Trong y học cổ truyền, rượu thuốc vốn vẫn được các lương y áp dụng trong chữa bệnh. Thế nhưng, gần đây tình trạng người dân tự ý ngâm rượu với nhiều loại rễ, củ cây rừng, hay nội tạng động vật… đang diễn ra phổ biến và trên thực tế đã có không ít người thập tử nhất sinh vì loại rượu tự chế này.
Suýt mất mạng do rượu ngâm
Trung tâm Chống độc – Bệnh viện (BV) Bạch Mai vừa tiếp nhận các bệnh nhân ở Thái Bình nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do uống rượu ngâm. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ, có lúc co giật, ảo giác, vật vã, hôn mê sâu.
Theo người nhà ông Vũ Tiến H, trong bữa tiệc mừng tân gia của gia đình, khi bữa ăn vừa diễn ra được khoảng 20 phút thì 2 người đang uống rượu có biểu hiện choáng váng, buồn nôn sau đó gục xuống hôn mê tại bàn. Ngay sau đó, 5 người khác cũng có biểu hiện tương tự, mọi người tá hoả đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Đến nay, may mắn 5 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình đã ổn định và được xuất viện, 2 bệnh nhân nặng đã được cấp cứu kịp thời tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai hiện 1 người đã ổn định sức khỏe được ra viện, 1 bệnh nhân vẫn còn biểu hiện tiêu cơ vân nhẹ, đã được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế huyện Đông Hưng (Thái Bình) xử lý ngộ độc và điều tra, lấy mẫu rượu và mẫu thức ăn. Qua điều tra được biết, gói quả khô mà ông H dùng ngâm rượu, do đích thân ông mang từ Lạng Sơn về.
Trong gói quả này ngoài táo mèo, chuối rừng và cà gai. Kết quả điều tra, phân tích bữa ăn, người ăn và người mắc, đồng thời kết hợp với các biểu hiện lâm sàng của những người ngộ độc đã tìm ra căn nguyên gây ngộ độc cho các bệnh nhân là loại ngộ độc do nhóm Alcaloid gây ra.
Ngoài ra, tính từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã có vài chục trường hợp nhập viện vì ngộ độc do uống rượu ngâm. Hậu quả của những vụ ngộ độc trên, nhẹ thì liệt người còn nặng thì mất mạng. Và điều đáng lo ngại nhất là có rất nhiều người thích uống rượu ngâm. Bởi họ cho rằng đây là loại rượu tốt trị được nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Từ đó, mỗi người dân có những kiểu ngâm rượu khác nhau, có một thực tế là người dân cứ nghe đồn con gì, cây gì lạ, bổ, nhất là an thần, bổ dương là cho vào ngâm rượu. Nhiều người thích uống rượu ngâm các loại cây cỏ hay mật gấu, rắn… với quan niệm rượu ngâm “không bổ dọc cũng bổ ngang”.
Tất cả các loại rượu ngâm, đa phần được chế biến qua công thức truyền miệng, ngâm theo cảm tính chứ không theo một phương pháp khoa học nào để rồi chất lượng loại rượu này ra sao, công thức chuẩn đến đâu thì không ai dám chắc chắn. Để rồi không ít người mất mạng sau một vài chén “rượu bổ” ấy.
Người dân dễ nhầm cà độc dược với vị thuốc quý
Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng rượu ngâm. Có lần, trung tâm tiếp nhận đến 4 ca ngộ độc mật cá trắm hay các loại củ, rễ cây rừng,… Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu cho biết họ ngâm thuốc với rượu, trong đó rượu được đặt từ những người quen biết nhưng thuốc lại được mua từ những người bán trôi nổi với công dụng “có một không hai”.
Nói về loại cà độc dược mà ông H. ở Thái Bình đem về ngâm rượu uống, Lương Y Vũ Quốc Trung cho biết cà độc dược cũng là một cây thuộc họ cà. Người dân thường dễ bị nhầm lẫn cà độc dược với cà gai. Nhiều người nghĩ cà gai tốt cho gan, hạ men gan nên chưa phân biệt được cà gai và cà độc dược.
Trong đông y, cà độc dược được dùng để chữa bệnh hen, tuy nhiên cũng rất ít được dùng vì cà độc dược có chứa chất độc, được xếp vào bảng có độc tính cao, các thành phần alcaloid có khả năng hủy phó giao cảm, tạo ảo giác mạnh, mê sảng, hoang mang, khiến con người không thể phân biệt được thực tế và tưởng tượng. Do đó, cà độc dược tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu và người dân không nên tự ý dùng cà độc dược để chữa viêm xoang hay bệnh hen.
Không chỉ có mỗi cà độc dược, ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo có rất nhiều loại hạt, củ hoặc bộ phận của động vật cực kỳ độc, uống vào nguy cơ tử vong rất cao nhưng không ít người chủ quan mang ngâm rượu.
Ví dụ như hạt mã tiền hay củ ấu tàu đều là những loại rất độc nhưng có một số người cho rằng độc có thể trị độc nên biến tấu bằng cách gia giảm, thêm các vị thuốc để ngâm rượu uống chữa bệnh.
Kết quả là bệnh không khỏi mà có thể bị ung thư gan, xơ gan, thậm chí mất mạng vì không được cấp cứu kịp thời. Nếu ngộ độc nhẹ, có cảm giác như kiến bò, cảm thấy đầu và lưỡi to ra, tê đầu các chi, chóng mặt, loạng choạng… Nếu nặng hơn sẽ bị tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, hôn mê, suy hô hấp, tử vong.
Do đó, để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu, cần hạn chế uống rượu; không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân không tự ngâm các loại các cây, con và các bộ phận của động vật, côn trùng,… để tránh gây hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố, đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền.
Tuyệt đối không dựa vào tin đồn, tự ý sưu tầm mà mua nguyên liệu lạ về ngâm và khi uống rượu thì phải đúng liều lượng vì nếu uống nhiều thì có thể có phản ứng của cơ thể, nhất là những người mắc bệnh dạ dày, gan.
Tốt nhất chỉ nên dùng 1-2 ly nhỏ cách ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngoài ra, nên kết hợp ăn uống đầy đủ dưỡng chất và có chế độ rèn luyện phù hợp để đảm bảo sức khỏe.