GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Họ thiếu tự trọng!
Tôi thấy trên báo chí, truyền hình có rất nhiều trường hợp lạm dụng từ ngữ nước ngoài trong khi hoàn toàn có thể dùng từ ngữ Việt. Ví dụ
live show, game show
,
Champions League, V-League, trận derby
… Ở ngoài đường thì biển hiệu, biển quảng cáo hoàn toàn viết bằng tiếng Anh hoặc có viết tiếng Việt nhưng phần viết tiếng Anh to đùng bên trên “đè” mất tiếng Việt. Điều này không chỉ là lạm dụng tiếng nước ngoài mà rõ ràng đã vi phạm Pháp lệnh Quảng cáo.
Tôi thấy trên báo chí, truyền hình có rất nhiều trường hợp lạm dụng từ ngữ nước ngoài trong khi hoàn toàn có thể dùng từ ngữ Việt. Ví dụ… Ở ngoài đường thì biển hiệu, biển quảng cáo hoàn toàn viết bằng tiếng Anh hoặc có viết tiếng Việt nhưng phần viết tiếng Anh to đùng bên trên “đè” mất tiếng Việt. Điều này không chỉ là lạm dụng tiếng nước ngoài mà rõ ràng đã vi phạm Pháp lệnh Quảng cáo.
Về phát âm và chính tả thì họ vẫn chưa xây dựng được những quy định thống nhất. Trên các chương trình phát thanh, truyền hình, phát thanh viên thường đọc G8 là Gờ 8, trong khi GDP thì đọc là giê đê pê, tam giác ABC cũng không ai đọc là tam giáca bờ cờ. Nhiều tên tắt tiếng Pháp lại được đọc theo cách đọc tiếng Anh, ví dụ tổ chức APF (Liên minh Nghị viện Pháp ngữ) có lúc bị đọc là Ây Pi Ep. Sửa những lỗi này không khó. Cách phát âm đúng nhất là theo tên chữ cái Việt Nam. Về cách viết hoa tên riêng, nhất là tên các tổ chức, cách phiên âm tiếng nước ngoài thì càng lộn xộn, mỗi nơi mỗi kiểu. Trên sách báo, công văn bây giờ, chỗ xuống dòng, bắt đầu một khổ mới, chữ mở đầu khi thì được viết lùi vào một ô, khi thì học cách trình bày của tiếng Anh, viết ra sát lề.
Tình trạng đã nêu là rất đáng buồn, thậm chí là không thể chấp nhận được trong một xã hội nền nếp, văn minh, nhất là đối với một dân tộc giàu lòng tự trọng và có truyền thống văn hiến lâu đời như dân tộc ta.
Có thể nói tình trạng đó là kết quả tiêu cực của hội nhập. Trong lịch sử, nước ta đã từng trải qua hai lần “hội nhập không tự nguyện” (thời Bắc thuộc và thời Pháp thuộc). Mỗi lần “hội nhập” như thế đều để lại dấu ấn trong ngôn ngữ dân tộc. Nhưng ở thời nào, tầng lớp bình dân và những trí thức yêu nước cũng thể hiện bản lĩnh rất vững vàng và sự lựa chọn rất sáng suốt để một mặt bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, mặt khác tiếp thu những từ ngữ, những cách diễn đạt mới, làm giàu vốn từ và nâng cao năng lực diễn đạt của tiếng ta; nhờ vậy, thế hệ chúng ta mới có được một công cụ tư duy và giao tiếp giàu đẹp, trong sáng như tiếng Việt hiện nay.
GS-TS Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn:
Báo chí, truyền hình không nên tiếp tay
Việc vay mượn trong ngôn ngữ là điều không tránh khỏi. Ví dụ, tiếng Việt từng vay mượn từ tiếng Hán đến 60%, mà cả tiếng Nhật hay tiếng Hàn cũng có vay mượn từ tiếng Hán. Tiếng của nhiều nước phương Tây cũng vay mượn từ tiếng La Tinh. Đây là điều không tránh khỏi, khi mà một nền văn hóa cổ xưa có sức ảnh hưởng lớn thì ngôn ngữ đó được vay mượn nhiều. Ngày nay, tiếng Anh là thứ tiếng thông dụng và nhiều nước đã vay mượn từ tiếng Anh. Tôi ví dụ, tiếng Anh gọi “mouse” và ta gọi là “con chuột” dùng với máy vi tính đấy thì tiếng Hàn thậm chí không chuyển thành tiếng Hàn mà vẫn gọi luôn là “mau xừ”.
Tôi cho rằng trong trường hợp tiếng Việt mình không có từ hoặc có từ tương đương nhưng không thuận tiện thì dùng tiếng Anh vẫn được. Ví dụ, trước đây “computer” dịch là máy vi tính nhưng rồi có sự phân biệt “desktop” với “laptop”, nếu dịch “laptop” là máy tính cá nhân thì có khi lại nhầm với cái “máy tính” chuyên cộng trừ nhân chia. Do đó dùng từ “laptop” cũng có thể chấp nhận. Đây cũng là điều không tránh khỏi. Thậm chí các từ nước ngoài trong lĩnh vực khoa học khó có từ tiếng Việt tương ứng thì vay mượn là tất nhiên.
Tuy nhiên, nếu tiếng Việt đã có từ tương đương để sử dụng mà cứ dùng từ tiếng nước ngoài thì là lạm dụng. Báo chí, truyền hình không nên “tiếp tay” cho sự lạm dụng này.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Có người bảo rằng tôi “phá hỏng” tiếng Việt
. PV: Anh có mở một quán ăn và đặt tên Kwán Dziều Đỏ phải không?
+ Đúng là tôi đặt tên thế. Có người bảo rằng tôi “phá hỏng” tiếng Việt. Tôi nghĩ phê phán thế là quá khích. Tôi chọn cách viết như thế là nhằm gây ấn tượng ngộ nghĩnh, hài hước. Chữ Kwán là vì tôi tên Quân, bạn bè tôi hay viết đùa là Kwan, đọc vẫn như là “Quân”. Gọi Kwán cũng như là gọi “quán”. Viết Dziều thì cũng đọc như là Diều thôi. Một cách… tạo ấn tượng hài hước đấy mà.
Trước đây có một quán ăn đặt tên Mitau. Nhiều người bảo tên này là tiếng nước ngoài, không biết nghĩa là gì. Thực ra Mitau là phương ngữ xứ Huế đấy, một cách gọi “mày (mi), tao (tau)” thân mật. Cách đặt tên Mitau vừa thú vị và đậm chất Huế, khi khách hàng tìm hiểu và hiểu ra ý của cái tên thì cũng rất ấn tượng.
Có những từ đã Việt hóa, những từ mà tiếng Việt mình không có từ tương đương thì việc dùng tiếng nước ngoài không bị xem là lạm dụng. Ví dụ, từ “ok” đã quen thuộc và quen được dùng để tỏ sự đồng ý. Hoặc trong lĩnh vực ca nhạc, khi giới thiệu ca sĩ ra “album mới” thì cũng là từ có thể hiểu được, xem như đã Việt hóa. Hay như trong lĩnh vực kiến trúc mà nói “đề co” thì nhiều người vẫn chấp nhận và hiểu đấy là “trình bày” “sắp xếp”… Theo tôi thì việc dùng xen tiếng nước ngoài bị xem là lạm dụng khi đa số công chúng không hiểu được từ đó muốn nói gì.