Ý nghĩa của hoa oải hương (Lavender) – Hướng dẫn trồng, chăm sóc ra nhiều hoa » Vip Flowers

Từ khi chưa thấy hoa oải hương thực tế như thế nào mình đã thích oải hương, bởi mùi thơm dịu dàng thuần khiết của bạn ấy, cái mùi mà mình gặp gỡ ở những chai sữa tắm, dầu gội, túi thơm,… Thế nên khi bắt đầu rơi vào con đường nghiện ngập trồng cây và hoa, thì mình đã tìm đến oải hương rồi, nhưng số lần thất bại thì nhiều hơn số lần thành công. Thực sự khá buồn khi phải chấp nhận sự thật phũ phàng này. Mình đã bỏ rất nhiều tiền mua hạt giống, cây giống, nhưng số lần trồng được oải hương thật sự chỉ đếm trong lòng bàn tay. Chỉ là, mùi hương của bạn ấy quá quyến rũ, cả lá và hoa.

Mô tả chung về hoa oải hương

Hoa oải hương, tên khoa học là lavandura, tên thông dụng là lavender, là một chi gồm 47 loài trong họ bạc hà, lamiaceae. Oải hương là loài hoa bản địa ở khu vực Cape Verde thuộc quần đảo Canary, từ Châu Âu đến Bắc Phi và Đông Phi, khu vực Địa Trung Hải, và Tây Nam châu á cho đến Ấn Độ.

Rất nhiều loài trong chi lavandula được trồng ở những khu vực có khí hậu ôn hòa để làm cây cảnh trong vườn hoặc trồng làm cảnh quan, hoặc để sử dụng làm gia vị nấu ăn hoặc trồng số lượng lớn để chiết xuất tinh dầu.

Lavandula gồm cả loại trồng lâu năm và loại trồng theo mùa, những loại trồng lâu năm thường mọc thành bụi vừa hoặc bụi nhỏ. Mỗi phân loài có hình dạng lá khác nhau và người ta dùng đặc điểm đó để phân biệt tùy theo mục đích trồng. Hầu hết các phân loài có lá được bao phủ một lớp lông mịn, mà những lớp lông mịn này có chứa tinh dầu.

Hoa lavender xếp vòng theo cành hoa phía trên lớp lá (lá oải hương cũng mọc vòng). Màu sắc của lavender hầu hết là màu tím (màu lavender), có một số loài có màu xanh, tím ngắt hoặc tím hồng, có một số loài có cả màu vàng, thậm chí có màu hồng và trắng (nhưng hiếm, bởi lavender hầu hết là màu tím).

Danh pháp và phân loại hoa oải hương

Thời la mã, danh pháp khoa học của oải hương là Lavandula stoechas, L. pedunculata và L. dentata. Kể từ thời trung cổ, các loài oải hương ở Châu Âu được chia thành hai nhóm là stoechas (L. stoechas, L. pedunculata, L. dentata) và Lavandula (L. spica và L. latifolia) cho đến khi Linnaeus (1) kết hợp chúng với nhau. Ông chỉ nhận biết năm loài trong cuốn Species Plantarum (1753) L. multifida và L. dentata (Tây Ban Nha) và L. stoechas và L. spica (Nam Âu) trong đó L. pedunculata nằm trong nhóm L. stoechas

Năm 1970, L. pinnata và L. carnosa được phát hiện. Các loài sau đó được chuyển vào nhóm Anisochilus. Năm 1826 thì Frédéric Charles Jean Gingins de la Sarraz đã liệt kê danh sách gồm có 12 loài chia làm 3 nhóm, đến 1848 thì đã nhận biết được tất cả 1848 phân loài hoa oải hương.

Một trong những phương pháp phân loại chính hiện nay dựa theo cách phân loại của Doroty Chaytor năm 1937 tại Kew. Theo bà có 6 nhóm loài đó là stoechas, spica, subnudae, pterostoechas, chaetostachys, và dentatae. Tuy vậy tất cả những loài chính được trồng và buôn bán đều nằm trong nhóm stoechas và spica. Nhóm stoechas gồm có 4 phân loại (Lavandura stoechas, L. dentata, L. viridis và L. pendunculata) trong khi nhóm Spica có 3 loại chính (L. oficinalis (hiện tại là L. angustifolia), L. latifolia và L. lanata). Bà cho rằng các giống được các vườn trồng hiện tại đều là giống lai giữa true lavender (L angustifolia) và spike lavender (L. latifolia). (2) (3)

Oải hương (lavandula) còn có 3 phân giống (subgenera) (4)

– Lavandula hầu hết là cây bụi thân gỗ và lá nhẵn, gồm những loài được trồng làm cảnh và trồng lấy tinh dầu. Những loài này được phát hiện ở Địa Trung Hải, Đông Bắc Châu Phi và Tây Ả rập.

– Fabricia gồm cả cây bụi và cây thân thảo, phân bố rộng từ khu vực ven đại tây dương tới Ấn Độ, gồm nhiều loại cây trồng làm cảnh

– Sabaudia gồm có hai loài thuộc Tây Nam Ả rập và Eritrea (5), những loài này khá khác biệt với những loài khác, và đôi khi nó được đặt vào một chi riêng biệt là Sabaudia

Nhánh chính đầu tiên tương đương với phân giống Lavandura, nhánh thứ hai là Fabricia, Nhóm Sabaudia thì không được nhắc đến nhiều. Trong nhánh Lavandura, những nhánh phụ tương đương với các nhóm, nhưng dentatae được tách thành nhóm riêng chứ không thuộc nhóm stoechas. Trong nhánh fabricia, các nhánh phụ là pteroschoechas, subnudae và Chaetoschachys.

Như thế, hiện tại oải hương gồm có 39 loài, được phân thành 8 nhóm (gồm có 6 nhóm cũ do Chaytor chia và hai nhóm mới của Upson và Andrews), trong ba phân giống. Tuy nhiên, kể từ khi việc lai giống lavender trở nên dễ dàng thì có rất nhiều loài hiện tại rất khó mà xếp vào phân loại.

Từ nguyên học – Tên gọi của oải hương

Từ tiếng Anh Lavender được phái sinh từ một từ tiếng Pháp cổ là lavandre, được bắt nguồn từ từ Latin lavare (cọ rửa), là từ mục đích sử dụng các loại tinh chất từ oải hương thời đó, dùng để tắm rửa. Tên khoa học Lavandula được Linaeus sử dụng là được phái sinh từ đó và những cái tên bản xứ của loài cây này. Tuy nhiên, cũng có nhiều người giải thích là cái tên này có thể được phái sinh từ từ Latinh Livere, có nghĩa là “blueish” (có nghĩa là xanh xanh)

Những cái tên được dùng nhiều, cũng là những loài thông dụng, là English lavender (oải hương Anh), French lavender (oải hương Pháp), Spanish lavender (oải hương Tây Ban Nha) đều không phải là những cái tên chính xác, English lavender là tên thông dụng của L. angustifolia, French lavender là tên thông dụng của L. stoechas hoặc L. dentata, còn Spanish Lavender có thể là tên thông dụng của L. stoechas, L. lanata, hay L. dentata.

Trồng trọt và chăm sóc hoa oải hương

Loài oải hương được canh tác nhiều nhất là oải hương Anh (lavandula angustifolia). Một số loài phổ biến khác được trồng làm cảnh là L. stoechas, L. dentata và L. multifida (egyptian lavender).

Oải hương được trồng và phân bố ở rất nhiều nơi trên thế giới, ở một số khu vực, nếu lavender phù hợp với khí hậu thì một số loài còn có tính chất xâm lấn. Ví dụ như ở Australia, thì Lavandula stoechas là loài xâm lấn và thậm chí đem lại mối lo ngại cho người dân, bởi nó xuất hiện ở khắp mọi nơi trên toàn châu lục, thậm chí còn bị coi là một loại cỏ từ thời của nữ hoàng Victoria, năm 1920. Ở một số vùng thuộc Tây Ban Nha, loài này cũng bị coi là cỏ.

Oải hương phát triển tốt nhất trên đất khô, có pha cát hoặc sỏi, dễ thoát nước, full sun (nắng trực tiếp toàn phần). English lavender có số ngày nảy mầm lâu nhất (14-28 ngày) và phát triển trong khoảng 100-110 ngày. Hầu hết các loài oải hương đều không cần phân bón và cần không khí thoáng đãng. Oải hương phát triển tốt nhất trên đất pha cát hoặc sỏi, có độ pH trong khoảng 6-8 (khá trung tính). Hầu hết các loài lavender được thu hái bằng tay, và thời gian thu hoạch cũng tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

Ở những khu vực có độ ẩm cao, rễ oải hương rất dễ bị nấm bệnh. Đó là lý do mà ở những nơi khô thoáng và ôn hòa thì oải hương có thể trở thành một loài cỏ xâm lấn, còn ở Việt Nam thì oải hương lại khó trồng đến mức đáng thương. Khiến cho bao nhiêu người yêu hoa ở Việt Nam không được thỏa mãn ước mơ của mình.

Sử dụng oải hương trong đời sống

Oải hương được sử dụng rất nhiều trong đời sống và rất được ưa thích. Có thể ở dưới đây mình liệt kê không hết những tác dụng của oải hương đâu đấy các bạn ạ:

– Chiết xuất tinh dầu: Oải hương được canh tác ở rất nhiều nơi để chiết xuất tinh dầu. Thực tế là nếu khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp thì oải hương rất dễ phát triển (vì gần như không phải chăm sóc, oải hương cần rất ít dinh dưỡng). Vì vậy, việc canh tác oải hương trên những cánh đồng lớn thực sự là một việc khá kinh tế mà không tốn sức. Oải hương có mùi thơm cực kỳ dễ chịu và phù hợp với sở thích của rất nhiều người nên việc chiết xuất tinh dầu để sử dụng trong hóa mỹ phẩm cũng rất phổ biến.

– Dùng trong ẩm thực: Oải hương được dùng khá nhiều trong lĩnh vực ẩm thực, và dùng trong ẩm thực hầu hết là dùng English lavender (lavandula angustifolia), bởi mùi hương của nó ngọt ngào và phù hợp với các món có chanh và họ cam chanh. Oải hương được dùng làm gia vị trong các loại pastas, salads hoặc món trộn hoặc các món tráng miệng. Người ta thường dùng nụ (đôi khi được gọi là hoa) hoa oải hương trong nấu ăn. Đôi khi, lá oải hương cũng được dùng trong nấu ăn giống như lá của hương thảo. Ngoài ra, hoa oải hương còn có rất nhiều mật, ong có thể lấy mật từ hoa oải hương để tạo ra một loại mật ong cực kỳ tốt. Mật hoa oải hương được sản xuất ở khu vực Địa Trung Hải, và trên thị trường là một loại mật ong rất quý.

Ngoài ra, hoa oải hương còn được sử dụng để trang trí trên các loại bánh và các loại thức ăn, vừa xinh đẹp vừa tạo mùi. Hoa oải hương cũng được dùng để làm “đường lavender” (đường có mùi hoa lavender, nhờ được ướp với hoa lavender trong một khoảng thời gian để “ngấm” mùi). Oải hương còn được phơi khô để làm hoa khô, dùng để trang trí và làm các túi thơm mùi oải hương, các loại nến thơm và nước thơm.

Hoa oải hương ở Việt Nam

Bài viết về hoa oải hương đã khá dài như vậy mà mình không nói gì về cách trồng oải hương, các bạn đọc chắc là khá sốt ruột đó nhỉ. Thật ra lý do là bởi vì như mình đã nói ở trên, hầu hết các loại hoa oải hương đều khó trồng ở hầu hết các khu vực ở Việt Nam. Mặc dù các nhà vườn nhiều nơi đã làm giống và trồng khá nhiêu ở Đà Lạt, nhưng oải hương cũng chỉ có thể trồng được ở Đà Lạt hoặc những nơi có khí hậu ôn hòa tương tự, như vùng núi Tây Bắc (như Mộc Châu, Sapa, Mai Châu..)

Ở những nơi khác, trồng oải hương thực sự “oải”, bởi chỉ cần khí hậu “dở hơi” một chút, khó ở một chút là chậu oải hương đang xinh tươi của bạn có thể ra đi ngay lập tức. Lý do thì ở trên nếu các bạn đọc kỹ cũng sẽ thấy. Oải hương phù hợp với những nơi có khí hậu ôn hòa, thích nơi có nhiều ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ, độ ẩm thấp; nếu độ ẩm cao thì sẽ xuất hiện nấm bệnh và vi khuẩn tấn công rễ của oải hương.

Vì vậy, nếu các bạn quá thích oải hương, thì cũng đừng có cố gắng trồng nó từ hạt, hay từ cây con, mà hãy mua luôn một cây có hoa sẵn mà hít hà mùi thơm của hoa, của lá, vào mùa thu đông (thời điểm khô và lạnh), rồi chăm sóc giống như các loài hoa mùa đông khác, với đặc điểm thích khô không thích ẩm, không thích nhiều dinh dưỡng, thích nắng ấm… rồi chơi cho đến khi bạn ấy tạm biệt chúng ta, lại mua một chậu cây khác. Chứ thực sự là trồng oải hương rất khó rất khó, nếu như các bạn không ở Đà Lạt hoặc một số khu vực mát mẻ vùng núi Tây Bắc.

Video tham khảo cách chăm sóc hoa lavender

 

Hoặc là, nếu quá thích oải hương, chúng ta có thể tìm mua hoa khô, hoặc các túi thơm có mùi oải hương, hoặc là tinh dầu oải hương để đạt được ước nguyện nhé! Bởi vì fan của oải hương khá nhiều nên hiện nay các nhà vườn ở Đà Lạt vẫn trồng rất nhiều loại và cũng tìm tòi các loại có tính tính dễ chịu, đảm bảo đáp ứng được rất nhiều fan hâm mộ, và hy vọng trong tương lai sẽ tìm ra được một loài nào đó có thể chịu được khí hậu của Việt Nam, ít nhất là mùa đông miền Bắc.

Ý nghĩa của hoa oải hương

Hoa oải hương tượng trưng cho sự trong sáng, trầm lặng, cống hiến, duyên dáng và bình tĩnh. Hoa oải hương màu tím còn có ý nghĩa của sự thanh lịch và hào hoa.

Ghi chú: 

  1. Linnaeus là một nhà phân loại học, nhà thực vật học người Thụy Điển
  2. true lavender (lavandula angustifolia, tên trước kia là L. officinalis) là một loài oải hương bản địa thuộc khu vực Địa Trung Hải (Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Croatia,…). Tên thông dụng của nó là lavender, true lavender hay english lavender (mặc dù không phải bản địa thuộc Anh đâu); cũng được gọi là garden lavender, common lavender hay lavender lá nhỏ. Angustifolia  là từ La tinh, có nghĩa là lá nhỏ hẹp (narrow leaf)
  3. Spike lavender (lavandula latifolia) còn được biết đến tên khác là lavender Bổ Đào Nha hay broadleaved lavender (có nghĩa là oải hương lá to, có thể được đặt tên để phân biệt với narrow leaf lavender (lavandula angustifolia)), là loài bản địa thuộc phía Tây Địa Trung Hải, từ miền trung Bồ Đào Nha cho đến phía Bắc Italy (Liguria), Tây Ban Nha và phía Bắc nước Pháp. Mùi hương của lavandula thơm mạnh hơn mùi của lavandula angustifolia. Vì vậy, hai loại này thường được trồng riêng.
  4. Phân giống (subgenera) là nhóm phân loại nằm giữa chi và loài
  5. Eritrea là một quốc gia Châu Phi, giáp Sudan về phía Tây, Ethiopia về phía Nam và Djibouti về phía Đông Nam. Phần phía Đông và Đông Bắc Etritrea còn có các đảo ven bờ thuộc biển Đỏ.

Một số hình ảnh chọn lọc của hoa oải hương

Đánh Giá post

Rate this post

Viết một bình luận