Thiên chức là hạnh phúc vô bờ, cũng là những nỗi niềm không tên

Mỗi phụ nữ đều mang một thiên chức lớn lao, đòi hỏi tri thức phong phú nhất, nhân cách cao cả nhất, sự hy sinh lớn nhất, đó chính là làm vợ, làm mẹ.

Mỗi phụ nữ đều mang một thiên chức lớn lao, đòi hỏi tri thức phong phú nhất, nhân cách cao cả nhất, sự hy sinh lớn nhất, đó chính là làm vợ, làm mẹ. Thiên chức ấy là đặc quyền, nhưng cũng là thứ áp lực vô hình khiến họ quên đi việc sống cho bản thân.

Không phải tự nhiên mỗi phụ nữ đều được gắn với hai từ “thiên chức” – chức phận ở trên trời. Chu toàn cho gia đình to và nhỏ, mạnh mẽ bao bọc con suốt 9 tháng 10 ngày trong cơ thể khó nhọc, thức dậy sớm nhất để chuẩn bị bữa ăn thật ngon, đi ngủ muộn nhất để lo giấc ngủ con vẹn tròn… phụ nữ được làm những việc mà không ai có thể làm thay, nhưng cũng nhận đủ những khó khăn khó ai có thể san sẻ.

Những nỗi niềm không tên ẩn sau hai từ “thiên chức” ấy mới đây đã được thể hiện rõ nét trong phim ngắn Mẹ. Phim được công chiếu đúng dịp 8/3 đã để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm cho người xem về thiên chức của người phụ nữ.

Phim ngắn ‘Mẹ’ Phim ngắn ra mắt dịp 8/3 đã thể hiện tâm tư của những đóa hồng đẹp đẽ – những người mẹ, nhưng trớ trêu thay, vì gánh nặng thiên chức, họ chỉ đang sống như nửa đóa hồng.

Trong suy nghĩ của hầu hết phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt nói riêng, thiên chức là thứ gì đó rất đỗi thiêng liêng, là món quà tạo hóa dành riêng cho họ mà đấng mày râu không bao giờ trải qua hay cảm nhận được.

Thiên chức mang đến cho họ cơ hội được cảm nhận một cơ thể bé nhỏ hình thành, lớn lên và ngọ nguậy bên trong cơ thể họ. Đó còn là sự vất vả trong suốt quá trình mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, là sự đau đớn lúc chuyển dạ vốn được ví như việc bị gãy hàng chục chiếc xương sườn cùng lúc, và đó là niềm hạnh phúc đến tột cùng khi nghe tiếng khóc chào đời của con.

Thiên chức ý nghĩa là vậy, nên phụ nữ mặc định việc chu toàn công việc trong nhà, hy sinh vì chồng là trách nhiệm của họ. Suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ phụ nữ từ bà đến mẹ, và được khắc họa chân thực trong phim ngắn Mẹ.

Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh người mẹ (diễn viên Hồng Ánh thủ vai) tất bật trong gian bếp nhỏ, với đôi tay không lúc nào ngơi việc, bóng dáng ẩn trong làn hơi nước và khói mờ.

Cũng như ngoại (NSƯT Kim Xuân thủ vai), mẹ gác lại công việc, sở thích, đam mê thời con gái. Mẹ ăn mặc tươm tất để ra ngoài nhưng rồi lại ngập ngùi thay bộ đồ ngủ khi thấy tiếng con ho. Sau giờ làm, mẹ bỏ qua lời mời tụ tập của đồng nghiệp, sấp ngửa đi chợ mua mua cây súp lơ về làm món ăn con thích rồi lại vòng xe đến trường đón con. Tối đến, thay vì dành vài phút để nghỉ ngơi thì mẹ lại tất bật giặt giũ, phụ hai bà nội – ngoại làm nhang để kiếm đồng ra đồng vào.

24 giờ một ngày dường như là chưa đủ với mẹ. Thế nhưng, trong suy nghĩ của ngoại – một người phụ nữ của thế hệ cũ, chừng ấy là chưa đủ để làm tròn thiên chức.

Ngoại góa chồng từ sớm, một mình nuôi mẹ và các anh chị em ăn học, nên những quan niệm về “tam tòng tứ đức”, “công – dung – ngôn – hạnh” đã ăn sâu vào tiềm thức của bà. Luôn quan niệm “Làm vợ làm mẹ là phải làm cho tới, không người ta nói cho”, ngoại coi gia đình là lẽ sống và muốn con gái mình cũng vậy. Mẹ dẫu giỏi ngoại ngữ nhưng chỉ làm công việc văn phòng nhàm chán ngày qua ngày, chẳng dám “vẫy vùng” với giấc mơ hướng dẫn viên du lịch, bởi làm vậy thì đâu có thời gian cho chồng con, làm vậy thì sẽ “tan cửa nát nhà” như ngoại vẫn nói.

Việc hy sinh cuộc sống cá nhân, dành cả cuộc đời để chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái với ngoại là lẽ đương nhiên. Cũng vì vậy, ngoại vô tình áp đặt suy nghĩ ấy lên mẹ, và khóa chặt đôi cánh muốn vẫy vùng của con gái mình bằng chính hai từ “thiên chức”.

Trong phim, mẹ cất đi niềm hạnh phúc của bản thân sau khi lấy chồng – sinh con, nhận lấy niềm vui từ niềm vui của người khác. Cứ thế, mẹ gần như quên đi mình cũng từng là một cô gái giỏi tiếng Pháp, yêu nghệ thuật, thích vẽ và đam mê tới đó đây để trải nghiệm những vùng đất mới. Mẹ mải miết với công việc làm vợ, làm mẹ, tất bật chu toàn mọi việc trong nhà để gia đình mình được vẹn toàn, hạnh phúc.

Mẹ quên rằng, sau tất cả, bản thân vẫn là một người sinh ra thuộc phái đẹp; vẫn bị hấp dẫn bởi chiếc váy điệu đà, đôi giày xinh xắn; vẫn mang trong mình những sở thích rất riêng như một chiều thu lang thang dọc bờ hồ, vào quán cà phê quen và đọc vài trang sách còn thơm mùi giấy mới…

Mẹ hy sinh cho gia đình, giấu đi sở thích của bản thân khiến cả cô con gái nhỏ cũng không hề biết rằng, người mẹ quanh năm ở nhà làm nội trợ và “không biết gì đâu” của mình cũng từng có một thời tuổi trẻ rực rỡ đến thế, cho đến khi cô bé phát hiện chiếc hộp bí mật cất giữ bao ký ức thanh xuân của mẹ.

OMO anh 1OMO anh 2

Trái ngược với mẹ, hình ảnh cô Ba (diễn viên Hồng Kim Anh) trong phim lại hoàn toàn đối lập. Nét mặt rạng rỡ, thần thái tự tin và đầy sức sống, cô Ba là hiện thân cho hình ảnh người phụ nữ hiện đại, độc lập với những suy nghĩ tích cực, biết sống cho bản thân. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên với lời mời chị dâu đi du lịch cùng mình, cô Ba đã thể hiện rõ tính cách và quan điểm cá nhân, khi chị rụt rè đưa ra quyết định bởi lo gia đình không có ai chăm sóc. ”Có nội có ngoại có chồng có con lo, Hai cứ đi, hổng sao đâu mà sợ!”, cô Ba nói.

Với cô Ba, phụ nữ không phải chỉ quẩn quanh nơi xó bếp, bất kể đã lập gia đình hay còn độc thân. Phụ nữ phải có ước mơ, thú vui riêng và thời gian cho bản thân bên cạnh những trách nhiệm dành cho gia đình. Cô cũng khuyến khích chị dâu đi dẫn tour nước ngoài thêm để không phí hoài khả năng của bản thân, bởi theo cô “Đàn bà giờ đi làm mấy ông chưa chắc mần lại”.

Tư tưởng hiện đại của cô Ba không chỉ đối lập với suy nghĩ xưa cũ của ngoại, của mẹ mà còn cho thấy vẻ đẹp rạng rỡ, trọn vẹn của một người phụ nữ được sống đúng với ước mơ, đam mê và làm chủ được cuộc sống của mình.

Sự xuất hiện thoáng qua của cô Ba cũng góp phần làm nổi bật thông điệp mà bộ phim gửi gắm, rằng không chỉ mẹ, ngoại mà rất nhiều người phụ nữ Việt cũng đang quên đi việc phải sống cho chính mình.

Trong thế giới của những người mẹ truyền thống, thành công không đong đếm bằng lương thưởng hay giá trị vật chất, sự công nhận của xã hội, mà tính bằng sức khỏe, sự hạnh phúc của người mình thương yêu. Cũng vì vậy, người phụ nữ của gia đình luôn đau đáu việc mình chưa làm tròn thiên chức mà vô tình quên mất bản thân mình cũng cần được yêu thương, trân trọng và trải nghiệm những điều mới mẻ, hay chỉ đơn giản là được sống với đam mê thuở son rỗi.

“Mẹ nói bàn tay người phụ nữ giữ ngọn lửa ấm cho gia đình. Bàn tay con nhỏ bé quá, làm sao nắm thêm được ước mơ riêng?”, dòng chữ mẹ viết trong bức tranh không chỉ khiến cô con gái xúc động, mà để lại nhiều suy ngẫm cho cả những người xem đã, đang và sắp làm mẹ, làm vợ.

Sống vì gia đình sẽ khiến người phụ nữ hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc đó sẽ thực sự trọn vẹn hơn khi họ biết sống cho cả chính mình. Tương tự như một bông hồng, khi mất đi một nửa trông nó vẫn đẹp khi nhìn từ một phía, nhưng sẽ không trọn vẹn khi nhìn từ phía ngược lại. Phụ nữ cũng vậy. Dành thêm thời gian cho bản thân, học thêm một thứ mình thích, tự tạo những trải nghiệm cá nhân, bên cạnh những lo toan thường nhật của chuyện gạo – dầu – mắm – muối, phụ nữ khi ấy sẽ cảm nhân được hạnh phúc trọn vẹn.

Kết phim, hình ảnh cô con gái nhỏ cất tiếng gọi “Mẹ ơi” cùng ánh sáng và thanh âm rộn rã ùa vào căn phòng đang chứa nhiều suy tư của mẹ, làm khuôn mặt mẹ bỗng trở nên rạng rỡ. Biên kịch không xây dựng một cái kết rõ ràng, nó giống như một dấu chấm lửng để người xem viết tiếp câu chuyện theo mong ước riêng của họ. Đó có thể là dấu hiệu của sự đồng cảm và thấu hiểu từ cô con gái, cũng có thể sau đó là bước chuyển mình mạnh mẽ của người mẹ để trở nên mạnh mẽ hơn, sống vì mình nhiều hơn. Mẹ cũng như tất cả phụ nữ khác, sẽ trở nên rực rỡ như một bông hồng khi biết tự yêu chính mình.

Rate this post

Viết một bình luận