Hướng dẫn cách bài trí mâm ngũ quả, mâm cúng trung thu, bài văn khấn chuẩn nhất
Bạn đã biết cách bài trí mâm ngũ quả, mâm cúng trung thu và bài văn khấn rằm tháng 8 chuẩn nhất hay chưa? Nếu chưa thì những hướng dẫn thú vị dưới đây sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời cho mình.
Trung thu vừa là dịp để gia đình đoàn tụ cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà tổ tiên vì vậy không thể thiếu đi mâm ngũ quả hay mâm cúng trung thu.
Để có kinh nghiệm chuẩn bị mâm ngũ quả, mâm cúng trung thu đầy đủ, trọn vẹn nhất thì bạn hãy theo dõi những chia sẻ thú vị trong bài viết sau đây nhé!
>> Tết Trung thu ở Việt Nam và Trung Quốc giống và khác nhau như thế nào?
1Cách bày trí mâm ngũ quả Trung thu
Mâm ngũ quả trung thu gồm những gì?
Trên mâm ngũ quả trung thu thường gồm những loại trái cây sau:
- Nải chuối chín vàng, quả hồng (ý nghĩa no đủ)
- Quả na (có nhiều mắt mang ý nghĩa sinh sôi)
- Quả bưởi (mang ý nghĩa cầu điềm lành)
- Quả lựu (may mắn).
Ngoài ra còn có thêm 1 số loại trái cây khác và cắt tỉa hình ngộ nghĩnh để mâm cỗ thêm đẹp, phong phú.
Cách bài trí mâm ngũ quả trung thu
Để bày trí mâm ngũ quả cúng rằm Trung thu tháng 8 mỗi người sẽ có những cách làm khác nhau nhưng đa phần sẽ sử dụng các loại hoa quả để xếp, tạo hình cắt tỉa thành các con vật ngộ nghĩnh đẹp mắt.
Đồng thời khi xếp phải chú ý đến màu sắc của hoa quả, nên chọn cả quả xanh và chín để tạo sự hòa hợp âm dương, cân bằng vũ trụ theo quan niệm người xưa.
Khi xếp quả thì loại quả cứng nên đặt xuống dưới, các loại quả mềm dễ nứt vỡ để lên trên. Ngoài ra bạn có thể dùng băng dính để cố định các loại quả phía dưới sau đó mới xếp những quả khác lên trên.
Đồng thời kết hợp sử dụng một số loại hoa, hay đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, trống, mặt nạ,… để trang trí để có thể cùng nhau phá cỗ thưởng thức và trẻ có quà vui chơi trong đêm rằm.
Tham khảo thêm: Phá cỗ trung thu là gì? Cách tổ chức phá cỗ trung thu
2Cách chuẩn bị mâm cúng Trung thu
Mâm cúng trung thu gồm những gì?
Các loại trái cây, hoa tươi, bánh nướng và bánh dẻo, 2 ông tiến sĩ giấy. Ngoài ra còn có lồng đèn trung thu, đèn kéo quân, đèn con thỏ, đầu lân,…
Cách chuẩn bị mâm cúng trung thu?
Khác với những ngày rằm khác trong năm, ngày rằm tháng 8 bạn chỉ chuẩn bị mâm cúng chay hay cúng đồ ngọt chứ không làm mâm cúng đồ mặn.
Mâm cúng trung thu khá đa dạng, chuẩn bị đến ngày rằm bạn hãy ra chợ mua 5 loại quả hoặc có thể mua 7 hoặc 9 loại cũng được tùy theo sở thích, với một số loại quả quen thuộc như: Quả bưởi, quả chuối, quả hồng, quả lựu, quả táo, quả dưa hấu, na (mãng cầu dai)…
Đối với những loại trái cây bạn có thể cắt tỉa tạo hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu, nhằm làm phong phú, thêm màu sắc cho mâm cỗ.
Đừng quên ra cửa hàng bán hàng mã mua thêm 2 ông tiến sĩ giấy với ý nghĩa mong con cháu học hành thành đạt và được bảo vệ.
3Bài văn khấn cúng rằm tháng 8
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật
– Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn Thần
– Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại
Tín chủ (chúng) con là: …………………
Ngụ tại: …………………
Hôm nay là ngày Rằm tháng Tám gặp tiết Trung Thu tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ ………, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
Nam mô A-di-đà Phật!
Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết vừa rồi sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách bài trí mâm ngũ quả, mâm cúng trung thu và có được bài văn khấn chuẩn nhất. Chúc bạn và gia đình có một mùa trung thu vui vẻ, ấm áp yêu thương nhé!
>> Tết Trung thu ở Việt Nam và Trung Quốc giống và khác nhau như thế nào?
>> Những món ăn đặc trưng dịp Tết Trung thu nên có trên bàn ăn
>> Mâm ngũ quả, nét đặc trưng chẳng thể thiếu ngày Trung Thu
Mua bánh kẹo các loại về bày mâm cỗ tại Bách hóa XANH:
Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH