Bốn tư duy sai lệch về bằng đại học

Nhiều bạn trẻ đang có suy nghĩ rằng chỉ cần thạo việc và kiếm tiền ổn là được, bằng đại học có hay không chẳng quan trọng.

Hôm trước tôi có đọc bài viết của một bạn sinh viên học chuyên ngành Marketing, tốt nghiệp loại khá. Tuy nhiên, lúc gần ra trường, bạn nhận ra tấm bằng vô dụng và quyết định không lấy bằng nữa.

Mọi thứ nghe tạm ổn, cho đến khi bạn ấy kết luận: “Người học nghề hoặc vào đời đã có thể thông thạo và kiếm tiền. Còn cử nhân ra trường thì tò tò theo sau” và “mấy năm gần đây, nếu có bạn trẻ nào hỏi tôi về tư vấn thi đại học, tôi thường cố chỉ ra vài con đường khác. Những nơi mà kiến thức và kỹ năng ứng dụng hơn, hiệu quả và tối ưu chi phí hơn”.

Là một cử nhân đại học Luật, đang làm trái ngành (cụ thể là ngành Marketing), cũng tốt nghiệp loại khá, tôi nghĩ có những bạn trẻ đã tư duy sai lệch lại còn muốn kéo theo cả cộng đồng sai lệch giống mình, đặc biệt trong thời điểm các bạn học sinh 2003 sắp thi đại học. Theo tôi, vấn đề này có mấy ý như sau:

Ý nghĩa thật sự của trường đại học

Đại học không phải trường nghề, không cầm tay chỉ việc. Cái đại học mang đến là kỹ năng tư duy, là cách bạn vận dụng và ứng dụng trong những môi trường khác, ngay cả khi công việc bạn chọn không đúng chuyên ngành.

Đại học cho bạn khả năng lựa chọn phương pháp giải quyết một vấn đề nhanh hơn, làm việc nhóm dễ dàng hơn và thậm chí cả việc đối đáp với người khác cũng trôi chảy hơn.

Rất nhiều người nhận ra mình không phù hợp với chuyên ngành học trước khi ra trường và có những hướng đi khác. Nhưng cũng có những bạn đam mê thật sự, không ngừng cày cuốc và trở thành những tên tuổi ra trò trong nghề khi tốt nghiệp.

Khi bạn không thành công trong lĩnh vực học, không có nghĩa người khác cũng vậy. Bạn chỉ nhìn thấy những cử nhân ra trường thất nghiệp mà không thấy những sinh viên xuất sắc start-up từ năm 3, năm 4. Bạn chỉ nhìn xuống, hoặc nhìn ngang, chứ không chịu nhìn lên

Ý nghĩa thật sự của tấm bằng đại học

Tất nhiên, một tấm bằng đại học không chứng minh bạn là người được việc. Nhưng bằng đại học cũng giống như một tấm vé thông hành. Khi bạn đưa nó cho nhà tuyển dụng, họ sẽ đỡ tốn thời gian kiểm chứng về các kỹ năng cơ bản mà một sinh viên tốt nghiệp đại học cần phải có. Còn việc bạn có 10 năm kinh nghiệm, nhưng khi bắt đầu làm ở một công ty mới, bạn vẫn phải học mọi thứ từ đầu, chỉ là sẽ thích nghi với nó nhanh hơn.

Các CEO trẻ không quan tâm đến bằng đại học?

Điều này không đúng. Tôi đang đang giữ chức CBO (Chief Brand Officer), nghĩa là tất cả vấn đề liên quan đến nhân sự, đào tạo, tuyển dụng tôi đều nắm hết.

Tôi không quan tâm nhân viên học trường gì ra, nhưng không có nghĩa là tôi không coi trọng tấm bằng của các bạn khi tuyển vào. Bởi dù bạn học bất cứ trường gì, bạn cũng đã hơn nhiều người khác cùng tuổi nhưng chưa lấy được bằng.

Tôi từng tuyển một nhân viên intern chỉ có bằng cấp 3 nhưng đã có kinh nghiệm một năm trong nghề. Bạn ấy còn rất trẻ. Tôi cho rằng đào tạo một người đã biết việc chắc sẽ nhanh thôi.

Nhưng sự thật là gì? Việc thiếu kỹ năng mềm như cách ứng xử, giao tiếp xã hội, teamwork, thái độ trong công việc khiến bạn ấy cho rằng bạn ấy không được công nhận năng lực là do sếp? Các bạn đã nhận thấy vấn đề lớn ở đây chưa? Đổ lỗi cho cấp trên khi không nhìn nhận vấn đề của bản thân là lỗ hổng lớn mà một người thiếu trải nghiệm sống khó mà sửa được.

Tôi thà đào tạo một người không có kinh nghiệm gì, nhưng bù lại thái độ cầu thị tốt, còn hơn nhận một người tưởng mình giỏi rồi không chịu tiếp thu ý kiến để tốt hơn.

Không có bằng đại học cũng không chết đói?

Tất nhiên rồi, ở thời đại mà xe ôm công nghệ có thể kiếm chục triệu một tháng, hay kinh doanh online lên ngôi ngay cả trong mùa Covid, chỉ những người không chịu lao động hoặc không có khả năng lao động mới khó khăn, chứ chết đói được đâu đơn giản?

Nếu viện vào cớ không cần bằng đại học nhưng vẫn tìm được việc, lương cao hơn bằng đại học chính quy, bạn nên nhìn nhận lại bản thân mình ở đâu. Vì tôi dám cá, với tư duy đó, lương hiện tại của bản có thể là 20 triệu, nhưng 30 năm sau lương của bạn vẫn là 20 triệu. Thế thì không có gì đáng để tự hào.

Không phải tự dưng đại học sinh ra lớp văn bằng 2 dành cho người đã đi làm. Bởi bằng sẽ phát huy tối đa giá trị của nó khi bạn lao vào cuộc chơi thăng tiến, cuộc chơi mà chỉ những người ngồi ở vị trí nhất định mới hiểu được.

Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng sẽ là con đường ngắn nhất giúp bạn tìm ra lối đi phù hợp cho tương lai sau này.

Phương Thảo

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Rate this post

Viết một bình luận