không thể TRIỆT được (vì nó là thân xác, thân phận… TRIỆT đi dễ trở thành phế nhân…)

Cho nên có câu:

“Mệnh TRIỆT, Thân TUẦN tu cần vô hữu chính tinh. Vãn niên vạn sự hoàn thành khả đãi.”. Tuổi càng cao càng dễ thành công.

Trường hợp B có thể ngoan hơn nhưng chưa biết số phận về đâu.

C là trường hợp MỆNH Vô Chính Diệu có TUẦN, hay TRIỆT. Cung an Thân có Chính tinh, luận theo chính tinh ấy tốt xấu tùy thuộc đắc hãm. Đừng quên rằng cung an Thân nó quan trọng hơn cung MỆNH. Lấy câu “MỆNH hảo bất như THÂN hảo. Thân hảo bất như Hạn hảo” (MỆNH tốt không bằng THÂN tốt. THÂN tốt không bằng Hạn tốt). MỆNH chỉ là ý chí mà thôi. Thân hình hài cần phải khỏe mạnh, tốt đẹp. Mượn tạm hình ảnh nhà bác học ngồi xe lăn bên Mỹ để lập luận. Ví như ông ta là người MỆNH tốt mà THÂN xấu.

Trường hợp D phải kể là xấu. Vì yếu tố phòng trừ không có.

Tiếp là MỆNH Vô Chính Diệu nhưng không có TRIỆT hay TUẦN. xem ở dưới

Vô Chính Diệu nhưng không có TUẦN hay TRIỆT án ngữ:

* Lại có Hung Tinh tọa thủ ta gọi là Hung tinh độc thủ. Có Cát tinh ta gọi Cát tinh tọa thủ. Như Vô Chính Diệu KÌNH DƯƠNG độc thủ, Vô Chính Diệu THIÊN HÌNH độc thủ, VĂN XƯƠNG độc thủ nếu thấy cả 2 ta gọi XƯƠNG KHÚC tọa thủ. Kết hợp với chính tinh bên ngoài mà luận đoán, quan trọng là có phù hợp hay không

Vô Chính Diệu lại không có bộ Phòng Trừ tọa thủ bản cung bị đánh giá chung là xấu, là không an toàn. Chư a chắc đã xấu ví dụ có TỬ VI xung bên trong ta có TRIỆT ông TỬ VI không dám vào giúp đỡ. Như vậy khó tìm ra một công thức chung, mẫu số chung cho các trường hợp Vô Chính Diệu.

MỆNH Vô Chính Diệu có yểu không?

“Mệnh VCD phi yểu chiết nhi hình thương”. Phi yểu chiết nhi hình thương là sao? Không yểu MỆNH cũng thương tật.

Mệnh VCD có thể rất yểu, Mệnh VCD phải vay mượn chính tinh bên ngoài nhưng đôi khi chính tinh không phù hợp với bản Mệnh, như Mệnh Hỏa mà chính tinh lại Thủy. Mệnh VCD cung an Thân cũng VCD, đây cũng là lý do rất dễ yểu.

Mệnh VCD vay mượn chính tinh bên ngoài, mạnh nhất là NHẬT NGUYỆT hội chiếu nhưng cùng lúc cả 2 chính tinh nầy đều ngộ TUÀN TRIỆT thành ra hoàn cảnh quá tối tăm. Đó cũng là lý do yểu.

Mệnh VCD lại có Sát tinh nhập Mệnh. Đây cũng là trường hợp yểu.

Cho nên câu Mệnh VCD không yểu cũng hình thương cũng không phải câu nói quá đáng. Vì vậy để tăng thọ cho cách nầy người ta cho rằng:

“Mệnh VCD nhị tinh diên sinh”

Tức là thay đổi tên họ, thọ cao. Khi thay tên đổi họ tức thì cái tên ấy, danh tính ấy đã chết đi tức là chết cái tên, cái danh, cái họ chứ bản thân không chết. Điều nầy nghe có vẽ như là vô lý phản khoa học phải không? Mắc chi thay cái tên, cái họ lại thọ. Vô lý quá. Vâng có lẽ vô lý thật nhưng nếu bạn là người Do Thái ở vào thời điểm Đức Quốc Xã cai trị, bạn có cho rằng thay đổi được tên họ tất thị được sống. Đúng quá phải không? Nếu bạn là Bin La Den (hoặc ở vào hoàn cảnh na ná) trong tay bạn hiện có nhiều thẻ thông hành phải không? Nếu có bộ râu truyền thống tôi cũng e rằng: râu giả? Thậm chí bạn còn muốn Bin La Den giả chết để Bin La Den thật sống. Vậy thì chuyện thay tên đổi họ mà thọ không có chi là huyền bí hết, tuổi thọ lại cao. Những người hoạt động chính trị vài ba chục tên giả là chuyện thường, thậm chí tên giả còn nổi danh hơn tên thật.

Ở đời, đôi khi có người không ưa cái tên, cái họ của bạn, chừng đó thôi cũng đủ chết. Chứ chưa nói đến có tư thù, tư oán… Bạn không hoài nghi việc bầu cử chỉ vì cái tên, cái họ, cái giới tính, cái nguồn gốc… gạch bỏ không thương tiếc một người có tài năng mà bạn chẳng chịu tìm hiểu. Vậy thì thay đổi tên họ có thể thay đổi cả vận mạng con người. Bạn đồng ý chưa? Biết đâu nhờ cái tên bạn vào phòng mổ sớm 1 tí mà được cứu sống, ngược lại bạn chết vì sự muôn màn.

Và nhìn những Nickname thì có những cái nghe thôi đà sinh bệnh. Lại đổi nickname, đổi nửa nhưng quan trọng là nên đổi cá tính đi.

Các văn sĩ không ai ép buộc chi, chỉ có kinh tế ép thôi. Đôi khi cũng thay tên đổi họ chuyển qua viết dạng ‘mì ăn liền’, dạng ‘bồi bút’, dạng ‘khêu dâm’…

Ngày xưa trùng húy với vua, buộc phải thay đổi danh tính. Thậm chí thân phụ của người viết, trùng tính với quan Thượng Thư mà buộc phải thay tên, nếu không thay tức hoạn lộ không bền, còn kéo theo mạng sống không bền. Thân phụ lại là người Mệnh VCD.

Mệnh VCD thọ.

Không có Hung Sát tinh hội họp hay độc thủ lại có các sao như:

THÁI TUẾ chủ người cao tuổi.

CÁO PHỤ chủ lời bảo ban của bậc cha ông, tức cùng hàm ý thọ.

Hoặc khi có THIÊN LƯƠNG thủ Thân và nhất là THIÊN LƯƠNG xung chiếu MỆNH, như các cách Vô Chính Diệu có ĐỒNG LƯƠNG, CƠ LƯƠNG, DƯƠNG LƯƠNG xung. Đó là nói tổng quát, chứ đừng vin vào đó, quan trọng là có phá cách không. Chính người viết đưa lá số Vô Chính Diệu có ĐỒNG LƯƠNG xung mà bị giết để làm mẫu đấy.

Vô Chính Diệu nào vẽ vang nhất.

Đó là các trường hợp Vô Chính Diệu có NHẬT NGUYỆT hội họp. Hoặc DƯƠNG LƯƠNG xung dù có hãm vẫn còn là tốt. Trường hợp Vô Chính Diệu tại Mùi có DƯƠNG LƯƠNG tại Mão và THÁI ÂM tại Hợi. Được xem như hay nhất. Vì sao Vô Chính Diệu có NHẬT NGUYỆT lại hay (hay là hay về công danh) vì NHẬT NGUYỆT là bộ sao: “Chính bất như chiếu, chiếu bất như giáp”. Cách THAM VŨ Sửu Mùi vốn đã hay còn hưởng thêm cách giáp NHẬT NGUYỆT được phê ‘phi vinh tắc phú” (không sang cũng giàu). NHẬT NGUYỆT ví như ngọn đèn pha chiếu lên sân khấu. Nhìn là nhìn nhân vật đứng trên sân khấu. Một người mà có 2 vầng NHẬT NGUYỆT chiếu vô MỆNH như vậy là quá đẹp. Được gọi là NHẬT NGUYỆT tất nó ưu tiên phát xạ so với các chính tinh khác. Bởi thế mới gọi nó là NHẬT NGUYỆT mặc dù người xưa thừa biết nó không phải mặt trăng, chẳng phải mặt trời nhưng đã ví nó như NHẬT NGUYỆT phải lý luận như NHẬT NGUYỆT thật sự. Biết bao câu phú ca ngợi cách này. Trường Hợp Vô Chính Diệu tại Sửu có cách kia vẫn còn hay mặc dù NHẬT NGUYỆT bị lạc hãm. Ví von dễ hiểu như là rạp hát ế khách chứ không phải là không có khách.

Nhưng chú ý Vô Chính Diệu có cả CỰ NH ẬT, ĐỒNG ÂM, CƠ LƯƠNG 6 sao cùng chiếu ồn ào hơn một cái chợ.

Đứng hạng nhì là trường hợp Vô Chính Diệu có THAM VŨ xung. Thực chất bên trong có bộ Phủ Tướng bên ngoài có THAM VŨ xung nên rất là hay.

VCD có SÁT TINH độc thủ:

Nếu có KÌNH DƯƠNG ta gọi là KÌNH DƯƠNG độc thủ, cũng vậy nếu có ĐÀ LA ta gọi là ĐÀ LA độc thủ, HỎA TINH độc thủ, LINH TINH độc thủ.

Dĩ nhiên có các Sát Tinh độc thủ không phải là hay, cần xét nó có đắc ý không, có phù hợpù hợp hay không? Nhất là KÌNH ĐÀ vì bản thân nó chưa hẳn là hung tinh.

VCD có ĐỊA KIẾP ta gọi là ĐỊA KIẾP độc thủ. Ví du: như câu:

“ĐỊA KIẾP độc thủ, thị kỷ phi nhân. THAM LANG độc cư đa hư thiểu thật”

VCD có lại thêm Mệnh Không Thân Kiếp.

“Mệnh KHÔNG Thân KIẾP lai hội SONG HAO. Vô Chính Diệu thiểu học đa thành.”

Đây cũng là trường hợp hiếm có, chỉ sinh tháng 10, phải có Song Hao, lại Vô Chính Diệu. Học ít thành nhiều. Thực tế người viết chưa gặp trường hợp này không dám kết luận. Song Hao đạt yêu cầu phải là tuổi Đinh Kỷ Quý mới hay.

CÁC CÂU PHÚ LIÊN QUAN:

“Mệnh Vô Chính Diệu đắc TAM KHÔNG hữu SONG LỘC phú quí khả kỳ”

Phú Quý Khả Kỳ là giàu sang một thời, chỉ một thời cũng vẽ vang lắm rồi. Vì trong cách này có chứa cách tam KHÔNG cho nên 3 cái không phải trả.

“Mệnh Vô Chính Diệu bất minh. PHỤ BẬT gia thủ đem mình ly tông”

Vì những lý do trên mà Mệnh VCD có lập trường không rõ ràng, không minh bạch. Trong tình huống đó có sự trợ giúp của PHỤ BẬT dĩ nhiên là dễ rời bỏ tổ tông, vì bật qua bên nầy không được, bật lại bên kia không xong, bật đi xa mơ hồ chưa biết thành bại, thường dễ làm người ta lựa chọn không cần phải là VCD mới lìa bỏ tổ tông, mà có chính tinh đi kèm cũng ưa lìa bỏ. Có câu: “TẢ, HỮU đơn lâm MỆNH viên ly hương sở nghiệp.” Vì tất cả các trường hợp có TẢ HỮU tại MỆNH, tức cung Phụ hay Huynh đều có sao HÌNH, chỉ một sao HÌNH này thôi, ở cũng không yên trong lúc luôn luôn có bạn bè, kẻ trên giúp đỡ Vô Chính Diệu lại càng mau đi nữa.

“Mệnh TRIỆT, Thân TUẦN tu cần vô hữu chính tinh. Vãn niên vạn sự hoàn thành khả đãi.”

Câu này nếu MỆNH TRIỆT, Thân TUẦN Vô Chính Diệu tuổi cao thành đạt, tức tuổi trẻ khó thành. Nhận xét chung trường hợp này có tính phòng bị thái quá.

“Thân Mệnh đồng cung Tí Ngọ hoặc cư tuyệt xứ. Vô chính tinh khủng kiến MÃ, LINH, HÌNH, KIẾP. Chung thân hoa khai ngộ vũ mãn kiếp phi yểu chiết nhi hình thương.”

Vô Chính Diệu Tại Tý Ngọ lại thêm Thân Mệnh đồng cung. Kỵ gặp MÃ LINH HÌNH KIẾP 4 sao này thấy tay chân tật nguyền rồi. Suốt đời như như đóa hoa nở gặp mưa gió dập vùi, không yểu cũng thương tật.

“Thân Mệnh đồng cung tối hiềm nhập mộ hoặc cư Tuyệt xứ. Vô Chính Diệu hoan phùng TẢ HỮU SINH VƯỢNG hoá hung vi cát chung thân vượng hưởng phúc tài.”

Vô Chính Diệu tại Tứ Mộ cung, hoặc tại Hợi. Kỵ Thân Mệnh đồng cung TẢ HỮU SINH VƯỢNG lại tốt, suót đời hưởng 2 chữ phúc và tài lộc

“PHÚC Vô Chính Diệu tu cần KHÔNG tú (Tuần), Kị ngộ TRIỆT tinh, nhược phùng SINH, HÌNH, KỊ, VIỆT vi nhân tiêu trưởng.”

Cung Phúc Vô Chính Diệu cần Tuần kỵ Triệt (Vì TRIỆT chủ bị trừ, xem nhẹ coi thường… phải xem trọng, quan phòng… cung này chưa bà con trong đó) Nếu có các sao kể trên là người không thể thành đạt, thành họa thì có… Bộ KỴ HÌNH đã mệt hung rồi, thêm VIỆT chủ phát sinh, thêm Sinh để nẫy họa. (từ hung là phương ngôn người Huế nói riêng, như mệt quá, chư không phải hung dữ hay hung họa).

Bài viết này là mở đầu cho những loạt bài Vô Chính Diệu về sau, khái niệm về Vô Chính Diệu, cụ thể sau nầy muốn viết Vô Chính Diệu có TỬ THAM xung… những khái niệm trong bài viết này đem ứng dụng cho tiện lợi.

Và sau khi bài viết này Post lên người viết phải chuẩn bị đi HUẾ để thăm mẹ già theo chu kỳ 2 tháng 1 lần. Cho tròn (tuần) chữ Hiếu (Tướng Binh, THIÊN TƯỚNG), cứ nghĩ tháng này mong ngóng Đình về, sao không thấy nó về, thôi thì về sớm ngày nào bà an tâm ngày đó. Vì thế mọi thắc mắc của bạn không thể trả lời được. Bạn không nên hỏi những chuyện riêng tư vì làm mất thì giờ của người viết, bạn cũng không nên phơi bày lá số của mình trên mạng, điều đó không hay cho chính bạn sau này.

Bài kỳ tới. Làm thế nào để đoán hạn có chuyển động. (vì thế mà lần này người viết đi Huế không bay bướm như những lần trước)

(Dẫn theo trang tuvitoantap.blogspot.com)

Rate this post

Viết một bình luận