Dẫu đời sống kinh tế đã thay đổi, nhưng nhiều bà con vẫn tự hào về một thời hoàng kim của làng. Đó là họ đã có kỹ thuật nhân giống cá rất đạt, dù không có trung tâm nghiên cứu giống.
Ngược dòng thời gian, các cụ già cho biết: Xưa kia Yên Sở gồm hai thôn Yên Duyên và Sở Thượng, là vùng đất thấp, đầm nước, ao hồ nhiều, người dân sống bằng nghề cấy lúa và nuôi cá. Thậm chí, nhiều người dân còn đến các vùng lân cận thuê đầm, ao để thả cá. Trong đó, nổi lên những tên tuổi năng động, chịu thương chị khó như ông Lê Duy Đằng, Trịnh Cao Điểm, Cao Thế Đáo, Trịnh Cao Phượng… Ông Trịnh Cao Phượng – Tổ trưởng Tổ quản lý chợ cá Yên Sở cho biết: “Khi sinh ra tôi đã thấy các cụ trong thôn làm nghề thả cá. Lớn lên, tôi cùng nhiều người gắn bó với nghề. Suốt nhiều năm, tôi làm ở HTX Nông nghiệp lúa và cá, rồi làm Đội trưởng Đội cá, quản tới 400 mẫu mặt ao. Hơn chục năm về sau này, thành phố lấy đất làm dự án, hồ nước điều hòa, công viên nên ruộng và mặt nước thả cá chỉ còn rất ít. Người dân đã chuyển sang nghề làm chả cá, và dựng chợ cá đầu mối để làm ăn”.
Một người con của phường, cũng rất tâm huyết với nghề nuôi cá, là ông Cao Văn Thìn. Ông cho biết: Dẫu đời sống kinh tế đã thay đổi, nhưng nhiều bà con vẫn tự hào về một thời hoàng kim của làng. Đó là họ đã có kỹ thuật nhân giống cá rất đạt, dù không có trung tâm nghiên cứu giống. Có thời gian dài đến 90% số người bán cá nội thành là dân Yên Sở.
Ông Vũ Minh Thư – Phó Chủ tịch UBND phường Yên Sở tâm sự: “Có chợ cá đầu mối đã giải quyết tốt việc làm cho người dân. Chúng tôi cũng đã cố gắng kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát việc buôn bán, kiện toàn lại Tổ quản lý chợ, thực hiện các nhiệm vụ an ninh, an toàn vệ sinh, thu thuế… Chúng tôi khẳng định chợ không có cá Trung Quốc”.
Suốt ngày đêm, quanh năm chợ cá Yên Sở nhộn nhịp. 70 đến 80 chuyến ô tô cá từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… về chợ. Rồi cá qua trung chuyển, được đưa đến các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, địa bàn Hà Nội mở rộng, một số tỉnh vùng núi phía bắc… Các tiểu thương cho biết: Việc cung cấp thực phẩm tươi cho người dân là quan trọng. Chỉ cần chợ cá nghỉ một ngày, thì đồng nghĩa với việc rất nhiều chợ dân sinh, chợ nhỏ lẻ không có cá bán. Có nghĩa nhiều người dân sẽ không mua được cá về ăn. Vậy nên, chợ cá Yên Sở, với vai trò quan trọng của mình chỉ… “dám” nghỉ mỗi ngày mồng Một Tết. Từ ngày mồng hai, nhiều người đã làm việc, bước vào một năm mới với công việc không ít nhọc nhằn này. Dẫu vất vả, nhưng đó là niềm vui, bởi có việc là có thu nhập. Theo thống kê, có hơn 330 hộ dân trong phường tham gia chợ cá, chưa kể nhiều lái cá, tiểu thương các địa phương khác về hoạt động. Một số hộ dùng luôn nhà mình là cơ sở kinh doanh. Nhiều bà con làm ăn phát đạt, có của ăn của để, đầu tư cho con cái học hành. Ngoài kinh doanh cá, nhiều hộ còn chế biến chả cá, cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, được khách hàng ưa chuộng.