Ý nghĩa của hoa vàng trên cỏ xanh

Ý nghĩa của hoa vàng trên cỏ xanh

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2010 bởi Nhà xuất bản Trẻ, với phần tranh minh họa do Đỗ Hoàng Tường thực hiện. Đây là một trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, ra đời sau “Đảo mộng mơ“ và trước “Lá nằm trong lá“. 

Tác phẩm như một tập nhật ký xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ ở một vùng quê Việt Nam nghèo khó, nổi bật lên là thông điệp về tình anh em, tình làng nghĩa xóm và những tâm tư của tuổi mới lớn. Theo Nguyễn Nhật Ánh, đây là lần đầu tiên ông đưa vào truyện của mình những nhân vật phản diện, đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm hay cái ác.

81 chương ngắn là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ xảy ra ở một ngôi làng: chuyện về con cóc Cậu trời, chuyện ma, chuyện công chúa và hoàng tử, bên cạnh chuyện đói ăn, cháy nhà, lụt lội, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hứa hẹn đem đến những điều thú vị với cả bạn đọc nhỏ tuổi và người lớn bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, giản dị của trẻ con cùng nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ và cảm động trong suốt hơn 300 trang sách. Cuốn sách, vì thế có sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn không thể bỏ qua.

Nội dung

Câu chuyện là những trang nhật ký về cuộc sống thường ngày và tâm tư của cậu bé Thiều. Thiều đang là học sinh lớp 7 sống ở một vùng quê nghèo, cùng với người em trai tên Tường. Tường là một cậu bé dễ thương, hiền lành, bao dung, rất yêu mến anh trai và thích chơi đùa với nhiều loài động vật gồm cả sâu bọ, rắn rết. Cậu bé sống nội tâm, ham đọc sách và rất say mê những câu chuyện cổ tích, đặc biệt là truyện Cóc tía, chính vì vậy mà cậu nuôi nấng một con cóc dưới gầm giường và đặt tên cho nó là “Cu Cậu”. Trong khi đó Thiều vốn là một người hướng ngoại, khá tinh quái, đã nhiều lần vô tình để em mình chịu tai bay vạ gió sau những trò nghịch phá do chính mình bày ra. Thiều cũng rất nhiều lần tỏ ra hẹp hòi, nhưng trong thâm tâm cậu vẫn rất thương em mình và là một người hào hiệp. Hai anh em Thiều và Tường thả hồn vào những trò chơi cảm giác mạnh và nhiều kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu của những đứa trẻ làng quê. Truyện cũng mở rộng ra mối quan hệ giữa hai anh em và những người dân trong ngôi làng, gồm cả người thân của mình và những bạn học cùng lớp. Ba của Thiều được miêu tả là một người giảo hoạt và được dân làng yêu mến nhưng hay nổi nóng và thường xuyên đánh đòn hai anh em vì nhiều lý do, trong khi mẹ cậu tỏ ra dịu dàng với các con hơn dù bà cũng không tránh khỏi việc trách mắng khi các con làm điều sai quấy.

Chú Đàn là em trai của ba Thiều, bị mất một tay do tai nạn nhưng vẫn luôn yêu đời và thường kể chuyện ma cho hai anh em Thiều và Tường nghe. Tuy bị cụt mất một tay nhưng chú Đàn lại chơi đàn ắc – mô – ni – ca rất hay. Nỗi muộn phiền duy nhất của chú có lẽ nằm ở chuyện tình nhiều trắc trở do cánh tay cụt gây ra. Chú Đàn yêu chị Vinh, một cô gái cùng xóm và là con của thầy Nhãn, thầy giáo chủ nhiệm lớp của Thiều, người thầy mà lúc nào cũng làm cho Thiều sợ chết khiếp. Vào lúc mở đầu câu chuyện, Thiều cảm thấy thích một cô bạn cùng lớp ngồi kế bên cậu tên là Xin. Xin hay bị Thiều trêu chọc và từng có lần vô tình làm cho Thiều bẽ mặt trước lớp. Một bạn học khác của Thiều là Sơn, lớn hơn cậu ba tuổi nhưng học lực rất yếu và phải ở lại lớp liên tục 3 năm liền. Sơn được miêu tả là một đứa du côn, suốt ngày phá làng phá xóm và có những cử chỉ và lời nói khiếm nhã, thô tục và thiếu tính văn minh của người Việt. Về sau, Thiều nhận ra mình đã có tình cảm với Mận, là một cô bạn cùng lớp lớn hơn cậu một tuổi. Mận xinh xắn và ngây thơ nhưng học không được tốt do phải chăm sóc người cha mắc bệnh, đang bị mẹ cô bé giam trên gác nhà. Bí mật này chỉ có Thiều và Tường biết, và hai anh em đã phải ẩu đả với Sơn chỉ để bảo vệ Mận trước những âm mưu đen tối.

Biến cố xảy ra khi căn gác nhà Mận bốc cháy, khiến ba con Mận bị phỏng đoán là đã chết cháy sau khi người ta phát hiện ra có xương lẫn trong đám tro. Chịu liền tiếp nhiều cú sốc lớn, Mận sụp đổ về thể chất và tinh thần hoàn toàn. Gia đình Thiều đã giúp đỡ Mận trong lúc khó khăn nhất và đưa cô bé về ở chung với mình. Mận biết được ba mình còn sống và mẹ sẽ được thả trong một ngày không xa. Tuy nhiên, sự thân thiết giữa Tường và Mận lại khiến cho cơn giận không nguôi trong lòng Thiều tăng lên theo ngày thàng trôi qua. Cậu đã không can ngăn khi con cóc Tường nuôi bị bắt đi làm thịt, điều mà khiến Thiều ray rứt mãi bởi chứng kiến nỗi buồn đau của Tường dù cậu bé không hề biết là do anh mình tiếp tay. Mùa lũ đến, cả làng Thiều chìm trong nước, khi nước rút đi và để lại nhiều hậu quả tiêu cực như đói kém, mất mùa, Thiều, Tường và Mận mới phát hiện ra chị Vinh và chú Đàn đã lập ra kế hoạch cùng nhau bỏ trốn để thoát khỏi sự ngăn cấm của gia đình. Cùng lúc đó, sự hẹp hòi và đố kỵ trong lòng Thiều đã nhiều đến mức trong một phút hiểu lầm cậu đã vô tình khiến em trai mình bị thương nặng, không thể ngồi dậy được. Thiều càng ân hận hơn khi nghe chính miệng Tường kể rằng người mà Mận thích chơi cùng chính là cậu.

Mận được mẹ đón đi tìm cha, trong khi Thiều ở lại chìm trong nuối tiếc và cắn rứt mà tận tình chăm sóc cho Tường. Cả hai anh em đã giấu ba mẹ nguyên nhân thật sự gây ra cảnh ngộ rủi ro của Tường. Một hôm Thiều mừng rỡ khi thấy Tường đã ngồi dậy được và nghe em trai mình kể về một nàng công chúa không biết từ đâu đến đã trở thành nguồn động viên tinh thần để Tường hồi phục. Quá hiếu kỳ, trong một lần tình cờ phát hiện ra công chúa và lén lút bám theo, Thiều vô cùng bất ngờ khi biết nàng công chúa ấy thực ra là Nhi, con một người mổ lợn trong làng. Người làng lầm tưởng Nhi đã chết sau một vụ tai nạn ba năm trước, nhưng hóa ra cô bé vẫn sống nhưng có vấn đề về thần kinh, khiến cô tự xem mình là công chúa và cha mình là đức vua, người mà cũng vì thương con nên đã giả vờ diễn trò cùng cô bé. Thiều kể lại bí mật này với Tường lúc này đã đứng dậy được, bởi vì Tường và Nhi từng chơi rất thân với nhau. Sự nôn nóng được gặp lại Nhi thôi thúc Tường ra sức tập đi lại. Một ngày nọ hai anh em nhìn thấy Nhi đang bị đám trẻ con trong làng trêu chọc, Tường đã chạy hết sức bằng chính đôi chân mình đến bảo vệ Nhi, kỳ diệu thay nghĩa cử này khiến cô bé nhớ ra mọi chuyện và trở lại bình thường.

Ý nghĩa của hoa vàng trên cỏ xanh
LINK GIẢM GIÁ

FAHASA T I K I SHOPEE

Ta bắt gặp trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh một thế giới đấy bất ngờ và thi vị non trẻ với những suy ngẫm giản dị thôi nhưng gần gũi đến lạ. Câu chuyện của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có chút này chút kia, để ai soi vào cũng thấy mình trong đó, kiểu như lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạ ngây ngô và khờ khạo.

Nhưng Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hình như không còn trong trẻo, thuần khiết trọn vẹn của một thế giới tuổi thơ nữa. Cuốn sách nhỏ nhắn vẫn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào nhưng lại phảng phất nỗi buồn, về một người cha bệnh tật trốn nhà vì không muốn làm khổ vợ con, về một người cha khác giả làm vua bởi đứa con tâm thầm của ông luôn nghĩ mình là công chúa, Những bài học về luân lý, về tình người trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối.

Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh lắng đọng nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai đã lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.

Giữa con cóc tía và cô tiên xanh thì mình thích con cóc tía hơn. Cô tiên xanh giúp thằng Tường đi chạy lại được gượng ép quá. Ai làm anh, làm chị đọc truyện này xong giật mình. Còn ai làm em thì cũng muôn phần được xả nỗi tức tối: “Rõ là không có đứa anh, đứa chị nào biết tốt với em mình.”

Con nít thích nhau dễ thương thế mà người lớn cứ thích cấm. Nhưng, biết đâu, nếu không cấm thì lại hết cả những điều dễ thương?

“Con Mận đón lấy cuốn tập, giọng cảm động:

-Sao dạo này bạn tốt với mình thế?

Tôi cười hì hì:

-Tao tốt với mày lâu rồi, tại mày ng… ng…

Tôi tính nói: “Tại mày ngu nên mày không biết đó thôi.”, nhưng đến phút chót tôi tốp lại kịp. Nhưng con Mận đâu có ngu như tôi vẫn mắng nó. Nó nhìn tôi cười méo xẹo:

-Tại mình ngu nên không nhận ra hở?”

Trời ơi! Đọc cái truyện này xong bị yêu mấy bạn hiền hiền, ngơ ngơ hay bị bọn to đầu bắt nạt quá chừng. Thương thằng Tường quá chừng! Muốn đánh cho thằng anh vài trận! Mấy cái thằng anh hùng rơm, nói nhiều mà không chịu đụng nửa chút móng tay.

Đọc truyện thấy rất hài hước, mình đọc mà cứ nằm cười khúc khích với những câu văn ví von rất buồn cười của tác giả. Xem phim rồi mới đọc nên mình có thể tưởng tượng rõ ràng mặt mũi nhân vật hơn. Phim đúng là miêu tả rất thật cuốn truyện.

  • Mình nhận ra là người tốt chưa chắc đã được hạnh phúc, kẻ khôn lại chắc được hưởng hơn.
  • Người khổ chưa chắc đã thấy mình khổ, người hạnh phúc chưa chắc đã thấy mình hạnh phúc. Thằng Tường luôn vui vẻ giúp việc nhà thay anh vì anh nó bận học bài và nó tự thấy nó học không giỏi. Thế mà nó vẫn vui vẻ, vô tư không 1 lời than thở.

Đấy là người khổ chưa chắc đã không hạnh phúc. Thằng anh được chăm lo để học hành hơn, mà tự thấy ăn năn đôi lúc; thấy sướng mà không thực sự sướng. Đấy là người sướng chưa chắc đã thấy hạnh phúc.

Thế nên bài học rút ra là mọi thứ sướng vui khổ đau đều là tuỳ từng góc độ, trải nghiệm của mỗi người mà thôi. Nếu muốn bản thân vui, thì hãy lạc quan, yêu đời, nhìn đời với con mắt tịch cực hơn.

Đọc truyên này làm mình nhớ lại câu quote hồi trước mình rất thích:

  • “Nếu bạn yêu cuộc đời thì cuộc đời sẽ yêu lại bạn – If you love life, life will love you back”

Ông chỉ giơ mũi kiếm lên gại gại chỗ bắp chân, chắc có con côn trùng nào đó chích ông…

Đến tận dòng cuối cùng của cuốn truyện, dễ thương vẫn không “buông tha” người đọc.

Truyện có rất nhiều chi tiết, nhân vật để phân tích, để nêu cảm nghĩ nhưng ấn tượng với mình nhất vẫn là tình cảm, sự tương tác được bác Ánh xây dựng xuất sắc giữa hai anh em Thiều – Tường trong truyện.

Thiều – nhân vật chính, một cậu nhóc tuổi mới lớn đang hào hứng phăm phăm bước qua thế giới của người lớn nhưng rồi bỗng ngoái lại và tiếc nuối quá khứ của một thằng nhóc vô tư vô lo. Thiều như là một tấm màng lọc, lọc trắng đen ra, lọc trái phải ra nhưng lại không biết làm gì tiếp theo với những thứ đã lọc đó. Và bác Ánh đã nhìn và kể lại một khung cảnh tuổi thơ thôn quê qua lăng kính của một người “muốn lớn nhưng vẫn muốn nhỏ” mang tên Thiều.

Thiều phức tạp, nhưng Tường thì không. Tường em Thiều, khác hẳn ông anh bị giằng xé giữa những mâu thuẫn nội tâm, Tường thuần khiết, như một tấm kính trong chứ không phải một màng lọc. Em yêu thương vô điều kiện, dặc biệt với ông anh luôn là người gây ra rắc rối cho thằng em. Chịu gậy của bố cũng là em, gánh lên lưng sự ghen tức của thằng anh cũng là em nhưng vẫn mỉm cười tha thứ cho mọi cơn giận, mọi sai lầm của người anh. Tường biết đâu là chính chúng ta khi chưa bước qua ranh giới người lớn-trẻ con, chưa phải bước qua màng lọc trắng đen, trái phải ấy.

Xuyên suốt câu truyện, thằng anh toàn gây truyện rồi thằng em hứng hết để rồi Thiều vẫn luôn mang một tâm trang day dứt với Tường, như cái cảm xúc chúng ta vẫn luôn day dứt với chúng-ta-hồi-đó, rồi thở dài cái thượt “Cho tôi xin một vé về tuổi thơ”. Rồi ta vội vã nhận ra rằng vẫn chưa trễ, vội vã lục lọi lại những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, chăm sóc nó bằng cách viết, kể không để nó bị lãng quên, như cách Thiều hối hận và nhủ lòng luôn chăm sóc em sau những gì mình đã gây ra.

Best quote:

Con người ta khóc cũng giống như trời mưa. Chỉ khi nào hết nước thì trời mới thôi mưa và chúng ta mới thôi khóc.

Phải đến chục năm rồi mới lại đọc truyện của chú Ánh, mà cuốn này cũng là cuốn duy nhất của chú mà mình đọc tới đọc lui tới vài lần, xem xem chú có ý gì khi đưa những tình tiết, nhân vật đó vào chỗ này chỗ kia. Lúc đầu mình cũng tính than phiền nhiều việc-vật-người không được khai thác triệt để, không có ý nghĩa biểu tượng văn chương này nọ, nhưng rồi tự mắng mình không đâu suy nghĩ phức tạp quá. Truyện giống như là nhặt nhạnh đôi ba ngày bình thường trong cuộc đời của Thiều để kể lại, những hành động trẻ con gắn với cảm xúc suy tư non nớt, ngây dại của Thiều ngay lúc đó thôi, chứ đâu cần rối rắm thắt nút mở nút gì đâu. Chị Vinh, con Xin không được khai thác nhiều, đơn giản là bởi vì không xuất hiện trong mấy ngày đó của Thiều nên không được (Thiều) kể lại thôi chứ chắc là chị Vinh, con Xin vẫn đang làm việc của mình ở đâu đó thôi. Các bạn cũng đừng mắc công ghét bỏ Thiều làm chi, trẻ con ai mà chẳng cần sai lầm để lớn (nhưng dù sao thì mình cũng không hiểu lắm vì sao chú Ánh cho Thiều nỡ đánh em đến nằm liệt rồi cho một nàng công chúa không đâu thình lình giáng thế).

Văn chú Ánh xưa giờ vẫn mạnh về miêu tả, chân thật đến độ mộc mạc, đơn giản, thấy thật quá thường quá mà đôi lúc lại ngỡ mơ màng, hư hư thực thực. Cảm giác như đâu đó vẫn có một làng quê nhỏ bình yên, hàng xóm thân thuộc với láng giềng, tuổi thơ êm đềm rong ruổi với những đá gà, bắt ve ve, đánh trận giả đạn bời lời bôm bốp và cho chuồn chuồn cắn rốn để tập bơi, mà không bị làm phiền bởi những âm mưu chính trị rồi cả kinh tế, chiến tranh tàn nhẫn trên mọi mặt trận, giải thưởng này phần quà nọ phù phiếm ngoài kia. Tuổi thơ chỉ cần có em và có bạn, có lấm lem và có mưa rào, từng bước chầm chậm trưởng thành, vậy thôi ha

Ba năm trước mình đã mua cuốn sách này giữa thời điểm bộ phim chuyển thể của nó đang rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, đến nỗi “tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã trở thành một slogan của giới trẻ trên khắp các trang mạng xã hội. Mình mua nó chủ yếu là để thỏa mãn tính tò mò chứ khi ấy mình chưa hâm mộ bác Ánh.

Ba năm sau, giữa những ngày hè tháng 8, một lần nữa mình cầm cuốn sách trong tay, phát hiện ra ký ức về cuốn sách hoàn toàn trôi đi tự khi nào. Tất cả trở nên mới mẻ như thể mình chỉ vừa mua cuốn sách này từ hôm qua. Bất giác tự hỏi mình, 3 năm trước đã nghĩ gì khi khép lại trang cuối cùng?

TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH đưa mình trở lại với những mảng ký ức tuổi thơ một thời. Mình như thấy lại hình ảnh của bản thân với những trưa hè bắt ve cùng đứa em, những buổi chiều tụ tập làm kèn lá dứa, những đêm dài nằm ngoài hiên nghe bà, nghe mẹ kể chuyện ma, trò dại dột để chuồn chuồn cắn rốn mà học bơi cũng không thành, những buổi lang thang bứt cỏ gà chơi chọi, những hôm mưa rào cánh mối tả tơi… và cả những lá thư tình giấu dưới gối của dì út.

Ôi, cái tuổi thơ cứ trôi tuột đi như lũ tháng bảy, chẳng thèm ngoảnh lại nhìn mình lấy một lần. Hồi bé mình đã từng khao khát lớn lên để rồi những lúc như thế này lại thèm đc trở về khi còn bé bỏng, nằm trên đùi mẹ giữa đêm hè nghe gió thổi qua những tặng tre…

TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH khắc họa tuổi thơ lắm kỷ niệm ngọt ngào và cũng đầy cay đắng của hai anh em: Thiều và Tường. Trái ngược vơi người anh ranh mãnh, lém lỉnh, nóng nảy, Tường là một cậu bé hiền lành, tốt bụng, bao dung, vụ tha… Tường hiện lên như một thiên sứ đẹp đẽ và nhân hậu. Bởi vậy mình đã khóc, ba năm trước cũng khóc, ba năm sau cũng khóc, khi em lên tiếng tha thứ cho kẻ đã gây cho em đau đớn và bất công. Quả thật, xây dựng lên hình tượng một cậu bé thiên sứ không khó, nhưng lấy được nước mắt của người đọc lại là chuyện khác.

Nếu câu chuyện này không được kể bằng ngôi kể thứ nhất của người anh, thì có lẽ người ta sẽ căm ghét thằng Thiều vô cùng tận, vì thói ích kỷ của một kẻ chỉ biết nhận mà không búet cho đi. Nhưng hỡi ôi, tuổi thơ ai chẳng có những lần phạm sai lầm. Và đôi khi nhờ những sai lầm ấy chúng ta mới trưởng thành, giũ bỏ lại những thói con nít mà lớn lên.

Chẳng biết có liên tưởng nào khác cho loài hoa bí ẩn của bác Ánh không chứ “tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã trở thành câu cửa miệng của mình khi bắt gặp loài hoa dại tựa như hoa cúc hay mọc ven bờ sông ở quê mình. Loài hoa một thời đã trở thành nàng thơ của mình, hái một nắm trong tay, mình âu yếm gọi nó là hoa cúc…

Ý nghĩa của hoa vàng trên cỏ xanh
LINK GIẢM GIÁ

FAHASA T I K I SHOPEE

Chương 81: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Khi thiên sứ đã báo tin vui cho những đứa trẻ sống trong một ngôi làng nghèo nàn và nhỏ bé như làng tôi có nghĩa là câu chuyện của tôi không còn lý do gì để nấn ná ở lại với bạn đọc nữa.

Tôi cũng nói luôn là khả năng chú Đàn và chị Vinh quay về làng là rất cao, tôi cũng đang thấp thỏm mong chờ ngày gặp lại hai người mà tôi đặc biệt yêu mến đó. Thằng Tường có lẽ mong chờ điều đó còn hơn cả tôi, nhưng nếu tính thêm thầy Nhãn và bà nội tôi nữa thì thằng Tường tụt xuống hàng thứ ba.

Còn thằng Sơn và con Bé Na thì tôi chịu, không thể biết được hậu vận của tụi nó. Có thể ông Ba Huấn và ông Tư Cang trở thành sui gia với nhau. Cũng có thể ông Ba Huấn không chịu vì chê nhà ông Tư Cang nghèo rớt mồng tơi dù chuyến buôn quế vừa rồi ông Tư Cang cũng thu lãi được kha khá. Nhưng biết đâu chính ông Tư Cang mới là người kịch liệt phản đối vì chê thằng Sơn là đồ mất dạy.

Con Mận thì chắc chắn là tìm lại được ba nó. Và kết cuộc đẹp nhất là ba nó, mẹ nó và nó kéo nhau quay trở về làng khi phát hiện ba nó thực ra không hề bị bệnh phong như thiên hạ đồn đoán. Ông bị một thứ bệnh da liễu vớ vẩn nào đó, tệ lắm là bệnh vảy nến – một thứ bệnh khó chữa nhưng không khiến người ta xa lánh.

Con Mận về thì có thể cuộc sống của tôi sẽ khác, chắc chắn là xáo trộn, nhưng vui hơn hay buồn hơn thì tôi không biết được. “Tình yêu” mà! Nhưng tôi sẵn sàng tin là vui hơn. Bạn cũng biết rồi đó, lúc nào cũng nhìn tương lai bằng ánh mắt u ám thì làm sao sống nổi!

Nếu có chút gì đó làm tôi lo lắng vẩn vơ thì đó là thái độ của con Xin. Con Xin lúc tôi gửi thư tình cho nó thì nó chơi ngu đem nộp cho thầy giáo, nhưng khi nó lớn thêm vài tháng tuổi thì nó biết ghen với con Mận, không thèm lấy vỏ quế tôi tặng, nghĩa là nó trưởng thành hơn.

Ngoài những chuyện đó ra thì tôi cũng hy vọng ba tôi kiếm được việc làm ngon lành ở thành phố, hy vọng thằng Dưa con ông Năm Ve sau khi ăn thêm vài con cóc nữa sẽ lớn phổng lên như những đứa cùng lứa khác để khỏi bị bọn tôi cốc đầu đá đít, dù tôi cũng hơi khoai khoái cái trò cốc đầu đá đít nó.

Ủa, tôi nói ra những điều này như vậy là sớm quá, vì thực ra câu chuyện tôi kể vẫn còn dang dở. Khi nãy tôi đang nói tới chỗ thằng Dưa la lên rằng con Nhi đã tỉnh lại. Khi nó la lên như vậy thì coi như nó đặt dấu chấm hết cho buổi chiều hôm đó. Và cũng gần như đặt dấu chấm hết cho cuốn truyện này luôn.

Bởi vì sau đó bọn trẻ bu quanh con Nhi lục tục tản dần. Chúng kéo nhau đi về phía rặng dương liễu mọc sát đường lộ, vừa bá vai nhau vừa bàn tán không ngớt. Chiếc nón quả dưa của thằng Dưa nhấp nhô trong mớ đầu cổ giống như một quả dưa thật đang trôi lững lờ trong nắng chiều.

Ở phía ngược lại, ông Tám Tàng khoác vai con Nhi chậm rãi đi về phía đồi Cỏ Úa. Bây giờ thì trông hai cha con lại rất giống một đức vua đang long trọng dìu một công chúa về lâu đài.

Con Nhi cứ đi hai, ba bước lại ngoảnh cổ nhìn lại phía sau. Tôi thấy rõ những cái ngoái đầu lưu luyến của nó nhưng dù thế thì tôi cũng phải quàng cổ thằng Tường, nói:

– Về thôi, mày!

Thằng Tường không có lý do gì để không nghe lời tôi. Nhưng cũng giống như con Nhi, cứ đi vài bước nó lại ngoái đầu nhìn về phía đồi Cỏ Úa, nơi cô công chúa của nó có vẻ như đang đi xuyên qua buổi chiều để chốc nữa đây mất hút bên kia ngọn đồi.

Bây giờ tôi nghĩ “phò mã” Tường đã không còn nợ nần gì “công chúa” Nhi nữa. Nếu sự xuất hiện bất ngờ của “công chúa” bên cửa sổ giúp “phò mã” quên hẳn tấm lưng đau, sau đó chạy như ngựa hoặc nói một cách dè dặt là gần bằng ngựa, thì sự ra tay nghĩa hiệp của “phò mã” cũng vô tình giúp “công chúa” thoát khỏi chứng bệnh tâm thần đeo đẳng suốt ba năm nay.

Trong khi tôi đang nghĩ vẩn vơ đến sức mạnh kỳ diệu của tình yêu, nếu có thể gọi tên thứ tình cảm lạ lùng vừa chớm nở giữa thằng Tường và con Nhi là tình yêu (có bao giờ công chúa tuyển phò mã không vì tình yêu không nhỉ?), thì tiếng con Nhi bất thần vọng tới:

– Anh Tường! Gượm đã!

Tôi và Tường sững lại, như bị tiếng kêu thảng thốt của con Nhi neo chặt xuống cỏ.

Khi chúng tôi quay lại, con Nhi đã chạy tới gần đến mức tôi nhìn rõ những sợi tóc dính bết trên gò má đỏ lơ đỏ lưỡng của nó.

Cứ tưởng con Nhi sẽ va vào thằng Tường lúc này đang thộn mặt ngẩn ngơ thì nó đã chấm mũi hài xanh trên bãi cỏ, đúng kiểu một cô công chúa nhí nhảnh.

Tôi nhìn xuống, thấy con Nhi kịp dừng lại trước mặt Tường cách đúng một bước chân. Đôi chân của nó ghim vào cỏ như hai ngọn lao, rung bần bật vì hãm quá gắt. Cỏ dưới chân nó xanh biêng biếc nhưng ánh mắt tôi vẫn bắt gặp những cánh hoa vàng li ti đang kín đáo nở trong nách lá và điều đó cho tôi cảm giác rằng mùa hè khắc nghiệt sắp sửa trôi qua.

Cứ đứng như thế, con Nhi giương đôi mắt đen láy ra nhìn Tường. Nó không nói gì nhưng ánh nhìn của nó thật ấm áp. Lúc chưa ra khỏi cơn mê dài, con Nhi từng lẻn đến bên cửa sổ nhà tôi nhìn vào bên trong và bắt gặp thằng Tường đang nằm bất động trên giường bệnh, lúc đó chắc nó cũng giành cho thằng Tường ánh mắt như vậy.

Suốt một lúc lâu, con Nhi đứng nhìn thằng Tường, thằng Tường đứng nhìn con Nhi. Hai đứa im lặng ngó nhau, mặc nắng rớt trên đầu trên vai trên tay, như thể nếu không ngó nhau thì chúng chẳng còn việc gì để làm trên cõi đời này nữa.

“Đức vua” Tám Tàng đứng cách đó một quãng, chống kiếm nhìn về phía “công chúa” và “phò mã”, chẳng biết đang nghĩ gì.

Tôi đứng bên cạnh, ánh mắt đi qua đi lại giữa thằng Tường và con Nhi, lúc đầu thấy hay hay, sau thấy tụi nó đứng yên lâu quá, tôi suốt ruột tính co chân đá vào chân thằng Tường.

Nhưng tôi chưa kịp nhúc nhích, Tường đột nhiên mỉm cười.

Ngay lúc đó con Nhi cũng nhoẻn miệng cười theo, và nói:

– Em cảm ơn anh nhiều lắm!

Con Nhi lúc nói câu đó thì nó không còn giống công chúa nữa, mặc dù nó vẫn đang khoác đồ công chúa trên người.

Thằng Tường mấp máy môi khi nghe con Nhi nói vậy, nhưng rốt cuộc nó chẳng nói gì. Tôi đoán nó định nói “Anh cũng cảm ơn em nhiều lắm” nhưng đến phút chót có lẽ nó cảm thấy nó vậy giống như bắt chước con Nhi nên nó quyết định làm thinh.

Nó làm thinh nhưng nó thò tay nắm tay con Nhi.

Thằng vô tư gớm! Nó dám nắm tay con Nhi trước mặt ba con Nhi. Tôi lo lắng nghĩ bụng và ngước mắt về phía ông Tám Tàng. Nhưng “đức vua” hung dữ lúc nãy bây giờ nom hiền khô.

Thấy thằng Tường cầm tay con gái mình, ông khẽ giật mình một cái, và huơ kiếm lên. Nhưng ông không nói “Tụi kia tránh xa con gái ta ra! Nếu không, ta cho một kiếm bay đầu bây giờ!” như lúc ông lao xuống từ trên đồi.

Ông chỉ giơ mũi kiếm lên gại gại chỗ bắp chân, chắc có con côn trùng nào đó vừa chích ông…

LINK GIẢM GIÁ

FAHASA T I K I SHOPEE

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

Rate this post

Viết một bình luận