Để làm ra những chiếc bánh cáy ngon, cần có nhiều nguyên liệu như: Gạo nếp cái hoa vàng, vừng, lạc, gấc, quả dành dành, cà rốt, gừng, dừa, mật mía và mỡ lợn. Trước khi làm bánh nửa tháng, người ta phải ngâm những khẩu mỡ lợn trong đường cho ngấm, rồi thái hạt lựu và xào cho đến khi những “hạt” mỡ khô, giòn, trong suốt để có thể bảo quản lâu dài.
Tiếp đó, gạo nếp cái hoa vàng được chia thành 3 phần: Hai phần để nấu xôi, một phần để làm “nẻ” (nổ bỏng). Xôi thổi xong thì được chia đôi, một phần trộn với gấc tạo màu đỏ thắm, một phần trộn với nước quả dành dành cho màu vàng tươi; rồi trộn hai phần đó với nhau, giã nhuyễn, xắt lát như mứt bí và sấy khô. Vừng, lạc được rang thơm và xát vỏ. Tiếp đó, người ta xào cà rốt, vỏ quýt với nước đường và nước gừng ép.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, người làm bánh trộn đều hỗn hợp nói trên với mật mía và sên trên chảo. Đây là khâu quan trọng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật cao, bởi nếu già lửa, bánh sẽ bị rắn, còn nếu lửa non thì bánh sẽ bị ẩm, nát. Khi hỗn hợp bánh bắt đầu dậy mùi thơm, người ta đổ ra một cái khuôn gỗ rộng đã được rải sẵn lớp vừng rang, và ép chặt. Mặt bánh được rắc một lớp vừng và sợi dừa đã bào sẵn.
Khi bánh đã cứng lại và có độ rắn chắc, người làm bánh dùng dao và một cái thước gỗ bản to cắt thành các khoanh bánh đều nhau rồi đóng gói trong túi nilon. Nếu làm theo đúng quy trình và tuân thủ nghiêm các kỹ thuật, không cần phải sấy khô hay phơi nắng mà bánh cáy vẫn có thể bảo quản trong nhiều tháng.
Bánh cáy thường được thưởng thức cùng tách trà nóng ướp hương sen. Thưởng thức một miếng bánh cáy chuẩn hương vị của làng Nguyễn, thực khách cảm nhận được hương thơm của vừng, lạc, vỏ quýt hòa quyện với vị béo ngậy của mỡ, dừa, xôi cùng độ ngọt vừa phải của mật mía, vị cay của gừng… Chính hương vị độc đáo, đặc trưng đó đã làm nên tên tuổi của đặc sản bánh cáy làng Nguyễn và tỉnh Thái Bình suốt nhiều năm qua.