Tình yêu thầm lặng dành cho ai đó dường như bao giờ cũng là một khoảng ký ức buồn mà lại rất đẹp trong thanh xuân của chúng ta. Yêu thầm cũng là yêu, nhưng chẳng giống tình yêu thông thường. Nếu lỡ “thầm thương trộm nhớ” một ai rồi, liệu bạn có nên giữ nó mãi trong lòng mình?
1. Yêu thầm là gì?
1.1. Yêu thầm cũng được xem là một loại tình yêu
Nó cũng là một loại cảm xúc đặc biệt xuất phát từ trái tim con người. Thế nhưng, khác nhau ở chỗ, tình yêu theo lẽ thường là tình cảm xuất phát từ hai phía, còn tình yêu thầm thường là tình đơn phương, khi nó chỉ xuất phát từ một phía. Câu chuyện yêu thầm giữa hai người chả có mấy khi vui, vì một người không biết, một người không dám nói.
1.2. Yêu thầm thì thời nào cũng có
Dù khác nhau về thời gian hay không gian, những câu chuyện về thứ tình cảm này dường như bao giờ cũng có một điểm chung. Khi nhận ra bản thân chợt buồn vì một sự hời hợt của người ta, hoặc cứ vui cả ngày chỉ vì người ta nhìn mình cười một cái, thì hẳn bạn đã yêu thầm người ta mất rồi. Những cảm xúc ấy dù vui hay buồn, dù đẹp hay không, cũng chỉ một mình bạn biết.
1.3. Ai khi yêu thầm cũng luôn mong mình được người ta đáp lại
Nhưng rõ ràng đây chính là một nghịch lý. Vì khái niệm này bản thân nó đã tượng trưng cho sự “thầm thương trộm nhớ”, bản thân không dám nói cho người ta biết, chỉ đợi người ta tự nhận ra thì đợi đến bao giờ. Nhất là mấy cô gái mới lớn, cứ trông chờ sự tinh tế từ những chàng trai cô thầm thương, nhưng tụi trai mới lớn thì ai cũng hiểu rồi đó, làm gì có sự tinh tế mà mấy cô cần!
Trong một trăm trường hợp yêu thầm, thì chắc được một hay hai trường hợp được người ta đáp lại. Còn lại thì toàn những chuyện buồn chả thèm nói, nên cứ nghe tới hai con chữ này, bất kỳ ai cũng đã hình dung ra một cái kết thúc buồn cho chính nó. Nhưng mà dù sao đi nữa, yêu thầm vẫn là những cảm xúc rất đặc biệt, chỉ ai trải qua rồi mới hiểu, đôi khi nó chính là một sự cho đi mà không cần nhận lại.
2. Yêu thầm ngày xưa và ngày nay
2.1. Ngày xưa
Yêu thầm thì thời nào cũng có. Ngày xưa các cụ yêu thầm chỉ dám đứng từ xa xa nhìn người ta, viết thư tay nhét trong ngăn bàn. Còn giới trẻ “thời @” yêu thầm nhau thì không viết thư nữa, đôi khi liếc nhìn người ta, thêm cái hay stalk (theo dõi) người ta trên mạng xã hội, rồi thỉnh thoảng lại post status (đăng tải trạng thái) nhắc bóng gió về người ta.
Nhưng mà thời nào thì cũng vậy, không ai muốn mình phải yêu thầm một người, nhưng mà chữ “thầm” đó không chỉ diễn tả cách tình yêu được cho đi, mà nó cũng diễn tả cách tình yêu đến. Thứ tình cảm này thường xảy ra rất tự nhiên, lúc nhận ra mình thương người ta thì đã “lún” quá sâu trong nó rồi.
Tại sao người ta cứ hay yêu thầm? Một lời tỏ tình liệu có khó nói ra đến vậy? Những ai có thắc mắc tương tự thế này hẳn là chưa bao giờ yêu thầm một ai. Một người yêu một người khi họ nhận ra ở người đó có những điều mà mình tìm kiếm, họ khiến mình hạnh phúc, cho mình cảm giác thoải mái không lo nghĩ khi ở gần. Nhưng cảm xúc này sẽ trở nên “thầm lặng” khi họ sợ rằng người tuyệt vời như thế, hẳn sẽ “không đến lượt mình”.
2.2. Yêu thầm có làm chúng ta tự ti
Có nhiều nguyên nhân khiến một người yêu thầm người khác, thế nhưng thường thấy nhất chính là cảm giác tự ti xuất phát từ bản thân. Người yêu thầm luôn thấy bản thân mình chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi thì lấy cơ sở gì mang cái tình cảm trong lòng này ra bày tỏ với người ta? Thế nên đành ngậm ngùi giữ nó cho riêng mình, lòng thì lúc nào cũng mong người ta tự hiểu.
Ở đa số các trường hợp, người ta yêu thầm mà không dám nói ra, bởi họ vốn dĩ đang có một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với “crush” (danh từ giới trẻ dùng để nhắc đến người mình thầm thương trộm nhớ. Ít ai lại dám một pha đánh liều “được ăn cả, ngã về không” lắm, bởi lỡ mà tỏ tình không thành công thì lại “mất cả chì lẫn chài”, người yêu không có mà mối quan hệ tốt đẹp kia cũng đi tong.
Sự lo sợ này lớn đến nỗi họ cứ mãi giữ những cảm xúc này trong lòng, mặc cho nó dày vò bản thân. Chỉ một “nhất cử nhất động” từ người kia cũng đủ khiến cuộc sống của họ “nở hoa” hoặc “bế tắc”. Nhất là những bạn nào hay nhắn tin với “crush” trên mạng xã hội. Nhắn tin mà đợi hẳn hai ngày không thấy người ta trả lời, là hai ngày đó giống như đang sống trong “địa ngục trần gian”, nhưng chỉ cần một tiếng “ting” báo tin nhắn từ “crush”, là họ lại tươi cười như “được mùa”!
Xem thêm: Stt yêu đơn phương thả thính, “nói ít hiểu nhiều”
3.3 Hãy chuẩn bị cho một cái kết
Những ai yêu thầm thường luôn chuẩn bị tâm lý cho một cái kết không vui. Đó là nhìn người mình yêu “tay trong tay” với người khác. Không ít trường hợp phải dở khóc dở cười khi nghe người kia nói rằng “Tớ lúc trước cũng thích cậu, nhưng nghĩ cậu không thích tớ, nên tớ thích người khác”. Thế là các “chiến binh” thầm lặng của chúng ta đây được một phen tức “lộn gan lộn ruột”. Nhưng sau đó họ lại tiếp tục yêu thầm một người khác thôi.
Yêu thầm về bản chất nó không gây hại, nhưng nếu cứ ở trong nó lâu dài, con người ta thường bị nó khiến cho trở nên thu mình và tự ti. Khi thói quen này được thành hình, nó sẽ khiến họ lúc nào cũng tự đánh giá thấp bạn thân, cảm thấy mình không xứng đáng với những người nổi bật, từ đó khiến họ ngại phải bắt đầu câu chuyện tình cảm của bản thân.
3. Thoát khỏi trạng thái yêu thầm
3.1 Thế thì có nên yêu thầm hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không rồi nhé! Giới trẻ thời nay hay truyền miệng nhau một câu nói rất phổ biến đó là “Yêu là phải nói – Như đói là phải ăn!” để cổ vũ tinh thần cho các bạn sống thật với cảm xúc của bản thân mình. Tình yêu là thứ cảm xúc đẹp đẽ chứ có xấu xa gì đâu, tại sao yêu một người mà lại giấu diếm không nói cho họ biết?
Nếu bạn nghĩ rằng bạn chưa đủ tốt để tỏ tình với người ta, thì bạn cũng nên tự hỏi rằng liệu khi bạn nghĩ mình đã đủ tốt rồi, họ có còn ở đó hay không? Thêm một điều nữa, ai đã nói hay chứng minh với bạn rằng bạn chưa đủ tốt, hay chỉ là do sự tự ti của bạn tự “thôi miên” bạn về điều đó? Bạn có chắc rằng mình đã khám phá hết được bản thân để khẳng định được bạn không đủ tốt không?
Lại nói thêm, hẳn là bạn cũng mệt mỏi với tình yêu thầm lặng mà mình đang mang trong đầu nhỉ? Thế thì xử lý nó ngay thôi! Việc duy nhất là tốt nhất bạn có thể làm, đó chính là mang nó ra mà bày tỏ với người bạn yêu. Nếu thành công, bạn có người yêu và chẳng phải suốt ngày bị mối tình đơn phương trong đầu mình dằn vặt nữa. Còn nếu không thành, thì cũng y hệt thế thôi! Bạn có chịu đựng nó bao lâu đi chăng nữa, thì nó cũng không mang lại cho bạn sức mạnh để biến người ta thành “của bạn” đâu.
3.2 Yêu thầm có làm mất một người bạn
Vì sao bạn thường sợ rằng mình sẽ mất đi người bạn yêu thầm trong mối quan hệ hiện tại? Có phải vì bạn mong muốn rằng một ngày nào đó họ sẽ trở thành người sẽ cùng bạn “tay trong tay”? Đấy, điều bạn muốn là người đó trở thành người bạn yêu, chứ bạn không hề cần một người bạn. Bạn nên xác định rõ mình cần gì, và bạn muốn người đó đóng vai trò gì trong cuộc đời bạn. Có thế thì bạn mới thôi “tự hù dọa” bản thân về cái sự mất mát mà bạn có thể gánh chịu khi thổ lộ tình cảm này.
Người ta thường tiếc nuối về điều mình không làm, chứ ít ai tiếc nuối vì việc mình đã làm. Yêu thầm giống như thể “chưa ra trận mà đã đầu hàng”, thế thì làm sao được? Việc bạn có tỏ tình thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, biết đâu bản thân bạn không nhìn ra được điểm tốt của mình, nhưng người kia lại có thể nhìn ra được thì sao?
3.3 Tặng hoa cho người bạn thích, thay lời bày tỏ
Nếu bạn đang muốn bày tỏ cảm xúc của bản thân đến người mình yêu thầm mà lại không dám nói, thì thôi cứ mua hoa mà tặng cho người ta. “Chiêu” này hợp nhất đối với mấy anh con trai mà “nhát như thỏ đế”, thích con gái người ta mà không dám nhận. Tặng hoa không phải để gây ấn tượng với người ta gì đâu nhé, mà là thông qua những bông hoa, một người có thể thổ lộ cảm xúc của mình đối với một người.
Nếu bạn yêu một người và người đó cũng yêu bạn, hãy tặng hoa hồng. Thế nhưng nếu bạn yêu thầm một người và người ta không biết, thì hãy tặng hoa cúc họa mi. Bởi vì cúc họa mi vốn nổi tiếng là loài hoa tượng trưng cho tình yêu thầm lặng. Nếu bạn là một chàng trai và tặng cho người mình yêu một đóa hoa này, với sự tinh tế của mình, cô ấy sẽ nhận ra ngay những điều mà bạn muốn thổ lộ.
3.4 Nghe những bài hát dành cho mình
Nếu bạn vẫn chưa đủ can đảm để bày tỏ tình cảm của bản thân, thì hãy nghe những bài hát viết cho những kẻ yêu thầm. Chắc hẳn bạn cũng đã nghe không ít đúng không, và bạn nhận ra điều gì chưa? Chưa bao giờ trong một ca khúc yêu thầm nào mà không có cái kết buồn cho nhân vật chính cả! Nếu họ nói ra biết đâu lại có một cái kết đẹp. Khi bạn quyết định thổ lộ, có thể bạn sẽ thất bại, nhưng nếu bạn không thổ lộ, thì chắc chắn là bạn đã thất bại rồi!
Nói cho cùng, việc yêu thầm dù là cảm xúc đẹp đến mấy thì cũng không đáng có. Vì nó dường như không mang đến cho bạn bất kỳ một lợi ích nào cả, mà ngược lại còn khiến chúng ta bận lòng nhiều hơn về một mối quan hệ như có như không. Nên nhớ rằng một tình yêu thầm lặng không bao giờ có thể biến người bạn thích thành người yêu của bạn được, chỉ có tình yêu được thổ lộ thì mới có khả năng này thôi.
2. Lời kết
Nếu bạn đang yêu thầm một ai, đừng quá lo lắng bởi cuối cùng bạn cũng sẽ vượt qua được nó. Nhưng vượt qua được sớm hay muộn, thành công hay không là do bạn chọn lựa. Đừng để nỗi lo sợ làm vướng chân bạn, hãy dũng cảm tiến về phía trước bạn nhé. Chúc bạn sáng suốt với lựa chọn của mình và nhanh chóng biến “crush” thành người yêu!
Xem thêm: