Bánh đa cua Hải Phòng – Đặc sản làm bao khách du lịch phải mê đắm

Nhắc đến thành phố cảng Hải Phòng, chúng ta không thể nào không nhắc đến những món ăn vừa dân dã, thơm ngon lại cực kì rẻ. Một trong những món ăn đầu tiên khi nhắc tới Hải Phòng đó chính là món bánh đa cua. Đây được coi là một trong những đặc sản không thể nào bỏ qua khi ghé thăm thành phố này. Không chỉ là một món ăn ngon, bánh đa cua còn đại diện cho con người Hải Phòng với vẻ đẹp bình dị, dân dã. Bài viết dưới đây hôm nay sẽ mời bạn cùng chúng tôi khám phá về món ăn đặc trưng này của thành phố hoa phượng đỏ.

Món ăn dân dã của người dân đất Cảng

Bánh đa cua Hải Phòng từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa của đất Cảng. Nhắc đến ẩm thực Hải Phòng, người ta sẽ nhắc ngay tới món ăn này. Ẩn trong hương vị của thức đặc sản ấy chính là tấm chân tình của người Hải Phòng.

Từ sự kết tinh văn hóa của người dân miền biển với truyền thống ẩm thực vùng đất đầu sóng ngọn gió, bánh đa cua Hải Phòng nhanh chóng chiếm được cảm tình của các thực khách trong và ngoài nước.

ẩm thực Hải Phòng

Đặc biệt nó còn vượt qua hàng trăm món ăn khác và lọt vào top 15 món ăn đại diện cho nền ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng. Kết quả này chính là sự khẳng định nét riêng của văn hóa ẩm thực đất Cảng. Ẩn trong mỗi bát bánh đa cua, như tình cảm của người đất Cảng luôn mở rộng vòng tay đón du khách khắp nơi về với thành phố này.

Khi nhắc đến cụm từ “bánh đa cua Hải Phòng”, những ai đã từng thưởng thức đều phải gật gù công nhận, món ăn này quả thật rất ngon. Họ còn nói rằng ăn bánh đa cua là cảm nhận cái “sắc” và “vị” của món ăn.

Màu nâu của bánh đa hòa trong màu vàng sóng sánh của nước dùng lẫn gạch cua. Thêm với đó là những viên chả màu vàng nhạt, màu đỏ của thịt tôm hòa cùng màu xanh mướt của rau muống, rau nhút… Tất cả tổng hòa vào nhau làm cho thực khách chỉ mới nhìn thôi cũng đã thấy thèm.

Nguồn gốc bánh đa cua Hải Phòng

Ngày nay, người dân tại làng Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng vẫn lưu giữ truyền thuyến về nguồn gốc của món đa cua.

Theo đó, trong làng Lạng Côn, ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý – Trần có thờ hai vị thành hoàng làng là Chu Xích Công và Trần Quốc Thi. Truyền thuyết kể lại rằng hai vị thành hoàng làng này gắn liền với sự ra đời của bánh đa nhúng (tiền thân của bánh đa cua) và bánh đa nướng ngày nay.

Vào thế kỷ 10, ông Chu Xích Công là người Hoa đến mở trường học tại làng Lạng Côn. Sau này, ông được vua Lê Hoàn tiến cử vào triều làm tướng. Khi cuộc chiến tranh giữa Đại Việt – Chiêm Thành (nước Chăm-Pa cổ, sau này sát nhật vào Đại Việt) diễn ra, ông đã theo nhà vua đi đánh giặc. Vì thời gian chinh chiến lâu dài nên ông đã chế tạo ra một loại lương khô đặc biệt với nguyên liệu chính từ gạo gọi là bánh đa.

Bánh đa chỉ cần nhúng vào nước sôi, thêm một chút muối là có thể ăn được. Hơn nữa lại bảo quản được rất lâu. Đến khi thắng trận trở về, ông đã đem công thức làm món bánh đa này dạy cho dân làng. Cho nên, khi ông mất, dân làng đã tôn làm thành hoàng làng và lập miếu thờ.

Trải qua ngàn năm phát triển, món bánh đa dân dã ngày càng được ưa chuộng. Món ăn được chế biến cùng nước canh cua thay vì nước sôi đơn giản như ngày trước. Bánh đa cua có thể ăn kèm với các loại rau, hành phi ăn rất ngon miệng.

Một bát bánh đa cua có gì?

Phần bánh đa đỏ

Điều tạo nên sự hấp dẫn cho món bánh đa cua đầu tiên phải kể đến là phần bánh đa. Bánh đa trong bát bánh đa cua Hải Phòng phải là loại bánh đa đỏ đặc trưng.

Bánh đa đỏ

Thành phần bánh đa đỏ Hải Phòng chủ yếu là gạo trắng, đường phèn, bột gấc. So với thủa ban đầu, bánh đa đỏ đã được cải biên đi rất nhiều. Việc làm cho sợi bánh đa màu đỏ với mục đích tạo hương vị và làm cho bát bánh đa trở nên bắt mắt hơn. Và khi đó, bạn sẽ thấy thú vị hơn khi thưởng thức.

Bánh phải được làm từ gạo ngon, ngâm nước vài tiếng rồi cho vào cối xay nhuyễn. Cho nước vừa đủ để bột sánh mịn, dẻo mềm. Xay xong hòa thêm bột quả gấc chín, giản tiện hơn là chút kẹo đường phèn. Hay cầu kỳ nữa là một thứ mật thơm bí truyền để bột có màu nâu sậm.

Để sợi bánh được dẻo, không bị nhão, bánh đa đỏ Hải Phòng cần được phơi cả nắng và sương. Người ta quen miệng gọi là bánh đa đỏ nhưng thực tế, màu của bánh đa là màu nâu sậm. Độ đậm nhạt của màu sắc tuỳ thuộc vào lượng bột gấc pha chế..

Rồi qua đôi bàn tay điêu luyện của người thợ miết mỏng, hấp chín, sắp bày kín phên tre nứa đem hong nắng, tráng sương thì mới có thể đem đến loại bánh đa đỏ đặc trưng vùng quê biển.

Đặc biệt, chỉ có ở Hải Phòng, người ta mới được thưởng thức bát bánh đa tươi. Thứ bánh đa khi thả vào canh cua phải mềm mịn mà dẻo dai, không bở bục hay trương nhũn. Còn thứ bánh đa đã xuất đi các xứ khác là bánh đa khô. Dù bảo quản được dài lâu hơn nhưng đã ít nhiều mất đi cái vị mặn mòi của biển cả.

Phần nhân

Không chỉ có bánh đa, phần nhân của món ăn cũng là yếu tố góp phần tạo nên hương vị thơm ngon cho món ăn. Trước đây bánh đa cua chủ yếu được làm từ những nguyên liệu bình dị như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút… Sau này, người ta mới bổ sung các loại hải sản như bề bề, tôm, ghẹ, chả, nem rán.. để thêm nhiều lựa chọn cho thực khách.

Một bát bánh đa cua Hải Phòng bưng tới phục vụ thực khách phải có đủ các sắc màu bắt mắt xanh, đỏ, vàng, trắng… Những sợi bánh đa to bản màu đỏ đất ngập trong nước cua sánh vàng. Gạch cua được phu với hành củ thơm lừng, béo ngậy lóng lánh bên trên.

nhân bánh đa

Cùng với đó là màu đen sậm của miếng chả lá lốt, màu vàng nhạt của viên chả thịt, màu xanh mượt mà của rau muống chần giòn và dăm dọc hành lá vừa trắng vừa xanh tỉa khéo khiến thực khách chỉ nhìn đã thấy bụng sôi ầm ầm.

Thêm chút đỏ của ớt tươi cắt lát hay chút tương ớt nấu theo kiểu Hải Phòng nữa là trọn vẹn bát bánh đa như bức tranh ẩm thực đa sắc. Người ta thường nói, món ăn thành công phải hội tụ cả 2 yếu tố “ngon mắt” và “ngon miệng”. Bánh đa cua Hải Phòng kết hợp được cả 2 yếu tố đó. Khi nhìn thấy bát bánh đa cua lần đầu, thực khách dù chưa thưởng thức bao giờ cũng khó có thể bỏ qua.

Phần nước dùng

Nồi riêu cua ngon sẽ có gạch cua to đẹp, nước dùng vàng óng, thơm lừng. Nước dùng được nấu từ cua đồng vừa đậm đà, bổ dưỡng lại giúp lưu giữ, lan tỏa hương vị đặc trưng của món bánh đa cua. Phần gạch trong mai cua thường được khều và phi hành đảo đều tạo nên màu vàng hấp dẫn.

Việc chọn và sơ chế cua để có nồi nước dùng ngon cũng cần có bí quyết. Cua phải chọn những con to, chắc, vàng óng và còn khỏe. Sau đó làm sạch, bóc bỏ mai và yếm. Để được gạch, sau khi ướp muối chừng 10 phút, sẽ cho vào cối giã tay bằng chày gỗ. Mặc dù giã tay hơi kỳ kịch, tốn công nhưng gạch cua lên đều, đẹp và không bị nát.

Bánh đa cua Hải Phòng có mấy loại?

Bánh đa cua ở Hải Phòng có hai loại là bánh đa cua bể và bánh đa cua đồng. Bánh đa cua bể có phần sang trọng hơn. Ngoài gạch cua, trong bát còn có thêm phần thịt cua bể trắng phau, xào quyện hành khô thơm phức. Nước dùng được chế từ cua bể ninh, cùng xương heo hầm kĩ nên ngọt ngào, đậm đà vô cùng.

Nhưng bánh đa cua đồng có vẻ được ưa chuộng hơn bởi nó phong phú hơn hẳn về nguyên liệu. Ngoài từng miếng gạch cua hồng xốp, bát bánh đa còn là sự tổng hòa các loại chả cá, chả tròn, chả lá lốt, tôm bỏ vỏ rang săn, thịt thăn lợn trần ăn kèm với rau muống chẻ, rau nhút, rau cần… khiến tô bánh đa trở nên vô cùng hấp dẫn.

Thoạt nhìn, bát bánh đa cua Hải Phòng có vẻ khá giống với bún riêu cua. Thế nhưng khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt rất đặc trưng của món ăn. Nước dùng của bánh đa cua có màu hơi đục. Khi ăn có vị ngọt thanh và đậm mùi thơm của cua đồng. Mỗi lần múc bát nước là mùi thơm bay khắp phòng.

Bánh đa cua Hải Phòng

Giá một bát bánh đa cua Hải Phòng khoảng từ 20.000 đồng trở lên. So nhiều món khác, giá bánh đa cua có phần nhỉnh hơn một chút. Nhưng có lẽ vì sự đặc biệt trong món ăn với phần nhân hải sản đa dạng nên bánh đa cua vẫn luôn quyến rũ bao tín đồ ẩm thực, không chỉ ở Hải Phòng mà khắp mọi miền đất nước.

Một số địa chỉ bánh đa cua ngon tại Hải Phòng

Ghé thăm Hải Phòng, bạn có thể thưởng thức bánh đa cua tại một số địa chỉ nổi tiếng như:

  • Bánh đa cua Bà Cụ tại số 179 phố Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Giá: 40.000đ – 60.000đ.
  • Bánh đa cua Cô Yến, Số 2B Phạm Ngũ Lão, Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Giá: từ 30.000đ
  • Bánh đa cua Hải Phòng Lạch Tray, Số 48 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Giá: 20.000đ – 30.000đ
  • Bánh đa cua Da Liễu Trần Phú, Số 140 Trần Phú,  quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Giá: 20.000đ – 35.000đ

Bánh đa cua không chỉ là món ăn mà còn là một bức tranh đa sắc. Ẩn chứa trong ấy là sự mộc mạc, chân thành khó quên của tình người Hải Phòng. Thưởng thức bánh đa cua, người ta thấy cả sự ngọt ngào lẫn mạnh mẽ, mềm mại mà không thiếu phần cứng rắn, quyết liệt. Đó cũng chính là nét cá tính nổi bật của người dân đất Cảng. Nếu có dịp du lịch Hải Phòng bạn nhất định không được bỏ lỡ đặc sản hấp dẫn này.

Rate this post

Viết một bình luận