Khác với những cuốn sách khác viết cho tuổi trẻ với ước mơ, hoài bão, tràn đầy lý tưởng và niềm tin vào tương lai, Trời hôm ấy không có gì đặc biệt của Phan An là một bức tranh biếm họa méo mó, xô lệch quãng đời của những chàng sinh viên giữa bối cảnh nền giáo dục lỗi thời trong thời kỳ đổi mới.
Với nhiều chi tiết phóng đại pha hài hước, những câu chuyện kì khôi hiện ra bình dị pha chút thô tục, khắc họa ấn tượng những mảnh đời “khốn khổ”. Nào là trẻ em lêu lổng, hư hỏng sớm vì thiếu dạy dỗ, hay dạy dỗ thì cũng dập khuôn áp đặt, nào là hối lộ trong giáo dục bằng tiền, hay bằng tình, hay bất cứ thứ gì người ta nghĩ ra được, rồi thì bổ nhiệm cán bộ, đấu thầu công trình trong trường học “theo quy trình”, hoặc đơn giản như là đuổi học nhầm vì giáo viên không biết gõ Vietkey, … Xen giữa những câu chuyện dở khóc dở cười trên là một vài khoảng lặng miên man suy ngẫm rất đời, vừa chua vừa xót.
Tuy vậy không phải tất cả đều tối tăm, lẩn khuất đâu đó trong mớ lộn xộn ấy vẫn có những ánh le lói của tinh thần trọng sáng tạo, hướng về phát triển đất nước. Nhân vật người thầy Đặng Mẫn tài ba cỡ quốc tế, luôn trân trọng đổi mới trong học tập, nhưng chết yểu, không thể bảo vệ bài vẽ xuất sắc của nv chính trước những giáo viên cổ lỗ, bảo thủ, để rồi anh ta bị đẩy đến đường bỏ học. Rõ ràng đó là một sự bế tắc, nhưng trong sự bế tắc ấy chính Phan An đã vẽ ra một lối đi khả dĩ, đó là đổi mới và sáng tạo.
Cá nhân tôi thấy nền giáo dục hiện thời có nhiều đổi mới, xong lỗ hổng vẫn còn không ít, giá trị của cuốn sách còn rất hợp thời đại.
Lối hành văn, ngôn ngữ bình dị, thậm chí khá thô kệch, cũng như bản thân câu chuyện của nv chính làm ta liên tưởng đến Bắt trẻ đồng xanh – J.D.Sanlinger, nhưng những chuyện đã được lại gần gũi và có lẽ vì thế, khơi gợi trong độc giả nhiều suy ngẫm hơn, giống như ta đang ngồi với Phan An bên ly cà phê nhạt vậy.
Nguồn FB: Phong Bùi Minh