Ý nghĩa cây trường sinh, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất

Ngày 04/03/2020 00:51 AM (GMT+7)

Theo phong thủy, cây trường sinh mang đến tiền tài, sức khỏe và may mắn cho cả gia đình. Đây là loại cây đại diện cho mệnh Mộc và rất được những người mệnh này ưa chuộng sử dụng.

Đúng với tên gọi “trường sinh”, loại cây này có sức sống rất mãnh liệt, sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh ngay cả khi không được chăm sóc, tưới nước đều đặn và kĩ càng. Khả năng sinh trưởng mạnh mẽ nên cách trồng loài cây này rất dễ. Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

Đặc điểm của cây trường sinh

Cây trường sinh còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như cây sống đời, cây lá bông, đả bất tử, diệp sinh căn, cây lá bỏng, thiên cảnh, thiên cảnh tạp giao… với tên khoa học Peperomia obtusifolia/ Kalanchoe pinnata (Lam) Pers, thuộc họ thuốc bỏng – Crassulaceae, có nguồn gốc xuất xứ từ Madagascar, Nam Phi.

Ý nghĩa cây trường sinh, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 1

Trường sinh là loài thực vật có hoa thuộc loại cây thân thảo nhẵn bóng, tròn và mọng nước. Chiều cao trung bình thân cây khoảng từ 10cm – 40cm, rễ mọc rất nhiều trên thân để hút hơi nước trong không khí. Lá trường sinh có màu xanh lục đậm, phiến lá bóng, có hình tròn hoặc hơi bầu dục về phía cuống lá. Lá mọc từ gốc hoặc thân, dạng đối xứng và xum xuê.

Cây trường sinh có ra hoa nhưng không thường xuyên, hoa có màu trắng, nhỏ. Cây thường ra hoa vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Loài cây này có sức sống mạnh mẽ, khả năng chịu hạn tốt, phát triển nhanh và rất ít sâu bệnh hại.

Phân loại cây trường sinh

Hiện nay, trên thị trường loài cây này có 2 loại: lá tròn và lá dài. Mỗi loài có đặc điểm và ứng dụng khác nhau. Cụ thể:

1. Cây bỏng lá tròn

Cây trường sinh lá tròn là loại cây thân thảo mọc thành bụi thường được trồng để trang trí bàn làm việc hoặc bàn tiếp khách. Chiều cao thân thấp, trung bình chỉ khoảng 10cm – 40cm. Lá cây nhỏ thường có hình tròn, mọng nước, mềm, có màu xanh đậm và mặt trên màu xanh đậm.

2. Cây trường sinh lá dài

Cây trường sinh lá dài có kích thước lớn hơn, có thể cao đến 1m. Lá cây dài và mỏng nhọn về phía đầu, không mọng nước. Loài cây này có ra hoa màu trắng, bông mọc thành từng chùm trên ngọn cây. Do đặc điểm hình thức này nên cây lá lớn không phổ biến.

Công dụng của cây trường sinh

Nhiều người băn khoăn rằng cây trường sinh có độc không? Xin trả lời rằng, loài cây này có độc, trong lá cây có chứa một loại gel gây dị ứng. Triệu chứng khi bị dị ứng cây lá bỏng là chóng mặt, buồn nôn. Vì vậy, nếu gia đình có con nhỏ nên để cây ở vị trí trên cao tránh xa tầm với của trẻ hoặc không nên trồng.

Đây là loại cây tốt và có tính ứng dụng cao trong đời sống hiện nay. Với kiểu dáng nhỏ nhắn cuốn hút, khả năng sinh trưởng mạnh mẽ nên cây trường sinh được sử dụng để trang trí không gian khá nhiều.

Cây có khả năng làm sạch không khí, hấp thụ những chất ô nhiễm như fomandehit, cacbondioxit,….

Bên cạnh khả năng lọc không khí cực đỉnh, giống như các loại cây cảnh cho dân văn phòng khác, cây trường sinh có khả năng hấp thụ các loại bức xạ độc hại phát ra từ thiết bị văn phòng, máy tính. Đồng thời mang đến cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho mọi người khi làm việc. Đây là lý do chúng ta đều có thể bắt gặp cây trường sinh đầy sức sống tại bất cứ đâu từ văn phòng, nhà ở đến quán cà phê.

Ngoài ra, cây trường sinh còn có rất nhiều tác dụng đối với ý học. Theo dân gian, khi bị bỏng, vò nát lá cây cho ra nhựa rồi đắp lên vết bỏng giúp làm dịu cơn bỏng rát, xẹp bong bóng nước nhanh. Cây cũng có thể được xem như là phương thuốc chữa chứng ho dai dẳng khá hiệu quả.

Ý nghĩa cây trường sinh, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 2

Ý nghĩa của cây trường sinh

Không phải ngẫu nhiên người ta lại gọi giống cây này là trường sinh hay cây trường sinh bất tử tượng trưng cho sự trường tồn, mãi mãi

Lá cây tròn trịa viên mãn tượng trưng cho tài lộc và sự may mắn, tăng vượng khí giúp công việc suôn sẻ, thuận lợi. Nên trong nhà hay bàn làm việc có một cây trường sinh sẽ đem đến cho bạn nhiều điều tốt lành.

Lá cây xum xuê tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và tổ chức.

Cây trường sinh có sức sống mạnh mẽ tượng trưng cho ý chí chiến đấu mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, kiên định với sự lựa chọn.

Cây trường sinh hợp tuổi nào, mệnh gì?

Cây có màu xanh lá, sức sống mạnh mẽ, dễ sinh sôi nảy nở nên phù hợp với những người mệnh Mộc. Người mệnh này có một cây trường sinh sẽ có nhiều cơ hội, gặp nhiều may mắn, công việc và cuộc sống thuận lợi, hanh thông, gặp dữ hóa lành.

Theo phong thuỷ, loài cây này phù hợp với những người tuổi Ngọ. Do bản tính những người tuổi Ngọ là người thích sự tự do, phiêu lưu và khám phá nhưng khó kiềm chế cảm xúc. Vì vậy cần một sợi dây cương để cân bằng cảm xúc tránh làm những việc sai lầm và lý trí hơn trong công việc, giúp xây dựng với quan hệ các đối tác làm ăn thật bền chặt.

Cách trồng cây trường sinh

Để có thể sở hữu một chậu cây trường sinh xanh tốt đặt trên bàn làm việc, bạn hoàn toàn có thể tự trồng tại nhà, vô cùng đơn giản.

Ý nghĩa cây trường sinh, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 3

1. Chọn phương pháp trồng

Bạn có thể trồng cây Trường sinh theo 2 phương pháp nhân giống là: Gieo hạt hoặc giâm lá, giâm cành, tách cây con.

Đối với phương pháp gieo hạt trực tiếp lên đất. Hạt được mua từ các cửa hàng bán hạt giống cây cảnh. Tuy nhiên, cách nhân giống này mất nhiều thời gian và thường không được nhiều người sử dụng.

Do cây trường sinh có sức sống mạnh mẽ, khả năng sinh sôi nhanh nên có thể sử dụng phương pháp nhân giống vô tính như giâm lá, giâm cành, tách cây con mà vẫn rất hiệu quả.

– Giâm lá: Nên chọn những lá già, mọng và bóng.

– Giâm cành: Chọn nhành cây bánh tẻ, không già quá mà không non quá.

– Tách cây con: Sau một thời gian, cây trường sinh sẽ đẻ ra những nhánh cây con. Lúc này bạn chỉ cần tách cây con sao cho tránh đứt rễ cây con và tránh làm ảnh hưởng đến cây mẹ. Nên chọn những cây mập mạp, to khoẻ và không có mầm bệnh.

2. Chọn chậu phù hợp

Cây trường sinh thường trồng làm cảnh là loại cây lá tròn, có kích thước tương đối nhỏ. Vì vậy, khi chọn chậu cây bạn nên chọn loại chậu có kích thước nhỏ và có lỗ thoát nước bên dưới. Kích thước chậu cây phù hợp có đường kính khoảng 10cm và sâu khoảng 10cm. Bạn có thể chọn chậu có kiểu dáng, màu sắc và hình thù khác khau để trang trí đẹp hơn không gian bàn làm việc.

3. Chọn đất trồng phù hợp

Cây lá bỏng có thể sinh trưởng tốt ở mọi điều kiện đất trồng. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt nhất nên lựa chọn loại đất trồng có độ tơi xốp, thông thoáng, độ mùn cao, độ ẩm ở mức trung bình và chất đất hơi chua. Loại đất này giúp cây phát triển nhanh, lá cây xum xuê và xanh tốt.

Bạn có thể làm loại đất này bằng cách trộn các thành phần với nhau như: Trấu hun, xơ dừa hoặc mùn dừa, phân chuồng ủ hoai hoặc phân trùn quế và đá perlite.

4. Cách trồng cây trường sinh đúng kỹ thuật

Đối với phương pháp trồng giâm cành và giâm lá:

Bước 1: Cho đất trồng vào đầy chậu đã chuẩn bị.

Bước 2: Dùng tay nén nhẹ đất tạo độ chắc chắn, không nên nén quá chặt vì sẽ làm giảm độ thông thoáng và tơi xốp của đất.

Bước 3: Cắm cành hoặc cuống lá xuống đất.

Bước 4: Tưới nước đều đặn cung cấp độ ẩm để rễ nhanh ra. Sau khoảng từ 5 – 10 ngày, lá hoặc cành giâm sẽ ra rễ và mọc thành cây con.

Đối với phương pháp trồng tách cây con:

Bước 1: Cho đất vào chậu bằng 50% dung tích chậu.

Bước 2: Đặt cây vào chính giữa chậu cây và cho nốt phần đất còn lại vào chậu.

Bước 3: Dùng tay nén nhẹ từ gốc ra mép chậu để cây đứng vững chính giữa chậu.

Bước 4: Tưới nước đều đặn cho cây quen với đất và ra rễ mới. Sau khoảng 2 – 3 tháng là bạn sẽ có một chậu cây xum xuê, xanh tốt.

Ngoài ra, bạn có thể trồng cây trường sinh theo phương pháp thuỷ sinh để trang trí thêm trong không gian bàn làm việc hoặc phòng khách gia đình.

Cách chăm sóc cây trường sinh

Cây trường sinh là một trong những loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc nên khi trồng bạn chỉ cần lưu ý một số điểm sau để cây luôn phát triển tốt là được.

Ánh sáng: Đây là cây ưa bóng râm nên hạn chế cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Cứ khoảng 2 ngày bạn nên cho cây ra tiếp xúc với ánh sáng nhẹ khoảng 2 tiếng buổi sáng khoảng từ 6h – 8h để cây hấp thụ ánh sáng để quang hợp sẽ phát triển tốt.

Ý nghĩa cây trường sinh, cách trồng và cách chăm sóc tốt nhất - 4

Nước tưới: Cây trường sinh thuộc họ Bỏng có thân mọng để tích trữ nước nên khi trồng cây bạn không cần phải tưới quá nhiều. Tần suất tưới nước khoảng 1 – 2 lần/tuần. Nếu thời tiết quá nóng hoặc hanh khô, bạn có thể bổ sung thêm nước để giữ độ ẩm cho cây. Khi tưới cây, nên tưới bằng vòi xịt phun sương, có thể tưới vào gốc hoặc tưới trực tiếp lên thân cây hoặc lá đều được.

Nhiệt độ: Cây trường sinh phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ từ 18 – 30 độ C. Khi nhiệt độ xuống thấp hơn, cây sẽ chuyển sang trạng thái ngủ đông. Giảm thoát nước bằng cách rụng bớt lát. Khi nhiệt độ cao hơn, lá cây có thể bị rám, cháy lá, thậm chí chết vì quá nóng.

Bón phân: Trong khoảng 2 tháng đầu tiên, bạn không cần phải bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Vì trong đất ban đầu vẫn còn chất dinh dưỡng và cây chưa hấp thụ hết. Sau khoảng 3 tháng, bạn có thể bổ sung thêm chất dinh dưỡng bằng cách bón phân NPK với tần suất khoảng 1 lần/tháng. Do cây trường sinh hấp thụ chất dinh dưỡng chậm, do đó, bạn nên hòa phân bón cùng với nước để tưới vào đất cho cây dễ hấp thụ.

Cắt tỉa cây: Sau khi cây đã phát triển thành khóm xum xuê, bạn nên cắt tỉa bớt lá già, lá sâu hoặc cành thối để tăng độ thông thoáng cho cây con phát triển. Hoặc cắt bớt khoảng 3cm ngọn cây để cây tập trung chất dinh dưỡng vào chồi non hoặc đẻ cây con. Giúp cây phát triển tốt hơn và tăng kích thước khóm cây về độ rộng.

Phòng trừ sâu bệnh: Cây trường sinh là loài cây có sức sống mạnh mẽ, rất ít khi bị sâu bệnh tấn công. Tuy nhiên, cây vẫn bị một số loài sâu hại tấn công như:

– Sâu cuốn lá: khi bị sâu cuốn lá tấn công, lá cây sẽ bị uốn cong tròn lại. Để trừ sâu cuốn lá trên cây khá dễ dàng, không cần phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu mà chỉ cần tìm và cắt bỏ lá bị bệnh.

– Sâu ăn lá và rầy mềm: Khi bị sâu ăn lá và rầy mềm tấn công, ban đầu lá cây sẽ rỗ lỗ chỗ, nếu không để ý, dần dần sẽ lan ra cả cây, tuy không làm chết cây nhưng sẽ ảnh hưởng đến sức sống và thẩm mỹ. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc như Confidor, Cyper hoặc Ofunack để phun trị bệnh cho cây. Loại thuốc này có thể mua tại cửa hàng cây cảnh, vườn ươm hoặc các địa điểm bán thuốc bảo vệ thực vật. Cách sử dụng và liều lượng bạn có thể hỏi người bán hoặc xem trực tiếp trên bao bì thuốc.

Để phòng chống sâu bệnh hại cây trường sinh, bạn nên thường xuyên lau rửa lá, tỉa bớt lá già, không nên để lá quá già, thối và rụng xuống gốc cây. Thường xuyên kiểm tra xem lá có sâu bệnh gì không, nếu có hay loại bỏ ngay cành hoặc lá bị sâu bệnh hại.

* Lưu ý: đến giai đoạn cây bắt đầu sinh trưởng, bạn nên chuyên tâm cắt tỉa cành đồng thời bón phân định kỳ cho cây.

Trên đây là những thông tin chi tiết về cây trường sinh, từ ý nghĩa, cách trồng, cách chăm sóc cho đến các loại sâu bệnh thường gặp ở cây. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết này, bạn có thể trồng cho mình một chậu cây xum xuê, xanh tốt và đẹp mắt.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

2/5

Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/y-nghia-phong-thuy-va-cach-cham-soc-cay-truong-sin…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/y-nghia-phong-thuy-va-cach-cham-soc-cay-truong-sinh-d230790.html

Theo Việt Quất (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)

Rate this post

Viết một bình luận