Di chỉ hang động El Mirador ở Atapuerca (Tây Ban Nha) – Ảnh: agenciasinc.es
Theo Tổ chức Nhân đạo quốc tế (tổ chức quốc tế bảo vệ động vật có trụ sở chính ở Mỹ), hiện nay mỗi năm có hơn 30 triệu con chó bị giết thịt.
Thật ra lề thói ăn thịt chó đã có từ xa xưa. Nhà nghiên cứu Claire Czajkowski người Mỹ ghi nhận chó là động vật đầu tiên được thuần dưỡng với mục đích ban đầu là cung cấp thịt.
Xưa kia chó sói thường lân la đến gần nơi con người cư trú để ăn cơm thừa cá cặn và con người đã bắt chúng để nuôi ăn thịt.
Tổ tiên của chó ở Trung Quốc
Các nghiên cứu phân tích di truyền ty thể của hơn 1.500 con chó ở khu vực Âu – Á – Phi cho thấy chúng đều có chung tổ tiên ở phía nam sông Dương Tử và được thuần dưỡng cách đây tối thiểu 16.300 năm.
Như vậy quá trình thuần dưỡng chó sói chỉ xảy ra tại một địa điểm và một thời điểm nhất định. Bằng chứng là nhiều mẩu xương chó được tìm thấy tại các di chỉ ở miền nam Trung Quốc.
Sau quá trình thuần dưỡng, chó nuôi được phát tán khắp thế giới làm chó thịt hay kéo xe, giữ nhà. Tại di chỉ hang động El Mirador ở Tây Ban Nha, nhà nghiên cứu Patricia Martín đã tìm thấy nhiều xương chó thuần dưỡng.
Trên xương có dấu vết cắt xẻ, dấu răng người và nhiều dấu vết nấu nướng, điều này chứng tỏ cư dân khu vực này đã từng ăn thịt chó.
Các tài liệu về thời đồ đá mới (từ năm 6000 đến năm 2200 trước Công nguyên) và thời đại đồ đồng (từ năm 2200 đến năm 800 trước Công nguyên) đã ghi nhận thói quen ăn thịt chó nuôi.
Thói quen này diễn ra tùy lúc nhưng thường xuyên lặp đi lặp lại, từ đó các nhà nghiên cứu suy đoán con người thời ấy đã từng ăn thịt chó vào lúc đói kém.
Tại châu Á, trong lăng mộ vương quốc Goguryeo ở tỉnh Nam Hwanghae (CHDCND Triều Tiên) có bức tranh tường thuộc thế kỷ 4 vẽ chó bị giết treo trên móc cạnh heo rừng, nai, cừu trong nhà bếp.
Còn tại châu Phi, hai nhà nghiên cứu Achilles Gautier và Wim Van Neer người Bỉ ghi nhận tục ăn thịt chó đã tồn tại ở Tây Phi từ cuối thời tiền sử. Các bộ tộc bản địa người Berber ở Bắc Phi thời trước khi Hồi giáo phát triển (thế kỷ 7) đã biết ăn thịt chó.
Món ngon thời loạn lạc
Ở châu Âu, học giả người Mỹ Mark Derr ghi nhận người tiền sử từng thường xuyên xơi thịt chó nhưng sau đó không ăn nữa, trừ những lúc đói “đầu gối phải bò” hay vào thời chinh chiến loạn lạc.
Tại miền bắc nước Pháp, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xương chó ở thời đại đồ sắt (từ năm 1100 đến năm 800 trước Công nguyên) có dấu vết chặt xẻ. Tuy nhiên, tỉ lệ các loại xương được tìm thấy chứng tỏ thịt chó chỉ chiếm chưa tới 10% thức ăn có thịt của cư dân thời đó.
Nhiều tác phẩm văn học vào thế kỷ 19 của các văn hào Pháp như Victor Hugo hay Gustave Flaubert đã mô tả những bữa ăn có món… thịt cầy.
Theo nhà nghiên cứu nhân học người Pháp Jacqueline Milliet, vào thế kỷ 19 các công nhân người Ý cư trú tại miền nam nước Đức và Bỉ ăn thịt chó phà phà. Báo L’Illustration (Pháp) ngày 10-9-1892 đã đăng bài viết phản ánh các lò mổ chó mọc lên như nấm ở Munich (Đức) sau khi các công nhân Ý đến đây làm việc.
Trong giai đoạn chiến tranh và đói kém, dân châu Âu không từ món cầy tơ. Báo Pháp đã từng đăng ảnh cửa hàng bán thịt chó, thịt mèo và thịt chuột trên đường phố Paris bị vây hãm trong chiến tranh Pháp – Đức (1870-1871).
Người ta còn tổ chức nấu thịt chó và thịt mèo trong các chảo lớn để phân phát cho người nghèo.
Thời nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler đã ra lệnh cấm bán thịt chó tại Paris.
Tại Đức, dù phát xít Đức ra lệnh cấm nhưng dân Đức vẫn tìm cách ăn thịt chó. Cửa hàng bán thịt chó cuối cùng ở Đức đóng cửa vào năm 1943. Ngoài ra, thịt chó còn là món ăn thời khó của người dân ở Nga, Ukraine, Ba Lan…
Cửa hàng bán thịt chó, thịt mèo và thịt chuột ở góc chợ Saint-Germain (Paris) năm 1870 – Ảnh: Le Journal Illustré
Luận án tiến sĩ về ăn thịt chó
Trong luận án tiến sĩ với đề tài “Diễn tiến chế độ ăn thịt chó trên thế giới” (năm 2017), nghiên cứu sinh Galassi Valérie Noëlle ở Đại học Paris-XII (Pháp) ghi nhận thịt chó vẫn đang được ưa chuộng ở nhiều nước.
Tại châu Á có Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Thái Lan. Tại bốn quốc gia và vùng lãnh thổ cấm giết mổ chó hay cấm ăn thịt chó gồm Philippines, Singapore, Đài Loan và Hong Kong, người dân vẫn tìm cách ăn thịt chó.
Tại châu Phi, người dân ở Nigeria, Cameroon, Chad, Niger, CHDC Congo, Togo, Burkina Faso, Benin và Tunisia đều xem thịt chó là món ngon không thể bỏ.
Hiện vẫn còn Thụy Sĩ, 44 bang của Mỹ cùng các dân tộc bản địa châu Mỹ nghiện món thịt chó. Ở Syria (Trung Đông), Bắc cực, Nam cực và Polynésie (lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp), thịt chó vẫn được ưa chuộng.
Nếu tính theo số lượng chó bị thịt trên 1.000 người mỗi năm, Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất, kế đến lần lượt là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Nigeria.
Còn tính theo số lượng chó bị ăn thịt, Trung Quốc đứng đầu với 10 triệu con/năm, kế đến là Việt Nam (5 triệu con), Hàn Quốc (từ 2-5 triệu con), Indonesia (vài trăm ngàn con), Philippines (500.000 con), Thái Lan (200.000 con), Nigeria (200 con mỗi ngày). Tại Thụy Sĩ có khoảng 3% dân số ăn thịt chó
Người Nhật đã bỏ ăn thịt chó
Trò thi bắn chó (inu-ômono) ở Nhật – Ảnh: Bảo tàng Lịch sử và văn hóa Nhật
Các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết ăn thịt chó ở Nhật tối thiểu từ thời kỳ Yayoi (thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 3). Sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật từ thế kỷ 6, người dân vẫn dùng thịt chó lúc mùa màng thất bát.
Vào thế kỷ 15, thịt chó được xem như bài thuốc, kể cả giới quý tộc Nhật cũng không chê.
Đến khi tướng quân thứ năm Tsunayoshi Tokugawa (1646-1709) ban sắc lệnh bảo vệ chó, thịt chó mới không còn là món khoái khẩu của dân Nhật nữa.
>> Kỳ tới: Ăn thịt chó ở Hàn Quốc và Trung Quốc
Tranh luận về ăn thịt chó: Nên hay không nên ăn? Ăn thì có sao?