Tiếp tục xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục bằng nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, đảm bảo kịp thời, thực sự hiệu quả… Ðó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Ðoàn Văn Việt đối với các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị chủ rừng về công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trong những tháng còn lại của năm 2019.
Mặc dù công tác QLBVR có sự chuyển biến tích cực; trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị được nâng lên; số vụ vi phạm giảm 115 vụ (26%) so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên, tình trạng ken cây, bỏ hóa chất làm chết cây rừng, chặt hạ cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép… còn diễn biến hết sức phức tạp, xảy ra liên tiếp tại nhiều địa phương trong tỉnh; thiệt hại về tài nguyên rừng tăng (diện tích thiệt hại tăng 28%, lâm sản thiệt hại tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018); công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm đất sau khi giải tỏa; một số dự án đầu tư để xảy ra phá rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng chiếm tỷ lệ cao (gần 50% so với tổng số vụ vi phạm); việc điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm còn chậm, chưa quyết liệt và triệt để…
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do một số nơi chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng còn thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong công tác QLBVR, quản lý đất đai; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chưa hợp lý, chưa liên tục và hiệu quả thấp; chưa có giải pháp, biện pháp phù hợp để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, không tham gia phá rừng, phòng ngừa vi phạm. Mặt khác, còn thiếu sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của hệ thống chính trị trong công tác QLBVR, thậm chí có sự bao che, dung túng của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng cho các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, người nhận khoán QLBVR chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác QLBVR, nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác QLBVR.
Trước thực trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt yêu cầu các cấp, ngành, các đơn vị chủ rừng huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đến cuối năm 2019, độ che phủ rừng đạt từ 54,4 – 54,8%, số vụ vi phạm giảm 20%, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 20% so với năm 2018…
Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan hoàn thành việc cắm mốc, xác định ranh giới giữa quy hoạch đất lâm nghiệp của từng đơn vị chủ rừng và đất nông nghiệp (trong tháng 8/2019) để thực hiện QLBVR chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn lực lượng kiểm lâm; nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động lập kế hoạch và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét, điều tra và xử lý ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, các dự án đầu tư thực hiện tốt công tác QLBVR, PCCCR, trồng rừng theo kế hoạch; thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với cấp huyện, tiếp tục chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị của địa phương tích cực phối hợp tham gia thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp QLBVR, PCCCR, trồng rừng, trồng cây phân tán; vận động các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép và sẵn sàng tố giác các đối tượng vi phạm QLBVR, PCCCR. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện nghiêm việc tuần tra tại rừng, nắm chắc tình hình để chỉ đạo thực hiện việc ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi vi phạm có thể xảy ra trên địa bàn. Kịp thời tổ chức giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép và thực hiện ngay việc phục hồi, trồng lại rừng. Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải thực hiện nghiêm túc việc phân công theo dõi địa bàn, kiểm tra tại cơ sở và báo cáo kết quả kiểm tra QLBVR hàng tháng theo nội dung UBND tỉnh đã chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về QLBVR, PCCCR trên địa bàn.
Các đơn vị chủ rừng tiếp tục nâng cao trách nhiệm và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, thực hiện có hiệu quả công tác QLBVR và chịu trách nhiệm chính trong việc QLBVR trên diện tích được giao quản lý. Các chủ rừng để rừng bị phá, bị khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp mà không kịp thời kiểm tra, phát hiện, thực hiện các biện pháp phù hợp để ngăn chặn… thì thủ trưởng đơn vị và cán bộ, nhân viên có liên quan phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố tập trung điều tra, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; kịp thời xử lý nghiêm, công khai các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật; phối hợp điều tra xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn mà báo chí phản ánh vừa qua. Chủ động thành lập các chuyên án đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đường dây, băng nhóm phá rừng, hủy hoại rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản; lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép; cử lực lượng công an tham gia ngay từ đầu để củng cố chứng cứ, nắm bắt thông tin phục vụ cho công tác điều tra, xử lý vi phạm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh, tin tưởng rằng mục tiêu đến cuối năm 2019: độ che phủ rừng từ 54,4 – 54,8%, số vụ vi phạm giảm 20%, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 20% so với năm 2018… là hoàn toàn khả thi.
Nguồn: Báo Lâm Đồng