Hình thức – Nội dung – Phương pháp giáo dục – BimBon

HÌNH THỨC GIÁO DỤC

Mỗi lớp học đều luôn chú trọng
đến việc trẻ nghiên cứu sâu về các chủ đề học tập. Qua các chủ đề đó sẽ giúp
trẻ nhận thức về bản thân và khám phá thế giới xung quanh. Sự lựa chọn chủ đề
đều xuất phát từ các mối quan tâm, ý tưởng, sở thích của trẻ và giáo viên, đồng
thời kết hợp với nội dung chương trình giáo dục của Bộ giáo dục đào tạo lồng ghép
phương pháp giáo dục Motessori.

Mỗi một chủ đề đều được các giáo
viên linh hoạt phát triển thông qua những hoạt động liên quan tới nhiều lĩnh
vực như lĩnh vực: Toán học; Khoa học; Nghệ thuật (múa, hát, vận động
theo nhạc, tạo hình, phân vai đóng
kịch); Ngôn ngữ (nói, viết, từ vựng); Nấu ăn; Giáo dục thể chất; Thăm quan dã
ngoại..

Đổi mới hình thức giáo dục trẻ.
Trẻ được tham gia hoạt động học tại các phòng học chức năng.

Môi trường học tập, môi trường
sư phạm : sáng tạo, khoa học, đẹp, lôi cuốn trẻ tích cực, tự giác tham gia các
hoạt động.

Tổ chức nhiều cơ hội học tập,
vui chơi cho trẻ được khám phá, trải nghiệm. Đánh giá trẻ theo mỗi chủ đề.

Tổ chức sinh nhật theo tháng,
nêu gương cuối tuần, liên hoan văn nghệ cuối tuần.

Tăng cường các hoạt động cho trẻ
tiếp xúc với thiên nhiên, tham quan, dã ngoại, bồi dưỡng năng khiếu, tổ chức
cho trẻ tham gia liên hoan hát dân ca, trò chơi dân gian, hội chợ quê, game
show trò chơi, cắm trại, triển lãm tranh, triển lãm sách, đi siêu thị, thăm
trang trại…

Tổ chức các hoạt động ngoại
khoá: Tiếng Anh (Trong tuần có 5 buổi giáo viên người nước ngoài); Kỹ năng
sống; …đảm bảo các nội dung sau:

+ Thực hiện nghiêm túc chế độ
sinh hoạt một ngày.

+ Đảm bảo tính vừa sức cho trẻ.

+ Nội dung phù hợp giúp cung
cấp, củng cố kiến thức kỹ năng mềm và cứng cho trẻ.

NỘI DUNG GIÁO DỤC

Lớp Mẫu
Giáo lớn 5 – 6 tuổi

Giai đoạn từ 5 đến 7 tuổi là
giai đoạn diễn ra sự thay đổi lớn về nhận thức của trẻ. Sự chuyển đổi đối với
phần lớn trẻ em được ghi nhận là giai đoạn “đạt tới lứa tuổi có nhận thức” – đó
là khả năng nhận thức về trách nhiệm cá nhân, tự định hướng và tư duy logic. Để
làm phong phú cho quá trình chuyển đổi này, chương trình học áp dụng những thực
tiễn sư phạm giúp trẻ khám phá, nắm bắt được những khái niệm cơ bản và công cụ
tìm hiểu phù hợp với lứa tuổi, khả năng của trẻ. Chương trình hỗ trợ sự phát
triển trí tuệ của trẻ đồng thời với sự phát triển xã hội, tình cảm và thể chất.
Nội dung chương trình học như toán, khoa học hay xã hội.. được lồng ghép trong
các hoạt động của chủ đề, trò chơi và các hoạt động học tập khác.

Ở độ tuổi này trẻ:

Có nhiều thông tin về một số sự vật, hiện tượng
nào đó nhưng chưa có hiểu biết đầy đủ về sự vật, hiện tượng đó.

Có thể tự tạo ra các thí nghiệm để xem việc gì sẽ
xảy ra và nghĩ ra lời giải thích cho những gì trẻ quan sát được, mặc dù
trẻ vẫn chưa đủ khả năng sử dụng suy luận lô-gic và trừu tượng.

Thường dành nhiều thời gian và chú ý hơn vào các
hoạt động mà trẻ thích.

Thích chơi theo nhóm 5 – 6 trẻ và thích trao
đổi trong nhóm nhỏ.

Có thể nắm bắt các khái niệm trừu tượng nhưng trẻ
vẫn cần các sự việc có thực để giải thích các khái niệm đó

Thích vẽ và viết để ghi lại các sự việc.

 Lớp Mẫu
Giáo nhỡ 4 – 5 tuổi

Trẻ ở độ tuổi này hết sức năng
động và luôn khao khát được giao tiếp và trao đổi với người khác.Vì thế phát
triển ngôn ngữ của bé 4- 5 tuổi cực kỳ quan trọng. Nếu bỏ lỡ thời kỳ này, hiệu
quả học tập sẽ giảm sút rõ rệt.

Ở độ tuổi này trẻ hay sử dụng các trò chơi đóng
vai (chơi giả vờ) để xử lý thông tin mới và để hiểu các khái niệm phức
tạp.
Bắt đầu hiểu thí nghiệm là gì và trở nên có chủ định cũng như sáng tạo hơn
trong việc khám phá.

Thường thích các thí nghiệm do chúng tạo ra hơn
là các thí nghiệm do người lớn hướng dẫn.

Bắt đầu suy nghĩ lập kế hoạch cho một hoạt động,
chẳng hạn như nghĩ về việc gieo hạt trước khi trẻ thực hiện hành động thực
tế này.

Bắt đầu đưa ra những dự đoán dựa trên những gì
trẻ được trải nghiệm.

Thích nghĩ ra các lời giải thích về những gì
quan sát được, thường thêm các chi tiết tưởng tượng vào các sự việc.

Thích nói chuyện với những trẻ khác khi chơi và
thử nghiệm.

Bắt đầu sử dụng các hình vẽ để trình bày và diễn đạt ý
kiến. Thích nói để người lớn ghi lại và thử tự viết.

 Lớp Mẫu
Giáo bé 3 – 4 tuổi

Ở lứa tuổi này, khả năng tư duy
của trẻ phát triển rất nhanh để tưởng tượng, sáng tạo và những khả năng nổi
trội trong việc học tập của trẻ. Sự khéo léo trong hành động cũng như tính độc
lập và sáng tạo bắt đầu phát triển đầy đủ.

Trẻ ở độ tuổi này học tập tốt
nhất qua phương pháp chơi mà học. Chương trình giáo dục phát triển việc chơi và
khám phá của trẻ theo chiều sâu có sự hướng dẫn và gợi mở dưới sự chuẩn bị cẩn
thận của giáo viên: Chơi đóng vai, hoạt động nghệ thuật và tạo hình, chơi với
nước, đất nặn hay cát, xây dựng, xếp hình, chơi ghép và đếm, các trò chơi phát
triển thể lực, âm nhạc và sách.

Trẻ thích các hoạt động chân tay và khám phá bằng
các giác quan.
Có thể nắm các thông tin thông qua giao tiếp và các sách đơn giản, dễ hiểu

Hay đặt câu hỏi nhưng không phải lúc nào cũng
hiểu câu trả lời.

Bắt đầu nhận ra các mối quan hệ nhân quả đơn giản
dưới dạng các câu hỏi đơn giản: tại sao? để làm gì? như thế nào?

Học tốt nhất trong những tình huống cụ thể có ý nghĩa với bản thân
chúng và khi có sự tin tưởng, khích lệ của người lớn

 Lớp nhà
trẻ 24 – 36 tháng tuổi

Ở lứa tuổi này, trẻ luôn tò mò
về thế giới xung quanh chúng. Các em là những nhà thám hiểm tự nhiên luôn cần
cơ hội để tìm hiểu, thử nghiệm, thao tác và khám phá với những đồ vật mà chúng
có trong tay. Trẻ lứa tuổi này học từ ngữ rất nhanh, vì vậy, đây là cơ hội
“Vàng” cô giáo thường xuyên nói chuyện với trẻ qua các chủ đề khác nhau để trẻ
có cơ hội phát triển lời nói. 

Lớp nhà
trẻ 18 – 24 tháng tuổi

Trẻ nhỏ ở lứa tuổi này luôn tò
mò về thế giới đồ vật quanh chúng. Trẻ là những nhà thám hiểm tự nhiên luôn cần
cơ hội để tìm hiểu, thử nghiệm, thao tác và khám phá với những đồ vật mà chúng
có trong tay. Mặt khác, lứa tuổi này là giai đoạn học nói tiếng mẹ đẻ, nên cô
giáo thường xuyên nói chuyện để trẻ “Bi bô học nói”.

Vì vậy chương trình giáo dục
cung cấp cho trẻ công cụ để thực hành, hành động, khám phá, hoạt động với đồ
vật và chơi là phương pháp học tập tốt nhất cho trẻ. 

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

1. Phương pháp thực hành, trải nghiệm

– Phương pháp thực hành thao tác với đồ vật, đồ chơi: Trẻ sử dụng và phối hợp
các giác quan, làm theo sự chỉ dẫn của giáo viên, hành động đối với các đồ vật,
đồ chơi (cầm, nắm, sờ, đóng mở, xếp chồng, xếp cạnh nhau, xâu vào nhau,…) để phát
triển giác quan và rèn luyện thao tác tư duy.
-Phương pháp dùng trò chơi: sử dụng các loại trò chơi với các yếu tố chơi phù
hợp để kích thích trẻ tự nguyện, hứng thú hoạt động tích cực giải quyết nhiệm
vụ nhận thức, nhiệm vụ giáo dục đặt ra.
-Phương pháp nêu tình huống có vấn đề: Đưa ra các tình huống cụ thể nhằm kích
thích trẻ tìm tòi, suy nghĩ dựa trên vốn kinh nghiệm để giải quyết vấn đề đặt
ra.
-Phương pháp luyện tập: Trẻ thực hành lặp đi lặp lại các động tác, lời nói, cử
chỉ, điệu bộ theo yêu cầu của giáo viên nhằm củng cố kiến thức và kỹ năng đã
được thu nhận.

2. Phương pháp trực quan – minh họa (quan sát, làm mẫu, minh hoạ)
Phương pháp này cho trẻ quan sát, tiếp xúc, giao tiếp với các đối tượng, phương
tiện (vật thật, đồ chơi, tranh ảnh); hành động mẫu; hình ảnh tự nhiên, mô hình,
sơ đồ và phương tiện nghe nhìn (phim vô tuyến, đài, máy ghi âm, điện thoại, vi
tính) thông qua sử dụng các giác quan kết hợp với lời nói nhằm tăng cường vốn
hiểu biết, phát triển tư duy và ngôn ngữ của trẻ.

3. Phương pháp dùng lời nói
Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ (đàm thoại, trò chuyện, kể chuyện, giải thích)
nhằm truyền đạt và giúp trẻ thu nhận thông tin, kích thích trẻ suy nghĩ, chia
sẻ ý tưởng, bộc lộ những cảm xúc, gợi nhớ những hình ảnh và sự kiện bằng lời
nói. Lời nói, câu hỏi của giáo viên cần ngắn gọn, cụthể, gần với kinh nghiệm
sống của trẻ.

4. Phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ
Phương pháp dùng cử chỉ điệu bộ kết hợp với lời nói thích hợp để khuyến khích
và ủng hộ trẻ hoạt động nhằm khơi gợi niềm vui, tạo niềm tin, cổ vũ sự cố gắng
của trẻ trong quá trình hoạt động.

5. Phương pháp nêu gương – đánh giá
– Nêu gương: Sử dụng các hình thức khen, chê phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Biểu
dương trẻ là chính, nhưng không lạm dụng.
– Đánh giá: Thể hiện thái độ đồng tình hoặc chưa đồng tình của người lớn, của
bạn bè trước việc làm, hành vi, cử chỉ của trẻ. Từ đó đưa ra nhận xét, tự nhận
xét trong từng tình huống hoặc hoàn cảnh cụ thể. Không sử dụng các hình phạt
làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm – sinh lý của trẻ.

MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC HỌC
TẬP

Đồ dùng, đồ chơi an toàn, đảm
bảo sự phát triển về thể chất, sức khỏe của trẻ.

Kích thích sự phát triển tư duy,
độc lập, sáng tạo của cá nhân trẻ.

Tạo môi trường để trẻ bộc lộ
và giúp trẻ phát huy khả năng cá nhân đặc biệt.

Đảm bảo các trang thiết bị hiện
đại phục vụ cho việc chăm sóc và giảng dạy trẻ tốt nhất.

Tạo cơ hội để trẻ phát triển kỹ
năng sống, kỹ năng tự phục vụ, năng lực bản thân để thích nghi với môi trường
xung quanh.

Tạo môi trường thân thiện, cởi
mở để trẻ dễ dàng hòa nhập.

Tạo môi trường đẹp, trật tự và
ngăn nắp, thực tế, đơn giản và luôn chào đón bé

Có đầy đủ các vật dụng, đồ chơi,
giáo cụ để bé tự khám phá thế giới và hình thành những hiểu biết cần thiết.

Có nhóm hỗn hợp về lứa tuổi để
bé phát triển các kỹ năng sống cơ bản và học hỏi lẫn nhau theo năng lực của
từng bé.

Các bé được đối xử bình đẳng
trong lớp.

* Môi trường vật chất

a) Môi trường cho trẻ hoạt
động trong phòng lớp

– Trang trí phòng lớp đảm
bảo thẩm mỹ, thân thiện và phù hợp với chủ đề giáo dục.

– Có các đồ dùng, đồ chơi,
nguyên vật liệu đa dạng, phong phú, hấp dẫn trẻ.

– Sắp xếp và bố trí đồ dùng,
đồ chơi hợp lí, đảm bảo an toàn và đáp ứng mục đích giáo dục.

– Có khu vực để bố trí chỗ
ăn, chỗ ngủ cho trẻ đảm bảo yêu cầu qui định.

– Các khu vực hoạt động bố
trí phù hợp, linh hoạt (có thể bố trí cố định hoặc có thể di chuyển), mang tính
mở, tạo điều kiện dễ dàng cho trẻ tự lựa chọn và sử dụng đồ vật, đồ chơi, tham
gia hoạt động và thuận lợi cho sự quan sát của giáo viên.

– Các khu vực hoạt động của
trẻ gồm có: Khu vực chơi đóng vai; tạo hình; thư viện (sách, tranh truyện); khu
vực ghép hình, lắp ráp/xây dựng; khu vực dành cho hoạt động khám phá thiên
nhiên và khoa học; hoạt động âm nhạc và có khu vực yên tĩnh cho trẻ nghỉ ngơi.
Khu vực cần yên tĩnh bố trí xa các khu vực ồn ào. Tên các khu vực hoạt động đơn
giản, phù hợp với chủ đề và tạo môi trường làm quen với chữ viết.

b) Môi trường cho trẻ hoạt
động ngoài trời, gồm có:

– Sân chơi và sắp xếp thiết
bị chơi ngoài trời.

– Khu chơi với cát, đất, sỏi,
nước.

– Bồn hoa, cây cảnh, nơi
trồng cây xanh, các loại rau

* Môi trường xã hội

– Môi trường chăm sóc giáo
dục trong trường mầm non cần phải đảm bảo an toàn về mặt tâm lí, tạo thuận lợi
giáo dục các kĩ năng xã hội cho trẻ.

– Trẻ thường xuyên được giao
tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với những
người xung quanh.

– Hành vi, cử chỉ, lời nói,
thái độ của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi
theo.

Rate this post

Viết một bình luận