–
Thứ năm, 02/06/2022 12:17 (GMT+7)
Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam cũng là một trọng tâm trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài trong lịch sử, con người Việt Nam luôn được thử thách, tôi luyện, hun đúc để hình thành nên nhiều giá trị tốt đẹp.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của
Quốc hội. Ảnh: TL
Thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một lần nữa khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Phát triển văn hóa, xây dựng con người đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Những quan điểm trên đã được nhấn mạnh trong các nghị quyết của Đảng về văn hóa, và Tổng Bí thư đã nhấn mạnh như một cách thể hiện sự nhất quán trong việc tiếp tục các quan điểm chỉ đạo này.
Giáo sư Trần Văn Giàu từng đưa ra 7 giá trị con người Việt Nam truyền thống tiêu biểu là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Những giá trị này, trong một thời gian dài, đã trở thành hằng số giúp dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững nền độc lập trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn tới hệ giá trị con người Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Do vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Chính vì thế, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương khóa XI) đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, và đến Kết luận 76 của Bộ Chính trị một lần nữa cũng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Những hệ giá trị này chắc chắn cần phải là sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống với những giá trị thời đại, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Câu hỏi mở của Tổng Bí thư đặt ra cũng là một định hướng cho việc xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam: “Phải chăng, hệ giá trị con người Việt Nam mà chúng ta xây dựng, phát huy có sự kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, hội nhập. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
Không chỉ đưa ra những thông điệp về vai trò, giá trị của văn hóa, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến 5 giải pháp trọng tâm, truyền cảm hứng và quyết tâm xây dựng văn hóa, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa. Bác Hồ đã từng nói: “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định. Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Đảng ta cũng luôn coi nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá quan trọng trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, văn hóa là một lĩnh vực vừa rộng lớn, vừa nhạy cảm. Trong Nghị quyết Trung ương năm (Khóa VIII) ghi rõ: “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng”.
Vì vậy, việc bố trí, sử dụng cán bộ cho ngành văn hóa, làm về lĩnh vực văn hóa phải hết sức thận trọng, để họ thực sự trở thành đội ngũ tiên phong, làm gương sáng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy khát vọng hùng cường, hạnh phúc cho toàn dân tộc. Vì thế, xuyên suốt trong bài viết của Tổng Bí thư, vấn đề cán bộ cũng được nhấn mạnh.
Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Tổng Bí thư đánh giá: “Trên mặt trận văn hóa cứu quốc, văn hóa kháng chiến, kiến quốc, có rất nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sĩ đã có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt nhất, đem hết tâm huyết, tài năng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nhiều người đã anh dũng hy sinh với tư cách người nghệ sĩ – chiến sĩ, tạc vào thế kỷ dáng đứng Việt Nam, đưa văn hóa, văn nghệ nước nhà vào vị trí tiên phong của văn hóa tiến bộ thế giới”.
Tuy nhiên, những vấn đề đang đặt ra cho văn hóa hiện nay như “các lĩnh vực văn hóa phát triển chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với xây dựng con người” cũng liên quan đến công tác cán bộ, như Tổng Bí thư chỉ rõ: “Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa; việc đầu tư các nguồn lực cho phát triển văn hóa… chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”.