Ngọc rết

TP – Chuyến đi cuối năm của bà nội lên nhà tù Sơn La phải giữ bí mật. Tất nhiên không cần phải giữ bí mật việc đi thăm nuôi một người tù đã thành án.

Minh họa: Đỗ Hiệp Minh họa: Đỗ Hiệp.

Tòa án thực dân đã công khai kết án bố tôi mức án khổ sai chung thân. Người thày cãi bà nội thuê rất nhiều tiền ở tòa đã không thể mang những lí lẽ của mình ra bênh vực cho đám tù chính trị phạm cứ khăng khăng từ chối. Họ chấp nhận tù đày và tin tưởng vào con đường đã chọn. Nhưng ở làng chuyện ấy rất ít người biết vì đa số dân làng là những người mù chữ. Họ không thể đọc báo để biết tin tức. Chỉ đồn thổi rằng bố hoạt động bí mật bị thực dân Pháp bắt được và đày đi một nơi nào đó xa lắm.

Bà dậy từ mờ sáng. Hành trang mang theo lỉnh kỉnh như những người buôn bán nhỏ lên mạn ngược. Bà phải thuê một người cháu khỏe mạnh gánh theo cả gạo nước mắm muối và nồi niêu. Hũ muối vừng mặn chát dự tính hai cô cháu sẽ ăn trong vòng một tháng đường rừng. Một ít cá khô sẽ mang lên tiếp tế cho bố. Quần áo, trầu cau và những quả bồ hòn khô quắt để trong tay nải bà khoác bên mình. Tiền nong phải cho vào một chiếc túi nhỏ buộc dây giấu kín trong người. Họ đi bộ ra khỏi làng từ lúc trời còn tối.

Ngày đi, đêm nghỉ lại ở những nhà trọ tồi tàn ven đường. Đói bụng dừng chân kiếm củi nổi lửa nấu cơm. Thỉnh thoảng quá mệt mỏi mới dám đi bằng xe ngựa. Một quãng đường hơn ba trăm cây số mãi cho đến những năm đầu thế kỉ XXI mới có thể đi hết trong ngày bằng ô tô hiện đại.

Từ Hòa Bình ngược lên Sơn La, hai cô cháu đổi cách đi bằng đường thủy. Sau năm sáu ngày gồng gánh đi bộ, người cháu đã thấm mệt. Lại thêm lạ nước đồng rừng, chàng thanh niên vạm vỡ bị phá nước nổi mụn khắp người. Phải hỏi thăm những ngôi làng có thày thuốc mua lá nấu nước tắm. Gánh gồng thay cho người cháu suốt hai ngày đã có lúc bà tưởng như sắp quỵ ngã. Nhưng lòng thương vô hạn đối với người con trai cả đang chịu cảnh tù đày đã nâng đỡ bà dậy. Bà tin vào con và những đồng chí của ông mặc dầu khái niệm về những người cộng sản ngày ấy còn mịt mờ xa lắc.

Và thật may mắn khi hỏi thăm được bến thuyền. Nơi có những con thuyền ngày đêm cần mẫn ngược xuôi sông Đà bán buôn những sản vật giữa miền xuôi và miền ngược. Hành trình trên sông cũng không nhàn hạ như hai cô cháu tưởng. Phải qua rất nhiều thác ghềnh hung hiểm. Có những đoạn phải lội sông kéo thuyền giúp chủ đò. Bà nhớ rất rõ khi thuyền qua Thác Con ầm ào nước lớn.

Con thuyền chao đảo mấy lần suýt bị nhấn chìm. Người cháu dầm mình lội nước cùng với chủ đò ra sức kéo. Những vết thương trên người bợt bạt lở loét. Bà thất vọng chỉ còn biết nhìn trời niệm Phật. Nhưng đó mới chỉ là thử thách bước đầu. Thác Mẹ mới thật sự là nơi để lại những kí ức kinh hoàng.

Con thác rộng hàng trăm mét với những cuộn sóng trắng xóa hung dữ dâng lên ngang trời. Những tảng đá cuội lớn như những ngôi nhà chìm khuất trong lòng thác như những cái bẫy. Chỉ cần một va chạm là con thuyền mỏng mảnh sẽ tan ra, mất hút vào trong dòng nước. Người lái thuyền sau khi buộc chặt những vật dụng vào ván thuyền chắc chắn phải dùng sào cong người chống đẩy con thuyền nhích đi từng tấc một. Bà nội và người cháu cũng lội xuống lòng sông giúp sức.

Ba con người cõng chiếc thuyền vượt thác. Men theo bờ mà đi. Phải mất gần nửa ngày luồn lách qua những khe đá hẹp đầy bất trắc con thuyền mới vượt qua được Thác Mẹ. Ba người gần như lả đi vì kiệt sức. Họ đẩy thuyền nép vào một doi cát ven bờ nổi lửa nấu cơm ăn. Người chủ thuyền quen thuộc thung thổ tìm vào rừng hái những đọt rau rừng đắng ngắt chẳng biết là rau gì. Chỉ thấy hổ lốn một mớ như bát canh rau láo nháo dưới xuôi. Nhưng nó đã là một phần hết sức quan trọng trong bữa ăn dưới mức đạm bạc hàng ngày.

Mãi đến gần cuối bữa ăn người chủ thuyền mới tủm tỉm cười với chàng trai, ăn hết bát canh này ngủ một giấc, chỉ mai là chú mày sẽ khỏi bệnh, lại có thể gánh gồng giúp cô được rồi. Mà cũng chỉ đi thuyền được hết ngày mai thôi là phải lên bờ đi theo đường bộ! Bà nhìn người cháu lo lắng, chẳng biết liệu có cầm cự được đến nơi?

Chạng vạng chiều hôm sau, người chủ thuyền tốt bụng chỉ đường cho hai cô cháu tìm vào một bản làng của đồng bào dân tộc ít người. Phải xin ngủ nhờ ở đấy. Quãng đường rừng tiếp theo rất dài và hoang vắng. Mãnh thú luôn rình rập ẩn nấp tấn công những người qua đường.

Những người dân tộc trong ngôi nhà sàn nhỏ bé nằm tách biệt xóm làng chơi vơi trên một ngọn đồi không biết nói tiếng Kinh. Hay họ không nói thì đúng hơn. Một người đàn ông khó đoán tuổi và hai đứa trẻ. Những gương mặt vàng bủng beo đói khát thẫn thờ nhìn hai người khách lạ. Bà dùng tay làm hiệu xin nước nấu cơm. Người đàn ông ọp ẹp ngồi bên bếp lửa chậm chạp chỉ tay ra ngoài mái hiên.

Cái sàn tre thưa huếch rệu rã dưới từng bước chân dò dẫm. Đêm đen đặc. Không thể nhìn thấy bất cứ vật gì. Bà quờ quạng hai tay trước mặt. May mắn chạm vào chiếc chum mẻ miệng đựng nước. Lại đụng thêm được chiếc ống bương cưa ngắn treo trên hàng rào bên cạnh. Chum cạn nước. Chỉ vừa vặn vét được lưng nồi. Đành nấu nguyên gạo không vo.

Khi bà bưng chiếc nồi đồng vào bên bếp lửa đã thấy xuất hiện thêm một người đàn bà tiều tụy hốc hác bế con ngồi co ro ở đấy. Chiếc áo mỏng manh rách nát hở cả da thịt giữa tiết trời giá rét căm căm. Người đàn bà ngước cặp mắt buồn bã thay cho lời chào. Bà đã hiểu. Họ đói.

Bà sai người cháu bốc thêm mấy vốc gạo cho vào nồi. Lấy ấm nước sôi ùng ục bên bếp lửa rót thêm vào. Những gương mặt xung quanh chợt giãn ra hoan hỉ.

Đó là một bữa cơm bà cảm thấy ngon nhất trong cuộc đời dù bà chỉ ăn được chút ít. Bà dành thời gian nhìn ngắm lũ trẻ háo hức thèm thuồng. Có lẽ bữa cơm gần đây nhất chúng được ăn cũng phải từ vụ mùa năm ngoái?

Hai đứa trẻ ăn xong nằm ngủ ngay trên sàn. Người đàn ông lấy mấy tấm chăn rách sẫm màu đắp lên cho chúng rồi theo chân người đàn bà bế con vào gian chái. Ông ta ra hiệu cho bà cứ nằm ngủ ngay cạnh bếp lửa đã gần tàn. Người cháu dùng áo phủi bụi một góc sàn nằm xuống đã cất tiếng ngáy đều đều.

Sương núi lan tỏa qua vách tre thưa lọt vào trong nhà buốt giá. Mùi phân súc vật dưới gậm sàn ung ủng cỏ mục bay lên. Bà không sao chợp mắt được. Nửa đêm chợt nghe thấy tiếng động rì rào quanh bếp lửa tàn, bà ngồi dậy dõi mắt vào âm u bóng tối.

Một đốm lửa xanh lè di chuyển chầm chậm quanh chỗ ngồi. Đốm sáng phát ra soi rõ hình thù một con rết lớn như chiếc đũa cả xới cơm. Cái đầu lúc lắc như con cua ngậm một đốm sáng rung rinh linh hoạt chao đảo. Con mắt hay ngọn đèn? Cố trấn tĩnh, bà nhẹ nhàng rút chiếc que cời than vùi trong tro nóng ra chặn lên đầu con rết. Con vật oằn mình vùng thoát khỏi chiếc que chui lọt xuống sàn nhà. Bà nghe rõ tiếng rơi nặng trịch của nó.

Cời than cho bếp lửa hồng lên, bà nhìn kĩ đốm sáng nhạt dần rồi tắt. Một viên ngọc tròn ánh xanh lạnh buốt. Bà nhặt nó lên tháo vuông khăn đen quấn trên cổ đặt vào. Những tia sáng xanh lại bùng lên rực rỡ. Bà bọc viên ngọc trong tấm khăn ôm chặt vào hai lòng bàn tay khấn khứa. Lạy Trời lạy Phật cho con qua khỏi tai ương đường dài đi đến nơi về đến chốn! Cứ như thế bà lầm rầm cầu khấn cho đến lúc tiếng gà rừng gáy sáng óc ách vang lên khắc khoải dưới chân đồi…

***

Buổi trưa im ắng trong quán rượu ven hồ. Quán vắng, nàng ngả đầu lên vai tôi mà không sợ ảnh hưởng gì đến thuần phong mĩ tục. Thế giới sắp “phẳng” thật rồi. Con người ở thành phố tôi sống đã bắt đầu công khai bày tỏ những cảm xúc chân thật với nhau thay vì ngang nhiên vác “trym” ra đái lên các bờ tường trong phố.

Nghe câu chuyện của tôi nàng bảo, em cũng được nghe một câu chuyện về ngọc rết! Tôi vô cùng ngạc nhiên. Hóa ra trên đời thực sự có ngọc rết? Câu chuyện của tôi chưa kể hết, nhưng lịch sự với phụ nữ đã thành phản xạ thường trực, tôi kiên nhẫn ngồi nghe.

Cha của nàng là một sĩ quan chỉ huy cấp trung đoàn. Vào những năm chiến tranh ác liệt, ông chỉ huy một đơn vị làm nhiệm vụ bí mật xây lắp đường ống dẫn xăng dầu vào miền Nam. Gọi là đường nhưng chẳng có một con đường nào cả. Dấu chân người lính đi đến đâu mở lối đến đó.

Con đường hiểm trở nằm sâu trong dãy Trường Sơn hùng vĩ. Gần như tất cả được làm bằng sức người. Từ phá lối mở đường cho đến khuân vác những đoạn ống thép dài thượt len lỏi hàng trăm cây số đường rừng. Đào núi khoét rừng ngụy trang cho tuyến đường ống không để máy bay trinh sát của địch phát hiện. Đói khát. Sốt rét rừng và những trận oanh tạc của máy bay kẻ thù luôn rình rập.

Một đêm. Cơn mưa đông Trường Sơn suốt từ chiều dai dẳng. Không thể kiếm được một cành củi khô nào nấu ăn. Bộ đội mắc võng trùm những tấm tăng ni lông kín bưng trú mưa và ăn tối bằng những phong lương khô mang theo. Nước uống là nước mưa hứng giữa trời. Những đêm mưa như thế kéo dài cả tháng. Họ đã quen với kham khổ nhọc nhằn.

Vài cậu lính trẻ thắp lên những ngọn đèn dầu bé tí tự chế, lấy ba lô làm bàn ngồi trong võng viết thư. Những bức thư rất hiếm khi gửi về được đến gia đình. Họ thường viết sẵn và hi vọng khi có dịp hiếm hoi một đồng đội nào đó trên đường ra Bắc sẽ gửi theo.

Nửa đêm cha nàng tỉnh giấc. Ông khoác áo mưa bước ra từ lán chỉ huy đi kiểm tra các chốt gác. Một vài người lính ngái ngủ khoác những mảnh ni lông thùng thình trong tốp gác uể oải chào ông. Núi rừng yên tĩnh, chỉ nghe đều đều tiếng mưa rả rích. Những tiếng ngáy mệt nhọc phát ra từ vài chiếc võng chùng lũng thũng nước.

Chợt ông phát hiện ra một đốm sáng xanh lè phát ra từ đầu dây buộc võng của một chiến sĩ. Đến gần, ông phát hiện ra con rết khổng lồ ngậm đốm sáng ấy. Cặp mắt bóng loáng của nó nhao nhác tìm đường luồn vào nút thắt dây đầu võng của cậu Tạo tiểu đội trưởng nuôi quân. Ông vội vã bẻ một cành cây toan xua đuổi nó. Nhưng một tiếng súng báo động của tốp gác vang lên. Liền theo đó là những tiếng ầm ì dậy đất. Ông vội vàng chạy về hầm chỉ huy. Tất cả đã muộn.

Vệt bom rải thảm lướt qua cánh rừng đơn vị đóng quân ì ầm dai dẳng ngược theo tuyến đường ra Bắc. Những tiếng nổ long trời và ánh lửa nhoáng chớp khốc liệt. Khi tỉnh lại ông thấy mình nằm trên mặt đất ướt tơi tả lá rừng. Căn hầm chỉ huy ông chưa về kịp giờ đã không còn dấu tích. Lẫn trong tiếng mưa rả rích là một vài tiếng kêu yếu ớt của những người bị thương. Bản thân ông cũng bị một mảnh bom cứa vào trước ngực đau tức thở. Máu sủi bọt trào ra đầm đìa quân phục.

Ông gắng gượng ôm ngực giữ chặt vết thương ngồi dậy lê từng đoạn ngắn. Những chiếc xương sườn gãy nát đâm nhói buốt trong lồng ngực. Những người lính còn sống sót và bị thương nhẹ dìu ông ngồi dựa vào gốc cây nhanh chóng lấy ra bông băng cầm máu vết thương cho ông. Họ ngồi vây quanh ông tự chăm sóc vết thương cho mình chờ sáng.

Bình minh mưa tạnh. Ánh mặt trời yếu ớt loang trong khoảnh rừng xác xơ ngún khói. Ông cùng các đồng đội của mình đi thu nhặt tử sĩ. Quân số thiệt hại gần hai phần ba. Những người lính còn lại dù bị thương cũng phải cố gắng đến tàn lực nhanh chóng đào hố chôn người. Cậu Tạo tiểu đội trưởng nuôi quân hi sinh ngay trong chiếc võng của mình. Ông tự tay khâm liệm cho cậu ấy.

Lúc giở người cậu ấy lên thay chiếc áo đẫm máu bằng chiếc áo còn lành lặn lấy trong ba lô, ông chợt trông thấy một viên đá nhỏ như trứng thạch sùng lờ nhờ phát sáng rơi ra từ nếp gấp chiếc túi cóc bên cạnh ba lô. Chẳng biết là vật gì. Nó không được bàn tay con người làm ra. Ông cẩn thận nhặt nó bỏ vào chiếc lọ penecilline cùng với tờ giấy vo tròn ghi rõ họ tên của người chiến sĩ thân cận với ông đã mấy năm trời. Mắt ông nhòe nước. Miệng khấn những lời gan ruột, thôi em nằm lại, mai kia hòa bình dứt khoát anh sẽ cùng đồng đội vào tìm em!

Trên đường chuyển thương ra Bắc, chẳng hiểu sao đêm nào hình ảnh cậu Tạo cũng tìm về trong giấc ngủ của ông. Nụ cười bẽn lẽn như con gái trên gương mặt dày dạn phong trần. Ông mơ thấy cả những cánh đồng lúa bát ngát xanh quê hương cậu ấy. Nơi ông đã có lần đóng quân trước khi vào Nam chiến đấu. Mơ thấy hình ảnh rắn rỏi nhanh nhẹn của cậu ấy chiều chiều xách súng ra bìa rừng bắn những con chim cu xanh mang về cải thiện bữa ăn đạm bạc chiến trường.

Cậu ấy là một thiện xạ. Cứ như tất cả chim trong rừng đều nằm sẵn trong băng đạn AK của cậu ấy rồi. Nhưng không bao giờ cậu ấy bắn quá số lượng cần thiết. Ông thầm hứa với mình, ngày hòa bình thể nào cũng phải vào lại chiến trường đưa cậu ấy về quê. Cũng dễ thôi mà. Dù cho mảnh giấy ghi tên tuổi cậu ấy đựng trong lọ penecilline có mục nát thì vẫn còn viên đá lạ. Ông phán đoán nó chính là viên ngọc con rết khổng lồ ngậm trong miệng mà ông đã toan xua đuổi trước lúc trận bom thù tàn khốc ập xuống.

Nhưng vết thương quá nặng khiến ông không còn đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Cấp trên điều ông ra làm lãnh đạo một công ty lớn của nhà nước. Công việc mới bộn bề trên đất nước nghèo nàn sau chiến tranh. Ông dốc toàn bộ tâm trí và sức lực cho nó. Không thừa ra một phút nào cho đến tận ngày nhận quyết định về hưu. Thấm thoắt hai mươi mấy năm trôi qua.

Nghỉ ngơi chừng một tháng, ông lần tìm trong chiếc ba lô kỉ niệm chiến trường những cuốn sổ ghi chép. Đồng đội ông ở đấy. Người còn người mất. Những kí ức chiến tranh khốc liệt ùa về. Ông quyết định đi tìm gặp những đồng đội cũ còn sống sót tổ chức lại thành một đoàn đi vào chiến trường xưa tìm hài cốt liệt sĩ. Gần mười người các ông lên một chiếc xe ca ông tự bỏ tiền ra thuê. Con đường vào đến vùng chiến sự miền Trung ngày xưa các ông phải đi mất hàng tháng trời bây giờ chỉ cần hơn hai ngày là tới huyện lị. Từ đó đoàn người đi bộ theo trí nhớ vào rừng sâu.

Lại ba lô, tăng võng và chiếc xẻng cán ngắn thay cho khẩu súng AK ngày nào. Hơn hai mươi năm rừng mưa nhiệt đới đã xóa đi gần hết các dấu vết. Trí nhớ của những người già cũng không giúp ích được gì nhiều. Gần một ngày vạch lá tìm đường trong rừng, họ gần như thất vọng. Phải quay về huyện đội ngủ. Sáng hôm sau nhờ một cán bộ huyện đội đưa vào. Mất thêm hai ngày nữa mới tìm thấy khoảnh rừng xưa nơi các đồng đội an nghỉ. Họ hạ trại căng lều hăm hở bước vào cuộc tìm kiếm.

Một cuộc đào xới bắt đầu từ kí ức. Những tảng đá đánh dấu mộ phần đã chìm hết xuống đất. Họ tìm ra những cây lớn trong rừng ngày xưa làm mốc và đào theo tọa độ ông ghi chép lại được. Những hài cốt dần dần lộ ra chỉ còn vài vụn xương và vải võng đã mục. Nhiều ngôi mộ chỉ còn vết tích là vài xẻng đất mùn đen xốp.

Họ bốc lên những nắm đất tượng trưng ấy gói ghém cẩn thận. Suốt hơn nửa tháng trời trong rừng, những người ốm yếu trong đoàn cũng dần kiệt sức phải quay về. Chỉ còn lại ba người các ông và mấy cán bộ huyện đội tăng cường. Ông cũng thấm mệt nhưng chưa thể quay về. Còn cậu Tạo nằm đâu đó trong tọa độ các ông đã đào mà chưa thể tìm thấy.

Một đêm sáng trăng, ông ngồi ngoài cửa lán châm thuốc hút. Chợt nhìn thấy cách không xa chỗ ngồi một đốm sáng lân tinh mờ ảo. Kí ức về viên ngọc rết trong ông bừng thức dậy. Ông lững thững đi về phía đốm sáng mập mờ dưới đám lá khô nháo nhào qua mấy chục ngày đào bới. Thận trọng, ông ngồi xuống quan sát như sợ nó biến mất. Thận trọng, ông bẻ một cành cây có lá đánh dấu vào chỗ vừa nhìn thấy. Quay vào lán suốt đêm thao thức.

Mờ sáng, ông đánh thức cả đội dậy. Không kịp đánh răng rửa mặt, mọi người giúp ông mang cuốc xẻng ra chỗ ông đánh dấu đêm qua hì hụi đào. Thực ra thì vị trí ấy các ông đã đào dọc ngang khắp cả nhưng thật lạ lùng là còn sót lại một mô đất nhỏ đúng vào chỗ cành cây ông cắm đêm qua. Đào xuống sâu hơn nửa mét, một người reo lên kinh ngạc, thấy rồi các ông ơi, chiếc tăng ni lông xanh đây này! Ông lập cập rút thẻ hương ra đốt cắm xuống hố đào. Mọi người trang nghiêm ngả mũ cúi đầu trước hố huyệt một lúc lâu. Khói hương nhòe trong nước mắt.

Hương gần tàn, họ cẩn thận bóc từng lớp đất bám bên ngoài tấm vải bọc còn chưa mục hết. Bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn được xếp ngay ngắn thứ tự lên tấm ni lông trải trên miệng hố. Chiếc lọ penecilline được chính tay ông tìm thấy và mở ra. Nút cao su lão hóa đen sì bở tơi như đất rơi cả vào trong lọ. Tờ giấy cuộn tròn còn nguyên vẹn.

Mắt ông nhòe đi khi đọc lại dòng chữ chính tay mình viết hơn ba mươi năm trước, “Trung sĩ Phạm Văn Tạo, chức vụ tiểu đội trưởng, quê quán thôn ĐS, xã QT, huyện KX tỉnh TB. Hy sinh ngày 24-8-196…”. Ông cố gắng tìm trong vụn đất đổ ra từ chiếc lọ bé xíu viên ngọc ngày nào. Nhưng lần lượt những vụn đất tan ra thành bụi trong bàn tay ông. Viên ngọc đã không còn ở đấy.

***

Không biết lời khấn của bà nội đêm hôm ấy có linh nghiệm? Và cũng không biết trên quãng đường còn lại cụ đã khấn khứa cầu xin những gì? Đứa trẻ tò mò là tôi lúc ấy đã cố gặng hỏi. Cụ gắt, đừng có tọc mạch chuyện thiên cơ!

Bà nội gói viên ngọc rết trong miếng vải nhung đen nhỏ bằng lòng bàn tay. Cụ cất kĩ trong một hộp gỗ nặng trịch có chiếc chìa khóa ống bằng đồng mòn nhẵn bởi lúc nào cụ cũng đeo bên mình. Viên ngọc rết tuyệt nhiên không cho ai xem cho đến tận ngày cụ mất. Tôi được vinh dự là cháu nội đích tôn mở chiếc hộp ấy sau ngày đưa tang cụ.

Trong hộp chẳng có gì ngoài mấy tờ giấy người ta ghi nợ thời kháng chiến chống Pháp mà tôi tin chắc rằng cụ cũng không thể đọc được. Và dĩ nhiên là người ta chưa trả nợ cho cụ. Vật duy nhất trong hộp là gói vải nhung bọc viên ngọc rết như lời cụ kể. Tôi run run mở nó ra trước mặt mọi người trong nhà. Đó là một gói vải nhung trống không. Chẳng mảy may có dấu vết nào gợi lên suy nghĩ về một viên ngọc đã nằm ở đấy gần nửa thế kỉ.

Nàng bảo, con gái em bây giờ đọc truyện “Bảy viên ngọc rồng” của Toriyama Akira nói về cậu bé Sôn Gôku cùng các bạn của mình chiến đấu chống lại những kẻ hung ác muốn làm bá chủ thế giới, chuyện viên ngọc rết của ông ngoại em có kể cho nó nhưng nó bảo đó là chuyện bịa, quyển sách nó cầm trên tay mới là thật, viên ngọc mẹ kể thì chính mẹ cũng chưa từng thấy! Tôi cười phá bảo nàng, con trai tôi đọc truyện “Siêu nhân” của Mĩ, nó cho rằng ngọc ngà châu báu trên đời này nếu muốn chỉ cần làm “Superman” là có tất cả!

Nàng băn khoăn, tù đày bom đạn đã qua lâu rồi, ngọc rết thì đến thế hệ chúng mình cũng chưa ai nhìn thấy! Tôi trầm ngâm, có lẽ ngọc rết chỉ xuất hiện khi đất nước có kẻ thù, chả nên mong nhìn thấy làm gì. Mỗi thế hệ đều có cách tìm ra những biểu tượng cho tình mẫu tử, tình bạn, tình yêu, lòng hận thù? Nàng ngả đầu vào ngực tôi ngước mắt nhìn âu yếm, không có kẻ thù thì em vẫn có ngọc rết trong tay! Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Cánh tay nàng từ từ xiết chặt…

10-2010

 Truyện ngắn của Đỗ Phấn

Dưới một màu sắc có vẻ huyền hoặc, những câu chuyện lịch sử, một thứ lịch sử gia đình, lịch sử cá nhân – cái hiện vẫn chưa được chú tâm đúng mức – hiện lên với dáng vẻ lung linh. Phải gọi đó là huyền thoại mới.

Ngọc rết ảnh 2

Nhưng cũng phải nói thêm, chất huyền thoại này không làm giảm giá trị hiện thực, không hạ thấp lịch sử đáng tự hào của cả một dân tộc. Một dân tộc có tên Việt Nam.

Đỗ Phấn thành danh hoạ sĩ, và gần đây được biết đến như một nhà văn đương đại. Văn của anh ngồn ngộn cuộc sống hậu chiến. Ngọc rết có thể làm người đọc ngạc nhiên với Đỗ Phấn, khi anh bày ra sự quan tâm với những vấn đề lớn lao, bằng cách riêng của mình.

 

L.A.H

Theo Báo giấy

Rate this post

Viết một bình luận