Nhằm giúp người dân chủ động, biết cách phòng ngừa và xử trí hiệu quả các triệu chứng trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS Trần Văn Khanh – Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM.
Xin bác sĩ cho biết, làm sao để nhận biết sốt và bệnh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
BS Trần Văn Khanh: Sốt xuất hiện khi cơ thể mắc một trong các bệnh nhiễm trùng như: cảm cúm, nhiễm trùng do mụn nhọt, ổ áp xe, vết thương bị mưng mủ… Ngoài ra, sốt còn do những nguyên nhân không nhiễm trùng khác: tiếp xúc với nước nóng, say nắng, mọc răng, sau tiêm chủng vắc xin,…
Có thể nói, sốt có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Đối với những người có thể trạng yếu, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sự tăng nhanh thân nhiệt do sốt có thể gây động kinh (sốt co giật). Ở người trưởng thành và người lớn tuổi: nếu không xử trí kịp thời thì sốt rất có thể xảy ra một số biến chứng ở hệ thần kinh, nhẹ thì nhức đầu, chóng mặt, nặng hơn thì lơ mơ, mê sảng, thậm chí gây co giật. Đối với hệ tim mạch thì có thể gây mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng (nếu người bệnh có tiền sử tăng huyết áp thì rất nguy hiểm).
Khi bị sốt, chúng ta cần làm gì, thưa bác sĩ?
Khi trong gia đình có người bị sốt cao, chúng ta cần nắm được phương pháp hạ sốt bước đầu.
– Nên nhận biết sốt bằng cách sử dụng nhiệt kế thay vì thói quen dùng tay sờ trán như hiện nay. Lưu ý nếu đo thân nhiệt ở nách thì phải cộng thêm 0,5 độ để có nhiệt độ chính xác.
– Chườm mát bằng khăn ấm và lau khô mồ hôi, mặc quần áo mỏng.
– Nếu sốt cao trên 380C thì làm giảm thân nhiệt nhanh chóng bằng thuốc hạ sốt có chứa paracetamol theo liều chỉ định, nên dùng 60mg/kg cân nặng trong 24 giờ, chia thành nhiều lần, có thể chia làm 4 giờ mỗi lần là hợp lý. Nên trữ sẵn thuốc hạ sốt ngay tại nhà để hạ sốt kịp thời khi có người thân bị sốt.
– Cần đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu: sốt cao trên 38,50C, lơ mơ, ngủ li bì, xuất hiện co giật, buồn nôn; sốt kéo dài trên 5 ngày hay sốt kèm với các triệu chứng chảy nước mũi, ho, đàm…
Thưa bác sĩ, bên cạnh sốt, đau đầu là một triệu chứng khá phổ biến tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê cho thấy, cứ 10 người lớn thì có 8 người từng bị chứng đau đầu. Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân đau đầu thường là do đâu?
Trong y học, đau đầu là triệu chứng đau nhức ở phần đầu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong một số trường hợp, đặc biệt là dạng đau đầu bình thường thì nguyên nhân thường bắt nguồn từ lo lắng quá mức, làm việc căng thẳng, chế độ ăn uống không hợp lý, nhịn ăn, mất ngủ, say nắng, do cảm cúm,…
Có hai loại đau đầu phổ biến: đau đầu căng cơ, đau nửa đầu. Đau đầu căng cơ có thể xảy ra ở những người bị căng thẳng, lo lắng kéo dài hoặc làm việc lâu ngày trong một tư thế cố định đầu (thợ may, chuyên viên vi tính). Trong khi đó, đau nửa đầu là triệu chứng liên quan đến các cơn co thắt mạch máu và những thay đổi khác trong não, cũng như những bất thường có tính di truyền trong một số khu vực nhất định của não.
Làm cách nào để có thể xử trí đau đầu một cách hiệu quả?
Đối với những trường hợp đau đầu bình thường do lo lắng quá mức, làm việc căng thẳng, chế độ ăn uống không hợp lý, nhịn ăn, mất ngủ, say nắng, do cảm cúm có thể khắc phục dễ dàng bằng cách: tắm nước ấm để giảm đau đầu do căng thẳng; nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
Đặc biệt, bạn có thể sử dụng một số thuốc giảm đau tác dụng nhanh có chứa paracetamol của các hãng dược uy tín. Bạn nên lựa chọn công thức phối hợp paracetamol và caffeine giúp tăng cường hiệu quả giảm đau đồng thời giúp tỉnh táo, tập trung tốt hơn.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
Thùy Linh