Phương pháp học tiếng Pháp Hiệu quả

Là một người học tiếng Pháp, mình phải thừa nhận rằng, tiếng Pháp thực sự rất khó. Khó không phải chỉ ở kiến thức, mà còn là vì ở Việt Nam, nó không hề phổ biến như tiếng Anh. Tuy nhiên, bạn có biết, tiếng Pháp là một trong năm ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới và là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ hai trên Internet? Tự học tiếng Pháp chưa bao giờ trở nên đơn giản đến vậy. Chỉ cần gõ cụm từ “cách học tiếng Pháp”, “how to learn French” hay “comment apprendre le français”, là bạn có thể tìm thấy vô số kết quả hữu ích. Nhưng làm thế nào để có thể học tiếng Pháp một cách hiệu quả giữa vô vàn tài liệu? Dưới đây là một số phương pháp học có thể không còn mới nhưng vô cùng cần thiết để có thể nắm bắt được ngôn ngữ này!

1. Học phát âm tiếng Pháp

“Ôi, chỉ cần người ta hiểu mình nói gì là được, đâu cần phải nói đúng 100%!”
Đúng vậy, cũng giống như khi một người nước ngoài nói tiếng Việt, dù họ có phát âm không đúng thì bạn vẫn có thể hiểu được những gì họ muốn diễn đạt. Tiếng Pháp cũng vậy. Nhiều bạn vì thế thường bỏ qua việc học phát âm vì cảm thấy “không cần thiết”, “mất thời gian”, cứ “na ná” âm là được mà không nghĩ rằng, phát âm chuẩn là điều cần thiết để cải thiện kỹ năng nghe-nói của mình: Có phát âm chuẩn thì mới nghe đúng, nghe chuẩn từ người ta nói được. 

190918 hoc tieng Phap

1.Học phát âm tiếng Pháp (nguồn: eng.gymnovosti.com)

Vậy học phát âm như thế nào?

Trước hết, hãy tập làm quen với bảng chữ cái tiếng Pháp. Bạn có thể dễ dàng tìm trên mạng các bài viết và vidéo liên quan thông qua từ khóa “alphabet français”. Tốt nhất là sử dụng vidéo với cách phát âm từng chữ cái và từ ví dụ thông qua hình ảnh. Đọc to các từ theo vidéo sau mỗi lần nghe, lặp lại điều này từ 2-3 lần cho mỗi chữ cái. Điều này có vẻ hơi “trẻ con” và nhàm chán một chút nhưng nó sẽ giúp bạn nắm được một số từ và cách phát âm, ghép âm cơ bản của ngôn ngữ.

Sau khi đã nắm tương đối bảng chữ cái tiếng Pháp, hãy tiếp tục nâng cao trình độ phát âm của mình lên một chút bằng bảng đánh vần tiếng Pháp. Một trang web tuyệt vời để học phát âm tiếng Pháp mà bất cứ người học nào cũng nên ghi lại vào sổ tay của mình, đó là trang phonétique.free.fr. Tại đây, các bạn sẽ được làm quen với bảng phiên âm quốc tế, các âm vị tiếng Pháp, hệ thống bài tập được xây dựng bài bản và một số trò chơi thú vị. Đừng ngần ngại đọc to, lặp đi lặp lại nhiều lần các âm tiếng Pháp. Hãy bắt đầu với các chữ cái và các âm vị. Thường xuyên luyện tập kể cả khi bạn đã nói thành thạo tiếng Pháp, điều này vô cùng quan trọng để có thể phát âm chuẩn ngôn ngữ. 

Lựa chọn một đoạn hội thoại để “gắn bó”

Ngoài ra, bạn có thể tìm một đoạn hội thoại đã học, không quá khó với lượng từ vựng vừa phải. Tốt nhất là một đoạn hội thoại có sẵn băng ghi âm. Bạn hoàn toàn có thể tìm chúng trong các giáo trình tiếng cho người nước ngoài như Alter Ego, Archipel hay Le Nouveau Taxi. Bật băng và nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hội thoại. Cố gắng bắt chước cách phát âm và ngữ điệu của người nói. Bắt chước từng câu một và bắt chước cả bài. Lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi bạn thuộc lòng đoạn hội thoại và có thể bật được ngay ý tiếp theo khi băng đang chạy. Thu âm lại những gì mình nói và nghe lại “phiên bản” phát âm của mình để rút kinh nghiệm. Với cách học này, bạn có thể làm quen với ngữ điệu của người nước ngoài và nắm được cách phát âm các từ cơ bản, cũng như cách phát âm “dài hơi” trong một câu. Đảm bảo nhịp điệu của câu và cách ngừng, nghỉ các nhóm từ cũng là điều cần thiết khi học phát âm.

2. Học từ vựng

Đã bao giờ bạn gặp phải trường hợp nghe nhưng không hiểu vì không đủ từ để nói? Hay đọc một tài liệu nhưng mất rất nhiều thời gian? Ngay cả người Pháp hay một người đã học ngôn ngữ này lâu năm cũng phải thường xuyên trau dồi vốn từ vựng của mình. Vậy làm thế nào để có thể học từ vựng một cách hiệu quả? Dưới đây mình xin chia sẻ một số cách học mà bản thân và bạn bè đã sử dụng.

Tự tạo môi trường học từ vựng ngay trong chính căn nhà của mình

Một phương pháp học truyền thống được nhiều người mới học tiếng áp dụng chính là… dán những mẩu giấy note ghi tên gọi bằng tiếng Pháp và cách phát âm của chúng lên các đồ vật tương ứng. Điểm cộng của cách học này là bạn không cần quá chủ động khi học, cũng không cần quá… chăm chỉ. Những gì bạn cần làm chỉ là đi dạo một vòng quanh nhà, có thể là để dọn dẹp hay lấy một cốc nước chẳng hạn. Khi đến gần đồ vật đã “gắn tem”, hãy thử nhớ xem “tên gọi” của nó là gì và đọc to nó lên. Phương pháp học bằng hình ảnh sẽ thú vị hơn rất nhiều so với việc bạn ngồi một chỗ, nhìn một cuốn sách và cố ép mình phải nhớ từng từ trên giấy.

Học theo chủ đề

Hãy bắt đầu phương pháp học này với những từ đã học và một số ít từ mới. Sử dụng biểu đồ, bảng để liên kết các từ, tạo cho chúng những mối “quan hệ” để từ đó lần lượt nhớ được các từ. Các câu hỏi: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, như thế nào, vì sao sẽ giúp các bạn hình dung được thứ tự các từ cần nhớ. Bên cạnh đó, phân loại các từ theo nhóm danh từ, động từ, tính từ, trạng từ cũng là điều cần thiết. Sau đó, hãy thử đặt các câu đơn giản với các từ mới. Sử dụng từ trong một bối cảnh nhất định sẽ khiến bạn tư duy về nó nhiều hơn là để nó im lìm trên trang giấy, từ đó sẽ giúp nó hằn sâu vào trí nhớ tốt hơn.

190918 hoc tieng Phap_02

2.Sơ đồ học tên các loại nhạc cụ trong tiếng Pháp tiếng Pháp (nguồn: fantadys.files.wordpress.com)

Một cuốn sổ từ vựng là điều cần thiết

Hãy chuẩn bị cho mình một cuốn sổ từ vựng ghi lại nghĩa và cách phát âm của chúng để tránh quên những kiến thức vừa thu lượm được. Không chỉ từ vựng, bạn cũng có thể ghi lại những cụm từ và câu mà mình cảm thấy tâm đắc trong quá trình học để có thể đọc lại mỗi khi mở ra. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị một chiếc bút dạ quang cho cuốn sổ từ vựng của mình để đánh dấu những điểm thông tin quan trọng và cần lưu ý. Bút dạ quang sẽ phản chiếu ánh sáng giúp thị giác chú ý tối đa giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.

Ôn lại, và ôn lại

Hãy dành ra một ngày cố định trong tuần để hệ thống lại những từ đã học hoặc 5-10 phút mỗi ngày để ôn lại những từ đã ghi của ngày hôm trước. Điều này rất quan trọng khi học từ vựng bởi vì ngày nào chúng ta cũng học thì khối lượng từ vựng một tuần sẽ khá lớn. Nếu chúng ta không dành thời gian ôn tập thì sẽ dẫn đến tình trạng “học trước quên sau”. 

3. Học nghe tiếng Pháp

Có thể nói, nghe là kỹ năng không hề dễ đối với người học, đặc biệt là với những người mới bắt đầu. Vậy làm thế nào để có thể nghe được tiếng Pháp?

Trước hết, hãy nhớ rằng nghe và nói là hai kỹ năng luôn song hành: Nếu bạn nghe âm chuẩn, bạn sẽ phát âm tốt, tiến bộ nhanh và dĩ nhiên, nếu bạn phát âm tốt, kỹ năng nghe của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Vậy thì, trước tiên, và tiên quyết, hãy bắt đầu học kỹ năng nghe bằng việc luyện nghe các âm tiếng Pháp: Như mình đã đề cập ở mục I, hãy nghe đi nghe lại nhiều lần và cố gắng bắt chước cách phát âm trong băng bằng việc đọc to các âm tiết nghe được. Nghe thì có vẻ hơi nhàm chán nhưng đây lại là một cách cực kỳ hiệu quả giúp các bạn bắt âm chính xác, từ đó có thể phân biệt được các âm và viết đúng chính tả các từ, và hiểu đúng được ý nghĩa diễn đạt trong câu.

Bên cạnh đó, khi mới bắt đầu học nghe tiếng Pháp, hãy chọn cho mình một bài nghe thật đơn giản để nghe đi nghe lại nhiều lần. Không cần quá khó, chỉ cần vừa đủ để bạn có thể hiểu được và quan trọng nhất là nó khiến bạn không cảm thấy quá nhàm chán khi phải nghe đi nghe lại. Một bài hát giúp bạn cảm thấy hứng khởi chẳng hạn? Chọn được rồi, hãy tập ghi nhớ, nhắc lại, và bắt chước những gì được nói trong bài, cho đến khi bạn đã thuộc nằm lòng đoạn băng và có thể chỉ rõ được từng đoạn ngắt, nghỉ của người đọc. Phương pháp này sẽ giúp bạn quen được âm sắc, hiểu được cách ngắt câu, cũng như có được phản xạ ngôn ngữ cần thiết để có thể giao tiếp và tiếp tục nghe ở trình độ cao hơn.

Chọn cho mình một bài nghe phù hợp trình độ

Khi đã nắm được cơ bản các âm tiếng Pháp cũng như có một độ cảm nhận ngôn ngữ nhất định, hãy chọn cho mình các bài nghe phù hợp với trình độ của bản thân. Các sách bài tập, luyện thi với ngân hàng câu hỏi: trắc nghiệm, tự luận, đúng-sai, v.v. và các bài thi chứng chỉ ngôn ngữ có thể là những nguồn tài liệu hiệu quả giúp bạn kiểm tra được khả năng nắm bắt ý của mình. Bạn không cần phải hiểu hết toàn bộ bài nghe nhưng cũng đã có thể trả lời được “kha khá” các câu hỏi nhờ vào khả năng bắt từ khóa của bài.

Tuy nhiên, hãy xác định rõ mục tiêu của mình: học để hiểu và để giao tiếp! Khi nhìn thấy một bài tập trong sách, đừng chỉ dừng lại ở việc trả lời các câu hỏi. Những lượt nghe đó mới chỉ là bước đệm đầu giúp bạn hiểu những gì được nói tới trong bài mà thôi. Muốn tiến bộ, hãy cầm bút lên, tua đi tua lại đoạn băng và… tập chép chính tả! Công việc này có thể kéo dài nhiều giờ, thậm chí vài ngày. Nhưng đừng nản chí. Việc chép chính tả cũng chính là cách để chúng ta học một kiến thức mới và từ vựng mới. Sau khi viết xong bản phiên âm, hãy đọc lại nội dung ghi được và đối chiếu với đáp án trong sách. Kiểm tra những lỗi mắc phải trong bản ghi của mình và cố gắng suy nghĩ vì sao mình lại mắc phải những lỗi sai đó để rút kinh nghiệm: Bạn không nghe được từ này vì lý do gì? Do nối âm? Cách phát âm của bạn chưa tốt? Bạn không biết từ vựng này? v.v. Sau đó, hãy cố phân tích để hiểu nội dung bao quát của bài nghe và đoán nghĩa của những từ mới trong bài khóa. Sử dụng từ điển nếu cần thiết. Hãy nhớ, đừng cố chọn những bài nghe quá khó, không phù hợp với trình độ. Điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy nản chí và không còn hứng thú với việc học nữa.

Một chút thử thách là điều cần thiết

Khi đã cảm thấy rằng trình độ nghe của mình tương đối tốt để có thể “đương đầu” với một vài thách thức khó hơn. Thi thoảng, hãy thử “đổi gió” và tăng độ khó bằng cách chọn cho mình một bài nghe lạ, mang tính thử thách: đoạn băng có thể có nhiều tạp âm, kiến thức được nói đến hoàn toàn mới, giọng điệu của người trong băng là người già, trẻ nhỏ, người Canada, người châu Phi, v.v. Tất cả những điều này sẽ khiến bạn cảm thấy hơi “bối rối” một chút. Hãy thử viết chính tả nội dung được nói đến, dịch sơ qua nội dung được nói đến và tóm tắt theo ý hiểu của mình. Nếu cần, hãy sử dụng từ điển và ghi lại những từ mới. Điều này không chỉ giúp bạn tăng khả năng nghe hiểu tiếng Pháp, mà còn giúp bạn làm quen với kiến thức mới và từ vựng mới.

190918 hoc tieng Phap_03

3.Nghe cũng là một phương thức trau dồi kiến thức (nguồn: communfrancais.com)

Ngoài ra, hãy chọn cho mình một vài chương trình TV hoặc kênh youtube để xem hàng ngày, mỗi ngày khoảng 30 phút. Nghe có vẻ không nhiều lắm, nhưng nếu dài hơn, nó có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và không còn tập trung nữa. 30 phút là vừa đủ để bạn lắng nghe những chương trình mà mình yêu thích. Hãy nhớ, trong 30 phút này, hãy tắt các thiết bị điện tử có thể gây xao nhãng và tập trung hoàn toàn cho việc nghe. Một ly cà-phê hay một tách trà có thể là cần thiết để giúp bạn tỉnh táo. Việc duy trì đều đặn thói quen này sẽ giúp khả năng nghe của bạn được cải thiện đáng kể đấy!

Dưới đây là một số chương trình tiếng Pháp thú vị mà bạn có thể tham khảo:

Phim hoạt hình:
Kênh Disney FR: https://www.youtube.com/channel/UCakQLdwrxuo0KhJ49Sq2csA
Kênh Les sushis: https://www.youtube.com/channel/UCA9yuXpuuEKX3OH01pssgzA

Kênh vlogs:
Kênh French vloggers: https://www.youtube.com/channel/UCaKnsqSmRKNz3F1VhKkIJWw
Kênh Chloé Clavel: https://www.youtube.com/channel/UCQBJAcplkernGARFeXy0C_Q
Kênh Normand fait des vidéos: https://www.youtube.com/user/NormanFaitDesVideos
Kênh Cyprien: https://www.youtube.com/channel/UCyWqModMQlbIo8274Wh_ZsQ

Kênh thời sự:
Kênh France 24: https://www.youtube.com/user/france24
Kênh RFI: https://www.youtube.com/user/rfivideos
Kênh TV5 Monde: https://www.youtube.com/user/tv5monde

Kênh học tiếng Pháp qua các chủ đề:
Kênh C’est pas sorcier: https://www.youtube.com/channel/UCENv8pH4LkzvuSV_qHIcslg
Kênh 7 jours: https://www.youtube.com/user/7jours
Kênh 1 jour, 1 question: https://www.youtube.com/channel/UCLmlUMA_bGiMWWgfDwfNDgw
Kênh France tv éducation: https://www.youtube.com/user/francetveducation

Trên đây là một số chia sẻ của mình về các phương pháp học tiếng Pháp. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ lựa chọn được cho mình một cách thức học tập thật hiệu quả! Tiếng Pháp khó, nhưng hãy thật kiên nhẫn, và cố gắng học nó nhé, đừng bỏ cuộc, vì ngoại ngữ nói chung cũng như tiếng Pháp nói riêng là thứ không thể thiếu trong cuộc sống và chúng giúp bạn hiểu hơn về thế giới cũng như con người ở từng quốc gia khác nhau trên thế giới.

Rate this post

Viết một bình luận