Dạo gần đây có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề bằng cấp đối với lập trình viên, người bảo cần thiết, người bảo không. Khi mình bắt đầu chính thức làm việc cho một công ty về phần mềm cách đây 3 năm, lúc đó mình hoàn toàn không có một bằng cấp nào cả. Một vài bạn đã gửi yêu cầu viết bài, tâm sự về ý định bỏ đại học, đây là bài viết dành cho các bạn.
Trước hết chúng ta xác định với nhau là, nếu bạn cho rằng “Không việc gì phải đọc bài viết vớ vẩn của một thằng không có trình độ đại học”, hoặc là thằng này “không học nổi đại học” thì cũng được, không sao cả. Đây chỉ là những gì mình đã trải qua, mang giá trị tham khảo.
Theo quan điểm của mình, nếu bạn muốn bỏ đại học, mình khuyên bạn hãy quay lại trường ngay lập tức, hoàn thành chương trình học và lấy tấm bằng. Đừng có quá tin tưởng ngưỡng mộ các gương bỏ học mà thành công, số lượng đó nó ít lắm, họ đã giỏi sẵn rồi, có tốt nghiệp hay không thì họ vẫn thành công cả thôi.
Ngành lập trình không quá quan trọng bằng cấp, các đơn vị tuyển dụng quan tâm nhiều đến khả năng của ứng viên có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không. Tuy nhiên một cái CV xin việc với đủ loại kiến thức nhưng thiếu cái bằng thì vẫn chỉ mang tính chất chém gió. Hãy cân nhắc khi bỏ đại học, sẽ có nhiều cái khổ mà bạn sẽ gặp phải đấy.
Những cái khổ khi không có bằng cấp
Áp lực tâm lý:
Cái đầu tiên mà mình muốn kể đến đó là áp lực tâm lý. Khi bạn bỏ đại học, bạn sẽ phải chấp nhận cúi mặt xuống tủi nhục khi dư luận, làng xóm, họ hàng… dè bỉu về bạn, về gia đình bạn. Bố mẹ bạn, anh em bạn và chính bạn sẽ bị “dư luận” soi mói thậm chí khinh bỉ… Cái này mình cảm thấy cực kỳ khó vượt qua, cảm giác như bạn đã thất bại, chẳng muốn nhìn mặt ai luôn.
Cảm giác mình yếu kém:
Bây giờ có nhiều trường, nên số lượng người có trình độ đại học mà mình gặp cũng rất nhiều, thậm chí có cả cụm từ “phổ cập đại học” nữa. Thế nên đi đâu, không có bằng mình luôn cảm thấy yếu kém so với người đối diện. Điều này cũng có một tí mặt tốt, cảm giác yếu kém làm bạn phải nỗ lực không ngừng nghỉ học hỏi hơn nữa. Thế nhưng, ngay lúc này, thời điểm mà mình đang viết bài tâm sự cùng các bạn, mình vẫn chưa có tấm bằng nào, và trong thâm tâm vẫn có một mong ước thầm kín là ước gì mình cũng có một cái.
Đi xin việc:
May cho mình là lúc đi xin việc, mình đã khá tự tin với kỹ năng lập trình (trước đó mình làm freelance) nên cũng thuận lợi hơn một chút xíu. Đến đây thì thật sự không có bằng là một thiệt thòi lớn, thấy tin tuyển dụng nào mà yêu cầu tốt nghiệp đại học là không dám ứng tuyển luôn. Sau này khi đã tự tin hơn, mình phải ghi luôn vào cv xin việc là “Ứng viên chưa tốt nghiệp đại học” để người ta đỡ phải hỏi. Đi phỏng vấn luôn phải show sản phẩm, em từng làm cái lọ, em từng làm cái kia để bù vào cái bằng bị khuyết. Vì nhà tuyển dụng có coi trọng bằng cấp hay không, mình không thể nào biết được, rõ ràng rằng mình đã bỏ lỡ một vài cơ hội vì thiếu bằng đại học đúng không nào.
Khi đi làm:
Trong thời gian thử việc, người ta sẽ soi bạn nhiều hơn, hoặc ít ra bạn cảm thấy như thế. Người ta có thể “sân siu” cho một bạn mới tốt nghiệp vì cho rằng “bạn ấy vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm nhiều”, nhưng với bạn thì không, vì bạn vào đây bằng kinh nghiệm. Một lần nữa, bạn lại hì hục không ngừng để chứng tỏ cái kiến thức và kinh nghiệm của bạn, điều mà mặc định những người có bằng cấp là có cả rồi.
.
Dù thế nào, đừng bỏ lỡ cơ hội được học
Trên báo đài, internet nhan nhản các câu như: “Đại học không phải là con đường duy nhất đến thành công”, có đôi khi bạn sẽ thấy có thằng nào đó bỏ học đại học, sau đó có được tí công trạng, quay lại nói rằng đại học là vô bổ tốn thời gian. Tuy nhiên, trường học dạy bạn khá nhiều thứ, dù ở bất cứ nơi đâu, đừng bỏ lỡ cơ hội được học.
Những điều đại học dạy bạn
Chương trình đại học được thiết kế để mô phỏng thực tế khi ra trường, tuy nó không thể đạt giống 100% nhưng nó cũng giúp bạn rất nhiều. Nó cung cấp cho bạn kiến thức nền tảng, khả năng tư duy và làm việc nhóm… những yếu tố rất cần thiết sau này, thu được kiến thức nhiều hay ít, đó là ở bạn.
Nhiều bạn cho rằng chương trình học vẫn nặng lý thuyết, tính thực tiễn chưa cao, điều này có phần đúng. Tuy nhiên, chương trình vẫn đang được cải tiến, mình nhớ là thời mình học đại học, chưa có môn lập trình android như bây giờ, vì lúc đó android chưa được google mua lại nên chưa có người dùng. Chứng tỏ rằng chương trình đại học cũng được cải cách đổi mới rất nhiều để phù hợp với thực tiễn.
Tất cả là ở cách học của bạn, có một cái hay nữa đó là khi đang còn là sinh viên, bạn có thừa thời gian để tìm hiểu công nghệ mới, tự học những gì mà bạn cảm thấy thích và làm một cái gì đó có ích. Ý tưởng được bay cao hơn, là sinh viên, bạn không giàu, nhưng chưa phải lo nghĩ gì đến việc kiếm miếng cơm. Đó là quãng thời gian khá thú vị, thực tế là không ít các dự án phần mềm thành công là từ thời sinh viên, facebook chẳng hạn.
Mình bỏ học năm cuối, nên cũng được trải nghiệm quãng thời gian thú vị bổ ích này. Đừng bỏ lỡ cơ hội được học nhé, vào thời điểm khó khăn, mình đã phải làm việc chân tay ở một xưởng cao su, thì suy nghĩ được là sinh viên hàng ngày được học những kiến thức lập trình, buổi tối có đủ thời gian để nghiên cứu thêm một cái gì đó theo sở thích, đó là một ước mơ tuyệt vời.
Giá trị của tấm bằng
Giá trị của tấm bằng chính là nó tượng trưng cho quá trình bạn đã cố gắng trong suốt một quãng thời gian, chứng tỏ bạn đã học được nhiều điều từ đó.
Theo cách nhìn này, thì với một người học chỉ để có cái bằng, không chịu nâng cao kỹ năng bản thân, tấm bằng không có giá trị nhiều. Còn với một người khác, họ đã rất cố gắng trong quá trình học, không những học, họ còn chịu khó tìm hiểu nâng cao kiến thức, thì tấm bằng quả là có giá trị như vàng.
Kết luận
Bỏ học không giúp bạn thành công, bỏ học chỉ thành công khi bạn có kế hoạch vững chắc, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Mỗi người có một định nghĩa về thành công khác nhau, con đường đi đến thành công cũng khác nhau, hãy thành công theo cách của bạn. Và để thành công bạn cần học hỏi không ngừng nghỉ, kể cả khi rời trường đại học, mình strongly recommend bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được học, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.