(Bài này trích ra từ cuốn sách “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
Kính thưa quý bạn! Chúng ta ai nấy cũng đều hiểu ý nghĩa hộ pháp, nhưng trên thực tế có mấy ai hộ pháp chân chính? Thật ra, đa số chúng ta đang hại pháp nhiều hơn là hộ pháp. Điều đáng thương là chúng ta đang hại pháp mà bản thân không hay biết, còn cứ tưởng là mình đang hộ pháp. Nếu chúng ta ai nấy cũng hộ pháp chân chính thì Tam bảo đâu có bị mang tiếng.
Trong việc hoằng dương Phật pháp nếu nói trên lý thì người hoằng pháp là quan trọng nhất. Vì nếu không có người hoằng pháp thì Kinh Phật sẽ không thể lưu truyền. Nhưng trên sự thì người hộ pháp là quan trọng nhất. Vì nếu không có người hộ pháp thì chùa và Kinh Phật không thể lưu thông và phát triển được, thậm chí Tăng, Ni cũng không tồn tại cho đến ngày hôm nay. Vì vậy, người hoằng pháp và hộ pháp quan trọng ngang nhau, nếu thiếu một trong hai người thì bánh xe Phật pháp sẽ không lăn chuyển được. Trách nhiệm của người hoằng pháp và hộ pháp là phải cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi vãng sanh thành Phật. Nhưng tiếc thay, chúng ta càng hộ pháp thì càng hại Tam bảo và hại chúng sanh. Cuối cùng, chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu công sức để cuối cùng trở thành đệ tử của ma mà bản thân không hay biết. Chúng ta không thể nói tôi không cố ý thì tôi không có tội. Nghiệp là do mình tạo ra, dù vô tình hay cố ý đều có tội, vì chúng ta đã hại vô số chúng sanh và hại Tam bảo. Thật ra, chúng ta đều có đủ trí tuệ để phân biệt phải trái, trắng đen và chánh tà. Chẳng qua tâm tham, sân, si của chúng ta quá nặng, nên mới che đi lương tâm và lý tánh của mình.
Bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu vào căn bản của hộ pháp. Hộ pháp tức là hộ trì và bảo vệ. Hộ, là hộ trì Tam bảo, giúp cho Tam bảo có đủ phương tiện và khả năng để hoằng dương chánh pháp; bảo, là bảo vệ Tam bảo trong tâm của chúng sanh, giúp cho chúng sanh giác ngộ lìa mê, vãng sanh thành Phật.
Hộ trì: Có hai mặt lý và sự. Trên sự là xây cất chùa, đúc tượng Phật, in Kinh sách và bảo trì. Trên lý là hộ trì chư Tăng, Ni được yên tâm tu hành để dẫn dắt chúng sanh.
Bảo vệ: Cũng có hai mặt lý và sự. Trên lý là bảo vệ Tam bảo trong tâm của tất cả chúng sanh. Trên sự là giúp chúng sanh có đầy đủ Kinh sách, phương tiện, niềm tin và hy vọng khi họ bước đến chùa. Trách nhiệm của chúng ta là phải trang nghiêm cho những ngôi chùa thành những ngôi thánh địa thiêng liêng, là nơi luôn mở rộng vòng tay từ bi, bác ái để đón nhận những người con Phật đang đi lầm đường lạc bước muốn quay về bờ giác. Chúng ta phải giúp cho đại chúng cảm thấy chùa là nơi có thể tìm về tâm linh và tìm được con đường chân lý giải thoát.
Nhưng tiếc thay, xưa nay, chúng ta đã thiếu sót quá nhiều, nên càng hộ thì càng hại. Chúng ta hại Phật giáo ngày càng trở thành mê tín dị đoan, hại chùa trở thành những ngôi chùa thương mại, hại Tăng, Ni ngày càng thoái đạo, hại chúng sanh Phật tử ngày càng tránh xa Tam bảo. Thậm chí, có một số người vừa nghe đến chùa và Tăng, Ni thì họ không tiếc lời phỉ báng và chê bai. Vậy thử hỏi chúng ta đang hộ pháp hay là đang hại pháp?
Chúng ta ngày nay đang hộ trì cho cái ngã tham, sân, si của mình nhiều hơn là hộ trì Tam bảo và bảo vệ chúng sanh. Chúng ta vì tham phước, tham danh lợi, tham cái ta và cái của ta mà trở thành si mê điên đảo. Chúng ta điên đảo đến mức độ trở thành đệ tử của ma, bao vây tứ phía trong phá ngoại hợp. Chúng ta phá Phật pháp, phá Tăng đoàn và phá hòa hợp Tăng. Chúng ta hại Tăng thoái đạo, xua đuổi chúng sanh, mặc tình quấy phá, phân chia ranh giới chùa anh, chùa tôi,… Chúng ta biến những nơi trang nghiêm của thánh địa thành những nơi hỗn tạp, thương mại và tranh đấu không ngừng.
Nếu là Phật tử thì ta phải biết nhận thức đúng đắn vai trò của người Phật tử. Chúng ta phải biết chung vai gánh vác với chư Tăng, Ni để nền tảng Phật giáo mỗi ngày một thêm vững mạnh, đó mới là Phật tử chân chính. Còn chùa là chung của đại chúng, là nơi để chư Tăng, Ni và Phật tử tịnh tu, là nơi thánh địa tạm dừng chân của chư Phật, Bồ tát thị hiện tái lai, là nơi tụ họp của chư Long Thần Hộ pháp,… Nhưng chúng ta không hiểu lại đem cái thân tâm dơ bẩn của mình vào đó để tranh chấp hơn thua, làm hoen ố nơi trang nghiêm của thánh địa, thử hỏi tội lỗi này chúng ta làm sao gánh nổi?
Chúng ta thường có một căn bệnh là cúng dường hay làm công quả ở đâu lâu ngày thì sanh ra ngã mạn ở đó. Tới chư Tăng, Ni ta cũng không còn xem trọng. Bên trong thì hại Tam bảo, bên ngoài thì hại chúng sanh. Chúng ta suốt ngày cứ ở đó quấy phá khiến cho chư Tăng, Ni nói không được mà im cũng không xong. Tại sao? Vì nếu quý Tăng, Ni nói ra thì lo Phật tử giận bỏ làm công quả, bỏ hộ pháp và bỏ tu hành. Bởi vì, dù sao Phật tử cũng đã bỏ nhiều công sức hộ trì Tam bảo nhiều năm, không có của thì cũng có công. Còn quý Thầy không nói ra thì bị mang cái nghiệp chung, vì đã gián tiếp với Phật tử để hại Tam bảo và hại chúng sanh, nên quý Tăng, Ni khổ tâm không ít. Còn chúng ta thì lợi dụng lòng từ bi của quý Thầy, lợi dụng cái của, cái công mà ta đã cống hiến bấy lâu, rồi sanh ra ngã mạn coi quý Tăng, Ni và đại chúng không ra gì.
Kính thưa quý bạn! Đa số đại chúng đến chùa đều có tâm tư và nguyện vọng khác nhau, nhưng chung quy chỉ có mấy điều căn bản, đó là: Họ muốn tìm hiểu tu học Phật pháp; muốn cầu an, cầu siêu hoặc trong cuộc sống có những chuyện đau khổ không được như ý, nên họ mới đến chùa để mong tìm con đường giải thoát cho tâm linh. Nhưng khi họ đến chùa chưa kịp tìm hiểu chi cả, chưa gặp được thiện tri thức, chưa nghe được những lời pháp nhủ, chưa hưởng được không khí bình an, thì chúng ta đuổi họ chạy không kịp. Tại sao? Vì họ đến chùa chỉ thấy và nghe toàn là những chuyện thị phi, tranh chấp hơn thua, hoặc kêu gọi đóng góp tiền bạc thế này hay thế khác. Ngoài ra, họ còn thấy những chuyện như là nếu có ai đóng góp nhiều tiền thì được chào đón nồng hậu, còn ai không có tiền đóng góp thì bị làm ngơ xa lạ. Chúng ta suốt ngày chỉ biết kêu gọi để thâu góp tiền bạc của đại chúng, rồi cho mình là người tài giỏi hộ pháp hay. Chúng ta bỏ mặc sự tai hại đến thanh danh của Tam bảo, bỏ mặc sự tổn hại đến tâm linh của chúng sanh. Chúng ta suốt ngày chỉ lo trau chuốt cho cái ngã của mình mỗi ngày thêm lớn, lớn đến mức độ đánh mất cả lương tri và lý tánh của mình. Vô tình chúng ta hại không biết bao nhiêu là chúng sanh.
Về mặt hộ pháp, dĩ nhiên chúng ta cần phải có tiền, có sức thì mới hộ trì Tam bảo được lâu dài. Nhưng chúng ta phải biết đặt Tam bảo trong tâm của chúng sanh lên hàng đầu, vì đây là trách nhiệm của người hoằng pháp và hộ pháp. Chúng ta có nhiều cách để kêu gọi Phật tử và có nhiều cách giúp cho Phật tử trồng được căn lành phước đức. Chúng ta chỉ cần viết một thư ngỏ dán lên tấm bảng ở chùa, gửi thư đến cho Phật tử, đăng lên những tờ báo Giác Ngộ, Phật học hay là ở giữa đại chúng kêu gọi… Chúng ta không nên tới từng người để kêu họ đóng góp, vì làm như vậy không khác gì ta đang ép họ, lỡ họ không có tiền thì sao? Tuy chúng ta biết rõ ai đóng góp thì người đó sẽ có phước, nhưng chúng ta không nên ép họ quá đáng, khiến cho Phật tử ngại không dám đến chùa. Vì họ sợ đến chùa không có tiền đóng góp thì sẽ bị bạn đồng tu chê cười hoặc bị xầm xì bàn tán hay thị phi nên họ tránh xa.
Quý bạn nên biết rằng những người giàu có họ không đến chùa nhiều bằng những người nghèo khó. Huống chi, đa số Phật tử đến chùa trong tâm của họ đều mang nhiều tâm sự khổ đau hay tuyệt vọng. Họ đến chùa là mong tìm được sự bình an trong tâm hồn và con đường giải thoát cho tâm linh. Nhưng họ đến để rồi trở về với đầy nỗi tuyệt vọng, không còn thấy chùa là nơi trang nghiêm của thánh địa như họ tưởng, không còn là nơi để tìm được con đường giải thoát cho tâm linh. Vô tình chúng ta xô đẩy họ vào con đường còn u tối hơn.
Nếu gặp người hiểu đạo thì đỡ vì họ nhận thức được chùa thì có chùa xấu, chùa tốt hoặc nghĩ rằng: Phật tử ở chùa đó làm sai không phải chư Tăng, Ni ở chùa làm sai. Nhưng nếu gặp người không hiểu đạo thì họ sẽ hiểu lầm cho rằng tất cả chùa và Tăng, Ni đều xấu và không có lòng từ bi. Rồi từ sự hiểu lầm đó mà họ sanh ra oán giận không tiếc lời phỉ báng Phật, chùa và Tăng, Ni. Cuối cùng họ bị đọa, mất đi cái duyên học Phật và mất đi cơ hội vãng sanh. Vậy chúng ta có khác gì với những kẻ giết người không gươm giáo.
Nói về gánh nặng của chùa thì những ngôi chùa ở nước ngoài chi phí nặng gấp nhiều lần so với những ngôi chùa ở Việt Nam. Vì chùa ở trong nước đã có sự cố định của Tam bảo, không còn phải mắc nợ của chính phủ hay là nhà băng, nên thân tâm của chư Tăng, Ni ở Việt Nam được ổn định hơn. Còn chùa ở nước ngoài thì khác, vì chùa không thuộc về sở hữu của Tam bảo mà thuộc về sở hữu của chính phủ và nhà băng. Cho nên mỗi tháng các ngôi chùa phải cần có rất nhiều tiền để trang trải, như là: Tiền nhà, tiền đất, tiền bảo hiểm, tiền bảo trì, tiền điện, nước, rác,… Tóm lại, cả trăm thứ chi phí đều phải cần đến tiền. Cũng như chúng ta mua một căn nhà ở nước ngoài phải trả góp cho nhà băng hai hoặc ba chục năm mới hết. Sau khi trả xong thì căn nhà cũng bị hư hoại, rồi phải mượn tiền để tu sửa lại, rốt cuộc cả đời vì căn nhà mà trả nợ hoài không dứt. Nếu lỡ bị thất nghiệp không có tiền đóng trong vòng từ ba đến sáu tháng thì bị nhà băng lấy lại, cuối cùng rồi trở thành kẻ không nhà. Chùa ở nước ngoài cũng vậy, không phải chùa là chính phủ cho không. Huống chi chùa là nơi tụ họp của Phật tử và đại chúng rất đông nên chi phí đã nặng lại còn nặng thêm. Vì vậy, những ngôi chùa Việt Nam ở nước ngoài đa số đều không có đủ chi phí. Vì người Việt Nam định cư ở xứ người chưa được bao lâu, nên nền tảng của Tam bảo chưa được ổn định. Vì không có đủ chi phí nên chúng ta mới mở ra những gian hàng bán cơm chay và cho thỉnh vật dụng Tam bảo, hầu mong có đủ chi phí trang trải cho sự cần thiết và tồn tại của Tam bảo. Việc làm này của chúng ta rất đúng, đều là phương tiện để hộ trì Tam bảo. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta lạm dụng quá đáng, đánh mất đi sự cao quý thiêng liêng của một ngôi chùa, đánh mất đi lòng từ bi trách nhiệm độ tha của mình, làm tổn hại đến Tam bảo và hại huệ mạng của chúng sanh. Nếu chúng ta vì bảo vệ hình tướng của Tam bảo mà giết chết đi Tam bảo trong tâm của chúng sanh, thì tốt nhất chúng ta không nên xây chùa làm gì. Vì chùa phải có trách nhiệm đào tạo được chư Tăng, Ni, phải bảo vệ và khai mở được Tam bảo trong tâm của chúng sanh, phải cứu được chúng sanh thoát khỏi luân hồi vãng sanh thành Phật. Nếu chùa có đủ những yếu tố trên thì mới là ngôi thánh địa của Tam bảo, còn nếu ngược lại thì là chùa ma. Nếu là chùa ma thì chúng ta không nên xây làm gì, vì chỉ hại Tam bảo bị mang tiếng chung, hại chúng sanh và hại bản thân ta bị đọa mà thôi.
Thế nào gọi là lạm dụng quá đáng? Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi tại sao ta mở ra những gian hàng bán cơm chay và vật dụng Tam bảo? Là vì: Thứ nhất, là giúp cho Phật tử có đầy đủ phương tiện và dụng cụ để tu học; thứ hai, là giúp cho Phật tử trồng được căn lành phước đức; thứ ba, là mong có đủ chi phí để bảo trì Tam bảo được lâu dài. Nếu chúng ta bán với giá tượng trưng lời ít thì không có ảnh hưởng gì đến Tam bảo, không ảnh hưởng gì đến niềm tin và tâm linh của chúng sanh. Còn đằng này có một số chùa, chúng ta lạm dụng quá đáng, bán với giá cao hơn giá thị trường. Thậm chí, băng đĩa và Kinh sách chúng ta không làm đúng chất lượng. Nhất là về phần thâu băng đĩa, chúng ta phải tôn trọng lời pháp và tôn trọng người nghe. Về giá cả, nếu có thay đổi khác với thông báo thì phải giải thích cho Phật tử hiểu rõ, không nên để Phật tử hiểu lầm cho rằng chùa làm điều ngược ngạo, nói chuyện hai lời. Điều mà chúng ta nên tránh đó là không nên người nói giá này, người nói giá kia khiến cho Phật tử bị thắc mắc và nghi ngờ thì không tốt. Còn về phần mua bán, trả đổi, khiếu nại của Phật tử thì chúng ta phải mở lòng từ bi đón nhận, lắng nghe và cảm thông, đồng thời giúp đỡ họ mỗi khi thỉnh hay đổi. Mục đích của chùa là giúp cho Phật tử có đầy đủ phương tiện dụng cụ để tu hành, không phải là làm ăn thương mại như những người mua bán ở ngoài chợ. Chúng ta không nên hẹp hòi, khi Phật tử mua thì ta vui vẻ, nhưng khi Phật tử đem đến xin trả lại hoặc đổi vì một lý do nào đó thì ta nổi sân làm khó đủ điều. Như vậy, hành động của chúng ta sẽ khiến cho Phật tử không còn dám đến thỉnh và cũng không còn niềm tin đối với Tam bảo.
Kính thưa quý bạn! Phật tử và đại chúng không hề dại, chúng ta bán mắc hay rẻ, tốt hay xấu họ đều hiểu rõ. Chúng ta làm bằng tâm từ bi hay tự tư, tự lợi họ cũng đều hiểu thông. Khi họ biết ngôi chùa đó là nơi mua bán thương mại thì dù một đồng họ cũng không muốn cúng dường. Tại sao? Vì chúng ta đã hại họ, bởi lẽ người Phật tử đó đến chùa mang một cái tâm rất tốt, muốn cúng dường để hộ trì Tam bảo, nhưng khi đến chùa, họ thấy cảnh chùa không phải là nơi trang nghiêm của thánh địa, không phải là nơi để cứu độ chúng sanh như họ tưởng mà là nơi mua bán và thị phi. Từ đó, họ bất mãn và không còn muốn hộ trì Tam bảo nữa. Cuối cùng, vì cái lợi ích nhỏ mà chúng ta làm tổn hại đến việc lớn và làm mất đi tâm đạo của mình. Người tu hành thì phải vượt qua mọi gian nan và thử thách để hành đạo. Chúng ta phải luôn đặt chúng sanh lên hàng đầu, người thật tu thì đừng vì lợi ích của bản thân mà phải một lòng xả thân vì đạo pháp. Điều chúng ta phải làm là hành Bồ tát đạo để lợi lạc cho chúng sanh hữu tình, thì mười phương chư Phật sẽ luôn ở bên cạnh gia trì cho ta, đây là vạn lần chân thật.
Còn nói về hành vi hộ pháp thì đa số chúng ta sống chưa đúng ý nghĩa của người hộ pháp, vì người hộ pháp thì hành vi phải chân chính, bình đẳng và thực hành đúng như lời Phật dạy, đó là: Chúng ta phải có trí tuệ, từ bi và hoan hỷ làm gương cho đại chúng. Người đi trước phải dẫn dắt người đi sau thì đó mới gọi là đồng đạo, đồng hành. Chúng ta không nên người cũ ăn hiếp người mới, chia phe chia phái và tranh chấp thị phi không ngừng. Làm như vậy, phiền não không hết mà nghiệp chướng lại tăng, thì thử hỏi ta có xứng đáng mặc chiếc áo lam hay không?
Nếu chúng ta thật sự hiểu được ý nghĩa cao quý của chiếc áo lam, hiểu được phong cách đạo hạnh oai nghi của người Phật tử, hiểu được ý nghĩa quy y thì chúng ta phải biết trang nghiêm cho bản thân và trang nghiêm cho đạo tràng được thanh tịnh. Trong những lúc thọ trai, chỉ tịnh hay là những giờ tu học nghe pháp, thì chúng ta phải biết giữ im lặng, không nên nói chuyện ồn ào làm mất trật tự. Chúng ta phải biết tôn trọng mỗi một lời pháp của chư Tăng, Ni đang thuyết giảng, vì giây phút quý Tăng, Ni giảng pháp đó là thay Phật để mà thuyết. Còn chúng ta là người đến để cầu pháp thì phải biết lắng nghe và phải y giáo phụng hành. Nếu chúng ta đến chùa, khoác lên người chiếc áo lam mà trong tâm vẫn còn mang những chuyện thị phi tốt xấu, phải trái, trắng đen vào chùa để bàn tán thì tốt nhất là chúng ta nên ở nhà. Chúng ta không nên đem cái thân tâm dơ bẩn của mình đến chùa để làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh của ngôi Tam bảo.
Kính thưa quý bạn! Chúng ta có cả đời để thị phi, thời gian đến chùa so với thời gian ở nhà thì thật là quá ít, vậy mà chúng ta cũng không giữ được trọn vẹn sự trang nghiêm của nó ở đó. Nếu thời gian ở chùa chúng ta còn không trang nghiêm được, thì làm sao có đủ tư cách để trang nghiêm cho cõi Tịnh độ? Còn trên những chuyến đi hành hương hay làm việc từ thiện, chúng ta phải biết tôn trọng quý Thầy và bạn đồng tu. Chúng ta phải biết tuân thủ hòa đồng, chung lo trên tinh thần đoàn kết, để chuyến đi được thành công tốt đẹp cho mình và cho người.
Còn khi tu hành chung với đại chúng ở một đạo tràng khóa tu Phật thất, thì ta phải biết thích nghi hòa nhập, chia sẻ và sách tấn lẫn nhau để cùng tu học. Chúng ta không nên hơn thua như là tranh giành chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ ngồi mà làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh và mất luôn công đức tu tập trong bảy ngày. Dù ở chùa hay ở ngoài xã hội, chúng ta phải biết tôn trọng, bình đẳng xếp hàng theo thứ tự, không nên nghĩ rằng mình lớn tuổi hơn là mình có quyền, rồi không coi người trẻ ra gì cả. Nếu hai phong cách tôn trọng và bình đẳng mà chúng ta làm cũng không được, thì làm sao có đủ tư cách để làm trưởng bối và làm đệ tử của Phật?
Còn về phần vệ sinh thì mỗi người chúng ta phải biết tôn trọng và tự trọng, phải có trách nhiệm với môi trường vệ sinh ở xung quanh. Nhất là ở trong chùa, nếu là đệ tử Phật khi biết khoác lên mình chiếc áo lam thì không nên ăn đâu xả đó. Nếu chúng ta là đứa bé ba tuổi hay là người mất trí thì không ai chê cười. Nhưng nếu chúng ta là người có tuổi mà ăn đâu xả đó, thì chỉ khiến người khác chê cười mình thôi. Không những vậy mà công đức tu hành của mình cũng bị mất sạch. Tại sao? Vì sự ăn uống của chúng ta đã làm khổ đến nhiều người phải dọn dẹp cho ta, thì công đức đó dĩ nhiên là bị mất sạch. Nếu chúng ta, ai cũng vô ý thức như vậy thì thế giới này sẽ trở thành là thế giới rác rưởi, tanh hôi. Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại đạo lý này.
Còn nói về phần tiếp xúc với chư Tăng, Ni thì chúng ta không nên gần gũi quá, vì quý Thầy hằng ngày đều phải đa đoan phận sự. Nếu mỗi ngày phải tiếp hết Phật tử này đến Phật tử kia, thì quý Thầy làm sao còn đủ thời gian để mà tu hành. Nếu chúng ta tìm quý Tăng, Ni vì có những chuyện Phật sự quan trọng hay là có những lời pháp không hiểu thì không sao. Nhưng trước khi muốn hỏi về Phật pháp, thì ta nên tham cứu Kinh Phật trước, khi nào không hiểu thì mới tìm đến quý Tăng, Ni để hỏi hoặc chờ đến những giờ thuyết pháp, ta có thể nêu lên những câu hỏi thắc mắc của mình để giúp cho bạn đồng tu cùng tìm hiểu chung. Chúng ta không nên hễ đụng một chút là đi tìm Thầy, nếu ai cũng giống như ta thì quý Tăng, Ni cũng bị đọa luân hồi luôn. Tại sao? Vì bị chúng ta chiếm hết thời gian tu hành của quý Thầy rồi.
Ngày nay, Kinh sách Phật có rất nhiều ở trong các chùa và những thư viện Phật học hay ở trên website… Chỉ lo là ta không chịu học, chớ chịu học rồi thì Kinh sách gì cũng có. Nhưng thường những người hiểu Phật pháp và hộ pháp thì họ không chạy lung tung làm phiền quý Tăng, Ni mà họ chỉ ở nhà lo trau dồi Kinh sách và tinh tấn tu niệm Phật ngày đêm. Chỉ có những người không hiểu Phật pháp, không có tâm hộ pháp thì họ chạy đông, chạy tây làm phiền quý Tăng, Ni và Phật tử.
Nhất là thời nay, Phật tử phái nữ đến chùa tu niệm Phật rất đông, nên chúng ta cần phải thận trọng không nên gần gũi với quý Thầy nhiều. Quý Thầy tuy là giác ngộ hơn chúng ta, nhưng quý Thầy vẫn còn mang cái thân phàm tục, vẫn còn chập chững trên con đường tu đạo. Nếu là Phật tử chân chính thì chúng ta phải biết bảo vệ cho quý Thầy được an toàn và yên tâm vững bước trên đường tu đạo. Vì trên đường tu hành, ai nấy cũng phải gặp những chuyện chướng duyên, vấp ngã nhiều phen mới đạt được đạo. Nếu chúng ta không bảo vệ được cho quý Tăng, Ni thì cũng đừng làm ngoại ma để hại Tam bảo và hại chúng sanh. Đặc biệt là những bạn gái còn trẻ có nhan sắc thì phải càng tránh xa quý Thầy. Tại sao? Vì chúng ta là phàm tình nếu gần gũi quý Thầy nhiều, lâu ngày sẽ sanh ra tình cảm. Chúng ta phải luôn kiểm điểm và hạn chế lại hành vi của mình, vì con ma tình ái nó rất mạnh có thể nuốt sống huệ mạng của ta. Chỉ khi nào thành Thánh thì ta mới thoát khỏi được lưới tình. Điều này bạn gái chúng ta nên thận trọng.
Còn nói về phần cúng dường chư Tăng, Ni thì chúng ta phải cúng bằng cái tâm chân thật và tôn kính, vì quý Tăng, Ni là những bậc cao quý. Còn về tịnh tài cúng dường, chúng ta có thể bỏ vào thùng phước sương hoặc bỏ vào phong thư để trực tiếp cung thỉnh cúng dường, nhưng phải cúng đúng nơi, đúng chỗ. Vì trong những chư Tăng, Ni mà chúng ta đang cúng dường đó, cũng có những vị là chư Phật hay chư Bồ tát thị hiện tái lai mà mắt thường của ta không nhìn thấy được. Chúng ta phải biết cúng dường Tam bảo là phước điền. Tăng, Ni là ruộng phước để giúp cho ta gieo trồng căn lành và phước đức. Vì vậy, chúng ta phải một lòng cung kính đối với sự thọ nhận của quý Tăng, Ni.
Cúng dường cũng có hai mặt ác và thiện. Nếu chúng ta cúng dường đúng nơi, đúng chỗ thì tạo được phước đức. Còn cúng dường không đúng nơi, đúng chỗ thì tạo nghiệp vào thân. Tại sao? Vì mục đích chúng ta cúng dường là để hộ trì Tam bảo. Tam bảo thì phải sanh ra được Tam bảo. Chúng ta chỉ cúng dường cho những vị nào có đức hạnh từ bi cứu độ chúng sanh, chúng ta không nên thấy người khoác áo nhà tu là cúng dường. Vì làm như vậy, vô tình, ta đồng lõa với những người mượn đạo tạo đời để hại Tam bảo. Rốt cuộc, mình không có công đức gì mà còn mang thêm nghiệp tội vào thân thì thật là oan uổng.
Nói về vấn đề cúng dường thì chúng ta thấy có một số người cúng dường rất nhiều nhưng không có công đức. Nhất là những người dùng tiền cúng dường để cầu danh, rồi tưởng mình là nhân vật quan trọng, nên đòi hỏi Tăng, Ni phải nghinh đón và tiếp đãi mình đặc biệt hơn người. Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng vị Tăng, Ni đó là thuộc về quyền sở hữu của mình, không được tiếp xúc với Phật tử khác. Có một số người được như ý thì hoan hỷ, còn nghịch ý thì sanh tâm phỉ báng… Chúng ta nên biết rằng chư Tăng, Ni là Thầy của hàng trời, người, chúng sanh hữu tình; còn chùa là thuộc về của mười phương Tam bảo. Có ai dám nói Thầy hay chùa là của riêng mình không? Nếu là Phật tử thì phải hiểu rõ ý nghĩa cúng dường, mục đích cúng dường là tạo phước đức không phải tạo thêm ngã mạn. Có một số người cúng dường nhiều tiền để xây chùa hay lo cho Tăng chúng tu học, rồi tưởng lầm mình là chủ chùa mà sanh tâm ngã mạn, không còn tôn trọng người tu hành. Rốt cuộc, chúng ta càng bỏ tiền ra cúng dường thì cái ngã mạn càng lớn, lớn đến mức độ tự đưa mình vào địa ngục.
Trong Kinh Phật dạy: “Người cúng dường nhiều không bằng người cúng dường ít”. Tại sao? Vì người cúng dường nhiều mà thiếu lòng thành thì phước đức không sanh ra. Còn người cúng dường ít hoặc chưa cúng thì phước đức đã sanh. Tại sao? Vì họ biết cúng dường tùy hỷ, biết kính Phật trọng Tăng. Phước không phải tính ở chỗ cúng dường nhiều hay ít, mà phải tính ở chỗ mỗi niệm chân thật từ bi khởi lên trong tâm mình. Tóm lại, tất cả đều do tâm của ta khởi, tạo phước hay tổn phước chỉ trong một ý niệm. Nếu ý niệm thiện thì phước đức đến, nếu ý niệm ác thì nghiệp báo đến, nên chúng ta phải biết nhận thức đúng đắn trước khi cúng dường.
Trong Kinh Phật có dạy cách cúng dường ba la mật là cao nhất, nghĩa là không thấy mình cúng và cũng không thấy có người nhận, tâm rộng như hư không thì phước đức cũng lớn như hư không. Vì vậy, mỗi khi cúng dường chúng ta nên ẩn danh là tốt nhất, đây gọi là pháp bố thí ba la mật. Chỉ trừ những trường hợp muốn giúp ảnh hưởng tới tín chúng thì ta mới nêu danh, vì đây cũng là cách khuyến tấn Phật tử cúng dường.
Chúng ta không nên cúng dường với cái tâm nhỏ hẹp như là xây một cây cột, một cây cầu hay một tượng Phật, phải đòi bảng công đức hoặc đòi hỏi quý Thầy phải khắc tên cha mẹ hay tên của mình lên, vì làm như vậy bao nhiêu phước đức cũng đều bị mất sạch. Tại sao? Ví dụ: Chúng ta phát tâm xây một tượng Quán Thế Âm Bồ tát, mà đòi hỏi Thầy phải khắc tên của mình ở dưới đài sen của Mẹ Quán Âm đó. Trong khi tượng Quán Âm đó hằng ngày có biết bao nhiêu Phật tử đang bái lạy, trong đó có cả quý Tăng, Ni, vậy thử hỏi việc làm của ta bị tổn phước hay là được phước? Thật ra, mỗi khi làm được công đức gì chúng ta chỉ cần khởi niệm đem công đức đó hồi hướng cho chúng sanh, cha mẹ hay người thân, thì phước đức và công đức đó tự nhiên được thành tựu rồi.
I. Phần nhắc nhở
Kính thưa quý Phật tử tại gia! Chúng ta đến chùa là để tìm hiểu giáo lý của Phật và hộ trì Tam bảo, đó là điều mà chúng ta cần phải hiểu rõ trước khi đặt chân đến cửa chùa. Chúng ta không nên hiểu lầm cho rằng đến chùa là để vui chơi, ngắm cảnh hay là ra oai ta đây là nhân vật quan trọng, rồi đòi hỏi quý Tăng, Ni phải đón tiếp mình thế này hay thế khác. Chúng ta cũng không nên lợi dụng vào những ngày lễ lớn, rồi rủ nhau đến chùa để dùng cơm chay hay lấy Kinh sách hoặc đòi hỏi đủ thứ. Chúng ta cũng không nên phá hoại chùa như là bẻ hoa, hái trái hoặc chỉ trích chê khen. Nếu làm như vậy thì sẽ đánh mất đi nhân cách đạo đức của chính mình và tạo thêm nghiệp tội vào thân. Bởi vì chùa là nơi trang nghiêm thanh tịnh, chúng ta đến là để lễ Phật và học lòng từ bi hỷ xả của chư Phật, kính Phật thì phải biết trọng Tăng. Chúng ta phải biết góp sức với quý Tăng, Ni để duy trì ngôi Tam bảo. Nhất là Phật tử làm công quả ở chùa, khi được sự tín nhiệm của quý Tăng, Ni thì ta phải làm việc với tinh thần vô ngã, vị tha, hòa hợp và đoàn kết, để phụng sự đạo pháp cứu độ chúng sanh. Chúng ta không nên ỷ mình có quyền ở trong chùa rồi làm tổn hại đến Tam bảo và làm tổn hại đến Phật tử mới về chùa mà phải bị thoái tâm.
Kính thưa quý bạn! Trong lòng chúng ta ai cũng hiểu rõ đạo Phật vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, là đã có biết bao nhiêu vị Thầy, Tổ đã hy sinh để bảo vệ đạo pháp. Quý Ngài đã bỏ biết bao tâm huyết và hy sinh cả đời để xây dựng lên ngôi nhà giác ngộ, giúp cho ta có nơi tu học để giải thoát tâm linh. Chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với hoài bão của chư Phật và chư Tổ để làm rạng rỡ cho đạo pháp. Có như vậy thì chúng ta mới đền ơn được cho chư Phật và chư Tổ.
Ở đây, tôi xin kể cho quý bạn nghe ba câu chuyện ngắn nói về hành động làm tổn hại đến Tam bảo mà chính tôi đã chứng kiến qua. Có những hành động chúng ta làm tưởng là nhỏ nhưng có sức tai hại rất lớn. Tôi kể ra đây là mong Phật tử chúng ta hãy tự kiểm điểm lại hành vi hộ pháp của mình, không nên vì tình cảm, vì cái ngã tham, sân, si của mình mà hại vô số chúng sanh không còn cơ hội gieo duyên với Phật pháp. (Bản thân tôi và gia đình con cháu cũng là nạn nhân của những người hộ pháp không chân chính này). Ba câu chuyện ngắn đó là: “Hái lộc đầu năm”, “Dâng hương” và “Cúng dường cơm chay”.
- Hái lộc đầu năm
Có một đêm 30 Tết, tôi dẫn các con đến chùa để lễ Phật và đón giao thừa. Khi đến chùa thấy bà con nhộn nhịp vui vẻ đón xuân, mẹ con tôi cũng cảm thấy vui vẻ và ấm cúng. Vì tết ở xứ người thật là lạnh lẽo, chỉ có đến chùa mới thấy được hương vị tết của quê hương. Chúng tôi vui vẻ bước theo đoàn người đang hướng về ngôi chánh điện để xin lộc đầu năm. Khi tới nơi, thấy đại chúng xếp hàng quá đông nên tôi nói với các con rằng: “Thôi đừng xin lộc, mình chỉ qua bên kia lễ Phật rồi đi dạo chơi xung quanh là được rồi”. Nhưng các con tôi lúc đó không đồng ý, chúng muốn xếp hàng để có lộc đầu năm, thế là bốn mẹ con tôi cùng đi xếp hàng. Lúc đó, có hai người Phật tử đang đứng hai bên để phát lộc cho hai hàng đại chúng, họ phát cho mỗi người một cành hoa và một bao lì xì màu đỏ. (Phần này tôi xin chú thích thêm: Chùa này không phải là chùa của Cư sĩ quản lý mà là chùa của Tăng và chùa này khá lớn, nên những ngày tết Phật tử đến chùa rất đông. Vì Phật tử đến chùa rất đông nên quý Thầy lo không xuể, nên mới để cho Phật tử phát lộc cho đại chúng.)
Cảnh hái lộc đầu năm thật là thích thú, khiến cho cảnh chùa càng thêm nhộn nhịp và vui tươi. Lúc đó, tôi vui mừng và luôn miệng nói với các con tôi rằng: “Các con thấy chưa đi chùa thật là vui lắm, vậy mà mẹ năn nỉ hoài không chịu đi”. Lúc đó, tôi đang tìm cách để khuyến dụ các con tôi đi chùa trở lại. (Vì trước đó, chúng bất mãn về những chuyện ở trong chùa nên đã bỏ đoàn thể gia đình Phật tử, điều này làm cho tôi buồn không ít). Chờ đợi một hồi rồi cũng sắp đến lượt mẹ con tôi, chỉ còn khoảng vài người nữa là các con tôi sẽ có lộc đầu năm. Khi nhìn thấy các con đang hớn hở vui mừng, tôi cũng mừng thầm trong bụng. Vì sau khi chúng bỏ đoàn thể gia đình Phật tử thì cho dù tôi có năn nỉ thế nào, thậm chí thưởng tiền thì chúng cũng không chịu đi chùa trở lại. Hôm nay, vì muốn làm cho tôi vui trong ba ngày tết nên các con tôi mới chịu đi chùa với tôi. Nhưng niềm vui đó chưa được bao lâu thì ma chướng từ đâu kéo đến. Tôi không hiểu người đang phát lộc cho đại chúng đó bị ma nhập hay là tâm ma của cô ta nổi lên. Tự nhiên cô ta ngưng lại không phát lộc cho đại chúng nữa mà cô ta chạy lăng xăng đi kéo cái thùng phước sương rồi đặt ở ngay trước mặt của hai hàng đại chúng. Sau đó, cô ta nhảy lên một cái bàn đang để hoa ở bên cạnh, rồi một tay cầm hoa và bao lì xì đỏ, còn một tay thì chỉ vào thùng phước sương và miệng thì la lớn rằng: “Im lặng! Im lặng!”. Đại chúng lúc đó không biết là chuyện gì đã xảy ra nên ai nấy cũng đều im lặng. Sau đó, cô ta nói tiếp: “Nếu ai muốn có lộc đầu năm thì phải bỏ tiền vào thùng này trước rồi tôi mới phát lộc cho, còn ai không bỏ tiền vào thì không có lộc”. Cô ta cứ lặp đi lặp lại câu nói đó đến mấy lần, khiến cho đại chúng đang xếp hàng ai nấy cũng bất mãn và xầm xì bàn tán. Các con tôi lúc đó cũng bị hụt hẫng và giận dữ nói rằng: “Chùa gì mà kỳ cục vậy”. Sau đó, chúng đòi tôi dẫn chúng về nhà. Còn riêng tôi lúc đó giận đến chết lịm cả người, vì hành động của cô ta không khác gì là những người bán hàng chợ đen đợi “nước đục thả câu”, thật là mất đạo đức. Cô ta đã hại tâm linh của các con tôi, hại Tam bảo và hại chúng sanh.
Tôi lủi thủi dẫn các con rời khỏi đám đông và ra khỏi ngôi chùa đó. Từ chùa ra xe các con tôi trách tôi không ngừng. Chúng cứ nói rằng: “Con đã nói với mẹ rồi, là chùa không có tốt họ chỉ biết có tiền thôi”. Mỗi một câu trách móc của các con là mỗi cây kim đâm vào tim tôi. Tôi im lặng không nói được gì mà chỉ biết là mình đang khóc. Khóc cho chư Phật, khóc cho Tam bảo, khóc cho mẹ con tôi và khóc cho người đời trong thời Mạt pháp này, thật là si mê điên đảo. Các con tôi trách móc một hồi thấy tôi im lặng, chúng biết là tôi đang khóc nên chúng cũng im lặng. Tôi tưởng rằng dẫn các con đến chùa sẽ tìm được hương vị tết của quê hương và sưởi ấm được cõi lòng cô đơn của mẹ con tôi sống nơi xứ lạ. Nhưng không ngờ, chúng tôi đến chùa để rồi chứng kiến những cảnh đau lòng và đón xuân bằng những dòng nước mắt. Tôi thật là đau lòng, vì đồng tiền mà họ có thể bán rẻ cả ngôi Tam bảo và làm tổn hại đến tâm linh của chúng sanh.
- Cúng dường cơm chay
Có một ngày lễ Vu Lan, tôi dẫn các con đến chùa để nghe pháp và làm công quả. Hôm đó, Phật tử đến chùa rất đông và chùa cúng dường thức ăn chay cũng rất là hậu. Mẹ con tôi phụ giúp những món ăn ở các nơi khác xong thì đi qua khâu chiên chả giò. Chúng tôi vừa chiên vừa bỏ vào bịch giấy mỗi phần hai cái và chất vào mâm để mang ra phòng ăn. Chiên cả buổi không có chuyện gì xảy ra, cuối cùng có một số chả giò bị bể nát nên khi chiên thì chỉ còn lại bánh tráng khét đen.
Lúc đó, chúng tôi vớt ra ngoài khoảng hơn mười cái và ai nấy cũng bằng lòng là đem đi bỏ. Tôi vừa đem được tới gần thùng rác thì có một bác lớn tuổi bước tới và hỏi tôi rằng: “Cô mang đi đâu đó?”. Tôi trả lời: “Dạ, con đem đi bỏ”. Bác đó nhìn tôi và hỏi: “Tại sao đem bỏ?”. Tôi nói: “Dạ, vì nó bị khét ăn không được”. Bác đó nói rằng: “Không được bỏ, cô cứ bỏ vào bịch rồi đem phát cho Phật tử dùng”. Tôi ngạc nhiên và nói: “Không được đâu Bác ơi! Rõ ràng là ăn không được thì làm sao đem phát cho đại chúng, làm như vậy chùa sẽ bị mang tiếng chết”. Bác đó giận nhìn tôi và nói: “Cô mới đến đây làm công quả, cô biết cái gì mà cô nói, còn tôi làm công quả ở đây đã hơn mười năm rồi, tôi nói cô làm thì cô cứ làm theo tôi”. Lúc đó, tôi ngập ngừng muốn nói thêm, nhưng không hiểu tại sao tôi lại im lặng rồi mang số chả giò đó trở lại. Khi đó, những người chiên chả giò cũng đều nghe nên ai nấy cũng im lặng, còn tôi thì lấy bịch giấy bỏ chả giò vào. Hơn nửa ngày làm công quả, tôi thật là hoan hỷ và không biết mệt, nhưng sao bây giờ chỉ có sáu phần chả giò mà tôi làm không nổi và cảm thấy tội lỗi. Lúc đó, tôi cứ thẩn thờ suy nghĩ: “Ngoài kia, Phật tử đang xếp hàng, họ đợi lâu lắm mới có thức ăn, nhưng khi có rồi lại ăn không được thì tội nghiệp quá!”. Rồi tôi lại nghĩ: “Nếu lỡ gặp những người không hiểu đạo hay là những em nhỏ, thì họ sẽ hiểu lầm cho rằng những người ở trong chùa không có lòng từ bi. Rồi từ đó, họ sẽ sanh ra bất mãn và không còn muốn đến chùa nữa, như vậy là mình đã hại họ rồi”. Lúc đó, tâm trí của tôi rối bời trăm mối, không biết làm sao cho đúng?
Bỗng nhiên tôi nghe có một giọng nói đàn bà sang sảng bên tai: “Ôi cha, cái cô này! Chả giò đã chất đầy rồi mà cô không lo bỏ chả giò vào bịch để đem ra phòng ăn, ngoài kia hết chả giò rồi, họ đang hối đó!”. Tôi giật mình và lật đật bỏ chả giò vào bịch, chất lên mâm rồi mang ra phòng ăn. Trên đường đi đến phòng ăn khoảng cách chỉ có vài mươi bước, vậy mà tôi đi hoài không tới. Mỗi bước chân của tôi cảm thấy nặng nề tội lỗi và những lo lắng bồn chồn cứ luẩn quẩn trong tâm.
Bỗng nhiên có một người đàn bà ở đâu chạy lại đỡ lấy cái mâm trên tay tôi và nói: “Ngoài kia người ta đang chờ để lãnh chả giò, còn cô đi qua bên đó để làm gì?”. Tôi giật mình nhìn lại, thì ra mình đã đi lạc hướng rồi. Tôi chán nản và ngồi bệt xuống một gốc cây gần đó. Lúc đó, tôi cảm thấy hối hận và giận ghét mình: Tại sao ngu quá, không biết bỏ vào bịch một cái ngon và một cái khét, làm như vậy thì người nhận có thể dùng được một cái. Rồi tôi lại tự trách bản thân: “Tại sao mình phải sợ bác đó, tại sao mình không biết bỏ luôn sáu phần ăn đó vào thùng rác? Nếu mình làm như vậy thì đã ổn thỏa mọi thứ, vừa không hại mình, không hại người và cũng không hại đến Tam bảo”. Khi nghĩ tới đó thì tôi liền thức tỉnh và vội vàng chạy tới phòng ăn mong là cản lại kịp. Nhưng khi đến nơi thì đã quá trễ rồi vì số chả giò đó đã phát xong. Tôi đau lòng quay trở về với lòng tràn đầy hối hận, không cầm được nước mắt và tôi giận ghét mình sao quá nhu nhược, quá ngu si, vì nể tình mà tôi đã đánh mất chính tôi. Cũng từ ngày đó, tôi luôn tự nhắc nhở với mình rằng: “Không nên nể tình bất cứ một ai mà phải biết đặt sự lợi ích của Tam bảo và chúng sanh lên hàng đầu”. Cũng vì nể tình mà tôi đã nhiều lần gián tiếp làm tổn hại đến Tam bảo và hại chúng sanh, tôi thật là hối hận.
- Dâng hương
Có một ngày, cũng là đêm 30 Tết, tôi dẫn các con đến một ngôi chùa khác. Trên đường tới chùa các con tôi ra điều kiện, chúng nói rằng: “Mẹ! Nếu lần này tới chùa mà gặp chuyện không tốt thì mẹ đừng bao giờ bắt tụi con đi chùa nữa nghe”. Tôi nói: “Được! Mẹ bảo đảm lần này sẽ không có chuyện xấu xảy ra”. Khi vừa đến cổng chùa nhìn thấy bà con tấp nập vui vẻ đón xuân, mẹ con tôi cũng vui vẻ đi dạo chơi ở xung quanh. Khi nhìn thấy các con đang hớn hở vui mừng, tôi cũng mừng thầm trong bụng. Vào tới ngôi chánh điện thấy bà con đang xếp hàng để chờ đợi dâng hương, tôi kêu các con cùng tôi xếp hàng để dâng hương lễ Phật, các con tôi cũng thích nên cùng đi xếp hàng. Lúc đó, ở trước cửa chánh điện có một người đàn ông đứng bên cạnh lư hương để phát cho đại chúng mỗi người ba cây nhang.
Chờ đợi một hồi rồi cũng gần đến mẹ con tôi, không ngờ chuyện đau lòng ba năm trước lại tái diễn. Tự nhiên người đàn ông đó ngưng lại không phát nhang cho đại chúng nữa mà ông ta dùng ngay cái xô đang đựng nhang biến thành cái thùng đựng tiền. Sau đó, ông ta một tay cầm ba cây nhang, một tay cầm cái xô giơ lên cao, miệng thì la lớn nói với đại chúng rằng: “Ai muốn có ba cây nhang để dâng hương thì phải bỏ một đô vào đây, nếu ai không bỏ tiền thì không có nhang”. Ông ta cứ lặp đi lặp lại mấy lần như vậy, khiến cho đại chúng ai nấy cũng bất mãn và chửi rủa om sòm. Các con tôi lúc đó cũng không tiếc lời chê trách. Cuối cùng, mẹ con tôi lại đón giao thừa bằng những dòng nước mắt. Từ đó, mẹ con tôi không còn đến chùa để đón giao thừa nữa và cho đến bây giờ các con tôi cũng chưa chịu đi chùa trở lại.
Tôi xin khuyên quý bạn một điều, đó là: Nếu chúng ta không có đủ tiền thì đừng làm, một khi đã làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn, vì chư Phật, chư Bồ tát và chư Thần Hộ pháp không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Kính thưa quý bạn! Ba câu chuyện ở trên là ba câu chuyện nhỏ nhất so với những câu chuyện mà tôi đã chứng kiến qua. Tuy nói là nhỏ nhưng sự tai hại và ảnh hưởng đến thanh danh của Tam bảo và hại tâm linh của chúng sanh thật không nhỏ, vì đây là mầm móng xô đẩy chúng sanh tránh xa đạo Phật và khiến cho Phật giáo bị suy đồi. Chúng tôi mong qua ba câu chuyện ngắn ở trên có thể đánh thức lương tâm của chúng ta và kiểm điểm lại hành vi hộ pháp của mình. Chúng ta phải biết cái gì nên làm và cái gì không nên làm, hầu củng cố lại lòng tin của con cháu chúng ta sau này. Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ Tam bảo và cùng nhau chấn hưng lại Phật giáo, để bánh xe Phật pháp được vĩnh cửu trường tồn.
II. Phần thỉnh cầu
Kính thưa quý bạn đồng tu tại gia! Tôi biết quý bạn không nhiều thì ít, cũng là nạn nhân của những người tu hành và hộ pháp không chân chính này. Tôi kính xin quý bạn đồng tu không nên nể tình, đừng vì chấp chứa một con sâu mà làm rầu cả nồi canh. Chúng ta hộ pháp thì phải dùng trí tuệ để hộ pháp không phải dùng tình cảm để hộ pháp. Trí tuệ mới là sáng suốt còn tình cảm là si mê, điên đảo. Nếu chúng ta thấy Phật tử nào hại pháp thì nên giúp đỡ, nhắc nhở họ. Còn nếu Phật tử đó cố tình hay ngã mạn thì ta nên viết thư hoặc thưa thỉnh đến quý Tăng, Ni trong chùa, để quý Thầy theo dõi hành vi của họ mà ngăn chặn kịp thời.
Chúng ta hộ pháp thì phải dùng trí tuệ và phải biết đặt lòng từ bi đúng nơi đúng chỗ, nếu không sẽ hại vô số chúng sanh. Thế nào gọi là đặt lòng từ bi đúng chỗ? Là lòng từ bi bình đẳng, vô tư, không phân biệt, đố kỵ, không tự tư, tự lợi và không nể tình. Nếu chúng ta vì cứu một người mà làm tổn hại đến nhiều người khác thì đó không phải là lòng từ bi. Có những chuyện chúng ta nhìn tưởng là ác, nhưng bên trong chứa ẩn đầy chân thiện. Có những chuyện chúng ta nhìn thấy thiện nhưng bên trong chứa ẩn đầy tội lỗi. Là phàm phu như chúng ta khó mà phân biệt được trắng đen, tà chánh cho rõ ràng, nên mọi chuyện ta cần phải thận trọng và dùng trí tuệ của mình để mà suy nghĩ cho chín chắn. Xin quý bạn chớ hiểu lầm rằng: Nếu chúng ta viết thư hay thưa thỉnh về hành vi không chân chính của Phật tử nào đó thì mình không có lòng từ bi. Thật ra không phải vậy mà chúng ta đang cứu họ và bảo vệ Tam bảo. Nhưng trước khi viết thư hay thưa thỉnh đến chư Tăng, Ni thì chúng ta hãy tự hỏi lương tâm của mình rằng: “Có phải ta vì lòng từ bi muốn bảo vệ Tam bảo hay là ta vì lòng đố kỵ, hơn thua?”. Nếu viết bằng tâm từ bi thì ta là Bồ tát, còn nếu ngược lại thì ta là ma. Nếu là ma thì ta không nên viết vì chỉ hại mình bị đọa mà thôi.
Kính thưa quý bạn! Ở đâu có Phật là ở đó có ma. Chùa là nơi có chư Phật, chư Bồ tát và Thánh hiền tụ hội rất đông, nên chúng ma đến chùa phá cũng rất đông. Chúng ma đó là ai? Cũng có thể là ta mà không hay biết, vì làm đệ tử Phật hay làm đệ tử ma chỉ cách nhau một niệm mê giác của ta mà thôi. Giác thì ta là đệ tử của Phật, còn mê thì ta là đệ tử của ma. Nên chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác theo dõi và sửa đổi thân tâm của mình mỗi giây mỗi phút, không nên hướng ngoại soi mói lỗi người hay là đố kỵ, ganh ghét, hơn thua.
Hộ pháp viên mãn: Hộ pháp chân thật nhất chính là hộ trì Tam bảo trong tâm và hộ trì Tam bảo trong gia đình của mình. Chúng ta hãy giúp đỡ cho mỗi người thân trong gia đình đều hiểu được Phật pháp và tin sâu niệm Phật. Hãy giúp cho tất cả bà con thân quyến và bạn bè của mình có được một đạo tràng tu niệm Phật tại gia, để ai cũng được vãng sanh thành Phật. Đây là cách hộ pháp viên mãn nhất.
III. Ban Hộ pháp đặc biệt
Kính thưa quý bạn! Chúng ta hãy giúp chư Tăng, Ni ở mỗi chùa đều lập ra một ban Hộ pháp đặc biệt để bảo vệ Tam bảo và Phật tử. Ban Hộ pháp phải có đầy đủ đạo hạnh và can đảm như những vị Thần Hộ pháp. Cũng như ở ngoài đời, người ta gọi là ban bảo an đặc biệt để bảo vệ an ninh cho quốc gia. Nhóm hộ pháp này phải có trách nhiệm bảo vệ sự thanh tịnh cho Tam bảo và sự tu hành của Phật tử khi đến chùa.
Khi chúng ta đã được chư Tăng, Ni tuyển chọn và giáo huấn thành ban Hộ pháp đặc biệt của chùa, thì ta phải giữ giới luật nghiêm minh để làm gương cho đại chúng. Chúng ta phải can đảm đối diện và giải quyết những sự tranh chấp của Phật tử đến chùa quấy phá. Chúng ta hãy dùng lòng từ bi cứng rắn để đối phó với họ, không nên dùng lòng từ bi nhu nhược, vì lòng từ bi nhu nhược sẽ hại vô số chúng sanh. Nhất là những lúc có khóa tu Phật thất, nếu có ai đi kinh hành không ngay hàng, bị hôn trầm hay nói chuyện, gây gổ thì chúng ta đến nơi nhắc nhở và bảo vệ. Nếu lỡ gặp những thành phần vào chùa không lo tu hành cứ lo phá rối đại chúng, thì ta phải can đảm mời họ ra ngoài ngay hoặc nhờ đến cảnh sát can thiệp. Nếu họ bất mãn bỏ ra về cũng không sao hoặc là người đó có quan trọng đối với chùa như thế nào thì ta cũng không nể tình. Chúng ta hộ pháp thì phải dùng lý trí không phải dùng cảm tình. Nếu dùng cảm tình thì ta không xứng đáng làm ban Hộ pháp đặc biệt. Điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ Tam bảo cho được trang nghiêm và thanh tịnh.
Khi chúng ta giúp chư Tăng, Ni để hoàn thành nhiệm vụ của ban Hộ pháp đặc biệt thì ta phải có đầy đủ can đảm và hy sinh. Tại sao lại gọi là hy sinh? Vì thời nay là thời Mạt pháp, không phải là thời Chánh pháp nên chúng ma tới chùa phá rối rất đông. Chúng ma đó là ai? Chính là những người tu hành không chân chính, họ chỉ biết đến chùa để quấy phá, vì vậy khi đối diện với họ thì chúng ta sẽ bị phiền hà không ít. Nhưng nếu chúng ta một lòng bảo vệ Tam bảo và bảo vệ huệ mạng của chúng sanh, thì phải can đảm và dùng lòng từ bi, cứng rắn của mình để mà cảnh tỉnh họ và dùng nhẫn nhục để vượt qua mọi chướng ngại và chông gai. Chúng ta thà một mình bị chửi, còn hơn là để cho chư Tăng, Ni phải khổ tâm và đại chúng Phật tử bị xáo trộn thân tâm. Nếu chúng ta làm được những điều cao quý ở trên, thì ta chính là những vị Thần Hộ pháp của Như Lai. Nếu là Thần Hộ pháp của Như Lai thì chư Phật và chư Bồ tát mười phương sẽ luôn phóng quang để bảo vệ cho ta. Điều này là vạn lần chân thật. Xin quý bạn hãy yên tâm mà làm Thần Hộ pháp. (Ban Hộ pháp đặc biệt phải mặc đồng phục theo quy định để đại chúng dễ phân biệt).
IV. Cúng dường gia đình Phật tử
Kính thưa quý bạn! Chúng ta hãy chung tay góp sức để bảo vệ và cúng dường cho gia đình Phật tử, vì các em là mầm non của Tam bảo, là nền tảng của đạo pháp và nền tảng đạo đức của đất nước sau này. Cúng dường gia đình Phật tử gồm có năm căn bản, đó là:
- Cúng dường tịnh tài: Để các em có đủ Kinh sách và nhu liệu cần thiết.
- Cúng dường dạy dỗ và huấn luyện: Tức là dạy cho các em về Phật pháp, đạo hiếu, rèn luyện thân thể, biểu diễn, sinh hoạt, từ thiện,…
- Cúng dường tôn trọng: Chúng ta nên giữ im lặng trong thời gian các em biểu diễn hay sinh hoạt.
- Cúng dường khuyến tấn: Nếu không có gì quan trọng chúng ta không nên ra về trước khi các em biểu diễn xong. Tại sao? Vì các em đã bỏ biết bao nhiêu công sức qua nhiều ngày tháng mới tập luyện xong, nên ta phải biết quý tâm ý của các em.
- Cúng dường vỗ tay: Chúng ta không nên tiếc những tràng vỗ tay, vì các em cần những tràng vỗ tay của chúng ta để cổ vũ tinh thần sau nhiều ngày tháng cực nhọc và bỏ vui chơi để tập luyện biểu diễn cho chúng ta xem.
V. Vấn đề phóng sanh
Kính thưa quý bạn! Chúng ta phóng sanh với mục đích là giúp giải thoát cho chúng sanh khỏi bị người ta giết hại và ăn thịt. Chúng ta phóng sanh ở đây không phải là để cầu danh hay là phải lệ thuộc vào hình thức và nghi thức. Nếu chúng ta cúng dường tiền để phóng sanh mà đòi hỏi chư Tăng, Ni và chư Cư sĩ phải đọc tên của mình cho đại chúng biết hay quay phim để tuyên dương mình hoặc dán tên của mình lên các thùng, các bao đang nhốt các loại chúng sanh, thì tốt nhất là chúng ta không nên phóng sanh. Tại sao? Quý bạn thử nghĩ xem: Nếu có người nào đó nhờ bạn phóng sanh mà đòi hỏi bạn phải đứng ở giữa trời nắng chang chang hay thời tiết lạnh buốt để đọc cả trăm tên dài như là sớ táo quân thì bạn đọc có nổi không? Dù bạn có đọc nổi thì những con vật nhỏ bé đang bị nhốt ở trong các thùng, các bao cũng không chịu nổi. Nếu có ai cứu bạn mà hành hạ bạn trước khi thả bạn đi, thì bạn có cảm ơn không hay là hận họ? Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại hành động của mình. Thêm vào, khi phóng sanh, xin quý bạn hãy nhẹ tay một chút, không nên làm cho chúng sanh bị đau. Quý bạn thử nghĩ xem: Nếu có ai quăng bạn từ trên cao xuống thì bạn có đau không? Chúng cũng vậy chớ có khác gì. Nếu chúng ta tin tưởng chư Tăng, Ni và chư Cư sĩ thì hãy để cho họ tự xử lý không nên đòi hỏi đủ thứ, vì chư vị đó đang giúp tạo phước đức cho bạn. Nếu là người hiểu đạo thì ta phải mang ơn chư vị đó còn không hết, có lý nào lại làm khó đủ điều. Còn nếu quý bạn cảm thấy không tin tưởng hay còn mang cái tâm nhỏ hẹp hoặc cầu danh thì tốt nhất là không nên làm gì cả, vì ít ra không bị mang nghiệp tội vào thân. Tại sao? Vì ý nghĩa phóng sanh là giải thoát. Không những là giải thoát cho những sinh vật đang bị người ta hành hạ mà còn giúp cho những người đang giúp tạo phước đức cho ta cũng được an vui.
Quý bạn có bao giờ thông cảm cho nỗi cực nhọc của chư Tăng, Ni và chư Phật tử đang giúp bạn không? Quý bạn tưởng rằng mình chỉ cần bỏ tiền ra thì những sinh vật kia tự động được thoát ra ngoài biển, hồ, rừng núi ư? Quý bạn nên biết rằng: Những sinh vật đó được thoát ra biển, hồ, rừng núi là nhờ chư Tăng, Ni, chư Phật tử phải trải qua biết bao nhiêu là cực nhọc. Họ phải thức khuya, dậy sớm, lo lắng, bôn ba đi tới những nơi nông trại, những khu chợ, những góc phố để tìm mua, trả giá, gom góp, khiêng vác, mướn xe, mướn tàu để chuyên chở,… Có những lúc vì lo cho chúng sanh bị ngộp chết mà họ phải bỏ ăn, bỏ ngủ,… Có những lúc vì lo cho chúng sanh bị đau trong thời gian di chuyển mà họ phải bị té lên té xuống vì ẩm ướt, trơn trượt,… Có khi họ phải bỏ cả công ăn, việc làm, gia đình con cái,… để hoàn thành công việc phóng sanh để tạo phước cho chúng ta. Tóm lại, họ phải chịu cực nhọc, bôn ba và lo lắng đủ điều từ tinh thần cho đến thể xác. Vậy mà chúng ta không thông cảm, không biết mang ơn, ngược lại chúng ta còn đòi hỏi đủ điều. Chúng ta đòi hỏi: “Nào là phải quay phim, phải đọc tên của tôi cho đại chúng biết, phải dán tên và pháp danh của tôi lên các thùng và bao phóng sanh, phải để tên những người thân mà chúng tôi muốn hồi hướng…”. Tóm lại, chúng ta đòi hỏi đủ điều. Tại sao chúng ta biết quý thời gian của mình mà không biết quý thời gian của người khác? Tại sao chúng ta chỉ biết nỗi cực nhọc của mình mà không biết đến nỗi cực nhọc của người khác? Xin quý bạn bình tâm mà suy nghĩ lại.
Còn nói về phần thỉnh Tăng, Ni để trì chú cho chúng sanh trước khi phóng sanh, thì chúng ta nên thỉnh những vị chân tu có tâm Bồ tát để trì chú cho chúng sanh, không nên thỉnh những vị Tăng, Ni chỉ trì chú qua loa như là trả bài. Vì trì chú như vậy không có lợi ích gì cho chúng sanh mà chỉ làm mất thời gian của chúng ta thôi. Còn nếu chúng ta không thỉnh được những vị chân tu thì tự chúng ta trì chú cho chúng sanh là tốt nhất. Vì vấn đề trì chú, đệ tử Phật ai cũng có thể làm được, không phải chỉ có Tăng, Ni mới trì chú được. Nếu là đệ tử Phật thì ta phải hiểu rõ những điều căn bản này. Điều quan trọng là người trì chú đó phải có tâm từ bi, biết thương yêu chúng sanh thì sự trì chú đó mới có linh nghiệm và giúp được cho chúng sanh.
Còn nếu chúng ta là những người đứng ra để nhận tiền phóng sanh của Phật tử thì phải làm tròn bổn phận của mình, không nên lạm dụng tiền bạc của Phật tử. Chúng ta nên biết rằng: Phật tử họ làm cực khổ ngày đêm, đổ mồ hôi công sức, dành dụm qua nhiều ngày tháng mới có được số tiền đó. Nếu chúng ta lạm dụng một đồng trên xương máu của họ, thì sẽ bị mang lông đội sừng để trả nợ đời đời, kiếp kiếp.
Còn về phần mua sinh vật để phóng sanh, thì chúng ta chỉ mua những sinh vật mà người ta có thể ăn thịt được, không nên mua những sinh vật mà người ta không thể ăn thịt được như chim sâu hay rùa con… Nếu chúng ta mua chúng để phóng sanh thì vô tình chỉ hại chúng mà thôi. Tại sao? Vì có những người như chúng ta mua chúng để phóng sanh, nên mới có những người tham tiền để săn tìm bủa lưới, bắt chúng để bán cho chúng ta. Nếu chúng ta đồng lòng không mua chúng thì không ai bắt chúng làm gì. Xin quý bạn hãy thận trọng về vấn đề này, nếu không chúng ta sẽ bị rơi vào tội sát sanh mà bản thân không hay biết. Có một lần tôi vì không đành lòng nhìn thấy cảnh những con chim sâu đang bị người ta nhốt ở trong các lồng chặt cứng và bị phơi ở giữa trời nắng chang chang sắp bị ngộp chết, nên tôi mua hết chúng để phóng sanh. Sau khi mua chúng xong, thì tôi hối hận vô cùng và cho tới bây giờ tôi cũng không quên được việc làm si mê đó. Xin quý bạn đừng phạm lỗi lầm giống như tôi.
Kính thưa quý bạn! Nếu chúng ta là đệ tử của Phật, là huynh đệ một nhà thì hãy cùng nhau kẻ góp công, người góp của để cứu khổ chúng sanh. Ngoài góp sức và góp của để cứu chúng sanh ra, chúng ta phải biết thương yêu và thông cảm nỗi khổ của nhau, không nên hành hạ lẫn nhau. Có như vậy thì phước đức và công đức của ta mới được tròn đầy và chúng sanh cũng được lợi lạc viên mãn.
Ý nghĩa cúng dường là để trị tâm bỏn sẻn keo kiệt. Ngay giây phút bạn phát tâm từ bi cúng dường, thì cũng là giây phút bạn tạo được phước đức và công đức rồi đấy. Công đức và phước đức đó ở đâu? Là ở ngay trong tâm của bạn, vì công đức và phước đức đó đã giúp cho bạn rửa bớt đi một phần tâm bỏn sẻn. Còn nếu bạn cúng dường để cầu danh thì ngay giây phút cúng dường là bạn đã tạo nghiệp tội rồi đó. Nghiệp tội đó ở đâu? Là ở ngay trong tâm của bạn, vì hai chữ cầu danh nó đã làm cho tâm ma của bạn thêm mạnh. Xin quý bạn suy nghĩ lại đạo lý này.
VI. Điều cấm kỵ
Kính thưa quý bạn! Đây là điều cấm kỵ mà chúng ta nên tránh để củng cố lại niềm tin và đạo đức của con cháu chúng ta sau này. Khi dẫn các con cháu đến chùa, chúng ta không nên kêu chúng quỳ xuống lạy để Phật gia hộ. Tại sao? Vì tuổi trẻ hồn hiên như một tờ giấy trắng, chúng ta không nên gieo những chủng tử nghi ngờ vào tâm của chúng. Vì ngay giây phút chúng ta kêu chúng quỳ xuống lạy để được Phật gia hộ, thì trong đầu chúng sẽ khởi lên những ý nghĩ nghi ngờ rằng: “Nếu quỳ lạy thì mới được Phật gia hộ, còn không quỳ lạy thì không được gia hộ hay sao? Vậy Phật đâu có lòng từ bi như người đời ca tụng”. Rồi từ chỗ nghi ngờ đó mà chúng sanh ra không phục và không thích đạo Phật, vô tình hại con cháu của chúng ta bỏ đạo Phật để theo đạo người. Quý bạn thử nghĩ xem: Nếu có ai đó giúp đỡ bạn mà bắt bạn phải quỳ xuống lạy họ trước, thì bạn có phục họ không? Chắc chắn là không. Nếu chúng ta thật sự muốn cứu con cháu, thì nên dạy cho chúng niệm Phật và giảng Phật pháp cho chúng nghe. Còn mỗi khi lễ lạy thì chúng ta nên giải thích cho chúng biết rằng: “Khi con lạy Phật là lạy ông Phật trong tâm của con, con lạy Phật là nguyện làm Phật giống như Ngài, con lạy Phật là cảm ơn ân đức của Ngài đã chỉ cho mình con đường giải thoát luân hồi sanh tử”. Chúng ta không nên gieo những chủng tử mê tín như là chư Phật gia hộ hay là trừng phạt. Quý bạn nên biết rằng: Phật không có gia hộ hay là trừng phạt ai cả, mà Phật chỉ trợ thần lực và dẫn dắt chúng ta tu hành để chuyển phàm thành Phật. Nếu có người ngoại quốc hay ngoại đạo hỏi thì chúng ta cũng trả lời cho họ biết như vậy, để họ không còn hiểu lầm về chư Phật.
VII. Lời khuyên
Kính thưa quý bạn! Nếu chúng ta làm bàn thờ thì nên dùng bóng đèn thờ màu trắng hoặc trong, không nên dùng bóng đèn thờ màu đỏ. Tại sao? Bởi vì: Thứ nhất, bóng đèn thờ màu trắng và trong sẽ làm cho bàn thờ Phật và Tổ tiên được sáng sủa, trang nghiêm và thanh tịnh hơn; thứ hai, là giúp cho căn nhà của mình đang ở cũng được an lạc và thanh tịnh; thứ ba, là không làm cho con cháu, người thân và hàng xóm của mình bị sợ hoặc hiểu lầm cho rằng chúng ta đang thờ cúng quỷ thần
Tôi là người tin Phật và thương Phật, vậy mà mỗi khi đến nhà ai thờ Phật bằng bóng đèn màu đỏ là tôi đều cảm thấy khó chịu. Nhất là những căn nhà làm bàn thờ bằng gỗ cẩm lai màu đen. Bởi vì, khi hai màu đỏ và đen này hợp lại với nhau thì nó sẽ tạo thành gam màu âm u, khó chịu. Xin quý bạn chớ hiểu lầm cho rằng mình dùng bóng đèn thờ màu đỏ thì mới được linh thiêng. Thật ra không phải vậy. Nếu quý bạn chịu để ý một chút thì sẽ thấy, không có ánh sáng của ngọn nến nào là màu đỏ cả. Ý nghĩa đèn thờ là tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt của ta. Nếu là trí tuệ thì phải tỏa ra ánh sáng quanh minh và thanh tịnh, không phải tỏa ra ánh sáng âm u và khó chịu. Xin quý bạn hãy suy nghĩ lại.
VIII. Phần tổng kết
Muốn hộ trì Tam bảo được viên mãn như hoài bảo của chư Phật, thì trước hết ta phải lo hộ trì Tam bảo trong tâm của mình. Khi Tam bảo trong tâm của mình được khai mở, thì chúng ta mới có đủ trí tuệ và khả năng để hộ trì Tam bảo cho chúng sanh. Hộ trì Tam bảo cho chúng sanh tức là hộ trì Tam bảo của Như Lai. Tóm lại, Tam bảo trong tâm mới là phần chính, còn Tam bảo bên ngoài chỉ là hình tướng và phương tiện để trợ duyên mà thôi. Chúng ta không nên cả đời chỉ lo hộ trì cho cái hình tướng của Tam bảo bên ngoài mà bỏ quên Tam bảo trong tâm, cuối cùng mình vẫn bị luân hồi thì thật là oan uổng.
HỘ PHÁP
Bạn ơi! Hỗ trợ lẫn nhau
Mỗi người một sức, mau mau thi hành
Bạn ơi! Hãy gắng làm lành
In Kinh, ấn sách, thâu thành đĩa băng
Bạn ơi! Đừng sợ khó khăn
Mau mau phân phát Kinh, băng cho người
Bạn ơi! Đừng có biếng lười
Thời thời, khắc khắc vì người độ tha
Bạn ơi! Hãy bỏ cái ta
Bỏ rồi mới thấy thênh thang lối về.
Ý NGHĨA TU HÀNH
Tu hành bồi dưỡng từ bi
Tu hành nào phải thị phi, danh tiền
Tu hành đoạn diệt ưu phiền
Tu hành nào phải xích xiềng thân tâm
Tu hành tỏ ngộ tự tâm
Tu hành nào phải soi săm lỗi người
Tu hành bình đẳng thương người
Tu hành nào phải hại người, hại ta.