Xung đột Nga – Ukraine: Chóng mặt với vàng, đô

Euro tụt giảm mạnh, USD tăng kỷ lục

Triển vọng chung của khu vực đồng Euro xấu đi trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao, và lo ngại về việc Nga cắt nguồn cung khí đốt đang kéo đồng tiền chung đi xuống.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sự phụ thuộc quá lớn của các nền kinh tế lớn như Đức và Italy vào khí đốt của Nga khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng. Các nhà kinh tế dự báo một cuộc suy thoái nhanh và trầm trọng hơn có thể xảy ra ở châu Âu. Thêm vào đó là sự khác biệt về mức lãi suất khiến giá trị đồng tiền chung châu Âu (Euro) lần đầu tiên thấp hơn đồng USD sau 2 thập kỷ.

Đến nay, đồng tiền chung châu Âu (Euro) đã giảm hơn 4% so với đồng bạc xanh kể từ khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang. Nhiều chuyên gia cho rằng đồng Euro sẽ tiếp tục giảm khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn.

 

Sự kiện Nga – Ukraine không đơn thuần chỉ là vấn đề giữa hai quốc gia, mà còn tác động đến thương mại, tăng trưởng, lạm phát toàn cầu. Sự biến động của các đồng tiền chính, lãi suất của những khoản vay mới cũng đang tăng mạnh. Triển vọng kinh tế toàn cầu u ám hơn, giá hàng hoá tăng cao, lạm phát nhập khẩu gia tăng, lợi nhuận DN giảm và các khoản nợ bằng đồng USD phình to.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải

Trong khi đó, đồng USD đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm sau khi tăng hơn 10% trong năm nay, nhờ được coi là kênh trú ẩn an toàn cũng như nhờ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt – có lúc lên trên ngưỡng 108,5 điểm, chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2002.

Trong vòng 6 tháng qua, hầu hết tiền tệ của các quốc gia trên thế giới, từ đồng peso Colombia, đồng rupee Ấn Độ, đồng zloty của Ba Lan, cho đến đồng rand Nam Phi, đều mất giá so với đồng USD. Tuần trước, đồng yen cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm so với đồng USD.

Trong khi đó, đồng ruble Nga lại tăng sức mạnh đáng kể so với đồng USD trong năm nay. Giá dầu khí tăng cao và các biện pháp kiểm soát vốn của Moscow đã tác động lên tỷ giá hối đoái.

Sự kiện Nga – Ukraine không đơn thuần chỉ là vấn đề giữa hai quốc gia, mà còn tác động đến thương mại và thanh toán quốc tế. Sự thay đổi vị thế các đồng tiền trong thanh toán quốc tế cũng tất yếu kéo theo các dòng dịch chuyển thương mại, đồng thời tạo ra cơ hội thay đổi vị thế của một số đồng tiền mạnh trong thanh toán quốc tế.

Trên thực tế nhiều dự đoán của giới tài chính Mỹ và châu Âu đã sai lầm khi đánh giá sự cô lập của đồng Ruble sẽ gây mất giá mạnh, nhưng sự phục hồi của đồng Ruble thậm chí đang dẫn đến một trật tự tiền tệ mới trong thị trường toàn cầu. Trong đó có việc cả châu Âu đang cần đồng Ruble để mua dầu, khí đốt và các hàng hóa xuất ra từ Nga. Muốn có đồng Ruble với số lượng lớn để mua dầu, khí đốt của Nga thì các nước EU và những quốc gia thân Mỹ buộc phải bán hàng tiêu dùng khác cho Nga, với giá mà Nga sẵn sàng mua bằng đồng Ruble đang lên giá của mình.

Giá vàng nhảy múa loạn xạ

Trong năm qua, giá vàng biến động mạnh kiểu “đi tàu lượn siêu tốc” chủ yếu xuất phát từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang. Giới đầu tư bắt đầu lo sợ và tìm đến vàng để gia tăng sự bảo vệ tài sản trong những thời điểm đầy bất định, chưa kể yếu tố lạm phát. Theo thông lệ, những bất ổn liên quan đến chính trị, chiến tranh sẽ khiến giá vàng neo ở mức cao. Giá vàng có thời điểm vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce (với mức sát 1.970 USD/ounce sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng nổ).

Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá vàng lại lao dốc rất mạnh xuống đáy 11 tháng sau khi đồng USD tiếp tục lên giá. Giới phân tích cho rằng với nhiều áp lực giảm hiện nay, giá vàng thế giới có thể không giữ được mức giá chủ chốt 1.700 USD/ounce trong tuần này…

Giới đầu tư ồ ạt bán tháo vàng để chuyển sang mua USD với tâm lý ngừa rủi ro dâng cao trên khắp các thị trường. Giá vàng giảm hơn 2% trong tuần qua và ghi nhận tuần giảm thứ 5 liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong suốt nhiều năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã giảm ước tính gần 10%.

Điều đáng lo ngại hơn, cứ mỗi bước trồi sụt giá vàng thế giới đã đẩy giá vàng trong nước nhảy múa loạn xạ, và ngày càng cách ly giá vàng thế giới. So với mức kỷ lục hơn 74 triệu đồng/lượng đạt được hồi cuối tháng 2/2022, giá vàng trong nước đã giảm tới 12 triệu đồng/lượng chỉ còn 62 triệu đồng/lượng vào cuối ngày 18/7. Hiện nay giá vàng SJC đắt hơn thế giới tới 17 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên đến gần 19,5 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán căng thẳng theo xung đột Nga – Ukraine

Nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ đều bị ảnh hưởng bởi các ngân hàng trung ương thay đổi chính sách, cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng tại một số khu vực.

Vào ngày 24/2/2022, Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine. Sự kiện này ngay lập tức đã làm giảm điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Kết thúc hôm 30/6, chỉ số Dow Jones giảm 0,8 % xuống 30.775, chỉ số S&P 500 giảm 0,9 % xuống 3.785 và Nasdaq Composite mất 1,3 % xuống 11.029. Cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều kết thúc tháng 6 và quý II năm nay ở mức tiêu cực.

Chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh vào đầu năm 2020. Kết thúc ngày 30/6, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm gần 2% xuống còn 7.169, chỉ số DAX của Đức giảm 1,7% xuống 12.784 và chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,5% xuống còn 5923.

 

Việt Nam liên tục xuất siêu cùng với việc thu hút khá nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp tiền đồng giữ giá trị tốt. Mặt khác, Việt Nam có dự trữ ngoại hối cao – khoảng 14 – 15 tuần nhập khẩu, cao hơn khoảng 10% so với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP tăng trưởng khá. Việt Nam vẫn là nơi có thể thu hút được dòng vốn. Do đó, không dễ bị tổn thương về tiền tệ trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Ông Paul Kim – Giám đốc điều hành tại Simplify ETFs, nhận định: “Trong năm nay đã chứng kiến một cuộc chiến giằng co giữa lạm phát và tăng trưởng chậm, cân bằng các điều kiện tài chính thắt chặt để ứng phó với lạm phát nhưng nhà đầu tư cũng cố gắng tránh gây ra hoảng loạn”.

Thị trường chứng khoán trong nước cũng biến động rất mạnh. Tuần qua, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm xuống quanh mốc 1.140 điểm, đây là mốc thấp nhất từ đầu năm. Điều đáng nói, dòng tiền cũng ở mức thấp hầu như tại tất cả các nhóm ngành. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE theo trung bình ngày của tuần qua ở mức thấp nhất trong 1 năm, cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn yếu.

Trong ngắn hạn để dòng tiền quay trở lại thì lạm phát cần suy giảm nhanh; xung đột Nga – Ukraine giảm; tăng trưởng kinh tế dần phục hồi; nút thắt tín dụng được khai thông. Về dài hạn, chứng khoán Việt vẫn có điểm sáng khi triển vọng kinh tế khá sáng sủa, dòng vốn mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, cùng với đó là sự phục hồi kinh doanh của khu vực DN. Với các điều kiện này, thị trường chứng khoán Việt sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong năm nay” – chuyên gia Trần Thanh Hải nhận định.

Rate this post

Viết một bình luận