Xông mũi họng ở trẻ nhỏ qua mặt nạ còn gọi là khí dung. Khí dung được dùnghỗ trợ trong chữa trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp như viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc mãn tính như hen suyễn.
Không ai phủ nhận từ lúc áp dụng xông khí dung, nhiều bệnh lý đường hô hấp ở trẻ nhỏ được cải thiện rõ. Và nhờ vào xông khí dung, nhiều trẻ đã không cần phải dùng thuốc uống, hạn chế được rất nhiều tác dụng phụ do thuốc gây ra nếu uống.
Khi xông, hơi thuốc sẽ được máy đẩy ra tạo thành dạng hơi sương, tác dụng trực tiếp lên chỗ co thắt hay chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp. Xông sẽ có tác dụng nhanh hơn, làm giãn các phế quản, làm loãng đàm, bệnh nhi có cảm giác dễ thở hơn .Thời gian tác dụng của xông khí dungngắn, do đó trẻ sẽ được xông nhiều lần tùy theo chẩn đoánvà độ nặng nhẹ của bệnh.
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để xông khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, khí dung không hoàn toàn an toàn như nhiều phụ huynh vẫn tưởng. Việc sử dụng thuốc qua niêm mạc hô hấp, qua đường xông hít có từ lâu, nhưng gần đây mới phát triển vì phát hiện niêm mạc đường hô hấp cho phép thuốc thấm qua và có tác dụng tại chỗ đó. Tuy nhiên, các nhà sản xuất chỉ phát triển một số loại chữa bệnh như hen, viêm mũi dị ứng… Trước kia, người ta chỉ khí dung thuốc corticoid để dự phòng hen, nay có thể chữa các cơn hen cấp bằng thuốc giãn phế quản. Song không phải trường hợp nào cũng khí dung được.
Ngay cả với bệnh hen hiện nay nhiều chuyên gia cũng không khuyến khích khí dung ở nhà. Lý do vì khi khí dung nhiều gia đình không biết lúc bệnh nặng lên, lúc biết thì đã nguy kịch. Có nhiều trường hợp tử vong trên đường đến bệnh viện vì không cấp cứu kịp.
Ngoài ra, một trong những biến chứng của việc xông mũi họng là có thể gây phản xạ co thắt phế quản ngay lúc đó. Ngoài ra, thủ thuật này cũng có những quy định chặt chẽ. Cụ thể, mỗi một lần khí dung thì phải thay bộ dây, trong khi ở nhiều gia đình chỉ dùng một cái hết tháng này qua tháng khác. Hậu quả là bộ dây có thể lắng đọng vi trùng, là nguồn vi trùng virus. Ở bệnh viện để tiết kiệm cho bệnh nhân thì có thể hấp tiệt trùng, nhưng cũng chỉ dùng trong một ngày (ngày xông 2-3 lần). Vì thế, việc gia đình tự ý xông mũi họng cho trẻ đôi khi hại nhiều hơn lợi.
Tiến sĩ Dũng cho hay, hện nay nhiều cha mẹ hay pha thuốc tự xông cho con, phổ biến nhất là nước muối sinh lý. Thực tế, nước muối sinh lý không có tác dụng gì cả, chẳng qua là tâm lý, việc này đôi khi lại mang vi trùng, virus cho con mà không biết.
Xông khí dung cho trẻ phải đúng cách, đảm bảo vệ sinh.
Các bước sử dụng máy phun khí dung
– Dùng ống nhỏ giọt hoặc ống tiêm sạch để lấy một lượng nước muối sinh lý 0,9% (theo liều lượng đã được bác sĩ quy định) cho vào cốc đựng thuốc. Nếu dùng loại thuốc đã pha sẵn thì không cần dùng nước muối.
– Dùng ống nhỏ giọt hoặc ống tiêm sạch để lấy một lượng thuốc (theo liều lượng đã được bác sĩ quy định) cho vào cốc đựng thuốc cùng với nước muối. Có thể dùng loại đã phân sẵn từng liều nhỏ trong ống nhựa.
– Nối mặt nạ hoặc ống thở miệng vào cốc đựng thuốc.
– Ðặt mặt nạ lên mặt và chỉnh dây cột cho vừa khít hoặc đưa ống thở lên miệng.
– Mở công tắc máy.
– Thở chậm và sâu bằng miệng (hít vào sâu, ngưng lại 1-2 giây rồi thở ra) cho đến khi hết thuốc trong cốc đựng, trung bình khoảng 10-20 phút.
Những điều cần lưu ý
Mỗi máy phun khí dung đều có kèm theo mặt nạ hoặc ống ngậm. Tùy theo thói quen, ta có thể dùng 1 trong 2 loại dụng cụ trên, nhưng cần biết rằng dùng ống ngậm thì lượng thuốc đến phổi sẽ nhiều hơn khi dùng mặt nạ. Tuy nhiên, việc sử dụng ống ngậm đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt của người bệnh, do đó không nên dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Khi sử dụng mặt nạ, thuốc có thể đọng lại trên mặt hoặc thoát ra ngoài nếu mặt nạ không áp sát vào mặt, do đó làm giảm lượng thuốc vào phổi.
Các tác dụng phụ tại chỗ khi sử dụng máy phun khí dung bao gồm ho, khàn giọng, nhiễm nấm vùng hầu họng, kích thích niêm mạc hầu họng hoặc kích thích da mặt nếu sử dụng mặt nạ. Hầu hết các tác dụng phụ này đều có thể tránh được bằng cách súc miệng và rửa mặt bằng xà bông sau khi phun khí dung.
Cách giữ vệ sinh và bảo quản máy khí dung
Việc bảo quản các dụng cụ sau khi sử dụng cũng là điều rất cần thiết, không những tránh được hư hỏng cho dụng cụ mà còn hạn chế được vấn đề nhiễm vi khuẩn vào phổi do máy móc, dụng cụ kém vệ sinh.
– Sau khi dùng: Tháo mặt nạ hay ống thở miệng và cốc đựng thuốc ra khỏi ống dẫn nhựa. Rửa mặt nạ hay ống thở miệng, cốc đựng thuốc, ống nhỏ giọt hay ống tiêm dưới vòi nước rồi đặt lên khăn sạch để cho khô. Lắp trở lại vào ống dẫn rồi mở công tắc cho máy chạy khoảng 10-20 giây để làm khô phía trong.
– Không được đặt máy nén khí vào nước.
– Không được rửa ống dẫn bằng nhựa.
– Mỗi tuần: Rửa mặt nạ hay ống thở miệng, cốc đựng thuốc, ống nhỏ giọt hay ống tiêm bằng nước ấm với xà bông, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Làm khô phía ngoài và phía trong như trên. Thỉnh thoảng lau mặt ngoài máy nén khí bằng khăn ẩm.