Xã hội học là ngành gì? Học xã hội học ra làm gì? là câu hỏi mà thí sinh quan tâm khi tìm hiểu ngành nghề. Nếu coi xã hội là 1 “cơ thể sống” thì nhà xã hội học là “bác sĩ bắt bệnh” xã hội
Xã hội học là ngành gì? Học xã hội học ra làm gì? là câu hỏi mà thí sinh quan tâm khi tìm hiểu ngành nghề. Nếu coi xã hội là 1 “cơ thể sống” thì nhà xã hội học là “bác sĩ bắt bệnh” xã hội.
Biểu tượng Ngành xã hội học cho thấy sự kết nối con người trong xã hội trên toàn thế giới
Xã hội học là ngành gì? Học xã hội học ra làm gì? Chúng ta có thể hình dung xã hội như là 1 tổ chức “cơ thể sống”, vì thế nó sẽ tiềm ẩn hoặc bộc phát những hiện tượng “bệnh lý” dẫn tới làm chậm, hoặc thậm chí đẩy lùi sự phát triển xã hội, khi đó nhà xã hội học chính là “bác sĩ bắt bệnh” xã hội.
Vậy thì Xã hội học là ngành gì?
Chúng ta vẫn thường nghe trong cuộc sống, trong báo đài, thông tin truyền thông về những tệ nạn xã hội hay những vụ án tự tử thương tâm…. Hẳn khi đó ai cũng thắc mắc rằng tại sao trong thời buổi này lại xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội tới vậy? Tại sao hôm qua có nhiều người tự tử như thế???
Người ta tự tử là do chán sống thì chết thế thôi, vậy nó liên quan gì đến xã hội… liệu có đúng như vậy không? Sao lại có những người giàu “nứt đố đổ vách” nhưng lại cũng có quá nhiều người nghèo”rớt mùng tơi”???
Vì sao lại có những nhóm người có nguy cơ bị lây, nhiễm HIV/AIDS cao hơn những nhóm người khác?
Từ ngày có Internet, cái tích cực có, cái tiêu cực cũng có, nhưng ai là người có nhiều lợi ích nhất từ nó? Khi nào thì đua xe là 1 môn thể thao và khi nào nó bị coi là “tử thần” đường phố…
Việc tìm ra cách trả lời cho những câu hỏi trên, chính là nhiệm vụ của ngành xã hội học. Khi đó có người sẽ nghĩ, nghề này phải nghiên cứu toàn bộ xã hội. Nhưng thật ra không hẳn thế.
Từ thế kỷ XIX, 1 ngành khoa học mới đã ra đời. Những người theo đuổi nó tìm cách khám phá ra bản chất có mang tính quy luật của các hiện tượng xã hội, hiểu rõ hơn là các “mặt xã hội” của những hoạt động trong đời sống xã hội chúng ta. Đó chính là ngành xã hội học.
Học xã hội học ra làm gì? Ở đâu?
Học xã hội học ra làm gì, ở đâu khi đã nắm trong tay kiến thức xã hội học được trang bị một cách chuyên nghiệp?
Với những kiến thức về xã hội học, bạn sẽ có thể giải mã được các hiện tượng xã hội rất đa dạng, từ đó có thể lựa chọn những định hướng nghề nghiệp cụ thể.
Bạn có thể làm nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu; Làm giảng viên xã hội học tại các cơ sở đào tạo Cao đẳng, Đại học, sau Đại học; Về làm việc tại các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội; Hay thậm chí là cả trong những bộ phận liên quan đến quan hệ đối ngoại, quan hệ xã hội, quan hệ công chúng của các tổ chức kinh tế, tòa báo, doanh nghiệp…
Tại mỗi vị trí làm việc, bạn đều có thể phát huy kiến thức xã hội học của mình trên cơ sở gắn kết với thực tiễn tại cơ quan, doanh nghiệp mà bạn công tác. Công việc này tạo cho bạn rất nhiều cơ hội để tham gia vào các hoạt động gắn với phát triển xã hội, phát triển cộng đồng…
Dù làm việc ở đâu, với những kiến thức cùng óc quan sát xã hội học cũng thường xuyên đem lại cho bạn những bất ngờ khi ”thám hiểm” xã hội muôn màu muôn vẻ trong cuộc sống.
Đặc thù của ngành, nghề này là không thể thiếu những chuyến nghiên cứu dã ngoại, nó là 1 mảng không thể thiếu và chiếm 1 thời lượng không nhỏ trong cuộc đời của nhà xã hội học.
Đây cũng là những cơ hội tuyệt vời để bạn khám phá những miền đất mới, gặp gỡ những con người mới, những cộng đồng xã hội khác đầy thú vị.
Muốn trở thành nhà xã hội học bạn cần phải làm gì?
Đầu tiên, nhà xã hội học cần phải có tư duy phân tích để chạm tới và nắm bắt được sợi dây bản chất xuyên suốt trong mỗi hiện tượng xã hội. Để đi tới được cái đích đó bạn rất cần có sự tự tin và tính kiên nhẫn.
Những đức tính này sẽ giúp bạn không chùn bước, nản lòng vì con đường từng bước tích lũy, luyện tập tính tư duy phân tích thật sự không phải là con đường trải đầy hoa hồng và có thể nhanh chóng khám phá được.
Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng đối với người làm nghề xã hội học là khả năng giao tiếp tốt và tính nhân văn. Cần nhớ rằng, đối tượng trực tiếp làm việc của bạn là những con người.
Ngoài ra, 1 kỹ năng không thể thiếu đó là khả năng viết giúp bạn diễn tả chính xác những ghi nhận trong toàn bộ quá trình nghiên cứu và đặc biệt là khi trải ra trên giấy báo cáo kết quả thu thập dữ liệu trong thời gian dài của mình.
Học xã hội học ở đâu?
Hiện nay, môn xã hội học đã được đưa vào chương trình giảng dạy hệ đào tạo Cao đẳng, Đại học, sau Đại học ở nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, có nhiều cơ hội cho phép bạn tiếp cận môn học này. Nếu không theo chuyên ngành xã hội học, bạn cũng được học nó trong chương trình học phần đại cương của những ngành mà bạn lựa chọn.
Để có cơ hội trở thành nhà xã hội học, sau khi tốt nghiệp chương trình THPT hoặc tương đương bạn có thể tham gia xét tuyển vào khoa Xã hội học ở các trường Đại học theo khối C hoặc khối D.
Nếu bạn đã đi làm nhưng muốn có thêm tay nghề xã hội học để đáp ứng yêu cầu công việc và tìm những cơ hội mới trên thị trường lao động, bạn có thể tham gia các lớp Đại học tại chức và văn bằng 2 xã hội học với giờ giấc học tập rất linh hoạt, phù hợp cho bạn vừa học vừa làm.
Tại các trường Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội, trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, Học viện báo chí và truyền thông, Đại học Công đoàn, Đại học Đà Lạt… khoa Xã hội học đang mở rộng cánh cửa chờ đón các nhà xã hội học tương lai.
Còn chờ đợi gì nữa mà không tham gia đào tạo ngành học xã hội học nếu như bạn có nguyện vọng?