Ngành Logistics là gì? Logistics học gì?
Dù ra đời chưa lâu nhưng logistics đã dần khẳng định vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế nước ta. Với con số lợi nhuận cao lên đến hàng tỷ đô mỗi năm, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên và hỗ trợ phát triển, đồng thời đang là dịch vụ kinh doanh hấp dẫn của nhiều công ty khác nhau trong và ngoài nước. Việc hiểu rõ được “Ngành logistic là gì?” “Ngành Logistics sẽ học được những gì?” không chỉ quan trọng cho những bạn đang tham gia kỳ thi tuyển sinh năm nay, mà còn là một kiến thức thiết yếu cho tất cả mọi người.
Ngành Logistics là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất ngành logistics chính là dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng. Những đơn vị, công ty logistics sẽ phải lên kế hoạch cụ thể và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ theo yêu cầu mà khách hàng đặt ra. Mọi công ty làm trong lĩnh vực logistics đều phải cố gắng thay đổi chính mình và luôn chú trọng đến các yếu tố sau để tăng năng lực cạnh tranh của công ty như: số lượng, chất lượng, thời gian và cuối cùng là giá cả dịch vụ.
Chức năng của ngành Logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng… Nếu làm tốt về Logistics, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty.
Tham khảo thêm:
Logistics là gì? Logistics có phải là hậu cần không?
Logistis theo lối nhìn nhận mới
Phân loại dịch vụ Logistics
Một ví dụ cụ thể về Logistics
Học Logistics là học gì?
Đối với các trường dạy các ngành Logistics theo hướng chuyên môn hoá, chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng, học viên được học chuyên sâu về cách vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của hàng hóa với nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt và đường biển.
Đồng thời, ngành này cũng được học những kiến thức marketing quốc tế, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải một cách tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa.
Cụ thể hơn, về kiến thức chuyên ngành, sinh viên được biết chuyên sâu về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Về kỹ năng chuyên môn sinh viên có thể tham gia lập kế hoạch, tổ chức, điều hành dịch vụ vận tải đa phương thức. Thực hành nghiệp vụ giao nhận vận tải đa phương thức. Có khả năng phân tích luồng hàng, xác định nhu cầu khách hàng, qui hoạch trung tâm phân phối và quản trị qui trình phân phối từ trung tâm đến khách hàng.
Có thể lập kế hoạch và tổ chức công tác đóng gói, kho bãi, xếp dỡ, giao nhận, vận tải và cung ứng; thực hành nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp; lập và phân tích các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phân tích hiệu quả của hoạt động logistics và vận tải đa phương thức, tham mưu kế hoạch logistics chiến lược; thiết kế mạng lưới logistics; xây dựng qui trình khai thác, phát triển và quản trị chuỗi cung ứng.
Với các kiến thức và kỹ năng như trên, một học viên chuyên ngành Logistics sẽ có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp mở ra, đặc biệt là trong thời đại hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, cụ thể các cơ hội đó là như thế nào? Những thách thức và tiềm năng của nó ra sao? Tất cả đều nằm trong bài viết sau nhé:
Ngành Logistics ra trường làm gì?