Mộc qua: Dược liệu Đông y chữa phù nề, chân tay đau nhức

Mộc qua (Quả): Dược liệu chữa ho, phù nề, chân tay đau nhức

Mô tả ngắn: Mộc qua là một loài phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Cây được trồng để thu quả dùng làm dược liệu với tác dụng liễm phế, chỉ ho, bình gan, hòa tỳ quá thấp thư gân cốt, dùng chữa phù nề, chân tay đau nhức, ho lâu ngày.

Mô Tả Dược Liệu

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Mộc qua (Quả)

Tên khác: Tra tử; Toan mộc qua; Thu mộc qua

Tên khoa học: Chaenomeles lagenaria

Đặc điểm tự nhiên

Cây bụi nhỏ, cao 2 – 3 m, thân cành nhẵn, có gai dài và bì khổng. Lá đơn, mọc cách. Phiến lá hình bầu dục hoặc hình mác, dài 3 – 9 cm, rộng 2 – 5 cm, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép lá có khía răng nhỏ, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím nhạt, khi non có lông. Cuống lá dài 0,5 – 1,5 cm. Lá kèm có răng cưa nhỏ. Cụm hoa mang 3 -5 hoa màu đỏ, mọc ở nách lá, nở trước khi cây ra lá, có cuống mập dài khoảng 0,3 cm. Đài hoa dính tạo thành ống ngắn hình chuông, 5 răng nhọn; tràng gồm 5 cánh hoa hình gần tròn. Nhiều nhị (45 – 50). Bầu cấu tạo từ 5 lá noãn.

Quả thịt, thuôn dài, bổ dọc thành hai nửa đối nhau, dài 4 – 9 cm, rộng 2 – 5 cm, dày 1 – 2,5 cm, khi chín màu vàng hoặc vàng lục, rất thơm, phơi khô mặt ngoài màu đỏ tía hoặc nâu đỏ, có nếp nhăn sâu, không đều; mép mặt bổ cong vào phía trong, cùi quả màu nâu đỏ, ở giữa có màu vàng nâu, lõm xuống. Hạt có hình tam giác, dẹt, dài, nhẵn bóng, thường rơi mất. Chất cứng, mùi thơm nhẹ, vị chua, hơi chát.

Cây ra hoa vào tháng 3 đến tháng 4, thu hoạch quả từ tháng 6 đến tháng 10.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Đây là một loại dược liệu nhập từ Trung Quốc. Cây phân bố ở các tỉnh như Hà Nam, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Tứ Xuyên.

Thu hái và chế biến

Tầm tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, khi quả chín, tiến hành thu hoạch, rồi chẻ đôi hoặc chẻ bốn, ngửa lên trên để phơi đến khi phần vỏ chuyển sang màu nâu đỏ đến tím đỏ, có những nếp nhăn trong quá trình khô, mặt trong quả còn rõ những ô chứa hạt, phần lớn hạt đã rụng, một số hạt còn sót lại có hình 3 cạnh, màu nâu đỏ. Vị chua chát, mùi thơm.

cây mộc qua
Cây Mộc qua (Chaenomeles lagenaria Lois.)

mộc qua trị bệnh
Quả Mộc qua (Fructus Chaenomelis)

dược liệu mộc qua
Quả Mộc qua (Fructus Chaenomelis)

Bộ phận sử dụng

Quả chín phơi khô (Fructus Chaenomelis).

Thành Phần
Hóa Học Của Mộc qua (Quả)

Quả Mộc qua chứa đường fructose, glucose, sucrose, sorbitol; các acid như acid glutamic, acid quinic, acid malic, acid citric, acid phosphoric.

Trong Mộc qua còn có saponin, tannin, cyaniding, idacin, chrysanthemin, calistraphin, pelagonidin và lonicerin.

Tác Dụng Dược
Lý Của Mộc qua (Quả)

Theo y học cổ truyền

Mộc qua có vị chua chát, tính ôn, có tác dụng liễm phế, chỉ ho, bình gan, hòa tỳ quá thấp thư gân cốt, dùng chữa phù nề, chân tay đau nhức, ho lâu ngày.

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng khuẩn

Hợp chất phenol có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ.

Tác dụng bảo vệ gan

Dịch chiết 10% của Mộc qua với liều 5 – 6 ml/chuột cống trắng (đã gây tổn thương gan bằng tetraclorid) cho thấy tác dụng giảm nhẹ mức độ hoại tử và nhiễm mỡ, thúc đẩy quá trình hồi phục của tế bào gan và làm giảm rõ rệt hoạt động của men SGPT.

Tác dụng chống ung thư

Dung dịch kết tinh từ Mộc qua với nồng độ 2,5% có tác dụng ức chế khối u trên chuột nhắt trắng.

Liều Dùng, Cách
Dùng Của Mộc qua (Quả)

Ngày dùng từ 6 – 9 g, thường dùng chung với các dược liệu khác.

Bài Thuốc Có Mộc qua (Quả)

Bài thuốc chữa phong thấp tỷ thống, gân mạch co quắp, chân tay tê bại, khó cử động các khớp

Mộc qua, Kỷ tử, Ngọc trúc, đồng vị 80 g; Ngũ gia bì, Khương hoạt, Độc hoạt, Đương quy, Trần bì, đồng lượng 60 g; Tân giao, Xuyên khung, Hồng hoa, Thiên niên kiện, Ngưu tất, Tang ký sinh, đồng lượng 40 g; đường, 2,5 lít rượu trắng. Ngâm rồi uống mỗi ngày 15 – 30 ml. Không dùng cho phụ nữ mang thai.

Bài thuốc chữa thấp khớp, đau nhức, phù nề, ho lâu ngày

Mộc qua 120 g, xương hổ chế, Xuyên khung, Ngưu tất, Đương quy, Thiên ma, Hồng hoa, Tục đoạn, Bạch gia can, Ngọc trúc đồng lượng 40 g, Tần giao, Phòng phong mỗi thứ 20 g, Tang chi 16 g. Đem tất cả tán thành bột thô rồi ngâm với 15 lít rượu trắng. Khuấy đều mỗi ngày trong tuần đầu tiên. Sau đó, cứ một tuần khuấy 1 tuần đến khi đủ một tháng thì lọc rồi ép bã để lấy rượu. Hòa thêm đường phèn cho dễ uống (theo Dược điển Trung Quốc).

Bài thuốc chữa tê thấp, cước khí, đơm ngược, tức ngực

Mộc qua, Trần bì, Nhân sâm đồng lượng 30 g, Tân lang 60 g, Quế tâm, Đinh hương đồng lượng 15 g. Nghiền tất cả thành bột, hoàn viên bằng hạt đậu xanh, uống mỗi lần 30 viên với nước sắc Gừng tươi.

Bài thuốc chữa thổ tả không ngừng

Mộc qua 20 g, Hồi hương 10 g, Gừng khô 10 g, sắc uống.

Bài thuốc chữa xích bạch lỵ

Mộc qua, Xa tiền tử, Anh túc xác, đồng lượng, nghiền thành bột mỗi lần uống 6 g với nước cháo.

Lưu Ý Khi Sử Dụng Mộc qua (Quả)

Ở Trung Quốc, người ta còn dùng quả của một số cây khác cùng chi Chaenomeles như C. sinensis (Thourin) Koehne và một số thứ Mộc qua như Chaenomeles lagenaria Koid. var. wilsonii Rehd., Chaenomeles lagenaria Koidz. var. Cathayensis Rehd.

Nguồn Tham Khảo

  1. câyCây thuốc và động vật làm thuốc (Tập 2) – Trang 293 – 294.

  2. Dược điển Việt Nam 5 – Trang 1253 – 1254.

  3. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi – Trang 531 – 532.

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng dược liệu phải tuân theo hướng dẫn
của bác sĩ chuyên
môn.

Rate this post

Viết một bình luận