Ý nghĩa Phật-Pháp-Tăng
Đại sư Thái Hư giảng tại phân hội Trấn Giang, hội Phật học Trung Quốc vào tháng 11 năm Dân Quốc thứ 24 (1935).
Việt dịch: Thích Nữ Viên Châu
I- Trình bày ý nghĩa
Phật pháp tăng là nhận thức căn bản của người học Phật, cũng là sự thuyết minh cứu cánh viên mãn của Phật pháp. Tất cả các pháp thanh tịnh đều gom trong đó.
Tôn giả A-đề-giáp, từ Ấn Độ vào Tây Tạng hoằng pháp. Địa vị của ngài bằng với Tổ Đạt-ma của Trung Quốc. Ngài ở Tây Tạng mấy chục năm, thường giảng Tam bảo: Phật pháp tăng.
Có người hỏi:
– Vì sao ngài nói mãi về Tam bảo? Nghĩa đó tuy rất sâu nhưng chúng tôi đã nghe nhiều rồi, xin ngài nói nghĩa khác !
Ngài đáp:
-Điều ta học và hành ở Ấn Độ học không ngoài Tam bảo. Ta đến Tây Tạng cũng không có pháp nào khác để nói. Xin hỏi, ngoài Tam bảo ra còn có Phật pháp nào chăng ? Trong câu hỏi và trả lời đơn giản đó, thật bao gồm ý nghĩa rất quan trọng.
Nghĩa Phật pháp tăng mà tôi giảng hiện nay là nền tảng của tín ngưỡng Phật giáo, nghiên cứu Phật học, tu hành Phật pháp; cho nên người tín ngưỡng Phật giáo, nghiên cứu Phật học, tu hành Phật pháp thì cần phải hiểu rõ điều này. Người mới học Phật hiểu được nghĩa này mới không rơi vào mê tín, mới có thể tu học Phật pháp đạt đến rốt ráo. Phật chính là bậc đầy đủ phước huệ , thấu rõ tận cùng các pháp .Pháp là pháp mà Đức Phật đã tự giác ngộ và khai ngộ cho người. Tăng là người tu hành theo Phật pháp. Ba điều này gọi là Tam bảo, chính là căn bản của Phật pháp. Nay chia làm ba phần để trình bày về Tam bảo.
II- Quan niệm về Đức Phật
Phật là gọi tắt của chữ Phật-đà, còn gọi là “Phù-đồ” . Kinh điển thường dịch là “Phật-đà -da ”. Hiện nay, Anh dịch là “Bố-đạt” (buddha).
Dịch nghĩa Phật là giác giả, tức là người giác ngộ. Ví như người có học vấn được gọi là học giả, giống như từ Thánh nhân của Trung Quốc. Nhưng gọi là Giác giả mà không gọi là Giác nhân là để biểu thị báo thân Tha thọ dụng của Phật siêu vượt ba cõi, nhất định không thể dùng con người để hạn định phạm vi của Phật được.
Giác là gọi tắt của tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Tự giác có vô sư trí, tự nhiên trí, nhất thiết trí.
Giác tha là dùng phương tiện trí huệ vô ngại biên tài dạy cho người giác ngộ, tức là trước đã giác ngộ rồi sau mới giác ngộ cho người.
Giác và hạnh viên mãn, đầy đủ phước huệ gọi là Phật-đà. Đây là từ gọi chung cho người có công đức đó. Cũng là từ gọi chung cho vô lượng chư Phật trong mười phương ba đời. Nhân đó, Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, cũng có thể nói tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai. Nhưng Phật cùng khắp mười phương, ba đời đều cần phải đầy đủ ba giác, phước huệ lưỡng toàn. Công đức đó được biểu hiện bằng sự thật chứng minh, mới là Phật-đà, chứ không phải là lý tưởng giả thuyết.
A- Theo Phật Thích-ca Mâu-ni xây dựng quan niệm căn bản về Phật
Hiện tại trên thế giới này có một vị biểu hiện thật đức, nên được tôn xưng là Phật, là Thích-ca Mâu-ni. Vì có Phật Thích-ca, ta mới biết mười phương ba đời tất cả chư Phật, cho nên y theo Thích-ca Thế Tôn mà xây dựng quan niệm căn bản về Phật. Phật thờ chính giữa điện chính là Phật Thích-ca Mâu-ni. Thích-ca là họ, dịch nghĩa là Năng hoặc Năng Nhân, vì tổ tiên của Ngài có lòng nhân với dân và yêu thương muôn vật mà có họ như thế.
Tổ tiên của Ngài ban đầu làm thái tử ,vì có lòng nhân đạo được dân yêu thương, mà dựng lập một nước khác. Phụ vương biết được nói: “Con ta năng nhân”, nên lấy làm họ của tộc. Họ xưa là Cù-đàm cũng dịch là Kiều-đạt-ma, Kiều-đàm-di, Thích-ca là một chi của dòng họ Cù-đàm. Mâu-ni dịch ý là Tịch Mặc, vì Phật thường ở trong tịch định cho nên gọi: “Tâm Phật thường tại định, không lúc nào chẳng định”. Phật thuyết pháp đều theo định huệ, làm lợi ích cho người trời, nên tôn xưng là Tịch Mặc. Tên Ngài là Tất-đạt-đa, dịch ý là “Nhất Thiết Nghĩa Thành ”, người đương thời gọi luôn họ tên của Ngài là Cù-đàm Tất-đạt-đa, tôn xưng là Thích-ca Mâu-ni. Mâu-ni cũng dịch là “ Văn”, như kinh ghi là “Thích-ca Văn ” chính là Phật.
Trong lịch sử Ấn Độ, Phật ứng thế cách đây 2.600 năm, giáng sanh tại nước Ca-tỳ-la Trung Ấn Độ (tức nay gần Nepal ), cha tên là Tịnh Phạn, thành Phật ở Bồ-đề tràng, nước Ma-kiệt-đà. Ban đầu chuyển pháp luân ở Lộc uyển, nước Ba-la-nại; sau đi khắp nơi thuyết pháp bốn chín năm. Khảo xét về lịch sử, thật có một Đức Phật đầy đủ phước huệ . Vì thế , chúng ta phải theo đó mà xây dựng quan niệm căn bản về Phật.
B- Tin Phật Thích-ca Mâu-ni xác thực là đấng Vô thượng chánh biến giác.
Chúng ta tin Phật, không chỉ như người thường tin cổ nhân có công nghiệp đạo đức, học vấn mà cần phải tin Ngài xác thực là một bậc đã chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. A-nậu-đa-la dịch là Vô Thượng, Tam-miệu là Biến, Tam-bồ-đề là Chánh giác. Giác là không mê, để phân biệt với tâm bất giác của phạm phu; chánh giác là để phân biệt với tà giác của ngoại đạo. Biến chánh giác là để phân biệt với chánh giác của Nhị thừa. Pháp thân bồ-tát từ Sơ địa trở lên có thể cho là Biến Chánh Giác nhưng chưa rốt ráo, chỉ có Phật Diệu giác cứu cánh viên mãn, mới là vô thượng. Chúng ta tin Phật Thích-ca Mâu-ni đúng là tối cao vô thượng, thấu suốt được sự, lý, tánh, tướng của các pháp, không có việc gì mà không biết, không có điều gì mà không hay, lại không có cái gì có thể vượt qua Phật được. Người đời không hiểu được nghĩa Phật, cho rằng có một vị “ thần” khác, có thể vượt qua Phật; Thật ra, thần còn ở trong lục đạo, sánh với Phật-đà cách xa không biết dường nào!
C- Tỳ-lô-giá-na hoặc gọi Đại Nhật, hoặc gọi Lô-xá, hoặc gọi Kim Cang Trì, đều là tên khác của Thích-ca Mâu-ni Đại Công Đức Tụ, không được xem là Phật khác ngoài Mâu-ni.
“ Tỳ-lô-giá-na” là báo thân của Thích-ca. Gần đây, người ta thường lấy năm phương, năm Phật tiêu biểu cho năm trí. Thật ra, Phật là bậc đầy đủ năm trí, thông thường lại cho đây là pháp thân Phật, mà không biết thân pháp tánh biến khắp tất cả xứ, vô tướng, vô danh. Như Tỳ-lô-giá-na là thân thọ dụng ghi trong kinh Hoa nghiêm chính là thân Tha thọ dụng (báo thân) mà Đức Phật vì hàng bồ-tát Thập địa hiện ra . Gần đây, các dịch phẩm từ tiếng Tây Tạng ghi: “Tỳ-lô-giá-na là hóa thân Phật ”. Tỳ-lô-giá-na, Hán dịch là Quang Minh Biến Chiếu, nên dịch “Ma-ha-tỳ-giá-na” là Đại Nhật. Xưa có người dịch là “ Lô-xá-na” hoặc là “Phệ-lô-giá-na” vốn là một âm mà dịch khác. Có người cho rằng “Tỳ-lô” là thanh tịnh pháp thân, “xá-na” là viên mãn báo thân, cả hai đều sai.
Người học Tạng mật tôn sùng “Đa Kiệt Khương Phật” dịch là Kim Cang Trì, hiện cầm chày kim cang để hàng phục các ma oán, là nói theo Đức Phật đại hùng, đại lực , có đầy đủ vô lượng phương tiện công đức. Tất cả Như Lai đều có thân kim cang. Căn cứ theo công đức rộng lớn của báo thân đức Thích-ca Mâu-ni nên có nhiều tên như vậy. Vì thế nên không được xem là Phật khác ngoài Mâu-ni. Người đời thường chia ra nhiều Phật và chấp đây là báo thân Phật thuyết kinh, kia là hóa thân Phật thuyết kinh mà không biết là một Phật có ba thân, ba thân vốn là một Phật.
- Chúng ta biết Đức Phật A-di-đà, Phật Dược Sư hoặc Phật Nhiên Đăng trong thời quá khứ v.v… đều do tin lời Phật Thích-ca Mâu-ni giảng nói. Tất cả các Ngài đều bình đẳng với đức Thích Tôn.
Hiện nay, người học Phật đều biết từ đây về phương Tây cách mười muôn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc, trong cõi ấy có Đức Phật hiệu A-di-đà. A-di-đà, dịch ý là vô lượng (vô lượng có rất nhiều nghĩa như: vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng tướng tốt, vô lượng bồ-tát bất thối .v.v…)
Đức Phật Dược Sư trụ tại thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương đông, người đời niệm chú Dược Sư có thể kéo dài tuổi thọ. Hai vị Phật ấy hiện tại đang ở thế giới khác. Tuy hàng Tiểu thừa không thừa nhận Phật của thế giới khác, nhưng Đại thừa lại thường đề cập đến. Hiện nay, khoa học đã chứng minh có vô lượng thế giới, thì đương nhiên hiện nay ở thế giới khác thì nhất định có Phật khác. Trong nhiều kiếp của thế giới này có Phật Nhiên Đăng, Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí v.v… Cũng giống như thế , biết có chư Phật ở thế giới khác đều là do tin kinh điển của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã nói. Vì Phật Thích-ca Mâu-ni thành tựu vô lượng biến chánh giác, nên tất cả chư Phật từ trong tâm đại giác của Như Lai nói ra, đều có thật, không hư vọng. Chư Phật kia đều có ba giác, đầy đủ muôn hạnh, bình đẳng với Phật Thích-ca.
- Phật là quả vị cùng tột do tích tụ đại hạnh từ vô số kiếp mà thành, không được lẫn lộn với các vị Phật sống mà người đời thường gọi.
Chúng ta biết không dễ thành Phật. Căn cứ theo kinh điển, trước hết chúng ta cần phải phát tâm Bồ-đề, dần dần tích góp phước đức trí huệ tư lương. Trải qua các giai vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng là thành tựu bồ-tát A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất. Rồi từ Thập hồi hướng trải qua các giai vị Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất, Sơ địa đến Thất địa thì thành tựu bồ-tát a-tăng kỳ kiếp thứ hai. Từ bồ-tát Thất đa đến thành Phật là a-tăng kỳ kiếp thứ ba. Ba a-tăng kỳ kiếp tức là ba vô số kiếp. Tu hành Bồ-tát đạo trải qua thời gian dài của ba đại kiếp này mới có thể đoạn hết tất cả chấp chướng, đầy đủ tất cả công đức mà chứng thành đại giác vô thượng. Như vậy, thành Phật đâu phải việc dễ dàng ?
Đại hạnh: tức là tu muôn hạnh Bồ-tát để đạt đến Phật quả. Thành Phật là quả cùng tột do việc tu tập viên mãn Bồ-tát hạnh. Người đời đã thấy Đức Phật Thích-ca có 32 tướng đại nhân, 80 vẻ đẹp tùy hình cũng là do tu Bồ-tát hạnh mà thành. Như người đời nay thấy người tu hành có đuợc một chút phước đức thiền định, thần thông của thế tục rồi gọi đó là Phật sống. Như vào cuối đời Thanh gọi hoàng đế là “Phật gia”, thái hậu là “Lão Phật gia”. Lại như ở Tây Tạng gọi Đạt-lai Lạt-ma là “Phật gia”. Đó chẳng qua là biểu thị lòng tôn kính , tưởng tượng họ là Phật ứng thế mà thôi.
Luận theo Pháp tánh thì tất cả pháp đều là Phật, tất cả hữu tình đều có tánh thành Phật, nên tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai. Người học Phật thông đạt giáo lý, có chánh quán, định-tuệ, có biểu hiện công đức tương đương, thì cũng có thể gọi là Tương tợ Phật. Danh từ Phật sống mà người ta thường gọi cũng hàm ý nghĩa đó. Nếu nói theo sự thật thì cần phải tu hành trải qua ba đại vô số kiếp đầy đủ đại hạnh, đạt đến cứu cánh cực quả, mới có thể gọi là “Phật”. Cho nên không được quan niệm Phật giống như Phật sống mà người thế tục gọi.
- Phật là bậc Đại thánh trong thánh chúng Tam thừa xuất thế, không được lẫn lộn với Thánh triết của thế gian. Bởi trời, người cũng còn là phàm thế .
Phật pháp cho rằng lục phàm, tam giới, thiên thần, tiên nhân đều thuộc thế gian. Thánh chúng Tam thừa là bậc thánh xuất thế gian mà Phật còn vượt trên những bậc thánh này. Phật-đà là bậc đại thánh trong hàng thánh Tam thừa xuất thế thì những giáo chủ khác trong hàng thế gian cũng chỉ là bậc thánh trong cõi trời và cõi người, vẫn còn ở trong ba cõi sáu đường mà thôi. Người học chớ nên lẫn lộn Phật với thánh hiền thế gian. Sở dĩ chúng ta cần phải nhận thức như thế, bởi vì Đức Phật lấy đại công đức tụ thanh tịnh vô lậu làm bản chất.
- Phật là bậc biến chánh giác trong vũ trụ vạn hữu (pháp giới chư Phật) cũng là bậc giáo hóa khiến chúng sanh thành biến chánh giác, không được lẫn lộn với những vị thần chủ thể sáng tạo của Nhât thần giáo và những vị thần ban họa phúc cho con người của Đa thần giáo .
Đức Phật biết rốt ráo các pháp trong vũ trụ vạn hữu, cho nên gọi là Biến chánh giác, cũng là bậc giáo hóa giúp tất cả hữu tình được biến chánh giác. Vũ trụ vốn không phải là thiên thần sáng tạo vạn vật và chủ thể tự tại như Nhất thần giáo đã nói, cũng chẳng giống như Đa thần giáo cho Phật là một vị thần trong nhiều thần của vũ trụ. Mọi người thường cho rằng nhấtt thần hay Đa thần giống như Phật và bồ-tát, thật là một sai lầm lớn. Thần thánh chẳng qua cũng chỉ là chúng sanh trong cõi trời mà thôi. Chúng ta muốn tin Phật, trước hết cần phải có một quan niệm đúng đắn và rõ ràng về Phật.
III.- Quan niệm về pháp
Người học Phật, cần phải có quan niệm chính xác và rõ ràng về Phật pháp, nhất là đối với Pháp cần phải có một sự nhận thức chính đáng.
Pháp tiếng Phạn là Dharma. Phạm vi của chữ Pháp rất rộng, tất cả vũ trụ vạn hữu, sự sự vật vật, hình hình sắc sắc, đều gọi là pháp. Định nghĩa của chữ Pháp là “giữ gìn tự tánh, làm phép tắc để giúp chúng sanh nhận biết” (nhậm trì tự tánh, quỷ sanh tha giải). Nghĩa là bất luận vật nào, giữ gìn được thể tánh độc lập của mình mới trở thành vật đó. Ví như màu trắng này, ở bản thân màu trắng có thể giữ tự tánh màu trắng của nó và có thể khiến cho tất cả hữu tình đều biết nó là màu trắng, khiến người khác biết rõ không lầm màu khác. Bởi vì màu trắng chính là pháp, là “nhậm trì tự tánh, quỷ sanh tha giải”, nên màu trắng thì khiến người ta hiểu rõ đó là màu trắng, không sai chút nào. Một pháp như vậy, tất cả các pháp khác cho đến hư không, mỗi mỗi cũng đều giữ gìn tự tánh mà có thể quỹ sanh tha giải, nhỏ đến một cành hoa, một ngọn cỏ, một hạt bụi, lớn cho đến pháp giới cũng đều như vậy.
Tự tánh của vạn pháp, mỗi mỗi sai biệt không giống nhau, đều là do nhân duyên mà thành. Thành lập trên quan hệ tương đối: vật này thành lập ắt phải nhờ vào các duyên của vật khác cùng hợp nhau mà thành, một vật như thế mọi vật cũng như thế, cả vạn pháp trên vũ trụ mỗi thứ đều có quan hệ duyên nhau, mỗi thứ đều có sự khác biệt đây kia mà không thể lẫn lộn. Vả lại, mỗi thứ đều do nhậm trì tự tánh mà làm cho người khác phát sanh ra sự nhận thức chính xác , cũng chính là vạn pháp trong vũ trụ, mỗi thứ đều có ý nghĩa nhậm trì tự tánh, quỉ sanh tha giải. Và các pháp trong pháp giới, không nơi nào không biến khắp, không cái gì không bao trùm, lại không có vật nào ở ngoài phạm vi pháp. Thông thường, người ta nói Phật pháp vô biên, tức là hiển bày phạm vi chữ pháp trong Phật pháp là rộng nhất, lớn nhất, không có bờ mé. Nhưng nếu luận theo chữ pháp của Phật thì có hai loại:
- Chứng pháp: Phật, đầu tiên từ căn bản trí tự giác thân chứng chân như diệu tánh của nhị không, mà hiển bày không có sự sai biệt năng sở, từ đây sanh khởi hậu đắc trí chứng biết được sự sai biệt của tất cả lý, sự, nhân, quả, khởi tâm đại bi độ khắp tất cả chúng sanh. Trí nhất thiết trí trong một sát-na đều biến khắp, biết rõ tánh tướng chân thật của các pháp. Đó chính là Chứng pháp được Phật trí nhận biết.
- Giáo pháp: là lời dạy của Đức Phật. Phật ở cõi thuần tịnh, từ tánh trí bình đẳng thị hiện thân tha thọ dụng, công đức vi diệu vì hàng bồ-tát Thập trụ hiện đại thần thông, chuyển chánh pháp luân giải quyết mối nghi làm cho tất cả thọ dụng pháp lạc Đại thừa , cho đến thị hiện hóa thân thuyết pháp cho hàng Nhị thừa, lục đạo, hữu tình (đối với người hiện thân người, đối với trời hiện thân trời, đối với súc sanh hiện thân súc sanh tất cả đều là tùy loại ứng hóa độ khắp quần sanh). Đối với tất cả chúng sanh trong pháp giới, đều giáo hóa khiến hướng về Phật đạo.
Các pháp Đức Phật nói ra trùm khắp mười phương xuyên suốt ba thời. Nhưng Đức Phật với thân vương tử giáng sanh nhân gian, chủ yếu là ở nhân loại thuyết pháp, nên giáo pháp để lại ở nhân gian kết tập thành đại tạng kinh điển hiện nay, đó là pháp bảo.
Chứng pháp và giáo pháp cũng có thể chia làm bốn loại: giáo, lý, hạnh, quả. Trong giáo điển thuộc giáo pháp bao gồm lý pháp, từ lý khởi hạnh mới có thể chứng đến thật tướng các pháp, nên chứng pháp cũng bao hàm hạnh và quả. Thánh nhân tam thừa đã chứng, tuy cùng là chứng pháp, nhưng không viên mãn rốt ráo như Phật. Từ hai pháp chứng và giáo mà phân thành bốn pháp: giáo, lý, hạnh, quả. Giáo pháp chính là pháp y cứ vào lời Phật dạy giáo hóa chúng sanh. Vì có giáo hóa, nên chúng sanh có thể hiểu biết được lý Phật đã dạy, rồi y theo lý thực hành, thực tu, có thể được quả chứng như sở nguyện. Đại khái là căn cứ vào pháp nội chứng của Phật lập bày giáo pháp, cho nên gọi là chứng pháp và giáo pháp. Căn cứ vào hữu tình nghe giáo, hiểu lý, tu hành chứng quả cho nên gọi là giáo, lý, hạnh, quả. Hai loại này đều có thể bao quát tất cả pháp. Đó chính là ý nghĩa khái quát của pháp.
- Tất cả kinh luật vốn là thanh giáo do Phật nói ra, được đệ tử của Phật trải qua nhiều lần kết tập mà thành.
Những kinh điển không được xếp vào trong ba tạng thì gọi là Tạp tạng kinh. Tây Tạng phân ra làm Cam-châu-nhĩ, Đan-châu-nhĩ”, phân chia như vậy rất có ý nghĩa, vì kinh luật vốn là Phật thuyết, luận là do sau khi Phật diệt độ, nhiều đệ tử y cứ vào kinh luật mà diễn đạt thêm. Vì thế, trước tiên nên nói về kinh luật. Những lời của Đức Phật được các đệ tử kết tập lại gọi là kinh. Kinh tiếng Phạn là “Tu-đa-la”, Trung Hoa dịch là Khế kinh nghĩa là trên phù hợp giáo lý của chư Phật, dưới ứng hợp với căn cơ của chúng sanh. Luật là giới điều do Đức Phật chế định để hàng đệ tử tuân thủ, cũng là phép tắc mà các đệ tử Phật y theo đó tu hành. Khi Phật tại thế, phần nhiều hành vi của các đệ tử đều chân chính, chỉ vì có những đệ tử phát sanh những hành vi không chánh đáng, tùy theo lỗi đã phạm, Phật theo đó mà chế ra luật, từ đây về sau không cho tái phạm. Từ đó căn cứ vào giới luật Phật đã chế mà cùng giữ. Trải qua sự chế định của Phật, tất cả đệ tử đều phải nhất nhất tuân hành, không được vi phạm, đó chính là giới luật. Từ đó về sau, nếu như có người phạm lỗi thì căn cứ theo đó mà xử lý. Ở mỗi giới điều, Đức Phật đều nêu ra nguyên nhân chế giới. Vì thế, ngoài Giới bản , còn có Quảng Luật, nên trở thành một tạng Luật to lớn.
Khi Phật tại thế, thuyết tất cả giáo pháp, nhưng không ghi chép thành văn tự. Ngài dạy dỗ tất cả đại chúng, trời, người, tất cả đều lấy thanh âm làm giáo thể. Đó chính là Thanh giáo. Ngày nay, mọi người xem ba tạng kinh luật, luận là từ nơi văn tự để hiểu nghĩa chứ không phải từ âm thanh, cho nên lấy sắc pháp làm thể. Nhưng khi Phật còn tại thế thì tất cả đều dùng thanh giáo, giới luật cũng là sự khuyên dạy từ lời nói của Phật. Kinh là do từ thân khẩu của Phật nói ra, do đệ tử hội tụng sau khi Phật diệt độ, lại được đại chúng nhất trí chứng minh không sai thì ghi lại thành kinh. Kinh luật có kết tập nhiều lần. Đầu tiên, không lâu sau khi Phật diệt độ, ngài Đại Ca-diếp cùng đại chúng kết tập trong hang Thất Diệp mà thành. Lúc đó, ngoài hang Thất Diệp cũng có ngài Phú-lâu-na kết tập. Sau khi Phật diệt độ 100 năm, lúc bấy giờ, có thiểu số đệ tử bất tuân luật hạnh, có một số lớn đệ tử phủ nhận liền có kết tập lần thứ hai. Như thế, lần hai, lần ba cho đến lần thứ tư mới hoàn thành các tạng kinh luật Đại thừa và Tiểu thừa. Những bộ kinh luật được lưu hành hiện nay không phải trải qua một, hai lần kết tập mà thành. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, việc biên tập Đại tạng kinh cũng trải qua nhiều thời đại: Đường, Tống, Minh, Thanh, mỗi mỗi đều có mục lục để chúng ta khảo cứu. Trung Quốc và Tây Tạng đều có biên tập Đại tạng kinh.
- Đệ tử Phật kết tập lời Phật dạy, lúc đầu cũng truyền tụng nhau; dùng văn tự viết thành sách thì thời gian trước và sau bất nhất vì thời đại của các đệ tử khác nhau, cho nên kinh luật của Đại thừa và Tiểu thừa cũng hoàn thành có trước và sau .
Khi Phật còn tại thế thì mọi người từ miệng tụng truyền nhau. Sau khi Phật diệt độ, đệ tử hội tụng kết tập giống như hiện tại mở hội. Lúc bấy giờ, Ngài Đại Ca-diếp chủ trì, lập tòa cao, cử tôn giả A-nan-đà tụng kinh, tôn giả Ưu-ba-ly tụng giới, tụng rõ ràng những điều Phật dạy, được 500 thánh đệ tử xác định không sai lầm. Bấy giờ vẫn không dùng văn tự chép thành kinh bản hoặc giới bản mà vẫn lưu truyền bằng miệng tụng.
Lại có thuyết nói khi Phật còn tại thế đã có kinh, luật bằng văn tự lưu truyền. Như luật có ghi rằng: khi Phật còn tại thế, có ông trưởng giả kia và phu nhân Cam Nhĩ đêm khuya thắp đèn tụng kinh, lại mỗi tháng vào ngày 15 và 30 bố-tát tụng luật. Cho nên biết bấy giờ đã có những bản kinh luật, nên sớm thì khi Phật tại thế đã được ghi chép thành, muộn là sau khi Phật diệt độ vài trăm năm, vẫn còn truyền tụng bằng miệng. Vì thời gian trước sau sai khác, cho nên văn tự ghi chép cũng khác nhau. Nhân tài các thời đại chủ trì giáo đoàn, hoằng dương Phật giáo khác nhau, nên kinh pháp của các thời đại thịnh hành cũng có sự khác biệt. Đầu tiên, những bộ kinh luật thánh đệ tử của Phật như các ngài Ca-diếp, A-nan hoằng dương, đó chính là kinh luật Tiểu thừa. Sau đó, từ Thượng Tọa bộ phân ra Đại Chúng bộ, đến khoảng năm sáu trăm năm có bồ-tát Mã Minh và Long Thọ xuất hiện chủ trì việc hoằng dương Phật pháp. Đó chính là giáo pháp Đại thừa. Vì thời gian trước và sau khác nhau, lại thêm căn cơ của đệ tử Đại thừa và Tiểu thừa khác nhau, thậm chí Tiểu thừa lại có 20 bộ phái, cho nên kinh luật lưu truyền cũng khác. Nhưng đúc kết lại, tất cả đều xuất phát từ thanh giáo của Phật.
- Tin rằng bậc Thánh siêu vượt trời người nhất định có việc thù thắng phi thường, cho nên trong kinh luật nói việc chẳng thể nghĩ bàn chúng ta phải tin là thật, không được dùng tâm thức phàm phu mà nghi hoặc.
Thông thường, người ta cho Phật giáo với quỷ thần và những loại tà kiến ngoại đạo v.v… là giống nhau. Đó là một nhận thức sai lầm, không hiểu rõ về Phật học. Thông thường, các nhà triết học, khoa học mà trong xã hội chấp nhận là cao nhất đều là những người mắt thấy, tai nghe, hoặc ý thức, suy luận, cho đến những người từ xưa truyền lại cũng đều lấy tư tưởng tri thức của con người làm tiêu chuẩn. Hiện nay khoa học tiến bộ, tuy biết là có mặt trời, mặt trăng và rất nhiều vì sao trong hư không, nhưng toàn là do nghiên cứu, suy đoán bằng năm thức trước và ý thức hữu lậu. Phật pháp thì khác nhau rất lớn và cách nhau rất xa với việc này. Tất cả kinh điển đều là thực tướng các pháp do chứng trí của Phật giác ngộ được rồi tự tuyên thuyết cho chúng sanh biết. Đây là từ cảnh giới thâm chứng thánh trí vô lậu lưu xuất. Hàng Thanh văn chỉ chứng sanh không vô ngã, nhưng pháp chấp vẫn còn. Bồ-tát thì chứng ngã và pháp đều không, nhưng chưa được rốt ráo. Đến khi đạt quả vị Phật viên mãn rốt ráo, mới có thể chứng đến chân lý viên mãn Phật Phật đạo đồng.
Niết-bàn thiên không do bậc thánh Tiểu thừa chứng đắc, đã chẳng phải là nơi mà tư tưởng của con người có thể đạt được, cũng có những việc không phải người thường có thể làm được, huống hồ là quả Phật cứu cánh viên mãn vượt qua cả thánh chúng Tam thừa.
Đương nhiên, Phật càng có những việc phi thường, ý thức của phàm phu không đạt đến được. Cho nên những việc thù thắng siêu vượt trời người và những việc bất khả tư nghì siêu vượt thánh nhân Tam thừa ghi trong kinh luật Đại thừa, chúng ta cần phải tin là thật, không được dùng tri thức phàm phu suy đoán và nghi hoặc . Đó là quan niệm chính xác phải có đầu tiên của chúng ta đối với Phật pháp.
- Các bộ luận, các soạn thuật và các ngữ lục đều là do các thánh đệ tử của Phật tu chứng mà soạn ra và y cứ theo theo lời Phật dạy mà xiển minh, giải thích. Cho nên nay cũng có thể nương vào Phật thuyết mà nghiên cứu lựa chọn.
Kinh và luật là do chính từ miệng Phật nói ra, còn luận đều do các bậc thánh Nhị thừa hoặc Đại thừa nói ra. Luận có hai :
1-Tông luận: Như luận Du-già Sư Địa, luận Thành duy thức, luận Nhiếp Đại thừa.v.v… đều căn cứ đại ý kinh luật mà giải thích.
2- Thích luận: Như luận Thập địa kinh, luận Đại Trí độ.v.v… đều là những kiệt tác trong các chú thích kinh điển Phật giáo.
Hiển chân phá tợ, hoàn toàn dựa vào Tông luận, Thích luận để dựng lập giáo lý, hiểu rõ nghĩa kinh. Còn soạn thuật và ngữ lục đều do những bậc đa văn huân tập, tinh tấn trì giới, hàng phục các phiền não soạn ra. Như bậc Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, cho đến bậc thánh trong Tam thừa thánh vị, vì khai ngộ cho người mà trước tác. Nên người học hiện nay, cũng có thể y theo kinh luật của Phật nói hoặc lời của người đã tu chứng trong nội tâm để nghiên cứu lựa chọn, giúp cho người đọc được rõ ràng và dễ hiểu.
- Các tông phái Đại thừa, đều nêu lên cái hơn của mình, tập trung lý giải nơi nhứt niệm mà khởi quán hạnh; kiến lập tông chỉ thực hành có thể sai khác, nhưng quả bản giác chân thật không có hai.
Sau khi Phật diệt độ khoảng một, hai trăm năm, Tiểu thừa của Ấn Độ phân làm 20 bộ phái, học thuyết khác nhau, nay không bàn đến. Ở đây chỉ bàn về các tông phái Đại thừa của Trung Quốc. Các tông phái Đại thừa này mỗi mỗi đều lập riêng tông chỉ, nêu ra chỗ thù thắng của tông mình. Tông Duy thức thì gom cả vũ trụ vạn pháp là chỗ biến hiện duy thức sở biến. Tông Thiên Thai thì chủ trương khởi tu Nhứt tâm tam quán. Tông Tịnh Độ lấy niệm Phật cầu sanh Tây phương, bậc thượng, trung và hạ căn đều có thể vãng sanh, là người tạo tội ngũ nghịch, thập ác khi mạng chung 10 niệm thành tựu cũng có thể vãng sanh. Căn cơ của chúng sanh thiện ác sai biệt, thời gian vãng sanh thấy Phật nghe pháp khai ngộ cũng dài ngắn khác nhau. Tóm lại, đều có thể lấy hoa sen hóa sanh vào ngôi bất thối. Bất kì một tông nào cũng có giáo lý thù thắng mới có thể thành lập một tông. Con đường tu tập của mỗi tông khác nhau, nhưng mục đích hướng tới chỉ là quả Phật, cũng đều lấy chân như thật tướng làm gốc. Đây chính là khác đường mà cùng chỗ đến. Vì thế, không luận là học tông nào đều có lợi ích rất lớn, không được khen tông này mà chê tông kia, không làm chướng ngại nhau. Các tông mỗi mỗi xiển dương nghĩa đặc thù của mình, đồng thời đều nêu rõ quả bản giác chân thật không hai, không khác. Nếu có thể ngộ được tánh bình đẳng phát tâm đại bi mà tu chứng, thì không kể là đi đường nào, cuối cùng cũng chứng được quả A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, đều bình đẳng không sai biệt.
Sở dĩ Phật giáo Trung Quốc có tám tông Đại thừa cũng bởi vì các vị bồ-tát Tổ sư nhiều đời y cứ vào pháp môn phương tiện của Phật đã chỉ bày mà lập ra. Muốn tu theo tông nào thì tùy ý lựa chọn, mỗi mỗi đều có quán hạnh thù thắng, chứng chân lý không hai, cho đến đạt quả Phật vô thượng.
- Cảnh-hạnh-quả trong tạng Bồ-tát và tạng Thanh văn khác nhau, nhưng cảnh-hạnh-quả của Thanh văn gồm thu trong cảnh-hạnh-quả Bồ-tát
Bồ-tát thừa và Thanh văn thừa đều có kinh điển, chỉ Độc giác thừa không có kinh điển, mà phụ thuộc vào Thanh văn thừa. Đại thừa Bồ-tát phát tâm vô thượng Bồ-đề độ khắp chúng sanh chứng Nhân pháp vô ngã, tu hành lục độ vạn hạnh để thành Phật là mục đích cứu cánh.
Tiểu thừa chỉ chứng Nhân không thành tựu quả A-la-hán là ngôi vị cứu cánh. Nhưng trí nhân vô ngã của hàng Tiểu thừa tu hành cũng là một phần của Bồ-tát thừa. Cảnh-hạnh-quả tuy là sai biệt, nhưng người phát đại tâm tu học Bồ-tát nên cố gắng dung nạp mà không phỉ báng.
- Giáo pháp của Phật phát nguồn từ Trí quả vô lậu của Phật và Thánh chúng, nên không được xem đồng với giáo học của hàng phàm phu hữu lậu . Các giáo học ấy cũng có thể hoặc phá, hoặc nhiếp để trợ giúp đạt nghĩa vô thượng.
Thánh giáo lượng của Phật và đại Bồ-tát thánh chúng từ trong trí vô lậu mà lưu xuất, không được đo lường bằng thiển tri thiển kiến của hữu lậu phàm phu chúng ta. Trên thế gian cho rằng học thức cao nhất là khoa học triết học, nếu những học thuyết đó bỏ những chấp trước, thì cũng có thể thâu vào là một phần của Phật học. Chúng ta không thể chứng biết diệu lý vô lậu bằng tri thức phàm thức hữu lậu, nên không thể nói không có diệu lý sâu xa vô thượng đó, nhưng cũng có thể lấy khoa học hoặc triết học chứng minh giúp hiểu chơn lý của Phật học. Chúng ta nghiên cứu Phật pháp hơi thấu triệt, tùy lúc tùy thời đều học tập tu hành, mong tỏ ngộ được chân lý Phật pháp, được quả Phật vô thượng diệu giác.
- Quan niệm về tăng
Tăng nghĩa là Chúng, dịch âm là Tăng-già, cũng dịch là Tăng-già-da, gọi tắt là Tăng. Trung Quốc cho ba người làm một chúng, nhưng theo luật Phật chế, cần phải có bốn người trở lên mới gọi là tăng. Người Trung Quốc, thói quen thường gọi người xuất gia là Tăng, hoặc lấy tăng làm họ, thì không đúng lắm. Nhưng cũng có thể gọi người xuất gia là tăng nhân là một cá nhân trong tăng đoàn. Những người xuất gia trong Phật giáo hợp thành một đoàn thể có tổ chức, có quy luật, có hệ thống mới có thể gọi là Tăng, mới đúng nghĩa của giáo đoàn Phật giáo. Nên ở đây nói “chúng” không phải là chúng (số đông) mà người ta thường gọi, mà chữ “chúng” này cần phải có đủ nghĩa sự lý hòa hợp.
- Sự hòa: Tăng chúng xuất gia, về sự phải đầy đủ sáu hòa hợp mới có thể tập hợp thành đoàn thể tăng chúng. Sáu hòa hợp là gì ?
– Thân hòa cùng trụ: Đối với chư Phật, bồ-tát phải cùng lễ bái tu hành, lấy mình làm phép tắc, cùng làm Phật sự.
– Khẩu hòa vô tranh: Cùng tin Phật, tán thán pháp và ca vịnh Tam bảo, cùng ở trong đại chúng, cùng học Phật pháp, không tranh cải.
– Ý hòa cùng vui: Cùng một niềm tin theo đuổi chân lý Phật pháp, phát tâm hoan hỉ cùng sống chung.
– Giới hòa cùng giữ: Cùng tu trì tất cả giới pháp, mong đạt được Phật quả.
– Kiến hòa đồng giải: Đối với tất cả pháp bảo cùng giảng giải , khiến cho đại chúng đều biết hết.
– Lợi hòa cùng chia: Có lợi ích về tài vật v.v… phải cùng nhau thọ dụng.
Đủ sáu hòa hợp này mới trở thành tăng đoàn tu hành theo Phật pháp.
- Lý hòa: cùng chứng chân lý sanh pháp nhị không, trạch diệt vô vi. Như vậy là chúng hòa hợp, sự lý thanh tịnh. Trước hết phải có quan niệm chính xác về Tăng như thế , mới có thể hiểu rõ được nghĩa Tăng.
- Thắng nghĩa Tam bảo tuy ở Tam thừa thánh chúng hoặc hiền thánh chúng, nhưng trụ trì Tăng bảo cõi này ắt ở năm chúng xuất gia, nhất là chúng tì-kheo.
Thắng nghĩa tăng thì sự hiểu biết thế gian thông thường không thể nào đạt đến. Nghĩa chân thật được chứng ngộ từ trí tối thắng là thắng nghĩa. Thắng nghĩa tăng là các đại bồ-tát, các vị bích-chi-phật và a-la-hán . Nhu vậy, trong hàng thánh chỉ có Phật quả thanh tịnh vô thượng là thánh trong thánh, chỉ một không hai. Thắng nghĩa tăng tức tam thừa thánh chúng, hoặc là những hiền chúng. Cũng có người trước tu Tiểu thừa, sau đó hồi tâm hướng về Đại thừa tu hạnh bồ-tát. Có những vị bồ-tát phát đại tâm, đầu tiên dụng công tu tập chính là vì lợi ích thế gian. Chính là những bồ-tát tăng “Địa ngục vị không, thệ không thành Phật”. Hoặc có những vị bồ-tát từ Hiền vị vào Thánh vị , tu tập đến Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất, nhưng chưa chứng quả. Tuy chưa chứng quả, nhưng đã có công hạnh thành tựu tương đương, cũng có thể gọi là thắng nghĩa Tăng bảo.
Cõi này không phải toàn thể thế giới Ta bà, mà chính là nói đến quả địa thuộc Diêm-phù-đề mà đức Thích-ca ứng hiện giáo hóa. Không luận là nước nào, hễ là loài người thọ giáo, có thể xuất gia, thọ giới tu học Phật pháp, giáo hóa người đời, gọi là trụ trì tăng bảo.
Hòa hợp tăng sống ở thế giới này phụng trì Phật pháp, y pháp tu hành truyền bá, tuyên dương Phật pháp, làm ruộng phước cho thế gian thì gọi là trụ trì Tăng bảo.
Những vị vào Tam thừa thánh chúng hoặc hiền thánh, không luận là tại gia, xuất gia chỉ cần có thể y theo Phật pháp tu chứng, đều gọi là thắng nghĩa tăng bảo. Cõi này ắt phải cần năm chúng xuất gia mới có thể là tăng bảo trụ trì Phật pháp.
Sa-di mới xuất gia, trước học tập Phật pháp, sau vài năm thuần thục kinh luật, thọ giới làm tỳ-kheo, có thể làm tròn sứ mệnh “Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” mới là Phật tử chơn chánh, mặc áo Như Lai, ăn cơm Như Lai, làm việc của Như Lai, vào xã hội cứu giúp nhân dân với tinh thần đại hùng, đại vô uý. Đó là trách nhiệm trọng đại nhất của tỳ-kheo. Trên đây là năm chúng xuất gia. Nữ chúng xuất gia cũng từ sa-di-ni, trước học tập Phật pháp, sau vài năm tiến lên làm chúng thức-xoa-ma-na, lại tiến lên làm tỳ-kheo-ni. Như vậy, nam xuất gia thì theo chúng nam, nữ theo chúng nữ, mỗi mỗi có tổ chức quy luật và hệ thống riêng.
Sa-di và sa-di-ni có 10 giới, tỳ-kheo có 250 giới, tỳ-kheo-ni có 350 giới, mỗi mỗi đều có pháp tắc tu tập, giới hạn khác nhau. Thức-xoa-ma-na có 6 giới dự học giới tỳ-kheo-ni, từ đây có thể tiến lên làm tỳ-kheo-ni. Tuy có năm chúng xuất gia vừa nêu, nhưng chỉ có chúng tỳ-kheo mới thật là trụ trì Tam bảo. Trách nhiệm lớn đối với trụ trì Tam bảo chỉ ở trên vai hai chúng tỳ-kheo. Bởi vì chúng sa-di và sa-di-ni là những người mới tu học, chưa thông hiểu kinh luật luận, cho nên cần phải có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni chỉ dạy . Nhưng sa-di-ni sau khi học xong phải đến trong đoàn thể tỳ-kheo thọ đại giới, cho nên thật sự trụ trì Phật pháp vẫn là chúng tỳ-kheo. Còn tất cả chỉ là phụ thuộc. Như vậy, tuy có năm chúng xuất gia, thực ra tỳ-kheo mới trở thành tăng chúng thanh tịnh, trụ trì Phật pháp.
- Cõi tịch ở phương kia thuần nhất là Bồ-tát tăng, không có sự khác biệt tại gia, xuất gia, nhưng cõi uế trược này thì cần phải bồ-tát xuất gia mới là Tăng bảo.
Những hiền thánh Đại thừa phát tâm tu chứng Phật pháp chính là bồ-tát tăng. Cõi Phật thanh tịnh ở phương kia tuy không có sự khác biệt tại gia, xuất gia vì không có tục nhiễm làm lụy, chỉ cần là phát tâm tu hành thì đều là bồ-tát tăng. Nhưng trong thế gian ngũ trược này, hai chúng đệ tử tại gia ưu-ba-tắc và ưu-bà-di là hoàn toàn không thể nhập vào tăng chúng xuất gia. Vì hai chúng tại gia bị việc nhà ràng buộc, không thể nhứt tâm nhứt chí tu trì và hoằng dương Phật pháp, nên không thể có đủ đức tướng của tăng. Đời sống của người thường ở cõi uế trược này không thể trở thành người tu hành theo Phật pháp, nên dù là bồ-tát, cũng phải bỏ tục xuất gia mới có thể trở thành tăng bảo thanh tịnh. Như đại sư Huệ Năng tổ thứ sáu Thiền Tông Trung Quốc, lúc chưa xuất gia đã được truyền tâm ấn Phật tại Huỳnh Mai mà vẫn theo tục nhiều năm, không thể thuyết pháp lợi ích trời người. Về sau, khi đã xuất gia thọ giới cụ túc, đủ đức tướng của một vị bồ-tát tỳ-kheo mới có thể làm lợi ích trời người.
Những cận sự nam, cận sự nữ, tuy thọ Bồ-tát giới tu tập, nhưng cũng không phải là Tăng bảo, bởi vì chưa có đủ tăng tướng. Trong thế gian ngũ dục này, bồ-tát tỳ-kheo mới đúng là Tăng bảo chân chánh.
- Tăng đoàn Phật giáo căn cứ vào luật nghi của bảy chúng mà thành lập.
Hai chúng đệ tử tại gia , dù không phải hoàn toàn là tăng, cũng không phải hoàn toàn là tục, nhưng đều là những người đã bước vào cửa Tam bảo, khác với những phàm tục, nên gọi là cận sự. Vì họ ở giữa tăng và tục, nên có thể gọi là “cư tục cận tăng ”. Những người thọ tam quy, những vị tăng Chân tông Nhật Bản, Lạt-ma Hồng giáo v.v… của Tây Tạng đều thuộc về chúng này. Bởi những vị này tu thập thiện, làm chuyển luân vương nhiếp hóa dân chúng, xây dựng xã hội mới lợi lạc thế gian.
Hai chúng tại gia ưu-bà-tắc và ưu-bà-di gọi là cận sự nam, cận sự nữ. Tuy chưa thể bỏ tục xuất gia, nhưng trên việc làm đã có thể thân cận phụng sự Tam bảo. Bởi vì họ là hai chúng tại gia, nên chưa đủ luật nghi của tăng chúng xuất gia mà làm đệ tử Phật, thực hành việc Phật, vì thế gọi họ chẳng phải hoàn toàn là tăng cũng chẳng phải hoàn toàn là tục. Họ tuy còn ở thế tục mà đã trở về nương vào cửa Tam bảo, nên gọi là “cư tục cận tăng chúng” (ở thế tục gần chúng tăng)
Các vị tăng Chân tông Nhật Bản là những người tại gia có vợ con, quyến thuộc, nhưng họ tu trì Phật pháp, thực hiện sự nghiệp của một bộ phận Phật giáo.
Lạt-ma Tây Tạng có hai phái là Hồng giáo đội mũ đỏ và Hoàng Giáo đội mũ vàng . Các Ban-thiền Lạt-ma xưa nay đều thuộc về Hoàng giáo; còn các Lạt-ma Hồng giáo phần lớn là tại gia, nhưng họ cũng dụng công tu hành, làm các Phật sự giống với cận sự nam, cận sự nữ của Trung Quốc. Các vị tăng Chân tông của Nhật Bản và các Lạt-ma Hồng giáo của Tây Tạng có thể gọi là cận sự, là những nam nữ gần với sự nghiệp của Như Lai. Các bồ-tát tại gia phát tâm, nên hoàn toàn lấy việc tu trọn vẹn thập thiện làm sự nghiệp. Người thế gian hành thập thiện của Chuyển luân vương, khiến cho tất cả nhân dân cùng hành thập thiện, khiến cho những chúng sanh có tánh nghịch cũng khuyến hóa họ trở về hành thập thiện, khuyến hóa tất cả mọi người trong nước cùng thực hành thập thiện làm những người tốt, chuyển đổi thế gian ngũ trược này, thì xã hội mới tốt đẹp. Cho nên, muốn xây dựng một quốc gia tốt đẹp, không chỉ chúng xuất gia phải tu trì Phật pháp giáo hóa nhân dân, mà chúng tại gia cũng phải tận lực cùng tu hành thập thiện lợi lạc cho nhân quần.
- Tôn kính thánh hiền tăng Tam thừa. Bồ-tát Di-lặc… tuy hiện tướng trời, nhưng cũng phải tôn kính giống như thánh tăng Đại thừa.
Bồ-tát Đại thừa khác với tăng chúng phàm phu xuất gia. Thánh chúng Đại thừa là thánh tăng đã chứng quả vị. Bồ-tát Di-lặc ở nội viện trời Đâu-suất, tuy hiện tướng trời, không phải tướng tỳ-kheo tăng, nhưng cũng phải tôn kính như bồ-tát Đại thừa, không được cho là trời.
Vào thời xưa, từng có truyền thuyết: “Có một vị a-la-hán chứng tam minh lục thông, muốn gặp bồ-tát Di-lặc hỏi pháp. Lúc ấy, ngài hiện thần thông đến nội viện Đâu-suất, do thấy bồ-tát Di-lăc hiện tướng một vị trời, cho nên khởi tâm phân biệt, không lễ bái, không gần gũi, rốt cuộc không đến hỏi pháp, không được thân cận bồ-tát. Nếu cho rằng tướng trời đó là bồ-tát tăng, cung kính đến thỉnh cầu Phật pháp, thì nhất định sẽ ngộ nhập tối thượng thừa. Cho nên, khi thấy bồ-tát Di-lặc hiện tướng trời mà không phải là tướng tì-kheo phải biết đó là tướng Đại thừa thánh tăng, nên tôn kính như nhau. Như bồ-tát Quán Thế Âm hiện tướng nữ hoặc tướng Diện Nhiên đại sĩ, phải biết đó là đại bồ-tát chứng thánh vị, phải tôn kính như nhau .
- Tôn kính tăng chúng xuất gia.
Người thế gian mặc áo tăng, ẩn vào trong cửa Phật lẫn lộn để sinh sống, khắp nơi đều có. Như những người ăn xin, ăn mày v.v… trà trộn vào cửa Phật, đương nhiên không biết gì về Phật pháp, giữ giới căn bản thì họ càng không thể làm được. Tăng chúng được tôn kính là trụ trì Phật pháp, ít nhất phải thọ trì được bốn giới căn bản của tỳ-kheo, nhất là phải có niềm tin chân chính, hiểu rõ nghĩa Phật pháp, mới được nhận là tăng chúng xuất gia trụ trì Phật pháp.
- Người không biết Phật pháp cũng không có lòng tin và không trì giới, nên đuổi ra khỏi tăng chúng, không nhận họ là tăng chúng xuất gia.
Tăng chúng sống trong cửa Phật mà không hiểu Phật pháp, không có tín tâm và không trì giới, thường buông lung theo năm dục, là ngoại đạo trong Phật pháp. Loại người thấp kém đó sống lẫn lộn trong hàng xuất gia, đương nhiên không thể gọi là tăng chúng hòa hợp, nên cần phải như chế độ tòng lâm mà tẫn xuất.
Đệ tử Phật làm việc gì cũng có pháp tắc, giới luật và đủ sáu pháp hòa hợp tăng chúng. Đối với giới luật Phật chế ra, phải nhất trí tuân thủ, không được vi phạm, mới được thừa nhận là tăng chúng xuất gia thanh tịnh.
- Từ chỗ tăng chúng có đức tướng tăng mà xây dựng Tăng bảo mới, biểu hiện tướng Phật giáo thanh tịnh, làm thầy của trời người .
Những người sống lẫn trong cửa Phật, ăn cơm, mặc áo, cầu sống đương nhiên là không đủ đức tăng, nên không thể thừa nhận họ là tăng bảo. Ơ đây nói có đức tướng tăng, tức là đức tướng giữ giới hạnh thanh tịnh của bồ-tát tỳ-kheo. Cho nên cần phải từ luật nghi tăng chúng xuất gia, mà xây dựng tăng chúng mới, trụ trì Phật pháp, thể hiện sự thanh tịnh tối cao của Phật giáo. Như vậy sẽ tăng đoàn sẽ được nhân sĩ xã hội kính ngưỡng. Lại tuyên dương giáo nghĩa của Phật pháp, biểu hiện tinh thần thật vĩ đại của Phật giáo. Tăng bảo mới này, phải có đủ tất cả đức tướng thanh tịnh, hi sinh cá nhân, đi sâu vào nhân dân, tuyên dương Phật pháp, phổ cập giáo nghĩa, mưu cầu hạnh phúc cho cả nhân loại. Tất cả việc khó làm có thể làm được, những việc khó nhẫn có thể nhẫn được, làm thầy của trời người, xây dựng Sự giáo chân chánh trong Phật pháp .
- Tổng kết
Chúng ta cần phải hiểu thật rõ ràng và chính xác ý nghĩa Phật, pháp, tăng. Phật là giáo chủ của chúng ta, pháp là những lời từ kim khẩu của Phật tuyên thuyết, tăng là đệ tử xuất gia tuyên dương Phật pháp, giáo hóa nhân dân vào đường chánh, truyền bá Phật pháp vào xã hội, khiến cho tất cả đều được vô cùng lợi ích, lấy nước đại bi của Phật rưới khắp chúng sanh khiến cho họ chuyển ác thành thiện, tạo thành cõi nước thanh tịnh.
Sau khi chúng ta có nhận thức rõ ràng về Tam bảo, thì sự tín ngưỡng mới có tiêu chuẩn và đối tượng nhất định, từ đó không dẫn đến sai lầm.
Bước đầu tin Phật là phải quy y Tam Bảo, xác định lòng tin, vĩnh viễn không quy y tà ma ngoại đạo, vì Phật là bậc đại sư duy nhất trời người không sánh được. Kế đến cần phải hiểu rõ pháp để sanh lòng tin. Sau cùng, nương vào tăng có đầy đủ đức tướng, luật nghi trang nghiêm thanh tịnh, làm bậc thầy mô phạm dẫn dắt tu học phật pháp. Đó là chánh tín Tam bảo. Hiểu rõ giáo nghĩa Phật pháp tăng, mới không rơi vào mê tín.
Người đời đối với một việc gì , phải nhận biết rõ ràng, mới có thể quyết định phương châm và chủ ý để thực hiện. Tin Phật pháp cũng giống như thế. Chúng ta phải nhận thức Phật pháp rõ ràng và chân chính, cho dù có người dùng những lời hay đẹp đẽ mê hoặc dụ dẫn, nhất định cũng không thối tâm, nản chí. Nếu không hiểu rõ chân lý Phật pháp, nhất định không sanh lòng tin. Giả sử chúng ta lấy Phật pháp làm môn học để nghiên cứu, thì mới chỉ tin pháp, mà không biết pháp là lời do Phật chứng quả vô thượng rồi tuyên thuyết, cho nên không tin Phật. Do đó, nói tin Pháp mà chưa thật sự tin, vì họ chưa hiểu rõ nghĩa căn bản của Phật pháp. Không biết pháp là đế lý vi diệu chân chánh do Đức Phật nói ra. Nếu không tin sở chứng của Phật thì cũng không thể nào hiểu biết giáo pháp. Nếu tin Phật thì đã nhận biết rõ ràng, có thể chứng minh thật tướng các pháp là do Phật thân chứng mà tuyên thuyết. Nếu đã nhận biết rõ ràng về Phật và Pháp nhưng chưa khởi tâm cung kinh Tăng, tức là chưa tin Tăng. Như thế Phật pháp cách xa nhân gian. Nên biết Tăng là chỉ chung cho hàng bồ-tát từ Thập trụ, Thập hạnh, Thập hướng, Thập địa, Đẳng giác cho đến hiền thánh Nhị thừa và những phàm phu tăng phát tâm xuất gia thọ giới. Nếu tin Phật pháp tăng thì có thể nương vào hàng xuất gia tăng, cho đến hiền thánh tăng Nhị thừa, bồ-tát tăng Đại thừa và các thứ bậc tu tập từ phàm phu đến Phật quả. Đầu tiên tin tăng, đến tin pháp rồi tin Phật. Tin Phật pháp tăng không thể nào tánh rời được. Người có đầy đủ niềm tin Phật pháp tăng mới thật là một Phật tử chân chánh từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh.